Tình trạng người lao động đang rất khó khăn
Chị Nguyễn Thị Ngân (32 tuổi), ở Đông Anh, Hà Nội từng là nhân viên kế toán của một công ty tư nhân. Chị Ngân cho biết, trước đây chị làm công ty cũ lương 7,5 triệu đồng/tháng. Đợt vừa rồi mẹ chị ốm chị xin nghỉ phép 1 tuần. Lúc quay trở lại làm việc thì nghe tin công ty khó khăn, sa thải bớt nhân viên. Chị là một trong số nhân viên phải nghỉ việc đợt này.
“Vừa nghỉ việc tôi đã phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm việc làm mới, nhưng đi xin việc hơn 1 tháng nay mà vẫn chưa tìm được công việc nào phù hợp, đúng chuyên môn. Mấy nơi tuyển dụng thì toàn tuyển dụng lao động thời vụ, hoặc lao động phổ thông, lương thấp chỉ 5-6 triệu đồng/tháng”, chị Ngân chia sẻ.
Chị Ngân cũng cho biết thêm, mấy năm nay công việc bấp bênh, thu nhập thấp đi làm không có tích lũy vì thế giờ thất nghiệp chị rơi vào cảnh vô cùng khó khăn. Nhà trọ thì hết hạn, phải đi thuê nhà mới.
“Để cầm cự tôi vừa phải vay bạn 500 nghìn đồng. Trước đó vay mỗi nơi vài trăm. Hy vọng sớm có việc làm, nếu không có việc làm phù hợp thì chắc cũng phải đi làm lao động phổ thông. Quan trọng là phải có tiền để sinh sống tiếp đã”, chị Ngân chia sẻ.
Nhắc tới việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Ngân buồn hơn. Năm 2020 dịch Covid-19 kéo đến chị bị thất nghiệp nên cũng đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi. Vì thế giờ có muốn đăng ký hưởng thì cũng không còn.
Không chỉ chị Ngân, hàng nghìn lao động trong cả nước đang chịu cảnh thất nghiệp khó tìm được việc làm mới.
Chị Lê Thị Vi (41 tuổi), Hà Đồng (Hà Nội) cũng rơi vào cảnh thất nghiệp liên tục. Cứ đi làm công ty mới được 5-7 tháng là công ty lại rơi vào tỉnh cảnh khó khăn, giãn việc, rồi cho nghỉ. Hiện tại công ty của chị đang thiếu việc làm nên cho công nhân nghỉ hưởng lương. Nói là nghỉ hưởng lương nhưng thực chất công ty chỉ hỗ trợ một khoản tiền nhỏ 1,5 triệu đồng/tháng. Với khoản tiền này, chị chưa đủ trả tiền nhà sao mà có thể chi tiêu sinh hoạt được.
Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết đang thiết kế gói hỗ trợ khoảng 23.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này. Bộ Tài chính khẳng định các chính sách bảo hiểm luôn dành hỗ trợ người lao động trong những giai đoạn khó khăn bằng mọi cơ chế.
“Tôi dự tính đi xin việc làm ở công ty mới, nhưng xin việc làm mãi mà chưa được. Để sinh sống tôi nhận thêm công việc thời vụ, kết hợp mua rau củ, quả… bán thêm ở chung cư để kiếm thêm thu nhập”, chị Vi chia sẻ.
Chị Vi cũng cho biết, mỗi tháng khoản tiền nhà, tiền nuôi con, tiền gửi về nhà cho bố mẹ cũng đã mất 10 triệu đồng, đó là chưa kể khoản chi tiêu, sinh hoạt khác. Nếu hàng tháng chị không kiếm được 15 triệu đồng thì khó mà chi tiêu đủ cho cuộc sống.
Hơn 217.000 lao động mất việc trong quý II, giải pháp gì hỗ trợ lao động?
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, Quý II, số lao động bị mất việc trong cả nước là 217.800 người, tập trung ở các ngành gặp khó về đơn hàng như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện. Tình trạng doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương bị cắt giảm đơn hàng tiếp tục kéo dài từ quý IV/2022 đến nay. Điều này dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc.
Cụ thể theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của doanh nghiệp trên cả nước trong quý II khoảng 241.500 người, giảm 52.500 người so với quý trước. Số lao động này đa số thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc lĩnh vực da giày, dệt may. Nếu xét theo địa phương, nhóm này tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Số lao động bị mất việc trong quý II, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may (16,8%), da giày (14,1%), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (14,8%), chế biến gỗ (6,1%); phần lớn ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, TP HCM, Bắc Ninh.
Số lao động ở các ngành dệt may, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học cũng giảm mạnh so với quý trước, lần lượt là 142.500; 16.900; 30.200 người do đơn hàng giảm. Áp lực sa thải từ các doanh nghiệp đang tạo ra sự dịch chuyển mạnh lao động từ khu vực công nghiệp, xây dựng sang dịch vụ (cả chính thức và phi chính thức).
Tính chung, cơ quan thống kê cho biết, thất nghiệp quý II tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ. Trong đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng hơn 1 triệu người, còn tỷ lệ thất nghiệp là 2,3%.
Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước. Ở hai đầu tàu kinh tế, TP HCM có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là 3,71%, tăng so với quý trước, trong khi Hà Nội là 1,23%, giảm so với quý trước.
Bình luận về các chỉ số này, bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng, thị trường lao động được nhìn nhận sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do tổng cầu thế giới vẫn suy giảm – tác động đến đơn hàng cũng như các cú sốc tiêu cực khác từ bên ngoài.
Giải pháp là ngoài việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, cơ quan quản lý cũng cần tính toán các giải pháp quản lý vĩ mô về thị trường lao động.