Chỉ những đứa trẻ cảm thấy an toàn mới dám liều. Người lớn nhát gan bởi vì họ chẳng bao giờ có thể cảm thấy an toàn.
1. Khi ai đó không có thời gian cho vấn đề của bạn, họ sẽ đưa lời khuyên. Lúc bạn đang không ổn và họ chỉ muốn nói về giải pháp, nghĩa là họ chỉ quan tâm làm sao để bạn bình thường trở lại. Họ không muốn biết: “Sự bất ổn của bạn đang muốn nói lên điều gì?”. Có điều gì khiến bạn không thể giữ được nữa?
Giống như mỗi khi đói họ đưa bạn một thỏi socola, bạn sẽ không bao giờ biết mình thực sự đói thứ gì. Nhưng nếu được lắng nghe, bạn sẽ khôi phục cảm giác thèm nói và bắt đầu nói lại để biết mình muốn nói gì.
Có những người chỉ nhắn tin cho bạn lúc buồn, vì họ nghĩ bạn cho phép họ được buồn khi họ đang buồn. Nhưng lại không nhiều người có thể kiên nhẫn với nỗi buồn của bạn, vì chính họ cũng không thể chịu được sự khó chịu trong họ (đến con nít còn bị bắt nín ngay, trước khi tự nín).
Hãy đi ‘đám tang’ của người khác, nếu bạn muốn họ đến ‘đám tang’ của mình: Chia sẻ và giữ hộ nỗi buồn cho nhau là cách dễ nhất để lại gần nhau. Chìa khoá bí mật bước vào cuộc đời nhau là “Cậu phiền lòng vì điều gì, không phải cái gì khiến cậu vui”. Có lẽ, “Tớ vẫn ổn” là lời nói dối nhiều nhất mà chúng ta nghe được.
2. Chúng ta muốn dựa vào người khác, nhưng sợ dựa dẫm vào họ. Nỗi đau khiến bạn tin người khác có thứ mình cần: chúng ta vươn ra khi đau, kêu cứu khi rất đau. Người làm bạn hết buồn là người xác nhận sự phụ thuộc của bạn: Bạn ghen tỵ với họ, vì họ có thể làm mình vui, thay vì bạn tự vui một mình.
Có những người né tránh sự thân mật vì họ rất bất an khi mở lòng với ai đó. Họ phải giữ vững ranh giới để bảo vệ sự độc lập của mình. (Các sát thủ trong phim không được yêu ai và không còn ai yêu).
Chỉ những đứa trẻ cảm thấy an toàn mới dám liều. Người lớn nhát gan bởi vì họ chẳng bao giờ có thể cảm thấy an toàn.
3. Khi bạn không ổn, suy nghĩ mình “phải ổn” sẽ càng khiến bạn bất ổn hơn. Bạn không thể ra lệnh cho cảm xúc của mình lúc đó, và càng không nên nghe theo tiếng nói luôn chỉ trích bên trong mình. (“Mày yếu đuối, kém cỏi, dễ khóc thế sao! Mày phải tốt lên, phải hơn thế này, phải chứng tỏ mình chứ!”)
Suy cho cùng, khi một em bé ngã, mẹ luôn có thể nói: “Ngu chưa, mẹ đã nói rồi mà”, hoặc vẫn sẽ nói thế, nhưng để lúc khác. Bạn luôn thừa thời gian cho việc tự căm ghét mình, chỉ là không phải lúc đó.
Sự thật là chúng ta yêu mình hơn bất cứ ai trên đời, và cũng ghét mình hơn bất cứ ai trên đời. Bạn luôn có phiên bản thần tượng về bản thân (10 năm sau, tôi sẽ là…), nhưng bạn lại nói xấu mình nhiều nhất. Không ai làm bạn buồn nhiều bằng kẻ cứ luôn dằn vặt bạn trong đầu này. Không chỉ là “thương người như thể thương thân”, mà hãy “thương mình như bạn thương người khác”.
Nếu chúng ta gặp “giọng nói thì thầm” này ngoài đời thực, hẳn hắn (kẻ phê bình nội tâm chuyên nghiệp, kẻ luôn bới lông tìm vết, kẻ thất bại trong mọi thứ trừ việc chê người khác thất bại) là đứa bạn xấu tính, thô lỗ, cục cằn, bệnh hoạn nhất… trên đời mà bạn từng biết.
Hẳn là “hắn” có một bà mẹ suốt ngày mắng mỏ, một cuộc đời quá nhiều sóng gió, một tiêu chuẩn đạo đức quá hoàn hảo khiến hắn không thể nói lời yêu thương, không thể thư giãn, không thể ngừng công kích. Vì “hắn” mà bạn ghét mình đến vậy (Mình là đứa béo, dốt, không ai yêu…). Bạn không thể bỏ hắn, nhưng bạn có thể bỏ qua những gì hắn nói. Cho “hắn” phản biện, nhưng đừng cho hắn phản bội.
Vậy nên, khi bạn không ổn, và hắn lại ý kiến (Mày phải tư duy tích cực lên!), chỉ là hãy tắc mic, và cho phép bạn yên lặng với nỗi buồn của mình.