Từ ngàn xưa, ai cũng nhất trí rằng bạn không thể đạt được một điều gì đó mà không bỏ ra cái gì. Những người làm việc trong chính phủ, trong lĩnh vực giáo dục, tôn giáo, công nghiệp và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đều đồng ý rằng chẳng có bữa trưa nào miễn phí.
Triết lý hay nhất trên thế giới sẽ không có ý nghĩa gì hết nếu bạn không làm việc. Giáo dục và động lực tạo ra rất nhiều nền tảng, nhưng chúng sẽ không phát huy được tác dụng nếu bạn không làm việc. Thật tình cờ, chúng lại là là những sự thật của cuộc sống.
Ngay cả Adam và Eva cũng phải trông nom Vườn Địa đàng. Ngay thuở ban sơ, họ đã được sắp xếp ở đó để làm việc. Chúng ta cần bắt đầu dạy con trẻ về những sự thật của việc lao động sớm. Ngày nay, chúng ta thường mong đợi con mình hoàn thành mọi việc, nhưng sau đó chúng ta lại thay đổi và cho chúng mọi thứ. Vì thế, chúng không cần tự mình đạt được bất kỳ điều gì trong cuộc sống. Có một câu ngạn ngữ Do Thái cổ nói rằng nếu bạn không dạy con cái biết lao động, nghĩa là bạn nuôi nấng những tên trộm. Tôi tin rằng câu ngạn ngữ này có một giá trị nhất định.
Chúng ta cần dạy con cái chúng ta điều này thật sớm, và chính chúng ta cũng phải tự học bài học này: bạn không bao giờ làm việc cho ai khác. Không bao giờ. Người khác có thể viết séc và ký tên vào tấm sách cho bạn. Nhưng sự thật là, bạn làm việc cho chính mình, vì bạn là người cuối cùng quyết định số tiền họ viết vào tấm séc. Chúng ta cần hiểu được điều đó, và phải dạy nó cho con cái chúng ta, các bạn học sinh – mầm non thế hệ mới.
Mỗi công việc là một bức chân dung tự họa của người đã vẽ nó. Giống như việc người họa sĩ vẽ chân dung ký tên lên tác phẩm của mình, chúng ta cũng nên để lại dấu ấn trên bất kỳ tác phẩm nào của mình, hay trên mọi tác phẩm bằng sự xuất sắc của chúng ta. Khi bạn làm nhiều hơn những gì bạn được trả, cuối cùng bạn sẽ được trả nhiều hơn cho những gì bạn làm.
– Theo cuốn sách “Thuật thiết lập và hoàn thành mục tiêu”