Hơn 6.000 lao động được tư vấn giới thiệu việc làm
Mới đây, trong báo cáo giữa kỳ về tình hình thực hiện Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai đã có những báo cáo cụ thể về tiến độ thực hiện.
Theo đó, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc nhằm phục vụ tốt hơn cho việc cập nhật và phổ biến thông tin việc tìm người, người tìm việc. Trong những năm qua, Sở LĐTBXH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm thực hiện cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cổng thông tin điện tử việc làm, hệ thống máy móc, thiết bị. Kết quả trong giai đoạn 2021 đến nay, số người có nhu cầu tìm việc và được thu thập, cập nhật thông tin tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm là 1.631 người (lao động nữ là 833 người); trong đó số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 104 người (lao động nữ là 55 người).
Về hỗ trợ giao dịch việc làm, theo báo cáo của Sở LĐTBXH, số lao động được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; kết nối việc làm trên địa bàn toàn tỉnh là 99.664 lao động.
Số sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm đã được tổ chức thực hiện là 25 sàn, trong đó có 2 Sàn giao dịch việc làm trực tuyến; 21 Sàn giao dịch việc làm trực tiếp, 1 Ngày hội việc làm, 1 phiên giao dịch việc làm trực tiếp có kết nối trực tuyến cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước. Các phiên giao dịch đã thu hút sự tham gia tuyển dụng của 260 lượt đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả có 6.191 lượt người lao động được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm, bao gồm lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, huyện nghèo; đối tượng là nữ giới chiếm tỷ lệ khoảng 1%, tương ứng 61 người.
Ngoài các hoạt động trên, thực hiện Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”, tỉnh cũng làm tốt công tác thu nhập, phân tích, dự báo thị trường lao động. Việc khai thác, sử dụng nguồn thông tin dữ liệu cung – cầu lao động nhằm phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch kinh tế, lao động, việc làm hàng năm của địa phương.
Đồng thời, dữ liệu điều tra cũng là nguồn kiểm chứng đánh giá mức độ đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên theo chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trên cơ sở dữ liệu cầu lao động, các thông tin liên quan đến doanh nghiệp được cập nhật thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu việc làm tạo công việc ổn định cho người lao động và xây dựng các chính sách hỗ trợ thích hợp với từng đối tượng…
Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm 80% hộ nghèo hiện có (mỗi năm giảm từ 17% đến 35% hộ nghèo). Bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, dự án thuộc chương trình giảm nghèo theo quy định, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo.
Tuy nhiên từ năm 2020, phần mềm cung cầu lao động của Cục Việc làm quản lý bị sự cố không hoạt động được nên hiện nay, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai đang tham mưu UBND tỉnh dự thảo kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động tỉnh Đồng Nai giai đoạn năm 2023 – 2025. Trong đó năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Nai sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng phần mềm quản lý lao động theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BLĐTBXH tích hợp trên cơ sở phần mềm An sinh xã hội do cơ quan quản lý để phục vụ cung cấp thông tin thị trường lao động.
Năm 2024 và 2025, Sở LĐTBXH phối hợp UBND các huyện, thành phố thực hiện điều tra thông tin lao động, việc làm trên toàn tỉnh để làm cơ sở phân tích và dự báo biến động tình hình thị trường lao động.
Tỉnh cũng thực hiện tổng hợp bơn 3,3 nghìn dữ liêu viêc làm trống với hơn 5.000 lượt vị trí và thông tin đào tạo nghề phổ biến phục vụ người lao động. Thực hiện thống kê lượt truy cập trên cổng thông tin điện tử việc làm là 650.871 lượt truy cập.
Kết nối việc làm thành công cho hơn 174 nghìn lao động
Tỉnh Đồng Nai là một trong ít tỉnh thành trong cả nước dẫn đầu trong các hoạt động tư vấn, giải quyết kết nối việc làm cho lao động, trong đó có các lao động nghèo.
Tỉnh giải quyết việc làm thông qua nhiều kênh như: Tuyển dụng lao động tổ chức; doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm, các sàn giao dịch trực tiếp/trực tuyến; tư vấn cho người lao động thông qua điện thoại, các kênh thông tin xã hội (fanpage hoặc Website của Trung tâm Dịch vụ Việc làm); chia sẻ thông tin tuyển dụng lao động đến các địa phương khác…
Từ năm 2021 đến tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 174 lượt người lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 9.433 lao động được giải quyết việc làm thông qua kết nối tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm và các sàn giao dịch việc làm (các đối tượng là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động nữ giới khoảng 25 người).
Ông Nông Văn Dũng – Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh ủy, UBND rất quan tâm tới việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói chung và tiểu dự án 4.3. Hỗ trợ việc làm bền vững nói riêng.
Tuy vậy, do tình hình kinh tế khó khăn, đã tác động không nhỏ tới thị trường lao động việc làm. Bên cạnh đó, do phần mềm cung cầu trên toàn quốc không hoạt động nên công tác dự báo, phân tích thị trường lao động còn hạn chế.
Trước thực trạng đó, để làm tốt hơn công tác hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động nói chung và các đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sở kiến nghị một số giải pháp mới đây
“Sở kiến nghị, chỉ đạo phòng LĐTBXH các huyện, thành phố tích cực thực hiện khảo sát chính xác nhu cầu việc làm của người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để thống kê danh sách, nhất là những người trong độ tuổi thanh niên, đối chiếu với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc gần nhà của hầu hết lao động hiện nay và nâng cao hiệu quả giải trong công tác giải quyết việc làm của các huyện, thành phố. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu những người lao động đi đào tạo nghề, nâng cao trình độ tay nghề nhằm đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp và mở rộng cơ hội lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với mức lương và chế độ ổn định hơn”, ông Nông Văn Dũng nêu kiến nghị.