Chúng ta chắc chắn hy vọng rằng ở đâu đó vẫn có người tin vào tình yêu đích thực xung quanh mình. Một người sẽ cho ta thấy họ cố gắng không phải để đánh giá chúng ta có xứng đáng không, mà là để bạn nhớ rằng bất kể cuộc đời có khó khăn ra sao và chúng ta đã trưởng thành gai góc thế nào, đứa trẻ bên trong chúng ta vẫn luôn đáng yêu và ngây thơ theo cách đặc biệt nhất.
Chúng ta chắc hẳn đã được nghe rất nhiều về tình yêu, và nó dường như có mặt ở hầu hết các câu chuyện to nhỏ trong cuộc sống. Vậy nên cũng dễ hiểu thôi nếu một ngày trong đầu chúng ta nảy ra một vài câu hỏi như: “hỡi thế gian tình là chi?”, tình yêu thật sự là như thế nào và tại sao câu hỏi này lại quan trọng đến thế?
Làm sao định nghĩa được tình yêu?
Tình yêu thường được hiểu là cảm giác rung động, phấn khích mà chúng ta có được khi gặp một người mà trong mắt mình họ có dấu hiệu và tài năng thật nổi bật – đa phần có liên quan đến trí thông minh hay vẻ ngoài thu hút. Họ là người mà chúng ta hy vọng sẽ đáp lại sự quan tâm của chúng ta, người mà chúng ta rất muốn chạm vào, muốn vuốt ve và một ngày nào đó sẽ trở thành người có thể san sẻ cuộc sống với mình. Định nghĩa này nghe thật hợp lý, nhất là khi chúng ta bắt đầu nghĩ về nửa kia lý tưởng của mình, nên không nghi ngờ gì sau một thời gian dài định nghĩa này gần như cũng bén rễ vào văn hóa của chúng ta. Nhưng có lẽ vì thế mà chúng ta vô tình đã bỏ qua một góc nhìn hoàn toàn khác của tình yêu. Trong định nghĩa trên, có một khía cạnh đã không được chú ý tới cũng như không được đánh giá cao, đó là lợi thế khi chúng ta có sự thông cảm, và những hành động tử tế kèm theo đối với những gì bị xem là yếu đuối và không đúng đắn.
Nếu hiểu theo cách này, biết đâu ngày nào đó chúng ta có thể gặp được tình yêu khi đang đi bộ trên đường về nhà và bắt gặp một gã say xỉn chán chường đang đi loạng quạng, miệng thì lèm bèm với gương mặt nhếch nhác. Chúng ta sẽ không quay lưng bỏ đi, không hề, dù chỉ một lần, mà thay vào đó nội tâm của chúng ta sẽ trải qua các thay đổi lớn (mà sau cùng sẽ chuyển thành những hành động thực sự) để xem họ như một phiên bản của chính mình, cũng từng bị giằng xé, nuốt chửng bởi những đam mê và nỗi đau, cũng có chung một nỗi khát vọng, cũng tức giận khi gặp phải mất mát và cũng xứng đáng nhận được các bài học khi họ biết thông cảm và bao dung với bản thân mình hơn.
Chúng ta cũng biết tình yêu có thể ở đâu đó khi nhìn thấy một người ăn mặc bảnh bao nhưng lại đang to tiếng và hùng hổ ở sân bay. Họ trông thật tự cao tự đại, vênh váo nhưng chúng ta không lập tức coi họ là kẻ điên hay đáng bị trừng phạt. Thay vào đó, chúng ta nghĩ có khó khăn trong việc nhận ra phần con người sợ hãi và dễ tổn thương này đây, những gì ẩn sâu trong cơn giận dữ đó. Khi chúng ta bắt đầu tò mò hơn về những căn bệnh của tâm hồn – có thể đang xảy ra đâu đó bên dưới lớp bề mặt, và ta tự hỏi điều gì đang làm họ tổn thương đến thế, và tại sao họ lại trở nên sợ hãi như vậy?
Chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu khi nhìn thấy một đứa nhỏ đang nằm ăn vạ giữa lối đi siêu thị và không ngừng hét lên món đồ chúng muốn mua. Chúng ta sẽ không để bụng nếu vụ này làm cản trở việc đẩy xe đi qua lối đó, và liệu tiếng la hét dữ dội của nó có đâm vào màng nhĩ ta khó chịu thế nào. Ngược lại, chúng ta còn cảm thấy có thể hiểu được đứa nhỏ đang thất vọng đến mức nào. Chúng ta sẽ muốn nói với nó rằng cảm giác khó chịu mà nó đang chịu đựng có lẽ cũng đồng dạng với nỗi đau của chúng ta, và đôi khi chúng ta cũng muốn tựa vào lồng ngực của một người trưởng thành, tử tế để nghe họ vỗ về: “biết mà, biết mà” cho đến khi cơn đau giảm bớt.
