Review Cầu Ma – Siêu phẩm tiên hiệp gây ám ảnh nhất của đại thần Nhĩ Căn

by admin

“Nếu như thế nhân đã gọi ta là Ma, vậy thì dứt khoát, Tô Minh ta từ nay về sau chính là Ma!”.

Truyện: Cầu Ma

Tác giả: Nhĩ Căn

Thể loại: Tiên Hiệp

Tình trạng: Đã full

Số Chương: 1485

Reviewer: Huyết Tu La

Đối với đại thần Nhĩ Căn, nếu như Tiên Nghịch là tác phẩm đầu tay làm nên tên tuổi thì Cầu Ma chính là tác phẩm đỉnh cao của ông, khiến cho ông trở thành một trong những đại thần viết tiểu thuyết mạng nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.

Vẫn là kiểu văn phong đầy sâu sắc thêm chút đượm buồn mà u tối đã trở thành thương hiệu của Nhĩ Căn, thế nhưng so với Tiên Nghịch, Cầu Ma có thêm một chút vẻ tang thương và đầy bi ai của kẻ bị cả thế gian xa lánh.

Với Cầu Ma, Nhĩ Căn đã chậm rãi xuyên qua những luân thường đạo lý từ cơ bản đến thâm áo nhất để tìm đến bản ngã chân thật nhất của nhân vật chính Tô Minh. Đây là điểm mà theo ad biết chưa có một bộ truyện nào có thể sánh với Cầu Ma!

Hai chữ Cầu Ma nhìn qua có vẻ rất đơn giản, thế nhưng trên thực tế lại ẩn chứa những triết lý cực kỳ sâu sắc của Nhĩ Căn.

Cầu là gì? Cầu là một loại phương thức, nó chú định khúc chiết mà thê lương;

Ma là gì? Ma là một loại thái độ, nó chú định băng lãnh lại chấp nhất;

Cầu ma, là cả đời trong đêm tối!

Cầu, cũng là một loại chấp nhất, chấp nhất đến cực hạn.

Ma, từ đầu đến cuối thường đi liền với hai chữ bi thương, luôn không có kết cục tốt đẹp.

Cầu ma, chính là chú định một đời phải ở trong bể khổ, một đời bi thương!

Cầu Ma của Nhĩ Căn chính là một bộ truyện như vậy, từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc vẫn luôn gắn liền với sự bi thương đến mức khiến người đọc phải nghẹn ngào xúc động.

Trên mạng chưa bao giờ thiếu những bộ truyện thể loại ma tu, phần lớn đọc giả chúng ta ít nhiều cũng đã xem qua vài bộ, thế nhưng có bao giờ bạn đã tự hỏi chính mình, cái gì là ma chưa?

Đối với bản thân ad, trên đời bao kẻ xưng ma lại chẳng xứng là ma, kẻ cầu ma kỳ thực mới chính là ma!

Ma đến cùng là như thế nào? Là kẻ táng tận lương tâm, lãnh huyết vô tình, giết người không chớp mắt, hay không từ thủ đoạn để đạt được mục đích?

Những điều trên có lẽ không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng.

Làm ác có phải là ma?

Ma có nhất thiết phải làm ác?

Thế nhân luôn phản cảm với ma đạo, nhưng có bao giờ nghĩ vì sao có trên đời luôn có người nhập ma?

Cái ác không phải tự nhiên mà có, ma cũng vậy mà thôi.

Có đôi khi, chính bởi vì sự độc đoán, nhẫn tâm đến vô tình của thế nhân đã đẩy nhiều người bước vào con đường mà chúng ta vẫn thường gọi là “ma đạo”, có lẽ nhiều người trong số đó đã trầm luân, đã biến chất, đã triệt để đi vào vòng xoáy tội ác, thế nhưng vẫn có không ít người giữ được bản tâm của mình, bọn hắn có lẽ vẫn đang vật lộn để sinh tồn trong cái thế giới đáng sợ mà chúng ta đã cố ý hay vô tình tạo ra…

Chính chưa hẳn là thiện, ma chưa hẳn là ác.

