Mẹ sống quá nửa đời người, từ cái thời cả xóm xem chung một chiếc ti vi đen trắng đến thời đi chợ qua app online, mong mỏi của mẹ là có một chiếc điện thoại để gọi cho con cho cháu những lúc trong nhà trống trải. Nhưng mẹ mau quên, mắt mẹ mờ, bạn dạy mẹ nút xanh để gọi nút đỏ tắt đi, nút trên là danh bạ, mẹ tìm số ai thì bấm lên bấm xuống. Miết mẹ không nhớ, lúc nào cũng kè kè cái kính nhòm từng số, mẹ lần mò viết số của bố, của bạn, của chị gái ra mẩu giấy nhỏ, “Để đi đâu cần gọi tao nhờ người ta bấm giùm”.
Bạn 21 tuổi, bạn sống ở cái thời thay vì face-to-face người ta có nhiều mối quan hệ và cả công việc qua màn hình điện thoại, máy tính. Bạn lúc nào cũng ra vẻ bận chuyện này chuyện kia, bạn gắt gỏng sao mẹ chậm hiểu thế, sao mắt mẹ kém vậy, sau đó bạn cắm mặt vào màn hình và một điều dạ hai điều vâng với những người chẳng hề quen nhưng bạn luôn luôn phải cúi đầu vì công việc của bạn là thế.
Bạn kiếm được vài đồng tiền, mua cho bố đôi giày, cho mẹ bộ quần áo, rồi bạn ra cái vẻ huyênh hoang và cho phép mình bận rộn vào những ngày lễ ít ỏi về thăm nhà. Thế mà chợt đến một ngày, bố đổ bệnh nặng, ở viện nhiều hơn ở nhà, chân bố đau, giày bạn mua bố chẳng kịp xỏ, mẹ đi theo chăm bố, điện thoại vẫn chẳng biết dùng, mẩu giấy ghi số liên lạc cũng quên mang, mẹ nhờ cậu thực tập sinh tìm “Con út” trong danh bạ cho mẹ dặn dò đôi câu, “ Bố mẹ không sao, cứ yên tâm học hành làm việc, tiền mẹ vẫn còn, bố mày có bảo hiểm cũng chẳng tốn mấy”.
Mẹ toàn nói dối.
Trong suốt hơn 60 năm cuộc đời, mẹ chẳng có bữa cơm nào là ngon nhất, chẳng có bộ quần áo nào là đẹp nhất, chẳng có đêm nào ngủ yên nhất, chẳng có ngày nào nhàn rỗi nhất, nhưng mẹ hay ra cái vẻ khỏe mạnh, mẹ huênh hoang mỗi cữ ăn 3 bát cơm thì có cái gì mà sợ bệnh tật.
Thế nhưng những lời nói dối của mẹ đã từng thành công khiến bạn yên tâm và vô lo đến nỗi cả tuần chẳng gọi về cho mẹ được một câu, lúc nào bạn cũng tặc lưỡi cho qua và phớt lờ đi tuổi tác của bố mẹ.
Bạn vô tâm đến đáng sợ. Bạn có những mối quan tâm ở đâu đâu, trong khi người nhà bạn thì mong mỏi bạn ghé về dăm ba bữa. Bạn hỏi han khách hàng từ chuyện con mèo mới mua tới chuyến du lịch sắp tới; nhưng quên hỏi bố mẹ đã ăn cơm chưa, trong nhà có gì khác lạ, mảnh vườn mẹ xới đã vào vụ rau gì.
Bạn mất nhiều năm để gây tội gây tình, sau đó lại dành nhiều ngày nhiều giờ để mà dằn vặt và tự vấn. Bỗng một ngày nhìn lại, bạn thấy bố mẹ mình khác quá. Chẳng còn mái đầu đen, chẳng còn đôi mắt sáng, chẳng còn đôi bàn tay bàn chân nhanh nhẹn. Mỗi năm bạn đón sinh nhật trong đèn nến lung linh và bánh và hoa và quà nghe náo nhiệt. Nhưng tuổi già của bố mẹ đến, bạn lờ đi, coi như chuyện hiển nhiên trên đời.
Bạn mơ nhiều về tương lai, về công việc, về cuộc sống sung túc đủ đầy, nhưng rồi bạn nhận ra, nếu một ngày mình có tất cả nhưng lại thiếu vắng bố mẹ vậy thì còn nghĩa lý gì nữa đây.
Bạn nhấc máy, gọi cho mẹ lúc 10h khuya, ở đầu bên kia, mẹ dặn, “Lạnh rồi đấy, mùa này mày hay bị cước tay chân, đi ngủ thì xỏ cái tất vào, hôm nào về đi, rau xà lách tốt um, về bố mày nướng thịt cho mà cuộn.”
Bạn vỡ òa trong những nghẹn ngào và thổn thức. Bạn sợ đến một ngày có đi tám vạn tám ngàn cây số, có bỏ ra núi vàng núi bạc, cũng chẳng ai cho đổi những khoảnh khắc này, giọng nói này, tình yêu lớn lao thế này.
Về nhà đi, về ăn cơm ngon canh ngọt mẹ nấu, về xem bố cuốc đất xới vườn, về trong những dung dị đời thường và về với nơi đã nuôi lớn mình bằng đầu bằng cổ. Tết này, dù ở xa cũng gắng về nhé !
Chây Xi.