Đó cũng là tình yêu
Một kiểu tình yêu đúng nghĩa và phổ biến nhất mà chúng ta từng biết, khi nửa kia rõ ràng là một con người không nói lý lẽ, hay thiên vị, ác ý và điên rồ, nhưng chúng ta thường không đáp trả bằng giận dữ theo kiểu ăn miếng trả miếng với họ. Mà thay vào đó chúng ta thường nhường nhịn họ và tự hỏi tại sao một con người từng bình ổn và thú vị như thế, lại gục ngã theo cách này. Chúng ta có lẽ sẽ bắt đầu nghĩ thật ra họ không thực sự tệ hại và độc ác như vậy, biết đâu tối qua họ ngủ không ngon giấc, hoặc có lẽ họ đang hoảng sợ khi nghĩ đến tương lai mịt mờ phía trước, hay cũng có thể vì nội tâm họ đang phải đối mặt với cảm xúc tự khinh miệt bản thân mà chính họ cũng không hiểu nổi hay không cách nào kiểm soát được. Đó sẽ là tình yêu nếu ta đến gặp họ vào đúng thời điểm, khi mà có rất nhiều lý do để đóng sầm cánh cửa lại trước mặt họ, nhưng ta quyết định cho họ một vòng tay ấm áp.
Trên thực tế, có rất nhiều bài hát ca ngợi kiểu tình yêu như thế, khi mà những giai điệu không vẽ nên dáng vẻ của một con người vào lúc họ hành xử hoàn hảo nhất, không phải những người có diện mạo lộng lẫy và luôn bước đi một cách duyên dáng ở mọi nơi. Điều thu hút chúng ta hơn cả, trái lại, là một tình yêu trắc trở và gai góc, một tình yêu không trọn vẹn và cảm giác tự trách. Theo định nghĩa này, tình yêu là nỗ lực cần thiết để chúng ta nhìn thấy bản thân mình thông qua cuộc đời của một người khác – một người cũng chật vật với cuộc sống mà không phải ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ hoặc yêu thích nổi.
Đó là tình yêu khi một tiểu thuyết gia dành ra 300 trang chỉ để miêu tả chi tiết góc khuất nội tâm của một tên tội phạm bạo lực, và cho phép chúng ta nhìn thấy đứa trẻ ngây thơ bên trong con người tội lỗi đó. Theo truyền thống phương Tây, có một người đàn ông đến từ Nazareth đã cho chúng ta minh chứng tuyệt vời về kiểu tình yêu này, khiến chúng ta cảm thấy thật tốt đẹp khi yêu những sự khác biệt, như tình yêu của người La Mã và người Hy Lạp, tình yêu với một cô gái “bán hoa”, một kẻ tù ngục hay một người tội lỗi; để bày tỏ tình yêu với một kẻ khốn cùng, một kẻ tệ hại và ngay cả với kẻ thù. Nếu chúng ta tạo ra một ứng dụng hẹn hò với tinh thần này, nó sẽ không chỉ tập trung vào vẻ bề ngoài xinh đẹp hay những hồ sơ bóng bẩy. Nó cũng không để chúng ta bỏ qua một đối tượng, với một hoặc vài điểm làm chúng ta hơi không thích, chỉ bằng một cú quẹt trái. Thay vào đó, thỉnh thoảng nó sẽ giữ chân bạn ở những bức ảnh có tính thử thách hơn, ví dụ một kiểu người ta vốn không có thiện cảm, một kiểu người khiến ta có cảm giác khó chịu ghê gớm. Tiếp đến, nó sẽ gửi cho người dùng một tin nhắn với ngữ điệu không thể thần thánh hơn: “Hãy yêu đi! Ở đây thật dễ dàng cho bạn để ghét ai đó, nhưng nghĩa vụ của bạn là yêu…”
Đó là một phép thử cho thấy chúng đang cảm thấy xa lạ thế nào với loại tình yêu này, và chúng ta cứ bám lấy chấp niệm về một kiểu tình yêu đi liền với ngưỡng mộ ra sao, và rằng một mệnh lệnh như vừa rồi có vẻ vô lý và nực cười biết chừng nào. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tình yêu đích thực là cần thiết, và rằng việc học cách yêu những điều khác biệt mà chúng ta có thể biến cuộc đời nhau trở nên đáng sống hơn. Những gì mà một tình yêu đích thực yêu cầu chúng ta làm, không phải là cho ai đó những thứ thuộc về họ, mà là cho họ những gì họ cần để tồn tại.
Một điều không kém phần quan trọng nữa đó là tinh thần yêu đương cũng giúp chúng ta nhận ra rằng, một ngày nào đó ta cũng sẽ đứng ở vị trí cần sự tha thứ. Chúng ta không thể lúc nào cũng làm đúng, không phải lúc nào cũng là người đưa ra quyết định đối với người khác dựa trên thước đo của chúng ta. Biết đâu ngày nào đó ta mới là người cầu xin sự thương cảm. Ngày nào đó khi mọi điểm tựa đều mất, chúng ta có lẽ sẽ cư xử thật ngu ngốc và cảm thấy mình đáng phải chịu hình phạt tồi tệ nhất nếu không một ai chịu tha thứ cho mình.
Đến thời điểm đó, chúng ta chắc chắn hy vọng rằng ở đâu đó vẫn có người tin vào tình yêu đích thực xung quanh mình. Một người sẽ cho ta thấy họ cố gắng không phải để đánh giá chúng ta có xứng đáng không, mà là để bạn nhớ rằng bất kể cuộc đời có khó khăn ra sao và chúng ta đã trưởng thành gai góc thế nào, đứa trẻ bên trong chúng ta vẫn luôn đáng yêu và ngây thơ theo cách đặc biệt nhất.
Thanh Trần | The School of Life