Review Truyện CUỘC SỐNG KHU NHÀ XƯỞNG NHỮNG NĂM 80

by admin
truyện cuộc sống khu nhà xưởng những năm 80

CUỘC SỐNG KHU NHÀ XƯỞNG NHỮNG NĂM 80 / 80 NIÊN ĐẠI XƯỞNG KHU SINH HOẠT

Tác giả: Nam Qua Giáp Tâm
Thể loại: Điền văn, thập niên 80, nhẹ nhàng, ấm áp, HE
Tình trạng: Hoàn convert

Link truyện đề cử

—–

Rate: 4.5/5.

Đây chắc là quyển điền văn thanh xuân vườn trường hiếm hoi mà mình chộp được từ trước đến giờ quá.

? Bối cảnh truyện diễn ra tầm những năm 80, ở khu trấn nhỏ bao quanh nhà máy điện có gia đình công nhân viên chức họ Tôn. Gia đình họ gồm người cha Tôn Thúc Minh, người mẹ Điền Thục Lệ, anh cả Tôn Tuấn, em hai Tôn Biền và em út Tôn Ký. Cha Tôn Biền là phó phòng bảo vệ nhà máy điện, xuất thân cựu binh trinh sát, mẹ cô là y tá trưởng bệnh viện duy nhất trong thị trấn, anh trai Tôn Tuấn là công nhân mới vào làm thuộc bộ phận kiểm tu máy móc, em trai Tôn Ký còn học tiểu học.

Gia đình nhà họ thời bấy giờ có thể được tính là gia đình trung lưu, cha mẹ đều có công việc ổn định, có đầy đủ khả năng lo ăn học cho ba đứa con. Cha Tôn và mẹ Tôn có tư tưởng tân tiến, giáo dục con theo kiểu chăn thả, để con tự do trưởng thành nhưng dạy chúng biết quy củ, hiểu quan niệm thị phi, mấu chốt đạo đức nên ba đứa con đều ngoan ngoãn chăm chỉ, nỗ lực tiến tới. Cậu cả Tôn Tuấn trung hậu, thật thà, cần cù bù thông minh. Cậu út Tôn Ký nhỏ nhất nhà nhưng thông minh, tinh ranh ma lanh thì không ai bằng. Cô Hai Tôn Biền tự lập, chăm học, suy nghĩ chín chắn.

Nhà ngoại của Tôn Biền rất tân tiến, bà ngoại từng là tiểu thư con nhà giàu gặp loạn lạc thời dân quốc nên tầm mắt rộng, dạy các con đến tuổi trưởng thành thì để chúng ra ngoài tự lập, đối xử với con trai và con gái bình đẳng. Trái ngược với đằng ngoại, nhà nội Tôn Biền thì cổ hủ, vẫn giữ nếp sống như thời xưa, con cái trưởng thành rồi vẫn phải ở bên cạnh cha mẹ, nếu muốn tách ra thì phải tuân theo điều kiện vô cùng khắc nghiệt, thậm chí người làm anh làm chị phải nuôi dưỡng các em trai, em gái đến tuổi trưởng thành thì mới được kết hôn, có khi kết hôn rồi mà các em chưa đâu vào đâu vẫn phải chu cấp tiếp.

Ngược với nhà ngoại, điều kiện nhà nội của Tôn Biền khá kém nhưng mẹ cô vẫn cắn răng gả cho cha cô, ngoại trừ yếu tố tình yêu ra thì chính yếu vì cha cô là người đáng tin cậy. Nhà nội của Tôn Biền dù rất nghèo nhưng khi có suất vào bộ đội thì họ lại để lại cho cha cô, cho nên đến khi xuất ngũ, tìm được việc làm, cưới mẹ cô, 3 năm đầu, cha cô dành hầu hết tiền lương gần như chỉ để chu cấp cho họ, sau đó thì chỉ chuyên tâm lo cho gia đình nhỏ của mình, tuy có hỗ trợ tìm việc cho các cháu nhưng rạch ròi không để ảnh hưởng đến vợ con.

? Đây là thời đại đã có thể ăn đủ no, mặc đủ ấm nhưng chưa thể tính đến là ăn ngon mặc đẹp, bù lại tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm, thầy trò, đồng nghiệp, dân tộc thì vô cùng dạt dào. Học sinh thức khuya dậy sớm, dốc lòng học tập bao nhiêu thì các thầy cô cũng nỗ lực thức đêm thức hôm chấm bài, chữa bài, kèm cặp bấy nhiêu. Học sinh dọn đồ vào ký túc xá một lòng tập trung cho việc học thì các thầy cô cũng mang theo hành lý vào trọ trong trường, chỉ để bảo đảm hễ học sinh cần hỏi gì thì sẽ có người đáp nấy. Các thầy cô nỗ lực không chỉ vì mang lại thành tích cho bản thân và nhà trường, mà còn vì lòng yêu nghề, yêu học trò và ý thức trách nhiệm nghề giáo. Thời cấp 3 của Tôn Biền chắc chắn sẽ làm bất cứ ai đều phải hoài niệm đến thời đi học của chính mình. Bạn từng học ban nào? Ban Tự nhiên Toán Lý Hoá hay ban Văn với những môn Văn, Sử, Địa? Bạn có từng được chọn làm Đại biểu cho một môn học bất kỳ? Bạn có từng làm báo tường cùng cả lớp, từng tham gia hội thao thi đua giữa các trường hay không?

