LỰA CHỌN ĐỂ TRỞ THÀNH CHÍNH MÌNH

by admin

(LỜI TÂM SỰ CỦA NHẠC SỸ DƯƠNG THỤ)

-1  .  Có lẽ tôi chưa bao giờ suy nghĩ về sự lựa chọn. 

Tôi đã sống, đã nhận lấy về mình rất nhiều điều, nhiều cái, nhiều thứ mà mình chẳng thích tí nào. Từ lâu, một cách vô thức, tôi lờ mờ nhận ra rằng với thân phận mình đang mang và thời thế mình đang sống, mình không thể có quyền lựa chọn. 

Giống như cánh bèo, cứ trôi mà chẳng bao giờ suy nghĩ về chuyện “bèo giạt mây trôi” của nó, nó chỉ buồn thôi, buồn man mác vì biết rằng không thể khác. Tôi đi làm boóng xe ba gác, đi gánh thuê, đi dạy bổ túc kiếm tiền, học vẽ, học piano, viết nhạc, vẽ tranh, làm thơ, thi vào khoa văn đại học sư phạm, thi vào khoa sáng tác nhạc viện, lên miền núi dạy học, nhận chuyển vào TP.HCM dạy mỹ học và lịch sử âm nhạc ở trường đại học Mỹ thuật, trường Điện ảnh  & Sân khấu kiêm bán nhu yếu phẩm ở chợ An Đông, chụp ảnh dạo trên đường Nguyễn Huệ, bơm vá xe đạp trên đường Lý Thái Tổ, rồi bỏ dạy chuyển hẳn sang hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp: lập tụ điểm ca nhạc, hỗ trợ cho các bạn trẻ trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn, làm album cho mình và cho ca sĩ, tổ chức các chương trình ca nhạc và bây giờ còn làm Cà Phê Thứ Bảy.  

Cả chuyện gia đình cũng vậy. Yêu ai, lấy ai cũng là do hoàn cảnh đưa đẩy. Những người đàn bà trong đời tôi là nhưng người hoàn toàn nghịch nhau từ  tính nết, nghề nghiệp, sở thích, trình độ văn hóa,  diện mạo bên ngoài (đẹp – xấu), chẳng theo chuẩn nào cả. 

Ngần ấy chuyện, cái nào do mình lựa chọn, cái nào không? Và bây giờ kết cục mình là ai? Một lộ trình sống quá phức tạp, lộn xộn và đôi khi trái khoáy như thế  thật chẳng dễ gì để tìm ra câu trả lời. 

-2-

Tôi, một “bèo giạt mây trôi”, chẳng được quyền lựa chọn theo ý mình, rốt cuộc vẫn trôi về đúng chỗ của nó.  Sáng tác nhạc với tôi là khuynh hướng tự nhiên, không phải kết quả của việc tính toán lựa chọn. Tôi cũng không lựa chọn để trở thành Dương Thụ hôm nay. Thế nhưng kết quả ấy, sự trở thành ấy lại là chính tôi. 

Tôi nghĩ rằng đời sống xảy ra cho mỗi người chúng ta nó không được làm sẵn bằng những lựa chọn của mình, nó cũng không hoàn toàn được quyết định bởi cảnh ngộ mà chúng ta rơi vào, mà chính là do ta không ngừng làm ra nó trong sự tác động qua lại với những gì mình đang sống. 

Có rất nhiều cái quan trọng trong cuộc đời mà ta không thể lựa chọn: bố mẹ, nơi sinh, quê hương bản quán. Cái đó dẫn đến những cái không thể lựa chọn khác cho một số người, ví dụ như tôi: Quê tôi ở Miền Bắc, năm 1954 bố mẹ tôi lựa chọn ở lại, không di cư vào Nam theo họ hàng, tôi trở thành người miền Bắc trong sự phân biệt với người Nam về mặt chế độ xã hội, về lối sống và văn hóa (tính từ trước 1977 khi tôi chưa chuyển vào Nam sinh sống) dù tôi muốn hay không muốn.  

