Review Truyện Dạ Lữ Nhân

by admin
dạ lữ nhân

DẠ LỮ NHÂN

Tác giả: Triệu Hi Chi.
Thể loại: Xuyên không, dân quốc – hiện đại đan xen, chiến tranh, HE.
Tình trạng: Đã xuất bản.

—-

Giới thiệu:

Song hành cùng tình yêu đôi lứa là những khốc liệt của chiến tranh Thượng Hải thời Dân Quốc, đan xen với những ngày tháng hoà bình của hiện tại~

“Hai không – thời gian giao thoa nhờ một chiếc đèn trần.

Thịnh Thanh Nhượng là luật sư thời Dân Quốc, tính tình ôn hòa lịch sự, lỗi thời nhưng chính trực, vẻ ngoài hòa nhã, nội tâm mạnh mẽ.

Tông Anh là nữ pháp y thời hiện đại, lạnh lùng dũng cảm, làm việc quyết đoán, tạo cho người khác cảm giác cô là người đơn thuần và cố chấp.

Lần đầu gặp mặt, Thịnh Thanh Nhượng là “anh chàng không vội” của Tông Anh, tay cầm chiếc ô màu đen, đưa cô đến bệnh viện.

Lần thứ hai gặp mặt, anh là vị khách thuê nhà đến từ một không-thời gian khác, cầm theo hợp đồng thuê nhà năm Dân Quốc thứ hai mươi sáu.

Không – thời gian giao thoa, đêm khuya gặp mặt. Tình yêu của họ vượt qua khoảng cách không gian và thời gian, vừa gặp gỡ chính là vĩnh viễn”

—-

Nhận xét của độc giả:

Dạ Lữ Nhân – bộ tiểu thuyết lấy xuyên không làm chất liệu chủ đạo. Ngòi bút tài tình của Triệu Hi Chi đã tái hiện xuất sắc một Thượng Hải đạn bom khói lửa thời Dân Quốc, đặt cạnh với một Thượng Hải 2015 đầy sự hiện đại, hối hả thông qua từng bước chân của hai nhân vật chính. Đồng thời, khắc hoạ một truyện tình bắt nguồn từ thấu hiểu và đồng cảm, vượt lên trên bi kịch của chiến tranh.

“Thời gian thay đổi, xuyên qua không gian, chỉ có Thượng Hải mới thích hợp với một câu chuyện như vậy. Thượng Hải là một thành phố hiện đại, vươn mình lên từ cuối thời nhà Thanh và phát triển mạnh mẽ vào thời Dân Quốc. Trải qua khói lửa chiến tranh, Thượng Hải vẫn vững vàng tiến về phía trước, nó vẫn là một trung tâm kinh tế văn hóa quan trọng của khu vực Đông Á” – Thịnh Thế Trường An Nguyệt

? Với mình cuốn truyện này như một thước phim điện ảnh, nó chứa đựng những thước phim về Thượng Hải phồn hoa trước khi hoàn toàn roi vào chiếm đóng và khói lửa chiến tranh. Có lẽ bởi mình thuộc team fan cuồng của phim Trung về giai đoạn kháng Nhật nên đọc truyện từng chi tiết một mình đều hình dung rõ như in trong đầu. Chính vì thế dĩ nhiên là buộc phải thừa nhận mình đã bị em nó đốn tim.

? Câu chuyện kể về hai con người ở hai thời đại xa lạ, từ một cuộc xuyên không vô tình đã kéo họ vào cuộc sống của nhau. Cô là người có nhà mà như không, mắc căn bệnh với tỷ lệ phẫu thuật thành công khá thấp, vẫn không ngừng điều tra về cái chết của mẹ, hơn nữa còn là “hũ đựng tim sống” bao kẻ trực chờ. Còn anh là người ngoài cuộc trong gia đình, thân phận con riêng nên những nỗ lực của anh phải gấp mấy lần người thường, ngày ngày tích cực công cuộc di dời nhà máy về hậu phương. Hai con người cách nhau đến gần trăm năm ấy đều là những tâm hồn cô độc, những tưởng họ cứ sống như vậy cho đến cuối đời nhưng may mà cánh cửa của số phận đã gắn kết họ lại với nhau.

