[Review] Hữu Phỉ – Priest | Thanh sơn bất cải, lục thủy trường lưu

by admin
Hữu Phỉ - Priest - Chu Phỉ Tạ Doãn

Thông tin cơ bản

Truyện gốc: Hữu Phỉ
Tác giả: Priest

Thể loại: Cổ đại, kiếm hiệp

Độ dài: 4 quyển (sách xuất bản) – siêu dài :)))

Nhân vật chính: Chu Phỉ, Tạ Doãn

Tuyến phụ: Lý Thịnh, Ngô Sở Sở, Lý Nghiên, Lý Cẩn Dung, Chu Dĩ Đường, Dương Cẩn, Ưng Hà Tòng, Ân Bái, Triệu Minh Sâm, Đồng Minh đại sư, Triệu Uyên, Lương Thiệu, Lý Trừng, Ân Văn Lam, Đoàn Cửu Nương, Hoa Chính Long, Kỷ Vân Trầm, Thẩm Thiên Khu, Mộc Tiểu Kiều… và rất nhiều nhân vật khác :)))

Hữu Phỉ rate 4.5 trong list truyện ngôn tình S review nhé. Có thể xem list đầy đủ ở đây:

List 70 truyện ngôn tình hay nhất (có review)

Hữu Phỉ - Priest - Chu Phỉ Tạ Doãn

Những năm nay ít đọc, tới hôm nay mới chợt nhận ra, võ hiệp dường như suy tàn rồi. Cái thời võ hiệp huy hoàng lẫm liệt dường như đã lùi xa, nhường chỗ cho tu chân, kỳ huyễn, trọng sinh báo oán, ái hận tình thù… Dẫu sao vẫn hấp dẫn hơn những tay võ si chỉ biết ngây ngô đánh đấm, cũng chẳng có gì ngoài nhặt được kì công, được cao thủ truyền cho công lực, họa may thì có thêm giang hồ nhi nữ tình trường.

Nói ra thì, quanh đi quẩn lại cũng một chữ: Nhàm! Chẳng trách tiên hiệp lên ngôi, võ hiệp lụi tắt dần sau tháng ngày rực rỡ.

Pi đại đã nghĩ gì khi chấp bút viết hơn sáu ngàn chữ cho bộ trường thiên Hữu Phỉ?

Chị đã nghĩ gì, đã chọn lựa một đề tài “nhạt nhẽo” như thế, chọn võ hiệp đã đành, lại còn là võ hiệp đại nữ chủ văn?

Chị đã nghĩ gì, khi gửi gắm tất thảy từng trải và chiêm nghiệm của mình vào một thiên tiểu thuyết hoàn toàn giá không, với một bối cảnh vương triều không có thật, thiết lập giang hồ cũng là giả tưởng?

Có lẽ không ai biết.

Review Hữu phỉ – Thanh sơn bất cải, lục thủy trường lưu

Hữu Phỉ mở ra như một cuốn tranh họa đồ đơn sắc mà quyết tuyệt. Bấy giờ chiến loạn triền miên, Nam Bắc phân tranh, có một vùng đất gọi là Tứ Thập Bát Trại do Nam đao Lý Trừng để lại. Tứ Thập Bát Trại chiếm núi mở cờ, đóng cửa với bên ngoài, giăng bẫy trên sông, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cho đến khi có một kẻ ỷ vào Phong Quá Vô Ngân mà không biết trời cao đất dày, khăng khăng một mực tìm cách vào trại.

Tựa như khởi động một sợi khiên cơ, từ nay cả ván cờ rào rào đổ.

