NHỮNG DANH GIA VỌNG TỘC VÀ HẬU DUỆ CỦA HỌ TRONG CÁC TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG

by admin

NHỮNG DANH GIA VỌNG TỘC VÀ HẬU DUỆ CỦA HỌ TRONG CÁC TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG

 

1. ĐOÀN THỊ ĐẠI LÝ

    Có lẽ đây chính là gia tộc nổi tiếng nhất trong các tiểu thuyết của Kim Dung, xuất hiện trong 3 tác phẩm là TLBB, AHXĐ và TĐHL. Đoàn thị bắt đầu là Hoàng tộc của Đại Lý từ thời của Đoàn Tư Bình năm 937 và kết thúc vào năm 1253, sau khi Đại Lý bị Mông Cổ tiêu diệt. Trải qua mấy trăm năm, nổi tiếng với 2 tuyệt kỹ trứ danh là Lục mạch thần kiếm và Nhất dương chỉ, các nhân vật của gia tộc này đa số đều là cao thủ trên giang hồ. Các truyền nhân nổi tiếng của họ Đoàn như Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần hay Đoàn Diên Khánh, các vị đại sư của Thiên Long Tự..đều là cao thủ hạng nhất, nhưng nổi tiếng hơn nữa là Đoàn Dự và Đoàn Trí Hưng, võ công đã đạt tới mức đăng phong tháo cực, xưng bá võ lâm một thời. Kể từ khi tác phẩm Thần điêu hiệp lữ kết thúc, hậu duệ của Đoàn thị cũng không còn xuất hiện trong các tiểu thuyết khác nữa.

 

2. MỘ DUNG THỊ

    Một gia tộc tuy chỉ xuất hiện trong tác phẩm TLBB nhưng nổi tiếng cũng không kém Đoàn thị đó là Mộ Dung thị với 2 cha con Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục. Vào thời Ngũ Hồ loạn Hoa, thế lực của họ Mộ Dung tộc người Tiên Ti rất lớn, gây dựng nên các triều đại như Tiền Yên, Hậu Yên, Tây Yên, Nam Yên. Đến cuối đời Ngũ đại, xuất hiện một kỳ tài trăm năm là Mộ Dung Long Thành, cùng với tuyệt kỹ Đẩu chuyển tinh di do tự mình sáng tạo, ông được xem là không có đối thủ ở thời đó. Sau khi Triệu Khuông Dẫn lập nên nhà Tống, tham vọng gầy dựng lại cơ đồ của gia tộc không thành nên ông buồn phiền mà mất. Đến đời cha con Mộ Dung Bác vì còn mang giấc mộng đó mà toan tính, sắp đặt không biết bao nhiêu âm mưu thủ đoạn. Cuối cùng Mộ Dung Bác thì xuất gia, Mộ Dung Phục hóa điên, giấc mộng phục quốc cũng tan theo mây khói !!

 

3. GIA LUẬT THỊ – HOÀNG TỘC ĐẠI LIÊU

    Họ Gia Luật thuộc tộc người Khiết Đan, cai trị nước Liêu từ năm 916, đến năm 1125 thì nước Liêu bị nước Kim tiêu diệt. Khi nhắc tới họ Gia Luật, độc giả truyện Kim Dung thường nhớ tới 2 nhân vật là Gia Luật Hồng Cơ- hoàng đế Đại Liêu cũng là nghĩa huynh của Tiêu Phong, và Gia Luật Tề- bang chủ Cái bang và là con rể của Quách Tĩnh. Trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ, có kể về chuyện cha của Gia Luật Tề là Gia Luật Sở Tài, vì muốn báo thù diệt quốc nên đã theo phò Mông Cổ tiêu diệt nước Kim. Sau này thành công cũng làm tới chức thừa tướng, nhưng bị Thái hậu ghét bỏ nên dẫn cả nhà lưu vong sang Tống. Sau này, con gái ông là Gia Luật Yến làm vợ của Võ Đôn Nho, con trai là Gia Luật Tề thì tuẫn tiết theo nhà vợ khi thành Tương Dương thất thủ, họ Gia Luật cũng không còn xuất hiện từ đây !!

