Có bao giờ bạn thắc mắc rằng, hành trình tình yêu của chúng ta trông như thế nào không? Một tình yêu bắt đầu bằng cái gật đầu và kết thúc bằng nhiều cách khác nhau, hoặc là khoảnh khắc nắm tay trao nhẫn – khung cảnh tuyệt vời của một lễ cưới, hoặc bằng nỗi buồn và sự nuối tiếc khôn nguôi.
Tác giả của một cuốn sách khá thú vị tôi mới đọc gần đây – “Độc thân không phải “ế” – John Kim có cách chia như thế này: “san sẻ” hành trình yêu thương của một đời người thành những mảnh nhỏ rồi lại ghép nối với nhau bằng những đặc điểm nhận diện mang tính tiêu biểu cao. Ông gọi tình yêu tuổi học trò là “chất kết dính”, tình yêu thời thanh xuân là “thứ thuộc về bản năng”, tình yêu tuổi đôi mươi là quãng đường thử nghiệm và đánh mất chính mình, tình yêu tuổi 30 và 40 là thời gian tìm lại bản chất thật của bản thân.
Tại sao lại thế?
Với mỗi đặc điểm tâm lí lứa tuổi, cách chúng ta đối mặt với tình yêu lại khác nhau. Ở đây, đối với tôi, không có khoảng thời gian nào trên chặng đường kiếm tìm hạnh phúc ấy là sai trái, dù cho đó có là quãng thời gian hoang dại nhất của tuổi đôi mươi, với vòng lặp thử nghiệm cái mới và rước thêm cho trái tim mình nhiều vết xước. Tôi coi trọng điều còn đọng lại sau những gì đã trải qua.
Kết thúc một cuộc tình, ta học cách đối mặt với cảm xúc của bản thân thế nào? Trên hành trình đó, chúng ta học được gì và đánh mất những gì?
Tàn dư một mối quan hệ sẽ quyết định cách ta đối xử với bản thân mình ở những chặng đường tiếp theo. Một mối mối quan hệ lành mạnh sẽ khiến ta cảm thấy yêu thương chính mình, kết nối với bản thân. Ngược lại, tàn dư của một mối quan hệ độc hại sẽ ngăn cấm ta với sợi dây nối kết.
Ta có nên mặc kệ những điều tồi tệ xảy đến và phá hủy tình yêu của ta với chính bản thân mình? Câu trả lời tôi gửi nơi bạn đọc, chỉ có điều tôi vẫn muốn nhắn nhủ đôi lời: Đừng để tàn dư của các mối quan hệ khiến ta ngừng yêu thương chính bản thân mình.