Nhưng cuộc sống không dừng lại ở một điểm và tôi không dừng lại ở cái tôi đã thành. Cái sự không thể lựa chọn vẫn sẽ cho ta những lựa chọn khác mà ta không thể ý thức rõ ràng và cũng không thể biết trước. Vào TP.HCM tôi bỗng dưng như được tháo cũi sổ lồng . Một đô thị cho tôi khả năng tự sống, tự quyết định mà không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện nào. Cái-tôi rụt dè, ẩn giấu được phát lộ. 

Tôi đã nhìn thấy mình rõ hơn. Đây không phải là kết quả của sự lựa chọn khôn ngoan mà là kết quả của nhu cầu được trở thành chính mình. Cái này thật ra có nhiều hiểm họa, giống như bạn quyết định ra biển với một con thuyền nhỏ. 

Một khi bị phụ thuộc quá nhiều vào cảnh ngộ, vào những yếu tố ngoài mình, bạn muốn sống an toàn, sợ thất bại, sợ thiệt thòi, sợ mất mát, mong chờ vào những chỉ dẫn của người khác, của kinh nghiệm ắt bạn sẽ có những lựa chọn mà ta thường gọi là “khôn ngoan”. 

Khôn ngoan quá thành ra không dám sống nên bạn sẽ không thể biết mình là ai. Việc không biết mình là ai sẽ dẫn đến hệ quả nghiêm trọng là bạn không tự tại. Người không tự tại là người- đám-đông, sống a dua phong trào, tiêu phí năng lượng vào những chuyện không đáng có.  

Những người như thế tôi gọi là những kẻ- nhầm- chỗ. Họ luôn ngồi vào chỗ không phải của mình, cầm vật không phải của mình , nói những lời không phải của mình. Điều đó với một số người chưa hẳn đã là bi kịch nhưng với một kẻ tự trọng muốn được làm người tử tế thì đó là một sự xấu hổ, một “nỗi nhục thầm kín”. Sống tử tế thì không thể ngồi vào chỗ không phải của mình, không thể nói những lời không phải của mình và không thể cầm những vật không phải của mình. 

Vậy sự lựa chọn đầu tiên nếu ý thức được phải là lựa chọn sự tự lập. Tôi tự lập từ năm 14 tuổi là do hoàn cảnh xô đẩy chứ không phải do sự lựa chọn một cách có ý thức. Cái này thì hoàn cảnh “lựa chọn” mình, cũng chẳng phải hay lắm. 

Các bạn trẻ bây giờ sống trong một cảnh ngộ khác, hoàn toàn có thể chủ động trong lựa chọn cái vị thế cá nhân này: tự lập hay phụ thuộc. Lựa chọn sự tự lập là khởi đầu của hành trình để trở thành chính mình. 

Hành trình này dài và gian khổ lắm. Tôi đi làm công nhật  thời đó (cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960) ngày một đồng hai hào rưỡi và kiếm thêm những việc mà mình có thể như kẻ vẽ cho triển lãm, dạy bổ túc đêm v.v. để cho mình có bữa ăn hằng ngày, không đủ no nhưng cũng đủ để sống, vẫn còn dư chút ít dành dụm để có tiền đi học thêm những gì mình thích (học vẽ lớp hội họa Đinh Minh Hàng Trống, học piano trường nhạc tư của cụ Lưu Quang Duyệt) và để mua sách vở, tổng phổ v.v. 

Tôi không dám mơ để trở thành cái gì, vì tôi biết phận mình. Nhưng những say mê tự nhiên, vô ý thức này đối với việc đàn địch, vẽ vời, đọc sách  và viết lách (làm thơ, viết bài hát, vẽ tranh) lại vô cùng quan trọng trong việc hình thành con người mình mà mình đâu có biết. 

