Ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết việc viết cuốn sách đầu tiên đã mở đường cho ông gắn bó với ngành xuất bản trong suốt 20 năm qua.
Từ một cậu bé ham đọc sách, thích tìm ra những “chân trời mới” qua những trang sách và sau này là mạng Internet, ông Nguyễn Cảnh Bình trở thành tác giả sách ở độ tuổi 30 và là CEO của hai công ty sách (Alpha Books và Omega Plus Books). Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) và người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.
Các tác phẩm của ông có thể kể đến Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? Alexander Hamilton, Sinh năm 1972,… Sau gần 20 năm gắn bó với ngành xuất bản, ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ với Zing về câu chuyện viết sách của bản thân cũng như góc nhìn của một người làm xuất bản sách ở Việt Nam.
Hành trình viết nên cuốn sách đầu tiên
– Từ khi nào ông có ý định viết sách và bắt đầu viết như thế nào?
– Tôi viết cuốn sách đầu tiên vào năm 2000. Trước đấy mấy năm tôi đã phải bắt tay vào nghiên cứu, suy nghĩ về nó. Lý do thứ nhất là khi đó có một cuộc bầu cử giống cuộc bầu cử giữa Donald Trump với Biden gần đây vậy, có khá nhiều xung đột khiến mọi người chú ý, xã hội Việt Nam cũng chú ý. Cuối năm 2000 thì tôi bắt đầu tập trung nghiên cứu về nó.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu về nước Mỹ, tôi muốn tìm hiểu một cái gì đó sâu sắc. Tôi tự đặt ra câu hỏi cho mình, vì sao nước Mỹ hùng mạnh? Tại sao những công ty công nghệ hàng đầu đều ở nước Mỹ?
Trước đây, những cuốn sách về chủ đề này hầu như không có. Khi đó, tôi đang là một chuyên viên làm việc ở trong một công ty xăng dầu, nơi cho tôi nhiều điều kiện để tiếp cận Internet từ khá sớm. Vì thế, song song với công việc chính thì tôi vẫn ham đọc sách và mày mò nghiên cứu trên Internet.
– Ông tìm được tài liệu cho việc nghiên cứu, viết sách của mình ra sao?
– Tài liệu tiếng Việt không đủ, gần như 100% là tôi dùng tài liệu gốc bằng tiếng tiếng Anh. Nơi tôi tham khảo nhiều nhất là Internet và đặc biệt là Thư viện Quốc hội Mỹ. Ngày ấy tốc độ đường truyền chậm, phức tạp và lại đắt đỏ. Tôi lại cũng chẳng có nhiều tiền, thế nên mỗi lần tìm được tài liệu gì, tôi tải ngay về rồi tắt ngay đi. Đó là một số kỹ thuật để truy cập Internet khi không có nhiều tiền. Tóm lại là nhờ có tiếng Anh, cặm cụi tìm hiểu về Internet từ trước mà tôi có thể tiếp cận được một nguồn tài liệu từ nước Mỹ xa xôi.
– Ông từng chia sẻ bạn bè đều khá bất ngờ trước quyết định viết sách của mình, vậy điều gì khiến ông vẫn kiên quyết với ý định đó?
– Lúc dự định viết, tôi có nói với bạn bè rằng mình sẽ viết một cuốn sách như thế. Mọi người đều thấy khó hiểu và hỏi làm sao mà tôi viết được. Một người không học về luật, chưa đi Mỹ bao giờ lại làm cho ngành kỹ thuật thì làm sao viết được một công trình dày đến 800 trang về một chủ đề rất là xa lạ, rất lạ lẫm đó.
Đấy là một thách thức rất lớn đối với tôi khi đó. Lúc mới bắt tay vào nghiên cứu, tôi thậm chí còn chưa hình dung nó sẽ như thế nào, nhưng tôi tin rằng tôi sẽ phải làm được, rằng tôi sẽ vượt qua, tôi sẽ làm được một cuốn sách gì đó. Điều quan trọng là tôi thấy được ý nghĩa nào đấy của công việc.