 

4. HOÀN NHAN THỊ – HOÀNG TỘC NƯỚC KIM

    Gia tộc Hoàn Nhan thuộc tộc người Nữ Chân, lập ra nước Kim vào năm 1115, đến năm 1234 thì nước Kim bị Mông Cổ tiêu diệt. Nhân vật đầu tiên mang họ Hoàn Nhan xuất hiện là Hoàn Nhan A Cốt Đả- cũng chính là vị vua đầu tiên của nước Kim. Ban đầu bộ tộc của ông nhờ được Tiêu Phong giúp đỡ đã rất biết ơn, cho nên sau này khi nghe tin Tiêu Phong gặp nạn, đã đích thân dẫn quân đến giải vây cho Tiêu Phong tại Nhạn Môn quan. Độ dũng mãnh, hung hãn và thiện chiến của người Kim lúc này đã khiến cho nhân sĩ võ lâm trung nguyên 1 phen khiếp đảm. Người thứ 2 là Hoàn Nhan Hồng Liệt, vương gia nước Kim và là cha nuôi của Dương Khang, vì yêu thầm Bao Tích Nhược mà gây ra cảnh sinh ly tử biệt của 2 nhà Quách- Dương. Người thứ 3 là Hoàn Nhan Bình phu nhân của ĐẤNG VÔ ĐỐI VÕ TU VĂN, vì Gia Luật Sở Tài giúp Mông Cổ diệt Kim, cô đem lòng thù hận và muốn giết ông để trả thù. Sau khi được nghe ông giải thích toàn bộ sự việc thì cô cũng hiểu ra, cho nên ý niệm trả thù cho gia tộc cũng biến mất.

 

5. TIÊU THỊ – NGOẠI THÍCH NƯỚC LIÊU

    Có lẽ ở nước Liêu, quyền lực lớn nhất thuộc về hoàng tộc, và đứng thứ 2 chính là gia tộc họ Tiêu. Từ thời Tướng quốc Tiêu Tử Ôn( mất năm 970), rồi đến con gái ông là Tiêu Xước Thái hậu( bà này nhiếp chính 27 năm), họ Tiêu nhiều đời là công thần, danh tướng của nước Liêu. Bản thân Tiêu Viễn Sơn vốn là đại quan của Liêu quốc, ông chủ trương hòa hảo với Đại Tống. Mộ Dung Bác vì muốn khơi lên chiến tranh Tống- Liêu nên mới sắp xếp nên thảm kịch Nhạn Môn quan năm xưa. Cuối truyện, Tiêu Viễn Sơn xuất gia, Tiêu Phong tự vẫn, vài chục năm sau thì nước Liêu diệt vong nên người của gia tộc Tiêu thị cũng không còn xuất hiện nữa !!

 

6. DƯƠNG GIA TƯỚNG – DANH MÔN ĐỜI TỐNG

    Một trong những khai quốc công thần đời Tống là danh tướng Dương Nghiệp, người đời vẫn gọi ông là Dương lão lệnh công. Cùng với 6 người con trai, ông tạo nên 1 Dương gia tướng danh tiếng lẫy lừng. Bởi vì nhà Tống vẫn luôn trọng văn khinh võ, do đó hậu nhân của Dương gia tướng cũng không được oai phong cho lắm. Đến đời của Dương Thiết Tâm thì chỉ là thường dân áo vải, bị quan binh chèn ép mà gia đình ly tán. Dương Khang thì được Hoàn Nhan Hồng Liệt nuôi dưỡng mà lừa thầy phản bạn, nhận giặc làm cha, quên đi gốc gác anh hùng của mình. Cũng may sau này Dương Quá hành hiệp trượng nghĩa, giúp dân cứu nước chuộc lại lỗi lầm của cha, lấy lại danh dự cho tổ tiên. Sau này, hậu duệ của họ Dương 1 lần nữa xuất hiện ở tác phẩm YTĐLK với nhân vật Hoàng sam nữ tử với 1 dung nhan xinh đẹp và võ công tuyệt đỉnh. Trong tác phẩm TNGH, có đoạn Đào Cốc lục tiên gặp mộ của Dương Tái Hưng- một bộ tướng của Nhạc Phi, cũng là 1 hậu duệ của Dương gia tướng năm xưa.