1976, năm tôi tròn 33 tuổi, cô em họ tôi đã nhận xét về tôi ngay trước mặt tôi với cậu con trai mình: “ Đấy con xem, bác Thụ rất tài hoa, thế mà ngoài 30 tuổi rồi vẫn cứ lông bông, vẫn chẳng cái gì ra cái gì”. 

Ra cái gì về nhạc là phải có tác phẩm được phát trên đài phát thanh, về họa thì phải có tranh bày trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc, về văn chương phải có thơ hoặc truyện được xuất bản ở nhà xuất bản Văn học. Cô ấy nói đúng và tôi cũng cảm thấy mình lông bông, chẳng ra gì thật. 

Nhạc của tôi nếu tôi có đủ dũng khí gửi đi thì đài phát thanh nào dùng, tranh vẽ treo trong nhà và tặng bạn thôi sao dám mơ triển lãm. Còn thơ thì viết chẳng giống ai, truyện ngắn cũng vậy. Lúc buồn nghí ngoáy viết vì tự nhiên thấy muốn viết. Viết để có sách in, để trở thành nhà văn là chuyện ngông cuồng. 

Mình chẳng nghĩ mình sẽ trở thành cái gì, từ bố mẹ, anh chị cho đến người thân cũng chả ai tin, chả ai hy vọng mình trở thành cái gì, cái đó với tôi thật tốt. Một cái gì đó thật trong sáng trong động lực sống của bản thân, sống cho những nhu cầu nội tại của chính mình chứ không phải cho việc mình sẽ “ra cái gì” đã giúp tôi trở thành chính mình. 

Tất cả những cái ta sở hữu: danh hiệu, tiếng tăm, tiền bạc,  địa vị cũng chỉ là cái mẽ bên ngoài, là tấm “danh thiếp” để sống xã giao, nó không nói lên gì nhiều bởi người ta vẫn có thể mua nó, tạo ra nó bằng thủ đoạn, hoặc chăng cũng chỉ là chuyện ăn may. Những cái mình sở hữu mình có thể tạo ra nó, nhưng nó không thể tạo ra mình.  Mình, con người thật của mình mới là quan trọng. 

-4-

Sự lựa chọn được hiểu như là việc mình nhắm đến những mục tiêu cụ thể, một cách có ý thức như việc chọn bạn đời, chọn nghề nghiệp, chọn một món đồ, chọn một chỗ ở v.v. là rất quan trọng. Chọn sai, hậu quả biết liền. Tôi không đủ khôn ngoan để chọn đúng và cũng rất nhiều cái muốn chọn cũng chẳng được vì mình chẳng có quyền. 

Các bạn trẻ giờ khôn hơn bọn tôi nhiều và cũng khá tự do để ra quyết định. Nhưng xin thưa khôn chưa hẳn đã hay và việc có nhiều thuận lợi quá cũng thế. Dám sống, dám va chạm, chấp nhận cả những  sai lầm do chọn sai, không đi tìm cái bên ngoài, cố gắng hướng về những gì có thật trong mình thì dẫu không danh tiếng, không địa vị, không bộn tiền bạc nhưng được là chính mình tôi nghĩ rằng mình sẽ an lạc, hạnh phúc. Còn không, dẫu có nổi tiếng như cồn, địa vị ngất ngưởng, tiền bạc thừa thãi mà nếu không là chính mình bạn vẫn có thể là một người bất hạnh.

Tất nhiên là người, chẳng ai giống ai. Kinh nghiệm của người này chưa hẳn là một bài học cho người khác. Suy nghĩ của tôi về sự lựa chọn cũng thế. Nhưng có một điểm chung mà nếu bình tâm có lẽ ai cũng nhận ra rằng chúng ta cần sống thực chất, đâu phải kẻ hữu danh vô thực. 

Để trở thành chính mình là liêm sỉ của một con người, là rất khó, nhưng không phải là không thể. Và đó cũng là một sự lựa chọn tốt nhất  trong tất cả những gì chúng ta có thể lựa chọn trong cuộc đời này.

DƯƠNG THỤ

You may also like

Leave a Comment