Lần thứ nhất Tạ Doãn tới Tứ Thập Bát Trại, Chu Phỉ mới chỉ là cô bé con mười ba, mười bốn tuổi. Nàng xuất thân danh môn, ông ngoại là Nam đao Lý Trừng, mẹ là đại đương gia của Tứ Thập Bát Trại, cha là một thư sinh “ở rể đằng ngoại”. Nghĩ thế nào cũng nên là hòn ngọc quý trên tay người lớn. Nàng có thể thông minh tinh quái, có thể hơi khờ dại đáng yêu, chưa biết chừng ngu ngốc bánh bèo cũng hoàn toàn có thể. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái lại. Lớn lên dưới sự nghiêm khắc và sát phạt của người mẹ “mười bảy tuổi đã dám xông vào cung ám sát Hoàng đế”, mạng nàng là do người cậu ruột đổi về, Chu Phỉ lớn lên thành một cô bé cô độc mà trầm lặng. Nàng khao khát một ngày đánh thắng Lý Cẩn Dung, khao khát nhận được sự công nhận dù chỉ là khẽ gật đầu.

Sau khi Tạ Doãn truyền tin, cha nàng rời khỏi chốn đào nguyên, trở lại triều đình. Rất lâu về sau, ông mới hỏi một câu hỏi muộn màng, với đại cô nương Chu Phỉ đã thành danh, rằng nàng có muốn về kinh đô, làm Chu tiểu thư được người hầu kẻ hạ, vương tôn công tử ngưỡng mộ say mê, hơn là làm “truyền nhân Nam đao” cả ngày chỉ nhận được thư khiêu chiến của giang hồ nhân sĩ.

Giá như Chu Phỉ gật một cái!

Thế thì có phải chúng ta đã được đọc một bộ cung đình hầu tước đúng chuẩn ngôn tình hay chăng :)))

Tiếc là người sinh ra trong chiến loạn, lại đã chú định mang dòng máu anh hùng.

Năm đó cha phải rời đi, mà bản thân lại bất lực không thể làm gì. Bấy giờ Chu Phỉ mới nhận ra, lựa chọn không quyết định ở mình, bản thân nó là đạo của kẻ mạnh. Trải qua mấy năm rèn luyện, cô bé con không hiểu chuyện, đao gãy trước sơn môn nay đã trưởng thành, cứng cáp, đủ sức định phong ba, xứng đáng là kỳ tài tân tú.

Ở Tú Sơn Đường lấy được hoa giấy từ tay Lý Cẩn Dung, cuối cùng Chu Phỉ cũng được mẹ mình nhìn lại bằng con mắt khác, cho phép xuất sơn. Lúc bấy giờ ta cứ ngỡ diễn biến tiếp theo có lẽ sẽ là nàng gặp lại cha mình, gia đình ba người đoàn tụ. Nhưng núi cao sông dài, hóa ra phía trước Chu Phỉ chỉ toàn là núi cao vực sâu. Không biết bao nhiêu lần cửu tử nhất sinh trong thoáng chốc, lại đến cả chặng đường dài bôn ba, biết bao lần đao gãy nửa chừng :))) Tới nỗi độc giả cũng phải đặt ngoại hiệu cho nàng là Phỉ-phá-đao! Một cô gái nhỏ, lại phải lăn lộn đến bước đường như thế.

Thế mới nói, công phu ngày đi ngàn dặm đều là do Pi đại ép phải thành!

Hữu Phỉ

Nàng bị cuốn vào những âm mưu mà chính nàng còn không hiểu, bị truy sát vô cớ, lại còn phải đèo bòng thêm những người yếu nhược, lưu dân tha hương, nam phụ lão ấu chẳng biết bao nhiêu mà kể.

Kì thật Chu Phỉ nào phải mẫu nữ chính bạch liên hào quang thánh nữ tỏa ra ngàn trượng!

Nàng cô độc mà lạnh lùng như khúc gỗ, cả ngày chỉ đắm chìm vào đao pháp của bản thân. Tới khi Đồng Minh đại sư chỉ điểm, nàng vẫn chưa biết cuộc đời này nàng truy cầu thứ gì, đừng nói là đại nghĩa diệt thân, tâm hoài thiên hạ!

Không. Chu Phỉ không phải người như thế.

Mà Tạ Doãn cũng không phải người như thế. Hoàng đế, càng không phải người như thế. Trong truyện cũng không ai là người như thế.

