SOUL (Cuộc sống nhiệm màu)
Thể loại: Hoạt hình, âm nhạc, viễn tưởng, slice of life,…
Đạo diễn: Pete Docter.
Nhà sản xuất: Dana Murray.
Tình hình là em vừa ra rạp xem Soul chiều nay và thấy hay quá nên phải review luôn.
Pixar là một hãng phim đã quá nổi tiếng với những bộ phim hoạt hình dành cho cả trẻ em lẫn người lớn. Soul, không phải ngoại lệ, cũng chính là một bộ phim như thế. Câu chuyện kể về Joe – một giáo viên dạy nhạc vừa nhận được vị trí chính thức tại một ngôi trường cấp 2 với đầy đủ lương thưởng, bảo hiểm,… Joe có một niềm đam mê mãnh liệt với nhạc Jazz, đó là thứ được thừa hưởng từ cha anh – một nhạc công Jazz với lòng yêu âm nhạc cháy bỏng. Niềm khao khát lớn nhất của Joe không phải làm công việc nhàm chán của một giáo viên hằng ngày đến lớp, mà là được biểu diễn chính thức, được cháy hết mình trên sân khấu cùng cây đàn piano. Tuy nhiên, điều đó lại trái ngược hoàn toàn với mong muốn của mẹ anh.
Một ngày, Joe nhận được vị trí biểu diễn trong câu lạc bộ Half Note nổi tiếng. Đó là tất cả những gì anh ước ao bấy lâu nay: được biểu diễn trước đám đông những người yêu nhạc, được phiêu theo điệu đàn trong tâm hồn và bỏ quên hết thảy mọi thứ xung quanh. Nhưng chẳng may, John trượt chân ngã và biến thành một linh hồn đang chờ đợi để đến “Cõi Sau” – nơi dành riêng cho những người sau đi chết đi. Tại đây, John gặp một linh hồn khác là cô gái 22.
22 là một kẻ ương bướng, ngang ngược, không tìm thấy hứng thú trong bất cứ điều gì nên cũng không chịu xuống Trái Đất đầu thai. Joe thì một mực không cam lòng trước cái chết đột ngột của mình khi chưa được biểu diễn ở Half Note, từ đó, cuộc hành trình của hai người trở lại thế giới thực để hoàn thành ước nguyện của Joe bắt đầu.
Các thông điệp trong bộ phim được đưa vào một cách vô cùng tinh tế từ những chi tiết nhỏ nhất. Đầu tiên, đó là thông điệp về “theo đuổi đam mê”. Phải chăng chạy theo đam mê là phải đặt nó lên trên tất cả mọi thứ như người ta thường nói để rồi giống như Joe, trở nên xa cách với gia đình, bỏ lỡ người mình yêu và ngó lơ tài năng âm nhạc của cô học trò nhỏ? Bộ phim đã cho thấy một góc nhìn rất khác: thành công với đam mê chẳng phải thứ gì đó xa vời, đó không cần phải
là thứ ánh sáng chói lòa trên sân khấu mà Joe biểu diễn, là tiếng vỗ tay vang dội của khán giả, hạnh phúc đến từ căn phòng nhỏ bé với chiếc piano đặt gọn trong một góc – nơi ấy có người đàn ông thả hồn cùng đôi tay lướt trên phím đàn trầm bổng khi màn đêm buông. Ngoài ra, Soul còn cho ta thấy ý nghĩa của những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Con người cứ hối hả giữa vòng quay nhịp sống của New York xa hoa đầy xô bồ, vội vã mà quên đi cách “sống chậm” để thấy được vẻ đẹp từ những thứ nhỏ nhặt quanh ta. Nhờ đó, Joe mới hiểu được tình yêu vô bờ bến của mẹ mình.
Hơn hết, đây chính là bộ phim cho những người cứ mãi loay hoay trên con đường đi tìm đam mê và mục đích cho cuộc đời mình. Qua nhân vật Joe và 22, ắt hẳn nhiều người sẽ thấy mình trong đó. Ta cứ mải mê quay cuồng kiếm tìm bản ngã để rồi trở thành những “lost soul” – linh hồn lạc lối mà không nhận ra rằng: niềm vui và hạnh phúc đến với ai biết trân trọng và tận hưởng mọi khoảnh khắc mà cuộc sống này đem lại.
Âm nhạc và hình ảnh của bộ phim đều vô vùng xuất sắc và đầu tư.
Những triết lý được lồng ghép một cách nhẹ nhàng, đôi khi hóm hỉnh mà vẫn đầy sâu sắc và tạo nhiều suy ngẫm cho người xem. Tất cả những thông điệp nhân văn có lẽ phải khi thưởng thức trọn vẹn bộ phim, người ta mới có thể cảm nhận hết. Để kết lại, Soul thực sự xứng đáng là một tuyệt phẩm cuối năm 2020.