“Khi thực sự đào sâu khám phá, chúng ta sẽ thấy rằng sự khờ khạo của loài người cần được để tâm hơn chúng ta tưởng tượng.”
Kẻ khôn cũng có khi khờ
Trên đây là nhận định của Jean-François Marmion, nhà tâm lý học, phó tổng biên tập của tập san tiếng Pháp Sciences Humaines đồng thời là tác giả cuốn sách “Kẻ khôn cũng có khi khờ” (Psychologie de la connerie).
Sự khờ khạo bắt nguồn từ đâu?
Theo ông, “Những tư tưởng được nhiều người đón nhận, rất tiếc, không phải lúc nào cũng là điều hiển nhiên, đúng đắn”. Chính vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, loài người đã chứng kiến nhiều chính trị gia, nhiều nhà tư tưởng lớn đưa ra những nhận định sai lầm, gây ảnh hưởng đến vận mệnh của toàn nhân loại. Theo Jean-Francois, sự khờ khạo tồn tại theo cách tự nhiên, như một yếu tố bẩm sinh, và do đó có trong tất cả chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ, nó có thể được bộc lộ rõ nét qua lời nói bốc đồng, hành động thiếu suy nghĩ; nhưng đồng thời vẫn có thể ẩn náu một cách ranh mãnh dưới vỏ bọc thông thái của tầng lớp tinh hoa.
Để mang đến cho độc giả cái nhìn bao quát hơn về nguồn gốc, bản chất của sự xuẩn ngốc, Jean-François Marmion cùng một nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm các học giả, triết gia, nhà tâm lý học, nhà văn, nhà xã hội học (trong số họ bao gồm những người đoạt giải Nobel và các tác giả có đầu sách bán chạy nhất thế giới như: Daniel Kahneman, Dan Ariely, Alison Gopnik, Howard Gardner,…) đã được tập hợp để cùng tìm câu trả lời cho những câu hỏi trọng yếu:
- Sự ngu ngốc thực chất là gì?
- Tại sao những người ngu ngốc nhất lại nghĩ rằng họ là người thông minh?
- Tại sao những người thông minh đôi khi lại tin vào những điều hoàn toàn vô nghĩa?
- Sự thao túng của truyền thông và sự kích thích quá mức của Internet khiến chúng ta trở nên ngu ngốc như thế nào?
Nếu như Descartes cho rằng “Tôi tư duy, tôi tồn tại” (“I think, therefore I am”). Vậy còn sự ngu ngốc? Nó có chăng cũng là thứ để nhận diện sự tồn tại của loài người? Thực tế, trong mọi trường hợp, việc coi ai đó là đồ ngốc chỉ hoàn toàn là đánh giá dựa trên suy nghĩ chủ quan. Và nói cho cùng, liệu rằng, những người ngốc nghếch là kẻ kém cỏi hơn chúng ta, hay chính chúng ta lại là kẻ ngốc
Ranh giới giữa trí thông minh và sự ngu ngốc
Liệu rằng xã hội mà chúng ta đang sống có bị phân cực dựa trên sự đánh giá chủ quan giữa một bên là học giả, những người đang học hỏi, kiên trì phát triển bản thân, nâng cao tinh thần phản biện và bên kia là những người có xu hướng trở nên “ngu ngốc”?
Câu hỏi quan trọng và hóc búa hơn nữa là “Liệu rằng ranh giới này có thực sự tồn tại? Và phải chăng giới tinh hoa được giáo dục đủ tốt có thể tránh khỏi việc trở nên ngu ngốc?”
Giáo dục, tuy là con đường bền vững nhất dẫn đến sự thịnh vượng của xã hội, nhưng lại không phải là bức tường thành đủ kiên cố để ngăn chặn những sai lầm. Một số nhà lãnh đạo Đức Quốc xã có học vị rất cao, tuy nhiên, những quyết định của họ đã đưa toàn châu Âu và thế giới chìm vào khói lửa. Cũng có trường hợp như Aristophanes và Molière, “những kẻ ngu ngốc” được giáo dục tốt hơn mức trung bình, nhưng có lối tư duy quá phức tạp đến mức không thể được đón nhận bởi quần chúng. Vậy, giữa một diễn viên hài câu view nhảm nhí nhưng được đón nhận nồng nhiệt và những triết gia lỗi lạc nhưng không được lòng dân, thì ai là kẻ ngốc nghếch, đáng thương hơn?
Thực chất, ranh giới giữa sự thông minh và ngốc nghếch cơ bản là khó để vạch ra. Và đôi khi, chính vì sự tự huyễn hoặc về chí thông minh của mình mà con người ta trở nên ngạo mạn.
Khi nhà sử học Paul Veyne viết rằng sự ngốc nghếch chính là động cơ cơ bản của lịch sử loài người, thì ông ta nói đến sự thiếu thông minh và thiếu hiểu biết hơn là nói đến sự cao ngạo. Nhưng trên thực tế, một trong những nguồn cơn dẫn đến những sai lầm lại bắt nguồn từ sự tự cao không đáng có. Mặc dù đó còn là một lý thuyết gây tranh cãi, nhưng theo các học giả, không thể phủ nhận rằng rất nhiều người có có trí thông minh thấp hơn đã thổi phồng cái tôi và tài năng của họ lên một cách phi lý. Thay vì nhận ra sự kém cỏi của mình trong một lĩnh vực nào đó, họ nghĩ rằng họ đang xuất sắc trong tất cả mọi khía cạnh.