Lấy một bối cảnh giang hồ và triều đình rộng lớn làm điểm tựa. Nhưng thực ra mỗi người, mỗi một cuộc đời trong Hữu Phỉ, chỉ đang vùng vẫy trong lí tưởng và di hận của riêng mình.

Từ đầu đến cuối, điều họ sở cầu, chẳng qua chỉ là bốn chữ Không thẹn với lòng.

Hữu Phỉ fanart

Lương công không thẹn với lòng, vì tân chính mà kiên quyết đem ấu chúa xuôi nam, phò tá đến chết. Nam Đao không thẹn với lòng, phụng chỉ làm phỉ, từ nay Thục Trung có chốn đào nguyên. Đoàn Cửu Nương không thẹn với lòng, một khối tình si, lời hứa nặng tựa ngàn vàng không đổi. Nghê Thường Phu Nhân không thẹn với lòng, Vọng Xuân Sơn, Ẩm Trầm Tuyết chờ cố nhân, dẫu cố nhân từ nay chẳng quay về.

Thậm chí đến cả tuyến phản diện như Bắc đẩu Thẩm Thiên Khu, Bắc Đoan vương Tào Ninh, Thiết diện ma Ân Bái, cuối cùng thì, cũng chỉ là khăng khăng một mực đuổi theo thứ bản thân sở cầu.

Giang hồ rộng lớn như thế, một ván cờ được giăng suốt mấy chục năm, vì bốn chữ Hải Thiên Nhất Sắc mà anh hùng bỏ mạng.

Đám hậu bối bọn họ chẳng qua cũng chỉ truy tra một chân tướng, còn lại đại cục đã định, hà tất phải càn khôn xoay vần.

Hữu Phỉ, quả thật chẳng có cú twist nào khiến các hạ phải đội mũ đâu. Tim yếu như ta thì cứ yên tâm nhảy nhé :)) Quyền mưu trong truyện, nhiều thêm chút thì nhức đầu, ít đi chút lại thành ra nhạt nhẽo, mọi thứ đều vừa đủ. Mạch truyện cũng theo thời gian tuyến tính, có chăng chỉ flashback lại cuộc đời Tạ Doãn qua tiểu khúc ảnh tự viết :)) Pi đại thì vẫn phong cách dông dài miên man của bả, trong khi tình cảm nam nữ thì ít đến đáng thương! Từ lúc Tạ Doãn độc phát thành khối băng, đưa về Bồng Lai sống cuộc đời người thực vật thì nam chính off cũng phải đến 1/3 truyện chứ đùa! Tả Chu Phỉ ở cùng chỗ với một thanh đao còn nhiều hơn tả Chu Phỉ cùng Tạ Doãn! Thực ra chuyện tình cảm hẻo (thấy rõ) trong Hữu Phỉ thì nhiều người cũng than rồi :)) nhưng cái gì hiếm thì mới quý, nhiều lúc nghe A Phỉ với Tạ Doãn chành chọe nhau thôi cũng mãn nguyện. Bởi vậy mới nói chút nước đường hiếm hoi cũng đủ để người ta quắn quéo cả ngày :)) Như thể sau đêm đông, có tia nắng mai chợt ló, nơi năm xưa chiến hỏa, nay chỉ còn lại người say đắm phương hoa.

Nói sao ta…

Review Hữu Phỉ“Trải qua một giấc mộng dài, trong mộng ngập tràn hoa sơn như phỉ.”

Đọc và xem Hữu Phỉ

Năm nay, truyện đã được chuyển thể thành bộ phim Hữu Phỉ khá thành công, do Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác đóng chính. S đã có một bài riêng về Phim Hữu Phỉ ở đây

[Tóm tắt] Phim Hữu Phỉ

Phim chuyển thể Hữu Phỉ

Phim Hữu Phỉ

Ngoài ra truyện cũng được chính thức xuất bản ở Việt Nam rồi mọi người ơi, ủng hộ bản quyền ở đây nhé!

Mua sách xuất bản Hữu Phỉ 

You may also like

Leave a Comment