Cuối tháng lãnh lương dạy kèm, tôi được tặng thêm con chó Mi-lu. Mi-lu thuộc giống chó Nhật lai phốc, đôi tai dài cụp với bộ lông trắng tinh mượt mà. Em Mi-lu nhìn tôi không thân thiện nhưng nhẫn nhục nằm im trong chiếc giỏ gắn trước xe đạp, chiếc giỏ có em lắc lư theo tay lái quanh co tránh những vũng nước còn đọng lại trên con đường đất gồ ghề, sau cơn mưa đầu mùa.
Em ngoan ngoãn đứng yên cho tôi kỳ cọ, mẹ bê nồi nước bồ kết đã gội đầu còn lại bảo tắm cho em. Dòng nước màu nâu nhạt hương bồ kết lan tỏa khiến em ngạc nhiên đưa đôi mắt tròn vo ngây dại nhìn tôi. Mi-lu hích hích chiếc mũi xinh xinh đen bóng, liếm liếm tay tôi. Ôi! Khuôn mặt em thánh thiện làm sao…
Mẹ chỉ có mình tôi, cha đã chết – mẹ nói tôi giống cha, dù trên bàn thờ không có di ảnh của cha tôi. Tôi thi đỗ đại học Bách khoa, nhưng thành phần nhà ngoại tôi thuộc dòng khoa bảng quan lại, người ta nói tôi không cần đi học, địa phương không cắt chuyển hộ khẩu nên tôi không có giấy báo nhập trường.
Mẹ tôi tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng không được lưu dung, sau ngày đất nước hòa bình. Mẹ tần tảo ruộng vườn nuôi tôi khôn lớn, cậu Ban sau ngày đi “cải tạo” về được làm thư ký Đội A của hợp tác xã nông nghiệp, cậu chấm công điểm cho mẹ con tôi, mẹ được lãnh thêm sáu mươi ký lúa “điều hòa” nhờ dạy bổ túc văn hóa.
Cậu Ban nói:
– Nhà có con Ki-ki rồi, nuôi Mi-lu lại thêm miệng ăn
hay là giảm bớt “cẩu khẩu”?
Ki-ki là con chó đực được nuôi ở nhà ngoại từ khi tôi còn bé, có lẽ Ki-ki bằng tuổi tôi không chừng.
– Nghĩa là sao hở cậu?
– Nhà không có gì để “cải thiện” cậu định thịt Ki-ki,
luôn tiện đãi “quan viên” hợp tác xã, từ lúc cậu về chưa có…
Cậu dụ Ki-ki chạy ra ao làng đầy bông súng trắng lung linh viền cánh hoa tím ngát. Tôi theo sau Ki-ki, Ki-ki quay đầu nhìn tôi vẫy đuôi tíu tít, ghé chân đái vào lùm cỏ rồi hớn hở chạy theo chân cậu. Cậu Ban để nguyên áo quần lội nhanh xuống ao, Ki-ki không ngại ngần nhảy theo cậu, nó còn quay đầu đưa mắt nhìn tôi như thầm khuyến khích tôi bơi…
Cậu Ban quay lại kéo ghì hai chân sau Ki-ki, tiếng ặc ặc từ cổ họng Ki-ki nhỏ dần, bong bóng nước trồi lên đong đưa những cọng rong xanh…
Cậu và tôi ngồi bên thi thể Ki-ki, từng giọt nước mắt xót xa ứa ra chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ của cậu. Chắc chắn Ki-ki không thể ngờ người mình tin yêu lại cố tình đưa mình sang bên kia thế giới trong tức tưởi đớn đau, đôi mắt Ki-ki trợn trừng nhìn vào cõi thinh không…
Chưa bao giờ tôi thấy mẹ giận dữ la mắng cậu như lần này, mẹ đấm ngực và gào lên rồi buông những lời bi thiết tắc nghẹn.
Cậu vun rơm bên bờ ruộng khô, ánh lửa bùng lên, màu lông vàng úa cháy nám khét lẹt, con Ki-ki nhe hàm răng trắng nhởn. Cậu sai tôi chạy đi mua hai lít rượu và bánh tráng nướng, khi về đã thấy các vị “chức sắc” của hợp tác xã đang ngồi vây quanh nồi thịt chó um với dầu phụng (lạc) bốc lên mùi thơm khó tả, nước miếng tôi ứa ra. Chiếc đầu con Ki-ki đã lìa thân nằm chơ vơ trên bờ ruộng mắt đã nhắm
nghiền, mép nhếch lên nửa như giận dữ nửa như cam chịu cho số phận đời mình.
Ông Long ngửa cổ hớp tợp rượu, triết lý:
– Chó già cũng như thân phận lính già, buông tay súng
trở về, đời sẽ lãng quên. Nhưng chó càng sống lâu với người nó càng có nghĩa, chẳng thà để chúng chết già…
Cậu Ban lặng thinh, tôi không nỡ trách cậu, nếu gia cảnh không nghèo túng có lẽ nào cậu hy sinh con Ki-ki, hay cậu cầu danh nhờ xác thân con chó?