Nhân vật chính Tô Minh trong Cầu Ma là một con ma hoàn toàn khác biệt, hắn không phải người độc ác thô tục, hắn thành ma là bởi vì hắn bị người trong thiên hạ ép đi vào con đường này, hắn thành ma là để bảo vệ những người thân của hắn, một con ma trọng tình nghĩa, thậm chí lấy tình nhập đạo.

Tiên đạo đâu phải vô tình, tiên nhân vốn là người phàm, chung quy vẫn có tình cảm, có thể nói, tiên đạo vốn dĩ hữu tình…

Cuộc đời của Tô Minh gắn liền với một chữ Ma, một chữ nặng trĩu, nói lên toàn bộ cuộc đời của hắn.

“Ta có thể giết người vô số, ta có thể hủy diệt thương sinh, ta có thể để ban ngày trở thành đêm tối, để hắc ám giáng lâm đại địa, nhưng ở trong tim ta, vĩnh viễn có một khối quang minh, để lại cho thân nhân của ta, bằng hữu của ta, bạn lữ của ta…”

Không quan tâm cái nhìn của chúng sinh, không ngại dấn thân vào ma đạo, chỉ vì muốn bảo vệ thân nhân của mình.

“Như con đường của hắn, đi lại chính là theo đuổi, khúc chiết mà thê lương, như hắn cầu đạo cả đời, cô độc mà chấp nhất, cũng hoặc là…, đây chính là ma, một cuộc cầu ma đường.

Tại trong năm tháng, tìm tìm bọn hắn tiêu tán, dấu vết lưu lại…

Tại trong Luân Hồi , lưu lại trong trí nhớ tương ức tưởng niệm cùng ước định bất tương vong.

Chỉ vì tương tư tương tri cùng…tương kiến.

Đây là đạo của ta…ta đã không muốn…tiếp tục cô độc.”

Đạo của Tô Minh chính là chấp nhất, hắn cô độc…là vì hắn không muốn tiếp tục cô độc, cầu đạo chỉ để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho thân nhân của mình.

“Có một loại người, trong miệng chưa từng nói ra tình cảm, nhưng chôn giấu tình cảm tại đáy lòng, là ngươi nếu như hiểu, liền có thể mỉm cười cả đời chấp nhất.”

“Con đường của ngươi, như đi tiếp, cuối cùng toàn bộ thương khung, thế giới của ngươi bên trong chỉ có chính ngươi.

Như vậy con đường của ngươi đâu, tiếp tục đi, cuối cùng trong cả thương khung, tan biến chỉ có chính ngươi!”

Tô Minh có tính cách cô độc, lạnh lùng đầy quyết đoán, cũng là người không giỏi biểu lộ tình cảm của mình, không biết nói lời thề non hẹn biển, hắn càng thích yên lặng hành động, nhưng lại chấp nhất hơn bất kỳ ai.

“Cùng nhau đi tới, hắn học xong trầm mặc, học xong bình tĩnh, học xong cô độc. Nhưng những này chỉ là hắn học được, là dùng đến ẩn tàng, dùng để che đậy nội tâm của hắn, là một loại mang theo non nớt ngụy trang.”

Tuế nguyệt qua đi, cựu địa tan biến, cố nhân không còn, người thiếu niên năm nào nay đã là một vị cường giả nhìn xuống thiên hạ, hắn đã thay đổi rất nhiều, từ tình cách cho đến bề ngoài, thế nhưng thứ căn bản nhất trong lòng hắn thì thuỷ chung vẫn còn nguyên vẹn, đó là tình nghĩa.

Triết lý sâu sắc về cuộc sống và bản ngã của con người là điều gây ám nhất nhất mà Nhĩ Căn đã lồng ghép một cách xuất sắc vào trong Cầu Ma.

Nhĩ Căn luôn có cái nhìn về nhân sinh vô cùng sâu sắc và độc đáo, nhưng cũng không kém phần chân thực, trong số các tác phẩm của ông thì ad đánh giá Cầu Ma có triết lý nhân sinh không kém gì Tiên Nghịch, thậm chí còn trội hơn ở khoản miêu tả nội tâm và tình cảm của các nhân vật, tác giả không miêu tả nhiều nhưng rất sâu sắc.