? Nữ chính Tôn Biền đời này sinh ra ở cuối những năm 60 nhưng thực chất đời trước cô lớn lên ở thời kỳ khoa học kỹ thuật hiện đại, vậy nên cô có thể được coi là người xuyên không đến một thế giới song song khác. Yếu tố xuyên không thật ra không quá quan trọng, mục tiêu của cô đơn giản, nỗ lực học tập, thi đậu Đại học, tốt nghiệp chờ trường học phân phối vào cơ quan nhà nước, kiếm bát sắt ổn định cuộc sống. Cô học ngày học đêm tất nhiên vì bản thân cô, nhưng khi đạt được thành tích tốt, nhìn thấy người nhà tự hào và kiêu ngạo vì mình, cảm giác thành tựu đó lại chính là động lực để cô nỗ lực hơn nhiều nữa. Nhân sinh quan của Tôn Biền rất “chính”, luôn cố gắng đi theo hướng tích cực, lý trí, khách quan, không vì biết trước tương lai mà ham làm giàu. Mình thích cách tác giả miêu tả nữ chính Tôn Biền nổi bật, hơn người ở những chi tiết rất nhỏ, rất sảng mà lại không bị phô.

? Nam chính Hầu Kiến Quân là bạn học với nữ chính từ thời phổ thông, lên ĐH trường của hai người lại đối diện nhau nên họ có nhiều cơ hội tiếp xúc. Tình cảm của họ nhẹ nhàng tự nhiên, dễ thương, tràn ngập hơi thở thanh xuân. Hầu Kiến Quân theo đuổi Tôn Biền theo cách rất đáng yêu. Trường của anh là trường kỹ thuật, trường cô là trường ngoại ngữ, vì tạo ra cơ hội gặp mặt cô mà anh suốt ngày kéo đội bóng rổ trường mình sang thách đấu với đội bóng rổ trường cô, làm các anh zai thư sinh trường ngoại ngữ một thời gian cứ ngơ ngác đau khổ vì bị bọn nam kỹ thuật đối diện hành cho lên bờ xuống ruộng ) Mỗi khi thi đấu xong thì anh mặt dày mày dạn ở lại trường cô cọ cơm căng tin, cọ 4, 5 lần mới làm cô nhận ra á à thì ra tên này có ý với mình ) Đôi chính rất biết thông cảm và nhường nhịn nhau, khi cô có cơ hội ra nước ngoài làm việc thì anh chủ động xin đi học thạc sỹ để bạn gái khỏi áy náy vì bỏ bạn trai một mình, khi anh học lên tiến sỹ mất vài năm thì cô xin chuyển công tác về gần thành phố anh học, đôi bên tận dụng thời gian cuối tuần để hẹn hò, bồi dưỡng tình cảm, dù yêu xa nhưng lòng họ luôn hướng về nhau.

Đôi chính có du học ở nước ngoài, có làm việc ở nước ngoài nhưng tâm trí họ luôn hướng về tổ quốc, ra ngoài trải nghiệm là để trở về phục vụ, cống hiến xây dựng nước nhà. Ở cái thời mà vô số người bình thường khao khát ra nước ngoài, coi nước ngoài như thiên đường, cứ tưởng chỉ cần ra khỏi nước là có thể đổi đời, thậm chí có nhiều thành phần trí thức được nhà nước cử đi du học nhưng làm mọi cách để ở lại thì mình càng khâm phục phẩm chất của họ hơn.

? Truyện cuộc sống khu nhà xưởng những năm 80 hấp dẫn theo từng chương dù chẳng có tí cao trào nào, nhịp điệu nhẹ nhàng êm ả nhưng không vì thế mà nó kém thu hút, bởi không khí thời bao cấp hiển hiện qua những phong tục truyền thống như cưới hỏi, lễ tết và cuộc sống hàng ngày vô cùng thân thuộc, đó có thể là thói quen muối rau dưa mỗi khi đông đến, giao thừa gói sủi cảo, hay là mua từng đồ ăn cái mặc đều phải dùng tem phiếu. Có thể nói, thông qua gia đình nhà họ Tôn, tác giả đã vẽ nên cuộc sống đầy sinh động của công nhân viên chức và gia đình của họ xoay xung quanh nhà máy. Nếu tác giả cứ viết chuyện nhà chuyện cửa nhịp điệu đầm ấm thế này thì mình có đọc 1k, 2k chương cũng không thấy chán )

You may also like

Leave a Comment