MÌNH CHẲNG BIẾT MÌNH SẼ SỐNG NHƯ THẾ NÀO VỚI NGHỀ BÁO?

by admin

Bài viết không dành cho những em bé đang hừng hực khí thế thi vào bất kỳ trường báo nào.

Cho đến bây giờ, mình vẫn rất hoài nghi về tương lai mình có làm báo hay không? Và mình cũng rất nhiều lần nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề này, nhưng mãi vẫn là những dấu chấm lửng đặt liền kề nhau…

1. Tại sao năm đó 1, 2 đâm đầu vào học báo?

Chuyện chọn nguyện vọng đại học của mình, kể ra thì buồn cười lắm. Thầy mình rất thích học trò của mình theo học du lịch, vì triển vọng quay về quê làm du lịch sẽ khá dễ dàng. Còn mình, những năm tháng 15 16 tuổi, mình có ước mơ học luật, để sau này đi bảo vệ chính nghĩa. Tại ngày xưa coi phim thấy mấy cô, mấy chú học luật oai nên mê lắm. Nhưng năm đó, mình thấy học phí của luật khá cao, mình lại sống quá thực tế, mình không muốn gánh nặng tài chính khi mình theo học đại học làm bố mẹ già thêm vài tuổi. Và thế là mình từ bỏ.

Giữa lúc đang nghĩ phải học gì ngoài du lịch khi mình sợ say xe, sợ đi lại nhiều (hồi đó ngây thơ cứ nghĩ học du lịch sẽ làm hướng dẫn viên). Mình lại nghe 1 câu chuyện về học ngành báo chí, sau này về mọt công ty ở quê làm truyền thông, lương ổn lắm. Thế là mình tìm hiểu về báo chí và chắc mẩm mình phù hợp với nó. Bởi vì bản thân mình có khả năng viết, còn những kỹ năng khác mình nghĩ có thể học dần. Kết quả năm ấy mình chỉ nộp 3 nguyện vọng và khá tự tin mình sẽ đỗ báo chí. Và mình đỗ thật!

2. Tại sao mình hoài nghi về lựa chọn của mình?

Bất cứ thứ gì trên đời, đều phải thử mới biết mình có hợp không. Chẳng hạn như chuyện làm đẹp của chị em phụ nữ vậy. Muốn biết đôi giày vừa chân không, chỉ có cách đi thử nó. Muốn kiểm tra màu son có tôn da không chỉ có cách tô thử. Và muốn biết chiếc váy lung linh kia có biến mình thành cô công chúa không, phải ướm thử bộ váy lên người mà ngắm nghía. Chỉ có cách học thử thì mới biết mình có hợp hay không.

Mình thừa nhận, nhiều khi áp lực deadline chuyên ngành đè xuống, mình đã từng muốn bỏ cuộc. Mình thừa nhận đã có lần mình bật khóc nức nở, vì chẳng biết phải làm bài tập đó như thế nào. Ai cũng bảo thiếu kỹ năng có thể học. Đúng, mọi thứ đều có thể học, nhưng cái bạn học được là kỹ năng, không phải là thiên phú của bản thân (Ví dụ, bạn có thể thiết kế 1 cái poster đúng yêu cầu, nhưng không thể làm cho tấm poster sinh động và có hồn. Thậm chí ngay cả khi, bạn cảm thấy vẫn thiếu thiếu cái gì đó, bạn cũng sẽ không tìm ra cho đến khi 1 người khác chỉ cho bạn). Trộm vía, những lần như thế, mình đều có những người bạn trợ giúp, và hoàn thiện phần thiếu sót của mình.

Và mình biết, mình thiếu 1 thứ rất quan trọng để có thể làm một nhà báo giỏi. Ấy là đôi mắt quan sát tinh anh, biết đặt câu hỏi cho những vấn đề xảy ra hằng ngày. Mình sống bằng niềm tin, mình tin khá nhiều thứ trên đời này, ngay cả khi nó chỉ là cảm giác. Và điều đó cản trở mình rất nhiều khi bước vào cuộc chiến “tư duy đề tài”. Cái vòng luẩn quẩn cứ suy nghĩ, rồi bỏ qua, rồi lại suy nghĩ ấy theo mình suốt 2 năm ròng từ ngày mình theo học báo đến bây giờ. Mình liên tục tự ti, liên tục hoài nghi chính bản thân mình rằng mình có đang là chính mình hay không?

3 Cơ hội việc làm của nghề báo.

Có không ít bạn bè người thân hay trêu mình càng ngày càng ra dáng một nhà báo (Thú thật thì mình chẳng biết dáng của một nhà báo nó như thế nào, nhưng các bạn nói sao, thì mình tin vậy nha). Với những bạn nói lời này, mình thật lòng cảm ơn, cảm ơn vì đã luôn cho mình động lực để tiếp tục sống với sự lựa chọn của mình. Mình cũng mong điều tương tự sẽ đến với bạn.

