Tôi có một kênh podcast yêu thích. Trong một podcast, chị chủ kênh đã tâm sự một câu làm tôi nhớ mãi. Chị bảo rằng, dù có thể kênh podcast của chị không nhiều người nghe, nhưng đây vẫn là tâm huyết của chị. Khi mà con người ta dành gần như trọn cuộc đời đi làm thuê cho người khác, thì chị muốn có một thứ gì đó thực sự thuộc về riêng mình. Những chia sẻ chân thành của chị đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Tôi quyết định tạo blog, viết ra những gì mình thực sự muốn viết. Không bận tâm đến những chủ đề xu hướng. Không bận tâm đến SEO hay “keywords”. Vậy nên số lượng đọc giả mỗi tháng chưa tới trăm người. Cũng không kiếm được đồng bạc nào. Thậm chí còn tốn tiền phí duy trì hàng năm. Nhưng tôi chấp nhận.
VÌ SAO Ư?
Hãy dành vài phút để tưởng tượng ra những sự kiện này. Ba mẹ bạn gặp nhau, có cảm tình với nhau. Trải qua giai đoạn yêu nhau. Rồi kết hôn. Rồi cả hai mong muốn được nhìn thấy sự hiện diện của những đứa trẻ. Và đó là cách mà bạn đã ra đời.
Vâng. Tôi thừa nhận không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được chào đời trong hoàn cảnh hạnh phúc như vậy. Nhưng liệu có mấy ai khi yêu nhau rồi kết hôn, lại không chờ mong sự chào đời của những thiên thần bé nhỏ?
Vậy nên hầu hết sự sống của chúng ta bắt đầu bằng một giấc mơ – đó chính là giấc mơ của ba mẹ.
Chưa dừng lại ở đây.
Hãy dành thêm nhiều phút để nhắm nhìn xung quanh bạn. Bạn sẽ thấy rất nhiều những giấc mơ khác đang tồn tại xung quanh mình. Nói một cách mỉa mai hơn, là bạn đang bị nhấn chìm, trong giấc mơ của người khác.
Bộ trang phục bạn đang mặc, thuộc về ước mơ của một nhà thiết kế xa lạ nào đó. Những bản nhạc hàng ngày bạn lắng nghe, cũng là một phần trong ước mơ của người nhạc sĩ. Những quyển sách bạn từng đọc, cũng là giấc mộng ấp ôm của các nhà văn. Chiếc điện thoại, chiếc máy tính, chiếc xe đạp, chiếc bàn, chiếc ghế, cái ly bạn uống nước, cái bếp mà bạn nấu ăn… Tất cả không phải tự nhiên hiện diện trên thế giới này. Tất cả đều bắt đầu từ những giấc mơ giản đơn, hình thành trong đầu của người sáng chế.
Và tôi bắt đầu tự hỏi, cho đến thời điểm hiện tại, có thứ gì thực sự thuộc về mình hay không?
Tôi tin chắc hẳn ai cũng từng nghe đến câu nói này: “If you don’t build your dream, someone will hire you to build theirs” – Nếu bạn không xây dựng ước mơ của mình, thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ. Nghe có vẻ đáng buồn nhưng đa phần chúng ta không thể thoát ra được lời nguyền này. Chúng ta cố gắng xin được một công việc tốt, bỏ thời gian và sức lực giúp người khác nổi tiếng, giúp người khác thành công. Và dùng tất cả số tiền mình kiếm được, mua lại giấc mơ, cũng của những người khác.
Không phải ư? Chúng ta mong muốn sở hữu một chiếc siêu xe, một chiếc Iphone đời mới nhất, hay được thưởng thức những món ăn đắt tiền trong một nhà hàng thượng hạng,… Và các phương tiện truyền thông không ngừng tuyên truyền rằng cách chúng ta khẳng định bản thân, chính là sở hữu thật nhiều, du lịch thật nhiều,…. Nhưng mà, những thứ mà chúng ta phải bỏ rất nhiều công sức để sở hữu, có thực sự thuộc về chúng ta không? Nếu tôi không mua bộ trang phục này, rồi cũng sẽ có người khác mua. Nếu tôi không đủ tiền sở hữu một mảnh đất, thì sẽ có người khác sở hữu nó. Cảm giác như không có gì mong muốn được thuộc về mình. Mà chỉ có mình mong muốn được sở hữu thứ gì đó mà thôi. Đến khi mình không còn khả năng để giữ, thì những thứ tưởng chừng của mình, sẽ đều ra đi, thuộc về một ai đó khác. Tôi từng chứng kiến, và đọc tin tức về những vụ vỡ nỡ. Cả một cơ ngơi đồ sộ, sau một đêm họ bỗng chốc không còn lại gì, ngoài hai bàn tay trắng. Mọi thứ vốn dĩ mong manh như vậy đấy.