? Tông Anh có lẽ sẽ không dám tin rồi sẽ có ngày cô mổ lại được, khám bệnh chữa trị cho người sống chứ không phải những xác chết lạnh lẽo. Một cô gái ngày ngày hút thuốc để xua đi chướng khí hiện trường mà lại bắt đầu hành trình cai. Bên cô là Thượng Hải 2015 yên bình, nhưng cô lại bị xuyên về 1935 chứng kiến cảnh người người chen chúc đổ máu để vào Tô Giới. Ngồi trong chiếc ô tô chứng kiến cảnh dân chúng phá hủy vì căm ghét nhà giàu. Chứng kiến gia đình nhà họ Thịnh lúc thịnh vượng cho đến khi di dời. Cả một Thượng Hải phồn hoa chìm trong biển lửa. Có lẽ phải dũng cảm biết bao khi cô quyết định bám vào tay Thịnh Thanh Nhượng để quay về thời kì ấy. Phẫu thuật cưa chân trong phòng không được vô trùng với duy nhất một bác sĩ; phẫu thuật lấy đạn mà ko có máy móc xác định vị trí cụ thể; đi lấy thuốc trong tình cảnh khắp nơi là dân tị nạn; đỡ đẻ cho một người xa lạ trong căn nhà bỏ hoang; ở bên Thịnh Thanh Nhượng ngay vùng chiến sự.

? Thịnh Thanh Nhượng – Thịnh tiên sinh của chúng ta. Từ lần đầu anh xuất hiện tôi đã phát cuồng. Có lẽ hiếm ai có thể giữ được sự bình tĩnh và thích ứng như anh khi ở một thời đại xa lạ. Lần đầu khi nhận ra không còn ở chung cư 699 của năm 1935 anh đã mượn tiền, đồ dùng của chủ nhà rồi lịch sự để lại lời nhắn. Tác giả xây dựng sự điềm tĩnh, lịch sự cuả Thịnh Thanh Nhượng đến cùng. Cứ như thể gặp bất cứ khó khăn nao núng nào anh cũng “nhịn” được y như cái tên của mình. Gặp cô chủ nhà đa nghi, anh nhẫn nại giải thích. Gặp phải cấp trên làm khó, anh vẫn nhẫn để đạt được mục đích. Sự nhẫn ấy lên đến đỉnh cao khi anh năm lần bảy lượt thuyết phục gia đình di dời nhà máy. Song anh là con người nhẫn có giới hạn, chứ vượt qua giới hạn ấy anh sẵn sàng bùng nổ. Như việc chị hai anh coi Tông Anh là bác sĩ sẵn sàng đổ vấy cho cô về việc cưa chân cho anh cả bị nhiễm trùng thì anh phản kháng lại ngay. Hay như khi chị hai mải tranh cãi không đưa con đi bệnh viện tả anh lập tức quát. Anh cũng là con người biết giữ lời hứa khi cô nhắc anh trở về Thượng Hải là phải liên lạc, vì thế nên dù có ở xa anh cũng ngày ngày viết thư chuyển về báo bình an. Anh cũng là người vô cùng lãng mạn với bó hoa hướng dương thay mới mỗi ngày đêm đêm mang tới bệnh viện.

? Ngoài hai nhân vật chính thì mình cực kì thích chú tư Thịnh Thanh Hòa, khi đọc đến đoạn anh giai còn sống mình đã thở phào. Anh rời khỏi nhà từ trẻ tòng quân. Tính cách ngang ngạnh âu cũng vì nước vì dân. Anh tự trách mình khiến đồng đội hi sinh quá nhiều nên quyết tâm phải cứu chữa cho người nhỏ nhất, còn vết thương của mình thì không xử lý âu cũng để tự trừng phạt. Anh giả vờ không giúp đỡ Tông Anh và Thịnh Thanh Nhượng âu cũng là để đảm bảo sự an toàn cho họ. Anh biết mạng sống của mình “được bữa nay lo bữa mai” cho nên có hứng thú với Tông Anh cũng ko dám thổ lộ; trở nên độc miệng với người nhà nhằm nếu anh có mất họ cũng bớt đau lòng. Tuy nhiên may mà trước khi gia đình họ mỗi người một phương anh đã kịp về chụp tấm ảnh cuối cùng. Nếu ở một tăc phẩm khác tôi tin Thịnh Thanh Hòa hoàn toàn xứng đáng làm nam chính.

? Tóm lại truyện không quá đi xa về mặt tình cảm mà đậm chất hơi thở của chiến tranh hơn nhưng từ trong đó ta mới thấy được tình người quý giá nhường nào. Cuộc chiến ấy đã trôi qua gần trăm năm nhưng những con người ấy đã sống đầy trọn vẹn cho thời đại của họ. Ngày mai là ly biệt có sao nếu ta sống hết mình như Thịnh Thanh Nhượng, Thịnh Thanh Hòa. Hay là dù có loạn lạc vẫn cứ dang tay cho đứa trẻ hoạn nạn như Thanh Huệ. Tất cả họ đã trở thành một phần lịch sử, nhưng những người ở lại thì mãi không quên họ.

You may also like

Leave a Comment