Thỉnh thoảng, vẫn có bạn trêu sau này viết cho bạn 1 bài báo để “PR” bạn nhé. Mình cũng oki luôn, miễn sao các bạn đủ đặc biệt để trở thành 1 nhân vật của ký chân dung. Nhưng mình xin đính chính với các bạn “HỌC BÁO CHÍ TỐT NGHIỆP CHƯA CHẮC ĐÃ LÀM BÁO” và “NGƯỜI LÀM BÁO CHƯA CHẮC ĐÃ HỌC QUA TRƯỜNG BÁO”.

HỌC BÁO CHÍ TỐT NGHỆP CHƯA CHẮC ĐÃ LÀM BÁO. Mình sẽ kể cho bạn nghe 1 câu chuyện về lớp mình. Lớp mình có hơn 120 sinh viên, nhưng trong 1 tiết học môn nghiệp vụ phóng viên, thầy mình đã bảo “lớp này, sau này được 10 người làm báo, đã là thành công rồi”. Như vậy, tỷ lệ sinh viên báo chí làm “nhà báo” là khá thấp. Vậy số còn lại đi đâu, làm gì? Xin thưa, số còn lại có thể làm nghề viết lách, viết content, làm truyền thông doanh nghiệp, làm nhà văn, làm phát thanh, truyền hình, làm nhiếp ảnh gia, thậm chí có cả khởi nghiệp làm giám đốc nữa (kakaka). Nếu muốn biết bạn có thể tra google nhé, tại mình không rành lắm.

THỨ 2: “NGƯỜI LÀM BÁO CHƯA CHẮC ĐÃ HỌC QUA TRƯỜNG BÁO”. Chuyện này mình khẳng định có thật 100%. Vì đặc điểm cần kiến thức chuyên môn sâu ở 1 số lĩnh vực, nên đôi khi nhà báo có thể xuất thân từ luật sư, nhà sử học, giáo viên… Tuy nhiên, đa số những người được cấp thẻ nhà báo đều ít nhất đã học qua một khóa nghiệp vụ báo chí rồi. Và mình tin, những người như thế này, đôi khi làm báo tốt và chất lượng hơn hẳn người học báo ở 1 số lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, vì dễ bị lấn sân, nên đôi khi, một số những “lều báo” núp bóng “nhà báo” đã làm tổn hại đến uy tín của nghề và tụi mình đôi khi bị mắng oan “nhỏ không học lớn làm nhà báo” (Ơ kìa, báo chí năm rồi ontop Nhân văn Hồ Chí Minh đấy nhé)

Bản thân mình cũng đã có hơn 1 năm làm những việc kiếm ra tiền và không kiếm ra tiền từ công việc liên quan đến báo chí, các lĩnh vực liên quan nên cũng có 1 tẹo kinh nghiệm về nghề để chia sẻ.

– Mình từng làm truyền thông ở 1 số chiến dịch của CLB, hội nhóm

– Mình làm cộng tác viên truyền thông UIT (Đại học Công nghệ Thông tin)

– Viết bài cho báo Mực Tím, và 1 số tờ báo khác

– Viết review cảm nhận

– Mình từng làm CTV truyền thông tại các Fanpage

Mức thu nhập hiện tại đủ để mình sinh sống ở Sài Gòn và chi trả các khoản sinh hoạt phí của sinh viên mà không cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ. (Tuy nhiên, thỉnh thoảng mình vẫn xin, tại mình vung tay quá trán). Mình thầm cảm ơn nghề đã nuôi sống mình. Và hi vọng trong tương lai, mình không giàu, nhưng có thể đủ để đáp ứng các nhu cầu tài chính thiết yếu của mình mà không phụ thuộc vào ai.

4. Cuối cùng mình có bỏ cuộc hay không?

Mình nghĩ, mình sẽ không dừng học báo, và có thể sẽ tiếp tục học lên trong tương lai. Tuy nhiên, bản thân mình biết, nếu sau này làm báo, mình sẽ không là cây bút phóng sự tốt, và cũng chẳng có 1 bài điều tra nào để đời.

Mình tin, có những bạn chung lớp, anh chị và những đứa em của mình cũng đang hoài nghi như thế? Và không chỉ riêng ngành học của mình, mà bất kỳ ngành học nào cũng sẽ có đôi người như vậy. Chọn từ bỏ, hay tiếp tục đều đáng quý cả, đáng quý vì các bạn dám sống với sự lựa chọn của bản thân. Cầu chúc cho cả bạn và tôi sẽ thật hạnh phúc với cuộc sống của mình.

Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, chúc tất cả những ai đã đang và hoạt động trên lĩnh vực báo chí, thật nhiều sức khỏe và thật hạnh phúc với nghề!!!

You may also like

Leave a Comment