Thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn để làm gì?
Hà Giang đang lên phương án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) nhằm tăng cường quản lý công tác tài chính để tái đầu tư cho vùng công viên địa chất cũng như nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.
Theo Ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang là một tỉnh miền núi khó khăn.
Với hệ thống khuyến nghị và tiêu chí ngày càng cao của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, cũng như nhu cầu từ du khách, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, quảng bá, giáo dục, bảo tồn và quản lý cũng tăng theo. Chi phí cho mỗi kỳ tái thẩm định sẽ vượt quá khả năng của tỉnh.
Do đó, để huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển công viên địa chất, tỉnh dự kiến tổ chức thu phí du khách khi tới tham quan công viên địa chất.
Tỉnh đưa ra 3 phương án dự kiến mức thu phí là 20.000, 30.000, 40.000 đồng/người/đêm đối với người lớn; 10.000, 15.000, 20.000 đồng/người/đêm đối với trẻ em.
Mức phân chia nguồn thu phí có các đơn vị là: Ủy ban Nhân dân các huyện, xã, thị trấn 20%; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%; nộp ngân sách nhà nước 60%.
Nguồn phí này sẽ được phục vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.
Theo ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn: Có khoảng 40 điểm trong phạm vi CVĐC có thể thu phí nhưng tỉnh Hà Giang mới chỉ thu phí ba điểm, gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn).
Từ năm 2017 đến năm 2021, tổng số phí thu được khoảng 29 tỷ đồng, sau khi nộp ngân sách chỉ còn 17,2 tỷ đồng.
Dự kiến thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn thực ra không phải của Ban Quản lý mà là một trong những khuyến nghị của UNESCO.
Tỉnh đã chuẩn bị cho việc này 4 năm nay nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chưa triển khai được.
Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được thành lập vào tháng 9/2009, gồm bốn huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356 km2. Tới năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất UNESCO đầu tiên ở Việt Nam.
Từ trước tới nay, nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển CVĐC được sử dụng từ ngân sách địa phương.