Nên là, nếu có thể, hãy bớt chút thời gian dành cho sự nghiệp của người khác, để tìm lấy một sở thích hoặc đam mê của mình. Một thứ gì đó khiến bạn thấy vui, dù cuộc sống hàng ngày không hề dễ dàng với bạn.
ĐỪNG ĐÁNH ĐỒNG ƯỚC MƠ VỚI THÀNH CÔNG
Chắc hẳn thì, ai cũng mong có thể kiếm tiền bằng chính ước mơ và đam mê của mình. Đó cũng là lý do cản trở nhiều người không dám có lấy một ước mơ, hay một sở thích thực sự nào. Họ sợ họ sẽ thất bại, sẽ lãng phí thời gian và công sức. Nhưng nếu thay đổi cách nhìn nhận, thì sẽ thấy cái gọi là sở thích hay đam mê không áp lực đến vậy. Như đã nói ở trên, dù ta làm gì, ở đâu, cũng toàn những sản phẩm được tạo ra bởi người khác. Thì đam mê hay sở thích, chỉ là cho bản thân một cơ hội được tạo ra một thứ gì đó của riêng mình: sáng tác được một bài hát, vẽ được một bức tranh, viết được một cuốn sách, điêu khắc được một bức tượng,… Tôi nghĩ sở thích của chúng ta giống như một Khu vườn bí mật, mà mỗi khi bước vào có thể tạm quên hết những lo toan, vui buồn của cuộc sống thường nhật. Khi ta buộc phải bán mình cho tư sản, để đổi lại một chút vật chất duy trì cuộc sống. Ai rồi cũng phải chịu những áp lực, bị mắng chửi, những giọt nước mắt vì tủi thân,… Nên khi dành thời gian cho sở thích riêng, tôi thấy bản thân như được tách khỏi cuộc đua kia. Cảm thấy tự hào khi tạo ra được thứ gì đó của riêng mình, giữa một thế giới được tạo ra, thậm chí đang được thống trị bởi những người khác. Đến ngay cả nhà bác học thiên tài Albert Einstein trước khi đạt được thành tựu, cũng phải làm rất nhiều công việc để duy trì cuộc sống kia mà(*). Có điều, nếu những con người vĩ đại trong quá khứ không dám ước mơ những thứ điên rồ, thế giới sẽ không bao giờ đạt đến sự phát triển như ngày hôm nay. Đúng không nào?
Có một sự thật, dù bạn có làm gì, hay không làm gì, thì thời gian vẫn trôi đi. Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ “Ráng đi làm thêm vài năm nữa, tích cóp thêm chút nữa”, rồi mới dành thời gian cho sở thích của mình. Hoặc là “Đã trễ quá rồi”, không còn bất cứ hy vọng nào nữa. Và đến cuối cuộc đời, chúng ta cứ mãi bị ám ảnh bởi hai từ “Nếu như…”. Khoan hãy hiểu nhầm. Ý tôi ở đây không phải bạn từ bỏ tất cả, từ bỏ công việc hiện tai, từ bỏ gia đình,… để toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê của mình. Như vậy sẽ là bước đi sai lầm, “mất cả chì lẫn chài”. Vì chẳng có gì đảm bảo bạn sẽ thành công. Bên cạnh đó, có một câu nói tôi rất tâm đắc. Đó chính là: việc tử tế nhất mà chúng ta có thể dành cho đam mê, là không kiếm tiền từ nó. Vì sao ư? Một khi bị áp lực tài chính chi phối, bạn nghĩ bạn có còn thấy vui với đam mê của chính mình?
Vậy nên, ý tôi ở đây là. Hãy cố gắng dành một phần thời gian trong cuộc sống bận rộn của bạn, để tìm về với đam mê, sở thích, ước mơ của bản thân. Chầm chậm, từng chút một, cố gắng tạo dựng một thứ gì đó của riêng mình. Nếu bạn cứ chần chừ, thì bạn vẫn sẽ già đi. Nhưng nếu bắt đầu từ hôm nay, biết đâu, mười năm sau, bạn đã gây dựng được cả một sự nghiệp bằng chính ước mơ của mình. Nếu không, thì ít nhất bạn cũng không phải ôm niềm nuối tiếc suốt phần đời còn lại.
Này bạn, tỉnh dậy đi! Ước mơ của bạn là gì thế?
(*): Sau khi tốt nghiệp đại học, Einstein đã mất gần hai năm khó khăn trong việc tìm một vị trí giảng dạy, cuối cùng bố của Marcel Grossmann nhờ quen biết với giám đốc cục sáng chế đã giúp ông làm việc tại Bern, ở Cục liên bang về sở hữu trí tuệ, cục bằng sáng chế, với vị trí là người kiểm tra các bằng sáng chế.[41] Ông đánh giá các sáng chế cho các thiết bị điện từ. Năm 1903, ông vào biên chế lâu năm của Cục sáng chế Thụy Sĩ, mặc dù ông đã vượt qua sự đề bạt cho đến khi ông “nắm bắt được công nghệ máy móc” (Wikipedia)
—–