 

7. MỘT SỐ NHÂN VẬT CÓ XUẤT THÂN TỪ “HÀO MÔN THẾ GIA” KHÁC

– Nhạc Bất Quần: Lúc đoàn người phái Hoa Sơn đến phủ Khai Phong, Nhạc Bất Quần muốn dẫn mọi người đến một nơi mà lão nói là Nhạc gia ta tạo nên danh tiếng lẫy lừng. Đó chính là Chu Tiên Trấn- nơi mà danh tướng Nhạc Phi đánh bại quân Kim. Qua đó như khẳng định rằng lão chính là dòng dõi họ Nhạc của Nhạc Vũ Mục năm xưa.

 

– Viên Thừa Chí: con trai của Viên Sùng Hoán- Tổng đốc Liêu Đông, trấn thủ Sơn Hải quan, chống lại quân Mãn Thanh, một anh hùng dân tộc của Trung Quốc. Gia thế như vậy thì cũng được xem như là COCC rồi, chỉ vì đời hơi bị đen nên chưa hưởng được phúc làm cậu ấm thôi. Vì vua Sùng Trinh nghe lời gièm pha của gian thần mà giết hại Viên Sùng Hoán, dẫn đến việc Thừa Chí phải lưu lạc lên Hoa Sơn. Sau này khi mất nước, Sùng Trinh mới thấy hối hận thì cũng đã muộn rồi.

 

– Ngô Ứng Hùng: con trai đại Hán gian Ngô Tam Quế. Năm xưa vì mối hận bị Lý Tự Thành cướp lấy Trần Viên Viên nên đã mở cửa Sơn Hải quan cho quân Thanh tràn vào. Nhờ công lao đó mà Ngô Tam Quế được phong làm Bình Tây Vương, Ngô Ứng Hùng cũng được Khang Hy gả Kiến Ninh công chúa cho, thế nhưng gặp phải con này bạo dâm, cắt luôn trym của y, làm tiệt luôn cả nòi giống họ Ngô.

 

– Trịnh Khắc Sản: cháu nội của Trịnh Thành Công- người có công khai phá đảo Đài Loan. Sau khi nhà Minh bị diệt, Trịnh Thành Công dẫn quân ra chiếm đảo Đài Loan, gây dựng thế lực chống lại triều đình Mãn Thanh. Khi Cửu Nạn gặp Trịnh Khắc Sản cũng nói : Thì ra cũng là dòng dõi trung thần. Tiếc thay y bản tính nhát gan nên chấp nhận đầu hàng triều đình để đổi lại được làm quan, uổng thay cho tâm huyết của tổ tiên.

 

– Trần Gia Lạc : con trai của Trần Thế Quan- Công bộ Thượng thư thời Càn Long. Trong tác phẩm Thư kiếm ân cừu lục, Kim Dung cho rằng Càn Long là con trai của Trần Thế Quan, vì thái hậu muốn giành quyền lực nên đã tráo con gái của bà với con trai của ông- sau này là Càn Long. Vì vậy, Trần Gia Lạc vừa là con trai của Thượng thư lại là em trai của Hoàng đế, kể ra lý lịch cũng thuộc dạng khủng rồi đấy !!

 

-Ngoài ra một số nhân vật công chúa, quận chúa như Triệu Mẫn, A Cửu thì tại hạ không cần phải nhắc tới nữa !!

——————————————

Hoa Mãn Lâu – Hội quán kiếm hiệp

    Viết xuống “NHỮNG DANH GIA VỌNG TỘC VÀ HẬU DUỆ CỦA HỌ TRONG CÁC TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG” không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a…

You may also like