“Không chỉ tàu hay máy bay, người cha với sự hy sinh cao cả đã dùng chiếc xích lô cần mẫn hằng ngày để đưa con mình đến thành Roma”.
Người cha mà tôi muốn nhắc đến ở đây chính là bác Nguyễn Kinh Luân, 53 tuổi, và người con của bác, em Nguyễn Thanh Lam, giải nhì Vật lý quốc gia lớp 11, giải ba Vật lý quốc gia lớp 12, đặc biệt hơn chính là tấm Huy chương Bạc Vật lý quốc tế tại Roma (thủ đô của Ý).
Gia đình bác ở vùng Giao Thuỷ, Nam Định. Suốt 8 năm qua, bác một mình rời quê hương, lên Hà Nội, dùng nghề đạp xích lô để kiếm kế sinh nhai, mong sao đủ nuôi gia đình và con mình ăn học thành tài. 8 năm ròng rã cùng chiếc xích lô tương đương gần 3000 ngày, có biết bao nắng lửa, mồ hôi và bão tố trên lưng áo gầy guộc của bác. Gần 3000 ngày qua, có bao nhiêu đêm đông bác cô độc nơi phố lạ, bao đêm mưa tầm tã rả rích nước mưa đọng lại mặn trên mi mắt của bác ? Một mình một bóng một chiếc xích lô. Trong con người nhỏ bé nhưng phi thường ấy, bác ấp ủ điều gì ?
Cảm động và biết ơn công sinh thành. Ta được sinh nhờ mẹ, được thành nhờ cha. “Còn cha gót đỏ như son”… Cha lặn lội trên đôi chân chai mòn để trải lối cho con đi trên tấm thảm nhung mềm gót đỏ non tơ. Có lẽ chúng ta nên đề xuất có một “ngày của cha” trong năm bên cạnh ngày 8-3 là ngày của mẹ. Sẽ có bạn đề nghị rằng ta nên dành trọn 364 ngày còn lại cho cha, chắc hẳn rằng nó bắt nguồn từ lòng yêu thương và biết ơn vô hạn này. 3000 ngày để trồng và chăm sóc những cây con để đến một ngày nào đó chỉ mong thấy được những quả chín mọng.
Người con trai đầu của bác Luân thi đỗ 3 trường đại học, năm nay đang học năm 2 Đại học Bách Khoa. Người con thứ là Thanh Lam cũng đã đến được nước Ý xa xôi, đem trí tuệ của mình để “chiến đấu” với thiên hạ và mang vinh quang cùng tấm huy chương lấp lánh trên ngực áo. Đó chính là 2 quả ngọt mà bác đã dành suốt 8 năm để nuôi hi vọng, người cha đạp xích lô chở con mình “ra trận”, chiếc xích lô của cha đã đưa con đến thành Roma.
– Thưa bác, năm nay bác đã 53 tuổi rồi. Bác định còn theo nghề “tài xế” này được bao lâu nữa ?
– Tôi sẽ làm “tài” cho đến hồi “xế” bóng luôn cậu à. Nói vui vậy chứ ngày nào còn sức còn đạp. Hết sức rồi mình xoay việc khác.
– Nuôi con lớn khôn bác có “nhắm” mai này đền đáp không ? Bác có “hoa tiêu” nghề nghiệp gì cho các em không ?
– Không cậu ạ. Các em nó ngoan, tự học là chính. Tôi chỉ ước mong sao có thể đưa các em đến được bến bờ tri thức, thành người có ích cho xã hội và có được cuộc sống tốt vì đời tôi đã khổ rồi. Chỉ vậy thôi, tôi chẳng mong đền đáp gì cho riêng mình cả.
Cùng với tư liệu sản xuất thì con người chính là một phần quan trọng tạo nên lực lượng sản xuất xã hội, nó làm động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Đầu tư vào con người cũng nghĩa là đầu tư phát triển lực lượng sản xuất, phát triển xã hội. Vô hình chung có lẽ người cha không biết rằng mình là người có công rất lớn với đất nước, với sự nghiệp trồng người. Trong thời chiến, chúng ta đã có những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong thời kì hoà bình và phát triển đất nước, chúng ta rất cần những Ông bố Việt Nam anh hùng như bác Luân đây.
Sáng nay, tôi cũng ngồi trên một chiếc xích lô từ phố Hàng Mã đến lăng Bác, hình bác tài xế tôi lại nhớ đến hình ảnh bác Luân. Một ngày nào đó, nếu bạn có việc ngồi trên một chiếc xích lô, mong bạn hãy tôn trọng, biết đâu bạn đang ngồi trên chiếc xe của một người cha – một “dũng sĩ kiên cường” có chiếc xích lô vạn dặm.