“Filter Bubble – Bong bóng bộ lọc” và những điều GenZ cần biết khi làm sáng tạo nội dung!

by admin

Hiện nay, lực lượng GenZ tham gia vào hoạt động sáng tạo nội dung trên các nền tảng số rất đông đảo và năng động. Tuy nhiên, để nội dung của mình được biết đến nhiều hơn, người sáng tạo nội dung cần chú ý đến các thuật toán của các không gian mạng, một trong số đó là “Filter Bubble – Bong bóng bộ lọc”. Phần trích dẫn dưới đây từ cuốn sách “Từ điển 202x – Dự phóng cho người trẻ” sẽ giúp các GenZ hiểu hơn về thuật toán này.

Từ Điển 202X

 

BONG BÓNG BỘ LỌC (FILTER BUBBLE) LÀ GÌ? 

 

Khác với sự phân chia ngoài đời, dù vô tình hay cố ý lưu lại hoạt động khi sử dụng mạng xã hội, các thuật toán đều có thể định vị được nhóm người dùng khác nhau và sắp xếp họ vào bong bóng bộ lọc nhiều, tên tiếng Anh là filter bubble. 

Thuật ngữ này do nhà văn và hoạt động xã hội Eli Pariser đưa ra, hiện đang được sử dụng rộng rãi nhằm ám chỉ sự cô lập thông tin thông qua thuật toán khi bạn tìm kiếm hoặc sử dụng mạng xã hội. Sự cô lập này đến từ vị trí địa lí, thông tin phân khúc thị trường chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc từ thói quen sử dụng, bao gồm những nội dung bạn thích, chia sẻ, bình luận, đăng ký. Khi đã lên đại học, lắm lúc tôi tự hỏi, công dụng của bộ lọc cuộc sống từ góc nhìn một người tiêu thụ nội dung cũng như sản xuất nội dung trên mạng là gì và nó ảnh hưởng đến sự bất bình đẳng trong cuộc sống hằng ngày ra sao?

 

BONG BÓNG BỘ LỌC HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO? 

 

Mọi hoạt động trên mạng đều để lại dữ liệu giúp máy tính có thể phân tích và phỏng đoán được sở thích của người dùng trong tương lai. Để giữ sự chú ý, tăng thời gian sử dụng của người dùng và tăng doanh thu quảng cáo, các mạng xã hội phải tìm cách tối ưu hóa nội dung đề cập sao cho liên quan tới sở thích của bạn nhiều nhất có thể. Do vậy, bản tin trên trang mạng xã hội (newsfeed) đều có trình tự và nội dung được chọn lọc riêng biệt dành cho từng cá nhân. Dù bạn không công khai danh tính, các nhà mạng xã hội vẫn phân tích được lịch sử tìm kiếm và nội dung bạn tiêu thụ để nghiên cứu xem bạn thuộc nhóm bong bóng nào. 

Mỗi nội dung khi được xuất bản đều có sẵn một tệp khán giả mục tiêu (target audience) thuộc bong bóng bộ lọc đó. Khi nội dung thử nghiệm được giới thiệu tới một tệp khán giả mới, có ba khả năng xảy ra: 

sach-tu-dien-202x

Thuật toán trên mạng và bong bóng bộ lọc là một sản phẩm nhân tạo từ trí tuệ và có nguy cơ gây nên sự phân hóa nhất định về tư liệu thông tin trong xã hội thực tế của chúng ta.

 

TẠI SAO MỌI THIẾT KẾ CỦA CON NGƯỜI ĐỀU CÓ MỘT SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG NHẤT ĐỊNH? 