Thực ra để có được một niềm tin vững chắc như thế thì đó là trải nghiệm của cả một hành trình dài. Nó không bắt đầu tại thời điểm viết cuốn sách khi tôi 28 tuổi, mà là từ khi tôi tầm 15 tuổi. Tôi viết bài báo đầu tiên năm 15 tuổi. Tất nhiên độ tuổi đó vẫn quá nhỏ để hiểu về câu chuyện thế giới. Cho đến năm 30 tuổi lúc tôi xuất bản cuốn sách này thì tôi đã có 15 năm để trải nghiệm, làm quen với những lối tư duy, hành động và phát triển rồi chứ không phải đến lúc đấy tôi mới mới làm được việc này.
Ấp ủ dự định viết tiếp về Việt Nam
– Quá trình ông xuất bản cuốn sách đầu tiên diễn ra như thế nào?
– Tôi hoàn thành quyển sách này đâu đó khoảng năm 2001-2002, thế nhưng không tìm được nhà xuất bản. Một trong những băn khoăn lớn là không biết liệu cuốn sách có bán được không. Tóm lại là rất mất công, mất sức xong rồi phải chờ thêm 2, 3 tháng mới có câu trả lời. Cho nên mãi mà không xuất bản được. Sau đó tôi chuyển cho một nhà xuất bản khác, chờ thêm vài tháng thì xuất bản được.
Chính vì cái khó khăn vất vả của câu chuyện xuất bản ấy nên một năm sau tôi lập công ty. Như vậy, cuốn sách đầu tiên đã mang lại cho tôi hai điều. Thứ nhất là mở đường để tôi nghiên cứu về Hiến pháp. Điều thứ hai ban đầu không phải là mục tiêu chính mà rồi lại là mục tiêu chính, đấy là giúp cho tôi hiểu về ngành xuất bản và giúp cho tôi thành lập hai công ty sách về sau.
– Từ một tác giả trở thành người làm sách, cảm nhận của ông khi đứng ở cả hai vị trí này như thế nào?
– Trước tiên là tôi tự tin mình hiểu gần như toàn bộ quá trình xuất bản một cách trọn vẹn từ khi lên ý tưởng, viết sách, cho đến việc kinh doanh như thế nào…
Nói chung, tôi cảm thấy mình hiểu biết hơn, kiểm soát tốt hơn và hiểu được những cái khó khăn của cả hai phía. Tôi cảm thấy xuất bản vẫn còn khó khăn quá, dù bây giờ đã dễ hơn rất nhiều rồi, nhưng nhiều người bên ngoài vẫn không biết làm như thế nào để xuất bản một cuốn sách.
– Nếu như tiếp tục công việc viết sách, ông sẽ viết những tác phẩm như thế nào?
– Tôi sẽ viết về Việt Nam, bởi vì chúng ta đã học được rất nhiều điều về thế giới rồi. Chúng ta không còn xa lạ với thế giới sau 20-30 năm hội nhập nữa, việc người Việt Nam hiểu thế giới không còn là vấn đề lớn. Điều tôi nghĩ mình cần làm bây giờ là viết một tác phẩm về Việt Nam hoặc vận động, kêu gọi những học giả, những trí thức ở Việt Nam viết những công trình nghiên cứu về tư tưởng học thuật của Việt Nam. Nếu viết tiếp thì tôi sẽ muốn viết những tác phẩm như thế.
– Còn kỳ vọng của ông với ngành xuất bản Việt Nam hiện tại thì sao?
– Sau hai mươi năm, nền xuất bản Việt Nam đã tiến bộ, có thể coi là tốp đầu Đông Nam Á. Thứ nhất là vì chúng ta tuân thủ công ước Berne về bản quyền, đã bảo vệ quyền tác giả tốt hơn. Thứ hai là chúng ta đã bắt được nhịp với thế giới. Nhìn chung, người Việt Nam đã tiếp cận với sách vở dễ hơn trước rất nhiều, từ việc viết sách cũng như mua sách so với hai mươi năm trước.
Có lẽ bây giờ mong muốn của tôi là những quyển sách của mình có thể được ra mắt đồng thời với thế giới. Nếu người Mỹ xuất bản cuốn sách của Donald Trump vào ngày hôm nay, ví dụ, thì chúng ta cũng có thể xuất bản cuốn sách như vậy.
Theo Thanh Trần/ Zing