Khi xem đến đoạn Tô Minh chia tay mối tình đầu là Bạch Linh có lẽ có không ít người trong số chúng ta phải bồi hồi xúc động.

“Tô Minh đứng đó nhìn bóng lưng Bạch Linh dần khuất xa, nhìn bóng dáng yêu kiều đôi khi ngoái đầu vẫy tay với mình, đầu hắn trống rỗng.

Theo khoảng cách hai bên ngày càng xa, tuyết rơi trên trời cũng trở thành vách ngăn vô hình, phá nát tầm mắt, chậm rãi phủ lên bóng dáng đi xa. Tựa như đi qua vùng đất băng giá, nếu không trở lại thì sẽ không nhìn tới băng hòa tan. Nếu đi trong năm tháng, không có nhớ lại, thì sẽ không nghe thấy năm tháng tuổi xuân ai đang thở dài.”

Nhân sinh giá như lần đầu gặp gỡ…

Tình đầu tựa như một cơn mưa rào tuyệt đẹp, vừa đến đã tạnh, khiến chúng ta không khỏi tiếc nuối vì chưa kịp cảm nhận vẻ đẹp của nó…

Tuổi xuân ngây thơ, ai cũng có một mối tình đầu, đó là thứ tình cảm đơn giản nhất, ngọt ngào nhất và cũng chân thành nhất, tựa như một trang giấy trắng tinh khôi.

Đáng tiếc, theo thời gian qua đây, thứ tình cảm đẹp đẽ đó lại không cách nào có được cái kết viên mãn…

Một lần chia ly, nào có biết đó là lần cuối gặp gỡ…

Những câu yêu thương, những lời hẹn ước năm nào chôn vùi theo năm tháng, đến khi chúng ta bất giác quay đầu nhìn lại, có thể làm chỉ có thở dài, tiếc nuối cho một thời thanh xuân vĩnh viễn không có cách nào quay lại, tựa như câu nói đầy chua chát trong truyện:

“Tháng năm tuổi trẻ là ai đang thở dài.”

Tình cảm, vốn là thứ không tuân theo bất kỳ logic nào, cũng là thứ thường khiến chúng ta tiếc nuối và khó quên nhất.

Có nhiều người, đôi khi chỉ ước giá như…

Giá như năm xưa ta chín chắn hơn một chút…

Giá như lúc đó ta hiểu được tình cảm của mình dành cho ai kia sâu đậm đến mức nào…

Giá như ta đủ can đảm để nói ra thứ tình cảm đó…

Giá như ai đó năm xưa có thể hiểu được tình cảm của ta dành cho họ là thứ tình cảm chân thành nhất, cho dù qua đến trăm vạn năm, thương hải tang điền, địa lão thiên hoang, vẫn không quên được…

Giá như…

Cũng giống như tình cảm của Phương Thương Lan dành cho Tô Minh trong truyện, một mối tình thầm lặng, nhưng lại chẳng bao giờ có thể xoá nhoà…

“Tình, vốn dĩ không nói được.

Là ai đem tương tư ngàn năm này kéo dài thật dài, từ khi thiên hoang vẫn còn là đại lục, đến khi địa lão đã thành một đảo trên đại dương. Một phút ngắm nhìn, kia chính là lần đầu gặp gỡ.

Những ký ức từng quen biết mơ hồ còn đó, nhưng trong ngàn năm phong vân biến chuyển như bụi rơi vào sông dài, muốn tìm đã không có dấu vết.

Ngoài khung cửa tay áo tung bay, ánh trăng không đành lòng nhẹ nhàng đi đến, tuổi xuân thổn thức, chia ly đã sầu…vì cái gì càng thêm ưu.

Trong mộng có từng trở lại như xưa?