 

Mỗi con người chúng ta sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau đều có thiên kiến và quan niệm riêng. Không một thước đo nào hoàn hảo 100%, thế nên bạn cần có tính định lượng để biết quyết định nào công bằng nhất, vì giá trị của sự công bằng ở các nền văn hóa là khác nhau. Trong cuốn sách định hình ngành thiết kế mang tên The Design of Everyday Things (tạm dịch: Thiết kế của mọi thứ hàng ngày) của Don Norman, tác giả cho rằng mỗi thiết kế đều tạo nên cảm giác của sự công bằng, chứ không phải là sự công bằng đích thực.

sach-tu-dien-202x

Một ví dụ điển hình là nhà thiết kế Robert Moses, người định hình những công trình kiến trúc quan trọng của thành phố New York, đã thiết kế con đường “cao cấp” Captree gắn kết các khu vực quan trọng của thành phố với nhau. 

Mặc dù mục đích của Robert Moses là phát triển khu vực Long Island nhưng nhiều cáo buộc cho rằng thiết kế cầu đường của ông có chủ đích phân hóa xã hội vì những cây cầu đó được thiết kế thấp hơn bình thường, ngăn chặn sự lưu thông của xe buýt và phương tiện công cộng – phương án di chuyển của người lao động thu nhập thấp thời bây giờ. Mọi thiết kế của con người đều có bản chất thiên vị nhất định và thuật toán là một sản phẩm thiết kế đặc biệt, cố gắng kết nối những người có chung thiên vị đến gần nhau hơn. 

 

CÂU CHUYỆN CỦA MÌNH, MỘT YOUTUBER! GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI SÁNG TẠO NỘI DUNG! 

 

Với niềm đam mê làm phim và mong muốn chia sẻ về cuộc sống của du học sinh nước ngoài với người thân ở Việt Nam, Vừng bắt đầu mày mò làm Youtuber từ hồi lớp 10. Những bình luận trong video của mình đa số đến từ người quen, hoặc không có. Tuy nhiên, với chủ đề mới và thú vị, video “Một ngày đi học ở Đại học VinUni” mà Vừng làm đã được đề xuất tới nhiều người hơn. Qua đó, sau 3 năm làm video, kênh YouTube của mình được mở rộng và giới thiệu tới một tệp khán giả hoàn toàn mới từ các bong bóng bộ lọc khác nhau. 

Trong 10 ngày đầu, video đạt mốc 100.000 lượt xem và trong 7 ngày tiếp theo, mỗi ngày video đều nhận được thêm 100.000 lượt xem. Mình khá bất ngờ với sự thành công của nó, cũng như sợ hãi trước một trở ngại mới – bắt nạt qua mạng (cyber-bullying). 

sach-tu-dien-202x

Sự thành công của video đã khiến thuật toán giới thiệu video tới những bộ lọc bong bóng người xem cùng gu thẩm mỹ và tính cách mới, khác với tệp người xem ban đầu. Những bình luận trái chiều về ngoại hình của mình bắt đầu xuất hiện, rồi họ chê bai về việc con gái đi học đại học là không cần thiết. Cái đầu non nớt của mình đã thoạt nghĩ, đó là cái giá của sự nổi tiếng, cho dù mình mới chỉ là một nhà sáng tạo nội dung tí hon giữa biển người rộng lớn. Về sau, mình đã tìm ra lý do: nội dung được đề xuất tới những bong bóng người xem mới, tạp nham hơn, tất nhiên là bao gồm những người không thích và không đồng ý với mình. 

Bước ra khỏi vòng an toàn như vậy là bước đầu để đối mặt với sự đa dạng của người dùng mạng xã hội. Đôi khi, thuật toán đề xuất nội dung quen thuộc và thiên vị mỗi người quá thường xuyên, khiến họ quên mất những điều mình coi là “dĩ nhiên” có thể là điều vô lý đối với người khác. Ví dụ điển hình là thực trạng phân cực chính trị, đặc biệt là tại Mỹ. 