– Lý sự đếch gì, “vật dưỡng nhơn”! Lão Dương chủ
nhiệm không khá lên nhờ chó là gì, sân sau nhà lão đủ loại chó, chó nhớn chó bé, tiệc tùng trên chó dưới chó. Từ chó mà lão đi lên…
Trời đã sang đông, đêm nằm mẹ ho khúc khắc. Tôi thay mẹ đi dạy bổ túc văn hóa, các em học viên lẫn cán bộ xã, thôn từ xóm trên xóm dưới sau khi buông tay cái cuốc, cái liềm kéo nhau về trường học. Những cây đèn dầu hột vịt lập lòe như đom đóm, em Mi-lu chạy theo tôi và nằm nép dưới bàn nghếch mõm chờ tôi xong tiết dạy.
Cậu Ban dạy tôi đàn guitar, cậu càng tài hoa hơn với tiếng sáo dặt dìu trong những đêm khuya vắng. Những ngón tay trái bấm hợp âm ban đầu khiến tôi tê buốt khó chịu, nhưng những nốt nhạc ngân vang và thánh thót khiến tôi say mê bên cung đàn huyền ảo. Tôi phát hiện ra em Mi-lu biết thưởng thức làn điệu du dương, đôi mắt em nhìn tôi không chớp. Một lần tôi mang đàn ra sau vườn, ngồi dưới gốc ngọc lan già, Mi-lu lặng lẽ nằm mơ màng nghe tôi chơi bài Romance – Bản tình ca muôn thuở. Mi-lu cạ mõm vào tay tôi khi nốt nhạc cuối cùng lặng dần vào không gian tỉnh mịch của buổi trưa hè.
Mẹ giục cậu Ban lấy vợ, cậu hơn tôi mười tuổi nhưng không nhắc gì đến chuyện lứa đôi của tôi, dù tôi đã hơn hai mươi. Người yêu của cậu đã xa vời, cô Nhung lạc mất cậu hay cậu đánh mất cô Nhung chỉ mình cậu biết.
Ngày ngoại còn sống đã tính chuyện trăm năm cùng cô Nhung với cậu, nhưng rồi cậu bị mất tích khi không còn bao nhiêu ngày nữa lịch sử sẽ sang trang.
Bên kia bờ đại dương, cô Nhung như bóng chim tăm cá chưa một lần về. Cậu gởi gắm vào phím đàn hay tiếng sáo nỗi niềm riêng trong nhiều đêm thanh vắng, để bay vào hư không.
Mẹ định mai mối chị Thuận với cậu, cậu cười khà khà:
– Thuận đáng thương, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng nghèo quá mà chị, thân phận em lại có ra gì…
Nói thì nói vậy, nhưng đã nhiều lần tôi bắt gặp cậu đến nhà chị Thuận, lúc thì giúp chị đánh tranh lợp lại mái nhà, lúc cậu ngồi thừ tư lự…
Chị Thuận dạy học ở trường thôn, chị không đẹp nhưng nết na thuần hậu, nay đã lỡ thì quá lứa, chị học trên tôi ba lớp. Tôi tình cờ nghe lén mẹ ân cần khuyên cậu:
– Thôi đành vậy, tùy cậu. Ngày xưa chị không nghe lời mẹ, tuổi mới lớn yêu say đắm để rồi lỡ làng thân phận chị. Anh ấy cũng như Nhung, biệt vô âm tín…
Tôi giật mình, nghĩa là cha tôi chưa chết. Ông đang lẩn khuất đâu đó trong cuộc đời này, nhưng đã bao năm mẹ vẫn mãi ôm hình bóng cũ để ngậm ngùi hay ân hận vì mối tình đã lỡ?
Dù không “đăng ký” kết hôn nhưng cậu ra riêng, về sống với chị Thuận. Căn nhà ngói ba gian cũ kỹ và mảnh vườn của ngoại, cậu dành cho tôi.
Bỗng một hôm nghe tin cô Nhung về, mẹ mừng khôn xiết. Tôi ước mong những hình bóng thân yêu đã chìm vào quên lãng như ông bà ngoại, như cô Nhung, biết đâu cha tôi nữa, bỗng hiện về bằng xương bằng thịt, không phải là mơ.
Người đàn bà đài các ngày xưa nay đã thành nữ tu. Cô Nhung từ ngày thất lạc cậu, cô đã yêu người đàn ông khác và cô yêu say đắm. Người đàn ông thánh thiện mang tên Giê-su đã ban phép lành khoác lên cô tấm áo nữ tu. Tràng chuỗi Mân Côi mang ơn cứu rỗi hay tràng xích buộc chặt đời mình để cô mong quên đi hình bóng cũ?
Nhưng không, cô vẫn để cậu Ban trong ngăn tim thầm kín của đời mình. Cách đây mười năm, từ nước ngoài về, cô đã thành lập trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ ngơi còn lại của cha mẹ cô ở Bình Dương. Cô chuyển giao cho cậu, ban đầu cậu không muốn tiếp nối những gì đã chìm vào quá khứ nhưng khi chứng kiến những em bé tật nguyền nhỏ dại được ân cần chăm sóc, lòng cậu dâng lên niềm cảm xúc và ngưỡng mộ vô biên tấm lòng của các Soeur.
Mẹ cũng bỏ tôi ở lại một mình đi theo cậu, chị Thuận và Soeur Nhung. Mẹ được trở về nghề cũ, hạnh phúc dâng tràn trong đôi mắt mẹ…
Tôi vẫn mãi dõi tìm người đàn ông của đời mình. Một nơi nào đó trên thế gian này, cha có tình cờ đọc được những giòng chữ hẩm hiu này, cha hãy một lần tìm về.
Nhà vắng, Mi-lu nghếch mõm nhìn tôi, đôi mắt buồn rười rượi
Nguyễn Châu