NGÀY CON CÒN BÉ BA MẸ ĐÃ CẮT MẤT ĐÔI CÁNH CỦA CON

by admin

Hôm trước vô tình nhìn thấy video của anh Nguyễn Hữu Trí, có một câu nói khá hay: “Ngày con còn bé, ba mẹ đã cắt mất đôi cánh của con. Và rồi giờ đây, ba mẹ than phiền là vì sao con không thể tự đi vào cuộc đời.” Thực sự khi nghe đến câu nói này, tôi nghĩ ngay đến bản thân chứ không phải ai khác. Bởi lẽ đơn giản ngay từ khi còn nhỏ tôi đã phải bật khóc chỉ vì bố mẹ không một ai hiểu được điều tôi muốn nói…

Là con đầu trong gia đình, tôi luôn biết gánh nặng trên vai mình là như thế nào. Đôi lúc nói chán nản, muốn bỏ cuộc nhưng chưa bao giờ làm thế, luôn phấn đấu từng ngày. Tôi hay nói đùa với bạn bè như thế này: “Bạn học đội tuyển vì bạn muốn tiếp thu kiến thức cao siêu. Tôi học đội tuyển vì RICE SHIRT RICE MONEY.” Thực sự là vậy đấy, từ khi đi học, tôi luôn nằm trong top đầu của lớp, hầu hết các kì thi nào cũng đều có tên trong danh sách nhưng là để kiếm tiền thưởng, bởi đơn giản có những thứ mình cần mà chẳng dám xin bố mẹ, từ máy tính cầm tay, sách bút,… đều tự mua. Nhiều khi tôi cảm thấy thực sự chán nản khi mà bố mẹ không hiểu rằng tôi đang cố gắng để giảm bớt gánh nặng từ những việc nhỏ nhất và luôn mắng chửi tôi vì những chuyện cỏn con.

Cái sự áp đặt của bố mẹ khiến tôi mệt mỏi. Tôi đã từng đạt những giải gì bố mẹ không nhớ rõ, chỉ biết rằng ngay tại thời điểm được giải họ ca tụng, hân hoan tự hào. Chỉ mới đây thôi, với số điểm tổng kết xếp thứ 3 trong lớp, do thiếu 0,1 môn GDQP mà tôi bị hạ xuống học sinh khá (bộ môn mà giáo viên cho điểm theo cảm tính) và rồi bạn biết bố mình nói gì không: “Học được có thế thì đừng nói nhiều. Cũng hết cấp 3 rồi đi làm công nhân thôi…” Trong khi sự thật rằng nếu tôi không chia sẻ thì gia đình mình cũng chẳng ai chịu tìm hiểu về việc học ở trường, biết về thầy cô, bạn bè của mình hay ngay cả việc lớp tôi học nằm ở đâu trong trường. Luôn đem tôi ra so sánh với cái mác “con nhà người ta” mà không nhìn thấy tôi đã nỗ lực như thế nào, luôn bàn lùi cho sự cố gắng của tôi. Thứ bố mẹ tôi cần là tấm giấy khen, giấy chứng nhận, chứ không cần đứa con đã từng thức khuya dậy sớm ôn luyện mà không được học lực giỏi.

Bản thân tôi có lẽ là đã bị trầm cảm ở một mức độ vừa phải, đúng hơn thì là trầm cảm cười. Cố gắng tìm thời cơ để bày tỏ, nói chuyện với gia đình nhưng mọi thứ đều bị gạt phắt đi, hay là những lời nói nặng nề khiến tôi cảm thấy tổn thương. Có lần mẹ tôi còn nói: “…nếu biết trước thế này thì t.a.u đã bóp c.h.ế.t m.à.y ngay từ khi mới đẻ ra…” Không biết đó là lời vô tình trong lúc nóng giận hay thực sự mẹ đã từng có suy nghĩ như thế? Thế là tôi lại tiếp tục một mình âm thầm chịu đựng tất thảy những tổn thương kia. Và thậm chí là sự phân biệt đối xử khi những việc tôi đụng tới đều là sai, việc được học lực khá đều do lỗi của tôi, em cãi lại bố mẹ cũng do lỗi của tôi; còn những đứa em kia chẳng có lỗi gì hết, học kém cũng không sao, lười biếng cũng không sao, chỉ tôi mới là người có lỗi. Trái tim kia có lẽ đã chứa đựng quá nhiều sự tổn thương mà không ai khác chính là do gia đình gây ra. Cứ thế mà tôi tê dại trở thành người lớn trong khi linh hồn đã vô số lần muốn nhảy xuống những cây cầu.

Dần dần gia đình chẳng còn khác gì cái lồng đang kìm hãm tôi mà lúc nào cũng mong mỏi được thoát ra. Sự mệt mỏi bao trùm những năm tháng, luôn tự dặn bản thân rằng cố gắng một chút nữa thôi, hết quãng đời học sinh mình sẽ được tự do, chí ít là một phần nào đó, dù có vấp ngã cũng sẽ mỉm cười vì đơn giản đó là điều mà tôi đã lựa chọn. Sau tất cả những điều không mấy vui vẻ trong hành trình trưởng thành, tôi sẽ biết nỗ lực hơn để những năm tháng đó không bao giờ lặp lại, để không có một “tôi” thứ hai…

Nguồn: May

——————————————————-

You may also like

Leave a Comment