Tác động 1: Phân Cực Chính Trị (Political Polarization) 

Các thuật toán tăng cường tần số cử tri sử dụng mạng xã hội để chia sẻ suy nghĩ về cuộc bầu cử. Chính vì người dùng luôn được đề xuất những nội dung có suy nghĩ giống mình, được thuyết phục rằng ý kiến của mình là đúng theo số đông nên họ có xu hướng phản ứng tiêu cực mỗi khi tiếp xúc thông tin theo góc nhìn khác. 

sach-tu-dien-202x

Các phe đối lập sử dụng ngôn ngữ cực đoan hơn, bao gồm “cổ hủ”, “xấu xa”, “vô nhân đạo”. Từ đó sinh ra những hành vi bầu cử không lành mạnh khác, như bầu cử với mục đích loại trừ hoặc tẩy chay một đại biểu từ phe đối lập thay vì thực sự ủng hộ. 

Bong bóng bộ lọc tạo ra một vòng luẩn quẩn. Nguồn ý kiến trái chiều được đẩy lên cao trào trên mạng xã hội, khiến cho những bản tin tường thuật trở nên chia rẽ hơn, dẫn tới sự phân cực chính trị ngày càng lớn. Các nguồn tin lớn ở Mỹ đều được gắn kết với một đảng chính trị nào đó: người theo đảng Dân chủ ủng hộ kênh ABC, CBS và NBC, còn đảng Cộng hòa thường tiếp thu thông tin từ Fox News. 

Vụ kiện chấn động của mạng xã hội Facebook vào năm 2020 liên quan trực tiếp tới việc lạm dụng bong bóng bộ lọc trong bầu cử. Facebook bị cáo buộc đã bán dữ liệu người dùng cho công ty Cambridge Analytica để quảng bá tư tưởng chính trị trước thềm cuộc bầu cử quan trọng. 

Tác động 2: Gia Tăng Bất Bình Đẳng 

Bong bóng bộ lọc được tạo ra với mục đích ban đầu là kết nối những người có sở thích và mối quan tâm giống nhau. Chính công dụng này đã giúp mình tìm được các kênh có nội dung chất lượng để luyện tiếng Anh như TED Talk hay những chia sẻ về cuộc sống học thuật của nhiều du học sinh trên nền tảng Youtube. Từ đó, mình bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ khám phá thế giới. Bong bóng bộ lọc dẫn mình tới bầu trời kiến thức mới không có trong sách vở, giúp mình dành được cơ hội học tập qua việc lắng nghe chia sẻ của những người có chuyên môn, kết nối với họ qua không gian mạng với chung sở thích và ước mơ du học. 

Điều này làm cho mình tự hỏi rằng, nếu, không được tham gia vào những bộ lọc bong bóng thông tin hữu ích từ sớm, thì liệu mình có được ngày hôm nay? Nếu mình không được các anh chị đi trước truyền cảm hứng du học từ sớm, liệu mình có ngọn lửa đam mê theo đuổi?

Bong bóng bộ lọc mang lại nhiều giới hạn trong việc tiếp thu kiến thức hữu ích, đặc biệt khi một người dùng chưa được học đủ về cách thông hiểu truyền thông hoặc cách thanh lọc thói quen dùng mạng của mình. Trong bài Luận văn “Bứt phá khỏi bong bóng bộ lọc” xuất bản bởi trường Đại học Florida, tác giả Komysha Hassan đã so sánh bong bóng bộ lọc như một “người gác cửa của kiến thức” (gatekeeper of knowledge), bởi vốn dĩ kiến thức trong thời đại trước thường được lưu giữ và hạn chế giữa những nhóm người với nhau. Nguyên văn từ Komysha đã viết: “Monopolization of knowledge only ensures that knowledge dies” – Việc phân cách và “gác cửa” kiến thức chỉ đảm bảo là kiến thức ấy sẽ chết đi, hoặc không tiếp cận được những người khác.

