Những bộ óc lớn trả lời những câu hỏi khó của trẻ con ra sao?

by admin

Tại sao chúng ta sa vào chuyện yêu nhau, tại sao chúng ta không thể tự chọc lét chính mình, giấc mơ hoạt động như thế nào, v.v.. Trong quá trình phát triển, trẻ con thường đặt ra những câu hỏi xoay quanh những hiện tượng trong cuộc sống này, thoạt nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng thật khó để đưa ra câu trả lời thoả mãn bọn trẻ.

Gemma Elwin Harris đã yêu cầu hàng ngàn trẻ em trong độ tuổi từ bốn đến mười hai gửi đến những câu hỏi như thế. Sau đó, cô mời những nhà khoa học, những nhà tư tưởng, và những nhà văn danh tiếng nhất để trả lời các câu hỏi ấy, trong đó có những tên tuổi như Noam Chomsky, Alain de Botton, Richard Dawkins, Sir David Attenborough, v.v..

Kết quả là Harris cho ra đời cuốn sách Big Questions from Little People & Simple Answers from Great Minds (Những câu hỏi lớn từ những con người bé nhỏ & những trả lời giản dị từ những bộ óc lớn), xuất bản năm 2012, một tập hợp những lời giải thích thú vị về những băn khoăn thường gặp ở trẻ con.

Sau đây là một số giải thích thú vị nằm trong cuốn sách:

 

Giấc mơ được tạo ra như thế nào?

 

Theo triết gia Alain de Botton:

Gần như lúc nào bạn cũng cảm thấy có trách nhiệm với bộ óc của chính mình. Bạn muốn chơi Lego à? Bộ não bạn sẽ có mặt để khiến chuyện đó xảy ra. Bạn thích đọc sách à? Bạn có thể ghép các mẫu tự lại với nhau và thấy được những con chữ hiện ra trong tâm trí mình.

Nhưng đêm tới thì chuyện lạ xảy ra. Khi bạn ngủ, trí óc bạn tạo ra những màn trình diễn quái lạ nhất, kinh ngạc nhất và đôi khi còn đáng sợ nữa.

[…]

Từ hồi xưa ơi là xưa, người ta tin rằng giấc mơ của chúng ta đầy những gợi ý về tương lai. Ngày nay, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng giấc mơ là cách để trí óc tái sắp xếp và dọn dẹp bản thân sau những hoạt động trong ngày.

Tại sao những giấc mơ đôi khi lại rùng rợn? Trong suốt ngày hôm đó, có nhiều thứ xảy ra làm ta sợ hãi, nhưng ta lại quá bận rộn đến mức không có thời gian để ý chúng. Ban đêm, khi đang chăn êm nệm ấm, ta có thể làm cho những nỗi sợ đó lởn vởn trong đầu mình. Hoặc có lẽ trong ngày bạn làm được điều gì đó rất đáng yêu mà bạn lại đang vội vội vàng vàng, thế là điều đáng yêu đó không có thời gian hiện ra cho bạn. Nó có thể trỗi dậy trong một giấc mơ nào đó. Trong những giấc mơ, bạn sẽ trở lại những điều mà mình đã bỏ lỡ, sẽ sửa lại những điều mình đã làm hỏng, sẽ tạo ra những câu chuyện mà bạn yêu thích, và sẽ khám phá được những nỗi sợ mà lúc bình thường bạn đã giấu nó đi trong trí óc của mình.

Giấc mơ vừa làm ta thích thú vừa làm ta sợ hãi hơn cuộc sống thường ngày. Chúng là dấu hiệu cho thấy bộ não của chúng ta là cỗ máy tuyệt diệu – và cho thấy rằng nó có những năng lực chúng ta thường không nhận thức đầy đủ, khi mà chúng ta chỉ dùng bộ não để làm bài tập về nhà hay chỉ để chơi trò chơi điện tử thôi. Những giấc mơ cho ta thấy rằng mình không hẳn làm chủ được chính con người mình đâu.

 

Tất cả chúng ta đều là họ hàng với nhau?

 

Nhà sinh vật học tiến hoá Richard Dawkins đã phân tích bài toán tiến hoá để chứng tỏ rằng tất thảy chúng ta đều có quan hệ họ hàng với nhau:

Vâng, tất thảy chúng ta đều là họ hàng với nhau. Bạn (có thể) là họ hàng (xa) với Hoàng hậu nước Anh, và với tổng thống Mĩ, và với tôi nữa. Cả tôi và bạn đều là họ hàng với nhau. Bạn có thể tự mình chứng minh điều này.

Ai cũng có hai bậc sinh thành. Do mỗi vị phụ huynh đều có cha mẹ của chính họ, thế là chúng ta ai cũng có bốn ông bà. Sau đó, bởi vì mỗi ông bà đều có cha mẹ của họ nữa, nên mọi người đều có tám cụ, và mười sáu kị, và cứ thế.

Bạn có thể đi ngược về bao nhiêu thế hệ tuỳ ý và tính con số tổ tiển bạn có được sau ngần ấy thế hệ. Tất cả những gì bạn phải làm là nhân các con số 2 với nhau, với số lượng các con số 2 bằng số lượng các thế hệ.

Giả sử bạn đi ngược về mười thế kỉ, tức đến thời Anglo-Saxon bên Anh, ngay trước thời người Norman đi chinh phục, và tính xem bạn có thể có bao nhiêu ông bà tổ tiên sống ở thời đó.

Nếu ta cho mỗi thế kỉ có bốn thế hệ, thì lúc ngược về thời đó ta sẽ có khoảng bốn mươi thế hệ.