Sự ngu ngốc tiềm ẩn hay trí thông minh huyễn hoặc có còn tồn tại trong xã hội hiện đại của chúng ta?
Câu trả lời là có. Mặc dù chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại, khi mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người đứng lên tố cáo nạn phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, hay thậm chí là hành động phá hoại môi trường; nhưng có ai dám chắc rằng: những tư tưởng hiện nay là đúng đắn, và rằng trong tương lai, khi nhìn lại thế hệ trước, con cháu chúng ta sẽ không lắc đầu bỉ bôi sự “ngu ngốc” của cha ông mình?
Lấy ví dụ cho điều này, như nhà văn George Marshall đã giải thích rất rõ về cách chúng ta nghĩ rằng mình đủ thông minh để nhận thức về mối đe dọa của biến đổi khí hậu và tưởng rằng những phương pháp được đưa ra đã là hiệu quả. Tuy nhiên, mối nguy hiểm vẫn còn quá trừu tượng, bất thường, và những phương án giải quyết mới chỉ là trên lý thuyết. Không ai dám chắc rằng cách mà các nhà hoạt động xã hội vì môi trường đang làm là thực sự đúng đắn.
Cái giá của sự ngu ngốc đi kèm với tự mãn
Trong thực tế, con người coi “sự ngu ngốc” là một gánh nặng, thể hiện qua việc mỗi khi được gán với từ này, họ cảm thấy nặng nề, buồn tủi, đôi khi là tức giận, căm hờn và bắt đầu tự vấn về bản thân. Đối với các nhà sử học, sự ngu ngốc còn có tác động mạnh mẽ hơn thế, khi chính nó là nguyên nhân dẫn đến những quyết định chính trị sai lầm, những niềm tin lệch lạc đưa toàn nhân loại đến bờ vực thẳm.
Không nói đâu xa, theo nhiều học giả, “sự ngu ngốc” chính là nền tảng cho những tư tưởng, mà khi nhìn lại chúng ta vẫn cảm thấy ghê tởm, rùng mình, chẳng hạn như chủ nghĩa thực dân, chế độ phân biệt chủng tộc, bóc lột nô lệ. Trong giai đoạn trước đó, hầu như không ai bận tâm hay có thể tưởng tượng ra một thế giới không có sự phục tùng của phụ nữ, không có nô lệ, không chìm trong khói lửa chiến tranh hay tồn tại tín ngưỡng cực đoan, tàn khốc. Nói cách khác, chính những “nhà thông thái” thời kỳ trước cũng đã phần nào kiêu ngạo, nhân danh đạo đức và quyền lực mà cho mình quyền được xâm phạm tự do, hạnh phúc của người khác.
Nên hay không nên ngăn chặn sự ngu ngốc của con người?
Từ xưa, học giả trên toàn thế giới đã cho rằng chính những tư tưởng lệch lạc được truyền bá rộng rãi sẽ đưa nhân loại đến bờ diệt vong, và do đó, cố gắng ngăn chặn chúng như căn bệnh truyền nhiễm.
Như khi vào thế kỷ 18, người ta bất mãn và cáo buộc các nhà hát ở châu Âu đang ồ ạt cổ vũ cho những trò nhảm nhí, xuề xoà, khuyến khích lối sống sa hoa, truỵ lạc. Hay vào thế kỷ 19, các tiểu thuyết gia bị buộc tội làm hư hỏng giới trẻ bằng cách truyền bá tư tưởng, hình ảnh về Chimera (Quái vật được vua Amisodarus nuôi dưỡng để tiêu diệt những kẻ đàn ông đáng chết) cho thế hệ người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ và các bé gái.
Cách đây 60 năm, sự ra đời của rock’n’roll cũng gây nên làn sóng phản đối khi người ta cho rằng nó là thứ dẫn dắt giới trẻ đến sự suy đồi. Sau đó, truyền hình đồng loạt bị đổ lỗi và được coi là nguồn cơn cho mọi loại tệ nạn xã hội.
Tất nhiên, dựa vào sự phát triển của internet và các phương tiện truyền thông, bất cứ ai cũng có thể truyền bá tư tưởng lệch lạc và để chúng lan truyền mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn cả vào mặt tích cực của nó, thực chất, internet đã đưa loài người sang một kỷ nguyên hoàn toàn mới.Do vậy, việc đánh giá và ngăn chặn một luồng tư tưởng cần phải được xem xét kỹ lưỡng, dựa trên nhiều phương diện. Vì suy cho cùng việc xác định đâu mới thực sự là chân lý là vô cùng có khăn.
Tuy được đánh giá là một cuốn sách khá “khó đọc”, “Kẻ khôn cũng có khi khờ” đem đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan về những quyết định ngu ngốc của con người nói chung và bản thân chúng ta nói riêng. Những quan điểm, luận bàn về sự thông minh – ngu ngốc được trình bày, phân tích tỉ mỉ dựa trên tập hợp những bài luận, bài báo của nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới.
– Trạm Đọc –