Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ: Điểm nhấn thu hút du khách bằng nét văn hóa, bản sắc riêng
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, bao quanh là núi rừng và bên dưới là thung lũng với những ruộng lúa tuyệt đẹp, gây ấn tượng mạnh cho du khách.
Thú vị hơn, khi bước chân vào trong bản là cả một không gian trong lành, xanh mướt, sạch sẽ. Cây xanh tỏa bóng mát được trồng khắp nơi, đặc biệt là 30.000 chậu địa lan được đặt từ đầu bản đến cuối bản, lối ngõ chung, trong vườn nhà của mỗi homestay mà không cần trông nom.
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ còn gây ấn tượng cho du khách bằng những hàng rào đá được xếp bằng tay bao quanh nhà. Là những chiếc cổng được trang trí tỉ mỉ, mỗi hộ gia đình trong bản đều có thiết kế riêng, mang đậm bản sắc. Là những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông.
Bản còn thu hút du khách bằng phiên chợ với 54 gian hàng tượng trưng cho 54 dân tộc bày bán hàng hóa, đồ thủ công, váy áo… những trải nghiệm nét văn hóa sinh hoạt của người Mông như dệt vải lanh, vẽ sáp ong, giã bánh giầy… thưởng thức ẩm thực đặc sản, đồng thời là khám phá những địa điểm thiên nhiên như thác tình yêu, thác trái tim, Bạch Mộc Lương Tử, Sơn Bạc Mây, Răng Cưa, Tả Liên Sơn.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ cho biết, các hộ dân ở đây rất đoàn kết và cùng nhau làm du lịch.
“Kể từ tháng 6/2015, bản Sin Suối Hồ, được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh, bà con đã ý thức làm du lịch để tăng thêm thu nhập. Cả bản bảo nhau giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, 100% người H’Mông thực hiện 5 không: không hút thuốc phiện, không thuốc Lào hay thuốc lá, không rượu, không cờ bạc, không xả rác”, ông Vàng A Chỉnh cho hay.
Ông Hảng A Xà, người đi đầu trong phong trào làm du lịch cộng đồng thì chia sẻ với Dân Việt: “Động lực để tôi tiên phong làm du lịch cộng đồng và sau đó vận động bà con đó chính là mong muốn thoát khỏi đói nghèo. Động lực thứ hai, bản Sin Suối Hồ là bản 100% người Mông và vẫn còn giữ nguyên nét văn hóa, bản sắc truyền thống, lại có lợi thế về cảnh đẹp thiên nhiên. Đây cũng là nét đặc trưng của người Mông ở Sin Suối Hồ. Vì vậy tôi đã quyết định làm kinh tế bằng mô hình du lịch cộng đồng”.
Chia sẻ về thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, vận động bà con cùng làm, ông Hảng A Xà bảo, thời kỳ đầu gặp rất nhiều khó khăn, bởi thuyết phục bà con còn khó hơn lên nương, lên rẫy.
“Tôi và trưởng bản Vàng A Chỉnh mất bao đêm đến từng nhà thuyết phục, thuyết phục từng người đứng đầu dòng họ, gia đình… Ban đầu, họ không tin, không nghe, nhưng sau đó, bất kể họ có việc gì tôi cũng tới giúp, như việc nhà mình. Cùng với đó, từ những kết quả tôi làm trước, bà con nhìn thấy nên đã ủng hộ và làm theo…”, ông Hảng A Xà kể.
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ: Phát triển bền vững
Bản Sin Suối Hồ những năm 1980 – 1990 từng là bản nghèo nhất Phong Thổ bởi địa hình đi lại khó khăn, tỉ lệ người nghiện cao, cuộc sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Người dân chủ yếu sinh sống bằng làm nương, rẫy, cơm không đủ no, quanh năm chỉ sống cùng ngô, khoai, măng, sắn và những cây, củ, quả kiếm được trong rừng. Trong nhà, ngoài ngõ gia súc, gia cầm thả rông khắp nơi. Trẻ em không được đến trường mà phải vội đi lấy chồng, lấy vợ.
Ngoài vườn, trên rẫy đâu đâu cũng trồng cây thuốc phiện, từ người già đến người trẻ, cả trai lẫn gái đều nghiện hút. Cuộc sống vì thế mà quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo, bệnh tật, tệ nạn đeo bám.
Thế rồi từ năm 1995, bản bắt đầu thực hiện nhổ cây thuốc phiện và đưa người dân đi cai nghiện, năm 2005-2010, cả bản đã cai nghiện thành công, đồng thời bà con thay đổi tư duy, xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn, sinh nhiều con, thách cưới, đám ma kéo dài 5-7 ngày… dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, không thả rông gia súc, gia cầm… Đặc biệt, bản Sin Suối Hồ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường bê-tông, xây chợ, trồng hoa cây cảnh…và cùng nhau làm du lịch cộng đồng hút du khách đến với bản.
Và sau những tháng ngày vất vả, gian khó của bà con người Mông ở bản Sin Suối Hồ, ngày 5/2/2023, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ được nhận giải ở Hạng mục Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3, nằm trong 14 đơn vị của Việt Nam được nhận giải thưởng.
Giải thưởng Du lịch ASEAN là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh các địa phương có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch của khu vực ASEAN. Đây là cơ hội góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam.
Chia sẻ về tin vui này, ông trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết, cả bản đã rất vui mừng và tự hào.
“Sau những nỗ lực vất vả ngày đầu thay đổi tư duy, rồi cùng nhau bắt tay vào làm mô hình du lịch cộng đồng thì đến hôm nay những thành quả bà con gặt hái được không phải chỉ là tăng thêm thu nhập mà còn được quảng bá về thiên nhiên, bản sắc văn hóa của người Mông ở bản Sin Suối Hồ ra với thế giới”, ông Vàng A Chỉnh nói.
Theo ông Hảng A Xà, để có được những thành quả như ngày hôm nay, để tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững, Sin Suối Hồ cần phải đào tạo lớp trẻ kế cận để tiếp nối và thế hệ bố mẹ, đồng thời ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu ẩm thực, cảnh đẹp của bản Sin Suối Hồ tới du khách trong nước và du khách nước ngoài.
“Nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách được tốt hơn, Bản Sin Suối Hồ đã chọn ra các em đi học ngoại ngữ, nấu ăn, thiết kế, kiến trúc… Đến nay, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ có 148 hộ dân, hơn 700 nhân khẩu, trong đó 10 hộ làm du lịch cộng đồng và khu nghỉ dưỡng là 12 căn nhà tổ ong với đầy đủ tiện nghi. Thu nhập kinh tế, của mỗi hộ từ 100 – 400 triệu/năm”. Ông Hảng A Xà nói.
Ông Hảng A Xà cũng cho biết thêm, bản du lịch cộng đồng Sin Suối được tỉnh Lai Châu chọn thực hiện Đề án “Xây dựng đời sống nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”.