Nhà họ Mã ngày trước chuyên nghề nuôi dạy ngựa và bán ngựa. Có một dạo gia đình ông suy sụp vì con ông bị bệnh nặng, đã vét hết tiền trong nhà mà con ông vẫn không khỏi. Ông bán hết số ngựa nuôi để lo thang thuốc cho con. Con ông sống được. Từ đó ông bắt đầu dành dụm, tằn tiện được một số tiền. Ngày nọ Mã ông nghe ở Hương Lâm có bán một giống ngựa quý, ông đến nơi đó xem tướng ngựa thật kỹ, biết đó là giống ngựa hay, thuộc loại Hoàng Phiêu, mặc dù nó có phần hơi gầy. Mã ông thích quá, nên chịu mua với giá đắt. Ông về nhà bàn lại với con:
– Phụ thân xem biết nó rất quý, dù hơi gầy, thuộc giống Hoàng Tuyết Phiêu của người Khương. Nhà ta gây được giống này sẽ làm giàu không mấy hồi.
Ngặt vì xa ngót ngày đường, qua đèo truông e có cướp, nên cha con ta cùng đi. Hai cha con họ Mã thử ngựa và ngã giá xong, tra yên cương, cha con đồng lên ngựa ra về, lòng thấy hoan hỉ.
Họ đi qua một xóm nhà, Mã ông khiêm tốn cho ngựa đi nước kiệu, dân làng đón ông lại nói:
– Mã lão! Ông là người nuôi ngựa, sao không biết thương ngựa? Con ngựa gầy thế kia, còn cha con ông cọp ăn bảy ngày không hết, nỡ nào cả hai lại đè trên mình nó?
Ông Mã nói với con mình:
– Họ nói phải đấy con ạ! Vậy cha nhường cho con cưỡi. Cha cầm cương cho.
Thế là một mình Mã công tử ngồi ngựa, ông Mã đi bộ theo. Họ yên tâm đi xóm nhà khác, bây giờ trời đã khá trưa, những người ngồi mát trên đường thấy cảnh cha con họ Mã như vậy, họ kéo ra đón đầu ngựa, xỉ vả người con:
– Ai dạy công tử về cách hiếu đạo như thế? Con thì ngồi ngựa kênh kiệu, để cha chạy bộ theo đổ mồ hôi! Qua cánh đồng kia có học hiệu Khổng Môn, chắc họ đánh công tử trào máu ra mất!
Mã công tử lật đật nhảy xuống ngựa, chắp tay thưa với cha:
– Họ nói phải đấy cha ạ! Nãy giờ con cũng khỏe rồi, cha hãy cưỡi nó cho đỡ mệt. Người cha lên ngựa đi, ngang qua “Khổng Môn học hiệu”, một số học trò ở đó biết mặt ông già, chúng chạy lại đón ông nói:
– Mã lão bá! Lão bá lâu nay mạnh giỏi chứ? Nghe nói lệnh lang lâu nay bệnh thập tử nhất sinh, nay mới vừa hơi bình phục lão bá để lệnh lang nhọc nhoài cho đành. Mã lão nhảy xuống ngựa nhìn con rồi thì thầm:
– Kể ra họ nói cũng phải. Kể không còn bao xa, ta dắt ngựa đi vậy. Hai cha con xuống ngựa dắt bộ, hồi lâu đến xóm khác, có ai đó nhìn ngựa rồi chửi:
– Đúng là cha con một lão vô học. Đây là giống Hoàng Tuyết Phiêu, một loại thiên lý mã, mua về để cưỡi hoặc làm giống, nào phải mua về để thờ, sao có ngựa lại không cưỡi?
Cha con họ Mã thiếu điều muốn khóc. Lão nói với con:
– Cưỡi ngựa cũng bị chửi, mà không cưỡi cũng bị chửi! Ta chịu hết nổi! Thôi thả quách cho xong! Hai người dắt đi một đoạn cho khuất mắt mọi người, rồi tháo cương, cởi yên, đánh một roi, ngựa dong tuốt vào rừng mất dạng. Về đến nhà, bà cụ nghe đón đầu ngõ. Ông cụ thuật lại mọi chuyện. Bà cụ nghe qua đấm vào đầu bình bịch, vừa khóc vừa nói:
– Ngu sao là ngu! Có bao nhiêu tiền nong vét đi mua ngựa, rồi thả ngựa đi! Xưa nay miệng lưỡi thế gian. Việc mình mình cứ làm, chiều ý, nghe lời họ làm gì? Rồi đây lấy gì mà sinh sống, lấy gì mà cưới vợ cho con? Ngu ơi la ngu!…
Lời bàn:
Ðôi khi chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị “rung động” bởi những lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.
Quả là, không “ở sao cho vừa lòng người”! Ông già họ Mã hiền hậu đến mức thiếu tự tin. Những người ngoài nhìn vào làm sao hiểu được tình trạng của họ Mã và con ngựa kia như thế nào?
Ý kiến nào họ nói cũng phải, nhưng trước nhất họ Mã phải biết đánh giá được cái việc của mình. Tục ngữ có câu: “Chín người mười ý”, thì ý thứ mười là ý mình vậy. Mua ngựa là quyết tâm, mà giữ được “quyết tâm” (chỉ con ngựa) là thiếu quyết định. Thiếu một trong hai cái đều hỏng.