Như vậy, nhận biết được những rào cản kiến thức hay học cách luyện tập thói quen sử dụng mạng một cách lành mạnh để phá bỏ những rào cản kiến thức ấy là một điều cần thiết. Thực trạng những cơ hội để giảng dạy việc đọc hiểu và sử dụng mạng một cách an toàn còn rất ít – khảo sát năm 2018 từ tổ chức phi chính phủ Vietnet-ICT cho thấy 75% trong số các trẻ em chưa nhận thức được các mối nguy hiểm tiềm năng khi tiêu thụ nội dung trên mạng. Tình trạng này được thể hiện qua các xu hướng ví dụ như trẻ con được tự do chơi các thiết bị điện tử từ rất sớm mà chưa đủ sự quan tâm theo dõi từ bố mẹ, và càng thêm tính tò mò với các nội dung đang thịnh hành mà chưa chắc đã mang lại nhiều bài học phù hợp với các em.

Nếu như trong thế giới thực tế, đặc quyền được thể hiện qua ngôi nhà bạn đồ sộ đang ở, chiếc xe đắt tiền bạn đang đi, ngôi trường sang trọng bạn theo học, hay chiếc hộ chiếu quyền lực bạn cầm trên tay, thì trong thế giới ảo, đặc quyền là những nguồn thông tin chất lượng mà bạn truy cập được và những bong bóng bộ lọc mà bạn thuộc về. Nếu quốc tịch trong thực tế giới hạn các quốc gia và vùng lãnh thổ, thì bản chất không biên giới của Internet tạo nên rào cản đặc quyền mới – chính là bong bóng bộ lọc. Bong bóng bộ lọc là những viên gạch dựng nên khối lượng thông tin tiêu thụ hàng ngày, là rào chắn những luồng thông tin trái chiều, nhưng cũng là một căn nhà an toàn kết nối người cùng chí hướng. Nó phân hoá xã hội theo chiều hướng tốt lẫn xấu, nhanh chóng và hỗn loạn vượt xa định kiến xưa cũ. 

 

KẾT LUẬN 

 

Bong bóng bộ lọc sẽ ngày càng tác động mạnh mẽ tới con người khi thế giới kỹ thuật số tiếp tục phát triển. Trải nghiệm mạng xã hội của mình đều chịu tác động của bong bóng bộ lọc, từ những lời khuyên hữu ích nếu bạn muốn nộp hồ sơ du học trên YouTube, đến giải quyết xung đột ý tưởng trên blog (nhật kí trực tuyến) xã hội, hay đối mặt với bắt nạt qua mạng khi bạn là một nhà sáng tạo nội dung. Bong bóng bộ lọc đưa con người tới những phạm trù thông tin mới lẫn cũ, thử thách các thói quen, lối mòn trong tư duy và thái độ mà người dùng thể hiện, mỏng manh y như tên gọi của nó vậy.

——————–

sach-tu-dien-202x

“Từ điển 202X – Bệ phóng cho giới trẻ” là một dự án sách của tạp chí VinMagazine – trường Đại học VinUni, nhằm tóm lược và hệ thống hóa những ý tưởng, hiện tượng hoặc phát minh đang hoặc sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn trong những năm 202X (từ 10 đến 20 năm tới). “Từ điển 202X” là tuyển tập 40-50 bài viết, với các chủ đề chạy từ A-Z trong 5 lĩnh vực: Khoa học & Công nghệ, Giáo dục và Y tế, Nghệ thuật & Lịch sử, Truyền thông & Văn hóa, Kinh doanh.

Trước những biến chuyển của thời đại, con đường phía trước mở ra vô vàn khả năng, GenZ sẽ là thế hệ đón đầu những xu thế này, và cũng chính vì lẽ đó chúng ta cần trang bị cho mình một tấm “bản đồ kiến thức” về những xu hướng, sáng kiến quan trọng, và cách chúng móc nối với nhau để tạo nên tương lai nhiều màu sắc. 

Với lời kể cuốn hút, đôi lúc hài hước từ chính các cây bút GenZ, “Từ điển 202X” sẽ mổ xẻ những làn sóng mới một cách dễ hiểu và trẻ trung nhất.

You may also like

Leave a Comment