Lấy bốn mươi con số 2 nhân với nhau, ta được hơn một ngàn tỉ. Tuy nhiên dân số tổng cộng của cả thế giới thời bấy giờ chỉ khoảng ba trăm triệu thôi. Thậm chí ngày nay dân số chỉ có bảy tỉ, thế mà chúng ta vừa tính ra cách đây một ngàn năm riêng số lượng ông bà tổ tiên của bạn thôi đã nhiều gấp 150 lần dân số hiện nay rồi.

[…]

Dân số thực của thế giới thời Julius Caesar chỉ vài triệu người, và tất cả chúng ta, tất cả bảy tỉ người chúng ta, đều là con cháu của họ. Chúng ta thật sự có quan hệ họ hàng với nhau. Mỗi cuộc hôn nhân ít nhiều gì cũng đều là giữa hai người anh em họ hay chị em họ với nhau, vốn là những người có chung rất nhiều ông bà tổ tiên trước khi họ có con.

Bằng cách lập luận y vậy, chúng ta là những họ hàng xa không chỉ với loài người mà còn với tất cả những loài động vật và thực vật. Bạn có họ hàng với con chó nhà tôi và với rau diếp trong bữa trưa, và với con chim mà bạn thấy bay ngang qua cửa sổ. Bạn và tôi có chung ông bà tổ tiên cùng với tất cả chúng. Nhưng đó lại là câu chuyện khác.

 

Tại sao ta không tự chọc lét mình cười được?

 

Sau đây là giải thích của nhà khoa học thần kinh David Eagleman:

Để hiểu tại sao, bạn cần biết thêm về cách hoạt động của bộ não. Một trong những nhiệm vụ chính của nó là cố đưa ra những dự đoán đúng về chuyện sắp sửa xảy ra. Trong lúc bạn đang bận rộn làm đủ thứ chuyện trên đời, lên xuống cầu thang hay ăn sáng chẳng hạn, thì những bộ phận trong bộ não bao giờ cũng tìm cách tiên đoán tương lai.

Bạn có nhớ lần đầu tiên mình tập lái xe đạp không? ban đầu, bạn cần tập trung rất nhiều để giữ tay lái vững vàng và để nhấn bàn đạp. Nhưng sau một lúc, chuyện lái xe đạp trở nên dễ dàng. Giờ thì bạn không chú ý đến những vận động do mình tạo ra để cho chiếc xe đạp chạy. Từ kinh nghiệm, bộ não của bạn biết chính xác điều gì cần có để cơ thể bạn tự động lái xe đạp được. Bộ não bạn sẽ tiên đoán tất cả những vận động bạn cần tạo ra.

Bạn chỉ để ý đến chuyện lái xe đạp khi có gì đó thay đổi – chẳng hạn như lúc có cơn gió mạnh thổi đến hoặc lúc bạn bị xẹp bánh xe. Khi có gì đó bất ngờ xảy đến như thế, bộ não bạn buộc phải thay đổi những tiên đoán. Nếu nó làm chuyện đó ổn thoả, thì bạn sẽ thích nghi được với cơn gió mạnh, ngả người tới trước để không bị gió thổi ngã.

[…]

Bởi vì bộ não của bạn luôn tiên đoán những hành động của chính mình, và cách cơ thể bạn cảm nhận sau đó, nên bạn không thể tự chọc lét mình cười được. Người khác có thể chọc lét bạn cười bởi vì họ có thể làm bạn ngạc nhiên. Bạn không thể tiên đoán hành động chọc lét của họ sẽ ra sao.

Và kiến thức này dẫn tới một sự thật thú vị: nếu bạn làm ra được cái máy cho phép mình di chuyển chiếc lông vũ, nhưng chiếc lông vũ đó lại di chuyển chậm một giây, thế là bạn có thể tự chọc lét mình được. Kết quả đến từ hành động của chính bạn giờ đây sẽ làm bạn ngạc nhiên.

 

Làm sao chúng ta lại sa vào chuyện yêu nhau?

 

Cây bút Jeanette Winterson đã đưa ra lời đáp đầy thi vị:

Bạn không sa vào chuyện yêu nhau giống như sa vào cái hố đâu. Bạn rơi vào đó như rơi qua khoảng không vậy. Nó giống như bạn nhảy từ tinh cầu của riêng mình sang thăm tinh cầu của người khác. Và khi bạn tới đó, mọi thứ trông khác hẳn: những bông hoa, những con vật, những màu sắc trên trang phục của mọi người.

Thật là một bất ngờ lớn khi sa vào chuyện yêu nhau bởi vì trước đó bạn nghĩ mình có được mọi thứ ngay trên tinh cầu của bản thân, và điều đó cũng đúng một phần, nhưng rồi có người gửi tín hiệu xuyên qua không gian đến chỗ bạn và cách duy nhất bạn có thể ghé thăm là hãy thực hiện một cú nhảy phi thường.

Thế là bạn nhảy đi, rơi vào quỹ đạo của một người khác và sau một thời gian bạn quyết định kéo hai tinh cầu lại với nhau và gọi nó là gia đình. Và bạn có thể mang theo con chó của mình. Hay con mèo của mình. Con cá vàng, con hamster của mình, bộ sưu tập những hòn đá của mình, cũng như tất cả những đôi vớ cũ nữa. (Những thứ bạn mất đi, trong đó có những cái hốc, đều nằm trên tinh cầu mới mà bạn đã tìm ra.)

Và bạn có thể mang những người bạn của mình đến thăm nhà. Và đọc những câu chuyện ưa thích của mình cho nhau nghe. Và cú sa này thực sự là cú nhảy lớn bạn cần phải thực hiện để ở cùng một người mà bạn không muốn thiếu. Vậy thôi à.

Tái bút: Bạn phải can đảm mới được.

Theo Chiếc Nón

You may also like

Leave a Comment