Khép mi quay đầu, chôn sâu trong ngực, chuyện cũ mơ hồ, không phân rõ giờ khắc này là mộng, còn là sầu…

Lưu luyến than nhẹ, khóe mắt rơi lệ, trong nước mắt kia giống như chiếu đến bóng dáng đã từng trên ngọn núi cùng gió bay múa, thân ảnh này đứng tại tuế nguyệt bên trong một mực chờ đến dung nhan không còn, phảng phất tại giờ khắc này, theo cái kia thở dài, thổ lộ hết nàng lại một lần không nói.

Chỉ thán nếu như là khách qua đường trong sinh mệnh của nhau, vậy thì lòng không còn đau. Thở dài cũng chỉ là một cái chớp mắt, không vượt quá ba hơi. Chỉ thán nếu như cuộc đời có thể lặp lại, vậy chi bằng không gặp mặt, có lẽ sẽ không biết nhau.

Nếu như chưa từng gặp mặt có lẽ sẽ không nợ nhau, liền có thể như u lan nặc cốc, nhìn thiên hoang địa lão, biển cạn đá mòn, lại có thể nhẹ như mây gió, đàn tranh làm bạn, trong đêm ngồi dưới ánh trăng, cười nói tự nhiên, trưa ngủ với đôi mắt mông lung, lừa rằng đó là giấc mộng ban ngày, cũng lừa tình cảm chính mình.

Tóc dài thơm dịu, tay áo thanh khiết, không hỏi kiếp trước kiếp này kiếp sau, vô dục vô cầu, lòng yên tĩnh…sẽ không đau.”

Thanh âm thì thào chôn trong đáy lòng cô gái, đó là lời nói năm xưa không cách nào thốt ra được:

“Ta quên thương hải tang điền, quên chúng sinh, quên mất chính mình, nhưng vẫn không thể quên được chàng.”

Đáng tiếc, nhân sinh vốn không có chuyện hoàn mỹ, càng không có chuyện nếu như, luôn tràn đầy tiếc nuối, tất cả những gì chúng ta có thể làm chính là tiếp tục bước đi về phía trước…

“Tuế nguyệt đổi thay, thời gian trôi qua rốt cuộc không trở về được thuở xưa, kia tuổi thơ lúc hết thảy đã trưởng thành đến lạ lẫm. Chỉ là đáy lòng ký ức, nhưng thủy chung chôn ở nơi đó, không muốn quên. Không muốn bỏ qua, cuối cùng cũng tại trong yên lặng không nghe thấy đem tìm tới, nhưng lại chỉ có vết tích…chỉ có vết tích.”

Thế giới tu tiên trong Cầu Ma cũng giống như Tiên Nghịch, cực kỳ tàn khốc, không có đúng sai, mỗi người đều có lý tưởng và đạo của riêng mình, vì nó mà tranh đấu cả một đời.

“Núi không bằng, mặt đất không bằng, chúng sinh cũng không bằng, sông nước càng không bằng, tinh cầu trập trùng, thậm chí trời sao cũng không bằng phẳng, tại sao ngươi muốn có được công bằng? Thế gian này trước nay không tồn tại công bằng, cái gọi là công bằng, chỉ là cường giả đối với kẻ yếu một loại thương hại, là kẻ yếu tự ai tự oán một loại đáng thương.”

Tiên đạo tranh phong, không có chỗ cho lòng thương hại, càng không có chuyện công bằng, đạo lý duy nhất trên thế gian là thực lực vi tôn, lịch sử là do kẻ thắng viết lên, kẻ thua là kẻ yếu và luôn là kẻ sai.

Cuộc đời của Tô Minh còn khốn khổ hơn Vương Lâm rất nhiều, bản thân hắn từ khi sinh ra đã bị tính kế, như là con rối trong tay người khác, lại gần như là kẻ địch của toàn thiên hạ.

Hắn đấu tranh để làm chủ vận mệnh của mình, để tìm kiếm sự thật, và để biết rõ…hắn là ai!

Cầu Ma giống như một quyển sách kể về cuộc đời của Tô Minh, một cuộc đời đầy bi thương, đến mức khiến người đọc phải rơi lệ.

Nhĩ Căn đã từng nói, ông muốn tạo ra một nhân vật chính đứng trên đỉnh núi nhìn xuống chúng sinh trong thiên địa.

