Hội chứng kẻ mạo danh là một cảm giác nội tại về việc bạn tin rằng bạn không đủ giỏi như những gì người khác nghĩ về bạn, như thể bạn là một kẻ lừa đảo. Nói một cách đơn giản, hội chứng kẻ mạo danh là “sự nghi ngờ dai dẳng liên quan đến khả năng hoặc thành tích của cá nhân kèm theo nỗi sợ bị coi là giả mạo mặc dù có những thành công và thành tựu rõ rệt” (Merriam-Webster).
Một số ví dụ về hội chứng kẻ mạo danh:
• Bạn đang làm việc ở một vị trí nào đó được vài tháng, nhưng khi mọi người gọi bạn bằng chức danh chính thức, bạn cảm thấy như một kẻ lừa đảo vì bạn chưa đảm nhiệm tốt vai trò của mình ở vị trí đó.
• Bạn bắt đầu thành lập một doanh nghiệp riêng; tuy nhiên, bạn không thích quảng bá bản thân vì kinh nghiệm hoặc chuyên môn của bạn chưa tốt như những người khác ở cùng lĩnh vực, khiến bạn cảm thấy mình giống như một kẻ lừa đảo.
• Bạn được đề cử cho một giải thưởng, nhưng bạn cảm thấy mình như một kẻ mạo danh tại buổi lễ trao giải vì bạn không cảm thấy rằng thành tích của mình đủ tốt để được đề cử.
Đối với một số người, hội chứng kẻ mạo danh có thể được thúc đẩy như một nguồn động lực để đạt được mục tiêu, nhưng điều này thường đi kèm với cái giá là họ phải trải qua sự lo lắng thường xuyên. Ví dụ: bạn chuẩn bị quá mức hoặc làm việc chăm chỉ hơn mức cần thiết để “đảm bảo” không ai phát hiện ra bạn là kẻ mạo danh, và dần dần, cơn lo lắng trở nên tồi tệ hơn, đến mức có thể khiến bạn bị trầm cảm.
Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn mà trong đó, bạn nghĩ rằng lý do duy nhất khiến bạn vượt qua được buổi thuyết trình trên lớp là bạn đã thức cả đêm để luyện tập. Hoặc bạn nghĩ lý do duy nhất khiến bạn “thở được” qua bữa tiệc hoặc buổi họp mặt gia đình là vì bạn đã ghi nhớ chi tiết về tất cả các vị khách để bạn luôn có ý tưởng cho những cuộc trò chuyện.
Cho dù làm tốt đến đâu, bạn vẫn coi bản thân mình như một kẻ lừa đảo. Nhưng hãy nhớ rằng nếu bạn cảm thấy mình như một kẻ mạo danh, điều đó có nghĩa là bạn đang có một mức độ thành công nhất định trong cuộc sống, chỉ là bạn đang quy nó cho may mắn mà thôi. Thay vào đó, hãy cố gắng biến cảm giác đó thành một sự biết ơn, nhìn vào những gì bạn đã đạt được trong cuộc đời và biết ơn vì những thành tựu của bạn.
Biên tập: Chizzy Trương
Nguồn tham khảo:
Merriam-Webster. Imposter syndrome.
Sakulku J, Alexander J. The imposter phenomenon. Int J Behav Sci. 2011;6(1):73-92. doi:10.14456/IJBS.2011.6
Weir K. Feel like a fraud? American Psychological Association.
Psyme – Tâm lý học và tôi.