Đợi hết hợp đồng là về nước
Khoảng 5 tháng nay, công việc của anh Nguyễn Hữu Trinh, 35 tuổi (Thanh Hóa) – nông dân đang làm việc tại trang trại ngoại thành Tokyo, Nhật Bản, không được thuận lợi như trước. Anh sang làm việc được 3 năm, tính thi thêm chứng chỉ tiếng Nhật để ở lại làm việc thêm nhưng anh Trinh lại đang tính chuyển hướng về quê sau khi hết hợp đồng.
Anh Trinh kể, bình thường lương anh được khoảng 130.000 – 150.000 yên/tháng (tương đương 1.300 – 1.500 USD, tức khoảng 32 -35 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, gần đây đồng yên mất giá liên tục, người lao động như anh cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Anh Trinh kể: “Ở bên này chi tiêu tốn kém, vì thế chúng tôi phải cắt giảm hết chi tiêu so với trước. Chi phí tiền nhà, tiền ăn ở cũng mất hơn 1 nửa”.
Theo tính toán, 2 năm trước, đồng Yên Nhật vẫn ở mức giá 208,97 đồng/Yên, giờ chỉ còn 163,18 đồng/Yên. Vì thế trước đây những lao động như anh Trinh trung bình cũng có thể gửi về nhà được từ 20-25 triệu đồng thì giờ số tiền tiết kiệm cũng giảm đi, chỉ còn có thể gửi về nhà được chừng 15-16 triệu đồng/ tháng.
“Lao động phổ thông đi làm việc tại Nhật Bản cũng phải đầu tư gần trăm triệu đồng mới có thể đi làm việc ở Nhật Bản, nhưng nếu đồng Yên cứ tiếp tục mất giá thế này, chúng tôi đi làm hết 3 năm chưa chắc đã dư và có tích lũy”, anh Trinh băn khoăn.
Những lao động phổ thông thì bắt buộc phải làm việc tiếp với hy vọng kiếm đủ tiền trả nợ và có chút tích lũy trở về làm ăn sinh sống ở quê nhà, nhưng nhiều lao động đi Nhật theo diện kỹ sư thì không mấy mặn mà. Nhiều người đã trở về Việt Nam hoặc lên lịch trở về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam (39 tuổi) cùng 2 con gái dự định sẽ quay về Việt Nam định cư sau 6 năm sinh sống và làm việc bên Nhật.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, đạt trên 60% kế hoạch năm 2023 (năm 2023, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 110.000 lao động).
“Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ định cư luôn ở Nhật, tuy nhiên công việc của vợ tôi không thuận lợi, giờ thu nhập bên này cũng không chênh nhiều so với ở Việt Nam nên tôi xin quay về công ty cũ tại Việt Nam”, anh Nam chia sẻ.
Anh Nam cho biết thêm, hiện tại lương của một kỹ sư ở trụ sở Việt Nam khoảng 27 triệu đồng, trong khi đó lương của anh ở Nhật là 38 triệu đồng/tháng. Dù có cao hơn ở Việt Nam hơn 10 triệu đồng nhưng mức này không đủ chi tiêu vì giá cả sinh hoạt, nhà cửa bên Nhật đều đắt hơn.
Nhật Bản vẫn là thị trường dẫn đầu về XKLĐ
Bất chấp những khó khăn mà lao động đang gặp phải do đồng yên bị mất giá, nhiều lao động Việt Nam vẫn chọn thị trường Nhật Bản làm nơi đi xuất khẩu lao động.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đỗ Nhật Tân – Phó tổng giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động LOD cho biết, thị trường Nhật Bản vẫn là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam.
“Nếu theo tính toán, mức chênh lệch về thu nhập của một kỹ sư làm việc ở Nhật và Việt Nam không nhiều nhưng với lao động phổ thông thì khác. Nhiều lao động phổ thông của chúng ta mất việc làm, không có việc thu nhập ở Việt Nam chỉ 6-7 triệu đồng/tháng vì thế nếu đầu tư học hành đi Nhật thu nhập vẫn cao gấp 5-6 lần. Tất nhiên là sau khi trừ chi phí khoản tiền tiết kiệm được có lẽ sẽ giảm đi một chút so với trước đây do đồng Yên mất giá nhưng theo tôi đi làm việc tại Nhật Bản vẫn mang lại nhiều cơ hội cho lao động”, ông Tân nói.
Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cũng cho thấy Nhật Bản là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động Việt Nam.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, trong đó dẫn đầu là thị trường Nhật Bản với 34.508 lao động sang làm việc. Tiếp đến là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 5.337 lao động, Hàn Quốc 398 lao động nam, Trung Quốc 173 lao động nam, Ba Lan 153 lao động, Hungary 143 lao động…
Như vậy, thị trường lao động lớn là Nhật Bản tiếp tục có những tín hiệu tích cực trong 6 tháng qua. Đặc biệt mới đây, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ có thể lưu trú lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho “chương trình kỹ năng đặc định” số 2.
Theo đó, việc Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề bao gồm chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định” đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.
Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, đây là cơ hội để tăng số lượng, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam.
Đây hứa hẹn là những điều kiện để “níu” chân lao động Việt Nam ở lại đất nước mặt trời mọc này.