Kẻ đó có một chút ngạo nghễ, một chút cô độc, một chút tang thương, lạnh nhạt đối mặt với cả thiên hạ.

Tô Minh tu đạo cả một đời vì muốn biết bản thân hắn đến cùng là ai?

Cuộc đời của hắn bị tính kế và thao túng quá nhiều, tựa như một giấc mộng, thậm chí đến khi hắn tưởng mình đã tỉnh mộng, kỳ thực vẫn không khác gì.

Mọi thứ hắn làm đều do kẻ khác sắp đặt bày bố, vậy hắn đơn giản chỉ là một con rối!

Tô Minh vốn là đứa trẻ non nớt hiền lành của Man tộc, thế nhưng lại từng bước trở thành một con ma trong mắt thế nhân, vì muốn thoát ra khỏi sự khống chế của kẻ khác.

Đơn giản là vì, sống như một con rối của người khác nhưng lại không thể làm gì để tránh thoát, đó chính là bi ai lớn nhất trong đời người.

Như vậy sao có thể gọi là sống?

Chỉ là, Tô Minh càng mạnh thì hắn càng hiểu được người đang tính toán mình là đáng sợ đến mức nào.

Trong truyện có quá nhiều kẻ thông minh, lòng dạ thâm sâu đến mức làm người đọc phải sợ hãi, nói trắng ra, có thể bước trên con đường tu tiên, chả có mấy người là kẻ ngốc.

Huyền Táng hay Tô Hiên Y, chính là những nhân vật phụ tiêu biểu có tâm kế vô cùng đáng sợ.

Dù gần như phải làm kẻ thù của toàn thiên hạ, thế nhưng Tô Minh không hề bỏ cuộc, cho dù phải đánh vỡ cả hư không, hắn vốn muốn sống là chính mình, muốn dùng đôi mắt này nhìn rõ bản chất của thế giới.

“Người tịch mịch ngàn năm, năm tháng ở giữa ngón tay xẹt qua, ký ức ở trong biến đổi chìm nổi, tâm ở trong hiện thực trốn tránh, mộng ở trong đêm tối ưu thương.”

Tiên nhân sở dĩ được gọi là tiên nhân, chủ yếu vẫn là vì họ sống lâu hơn người phàm vô số lần.

Đối với người phàm, trăm năm là một cái giới hạn, thế nhưng đối với tiên nhân mà nói, ngàn năm chẳng qua cũng chỉ là một cái chớp mắt…

Có đôi khi, sống quá lâu chính là một loại hành hạ, bởi vì thứ duy nhất làm bạn ở bên cạnh mình đến cuối con đường…chính là cô độc!

Nhưng có đôi khi, cũng có những thứ mà chỉ có trải qua vô số tuế nguyệt mới là thứ tuyệt vời nhất, giống như một bình rượu ngon được chưng cất trăm năm vậy, rượu cất càng lâu, hương vị sẽ càng thơm ngon làm say lòng người.

“Nhân sinh nếu chỉ như lần đầu gặp gỡ.

Nhưng một số thời khắc, lần đầu gặp mỹ lệ, không bằng tuế nguyệt lắng đọng sau an bình, ví dụ như cái này giấy, không có vẽ xuống lúc trắng không, vẽ xuống sau màu sắc, đến cùng cái nào đẹp?

Chỉ có vẽ tranh người, chính mình mới biết được.

Chỉ có người đã trải qua, chính mình mới minh bạch.”

Nhân sinh như một giấc mộng, thế nhưng đến cùng như thế nào là đang ở trong mộng, còn như thế nào mới là tỉnh?

“Nếu như trong thiên địa này thế nhân đều say, mà chỉ có ngươi tỉnh, thì chẳng khác gì là thế nhân đều tỉnh chỉ mình ngươi ngủ.”

Câu văn đầy sâu sắc của Nhĩ Căn với một nhân sinh quan cực kỳ chân thực.

Con đường của cường giả, thường luôn cô độc.

Chỉ là, một người dù có cường đại đến mức nào, cũng không thể dựa vào sức một người mà thay đổi cả thế gian.

“Ngươi thấy, không nhất định là chân tướng, ngươi cho rằng không tồn tại, không nhất định…là thật không tồn tại. Như ngàn vạn người ngủ say, ngươi mở mắt ra, ngươi là may mắn, cũng là bi ai, bởi vì ngươi không tin mình chỗ nhìn, bởi vì ngươi một khi tin tưởng, ngươi sẽ trở thành thế gian không cho phép…bởi vì, ngươi đã tỉnh.

Ngàn vạn người thức tỉnh, có thể ngươi còn đang ngủ say… là không muốn tỉnh lại, hay là… ngươi cho là mình đã thức tỉnh, cái gì là ngủ say, cái gì lại là thức tỉnh, hết thảy chỉ là…ngươi thấy thế giới, người khác…không nhìn thấy.“

Một mình ta tỉnh mộng thì có ích gì, khi mà chúng sinh vẫn còn ở trong mộng?

Vậy còn không bằng để cho chúng sinh tỉnh, một mình ta chìm trong giấc mộng của bản thân ta!

“Đối với người bình thường, dù mười năm không là một đời nhưng cũng là hồi ức. Mười năm trước có lẽ bên cạnh ngươi có người làm bạn, mười năm trước, có lẽ ngươi là thiếu niên thỏa thê mãn nguyện, mười năm trước có lẽ ngươi không hiểu quý trọng, mười năm trước có lẻ người vui vẻ mơ lòng, cười ngây thơ vô âu lo.

Nhưng mười năm sau.

Ngươi sẽ chỉ nhìn trời xanh mây trắng, nhìn trời mọc trời lặn, cảm thán mình, cuối cùng vẫn là kẻ bình thường.“

Tuế nguyệt rất tàn khốc, đã là người, thì sẽ luôn thay đổi dù ít hay nhiều, nhiều người luôn muốn chống lại quy luật của thời gian, đến cuối cùng, lại phát hiện bản thân mình chung quy là vô lực…

“Bỉ giả thương thiên cớ gì ngươi khóc.”

Tuế nguyệt như ca, thương thiên cũng già, nhưng không có nước mắt, không có bi thương, bởi vì…thiên này vốn là giả!

Chúng sinh lầm than, tiếng oán than dậy đất, thiên…có biết không?

Có lẽ…thiên này vốn không nên tồn tại!

Nguyện lấy thân ta hoá thành càn khôn, che chở thân nhân của ta đời đời kiếp kiếp bình an vô sự…

Cầu ma, ngay từ đầu đã chú định một đời bi thương…

Tô Minh có đạo của mình, nhưng cũng chính vì thế mà cuộc đời hắn không có khả năng thoát khỏi bể khổ…

Đánh giá chung: Không có những tình tiết yy trang bức, không có nhiệt huyết hào hùng, văn phong của Nhĩ Căn trong Cầu Ma càng về sau càng có cảm giác u tối mà bi thương đến từng cùng cực, nhưng đây lại chính là điều đã tạo nên một Cầu Ma siêu phẩm, tất cả đều đến từ nhân sinh quan tuyệt đỉnh của tác giả.

Truyện quá buồn, đây là điều không thể phủ nhận, vẫn là những câu chữ đã quá quen thuộc ấy nhưng vẫn khiến người ta nhói lòng mỗi khi lật lại từng trang sách.

Cầu Ma chắc chắn không phải là phải là một tác phẩm dành cho những người mới đọc truyện, đơn giản là vì nó quá phức tạp, cũng quá bi thương, khiến cho ta cảm thấy không nỡ đọc tiếp, chỉ có những người đọc có kinh nghiệm mới có thể dành cả ngày để nghiền ngẫm từng câu chữ mang theo triết lý thâm sâu của tác giả.

Cầu Ma có thể là một bộ truyện không có nhiều người đọc được từ đến cuối cùng, nhưng với số ít người còn lại thì đây thực sự là một siêu phẩm hiếm có trong làng truyện tiên hiệp hiện tại và tương lai.

 

You may also like