REVIEW TRUYỆN DIỄN TRÒ
Tác giả: Đông Nhật Anh Đào
Thể loại: Dân quốc, H+, nam nữ chính đều “DIỄN TRÒ”, cưới trước yêu sau, #NGỌT_SỦNG, HE
Số chương: 81 chương chính văn + 4 NT
Tình trạng: Edit hoàn chính văn – có PASS.
Truyện set pass khá nhiều, khó.
Văn án:
Cha cô là một quan chức nhỏ thất bại, đời này của cô có lẽ cũng sẽ đi theo con trai của quan chức nhỏ khác, sống tạm bợ trong thời loạn, cứ như vậy mà qua ngày.
Nhưng cậu Tư nhà họ Nhan lại hỏi cưới cô, Cận Tiêu ngây thơ nghĩ tiền tiêu vặt sẽ tăng lên kha khá đây. Có lẽ, đây cũng là một chuyện tốt.
Anh thích cô ngờ nghệch như thế, rồi lại thường xuyên tức giận vì vẻ ngờ nghệch ấy của cô.
“Không phải em đằm tính, cũng không phải không biết gì.”
Nhan Trưng Bắc phả ra hơi rượu: “Mười năm trước, lúc em dạy cậu bé kia diễn trò, vẫn còn vài phần thực tình.”
“Bây giờ em đối với tôi, có còn thực tình năm đó không?”
***
Cận Tiêu đồng ý gả vào Nhan gia cho cậu Tư – Nhan Trưng Bắc vì nhà họ Nhan giàu có, chắc sẽ có được nhiều tiền tiêu vặt hơn. Cuộc sống hôn nhân của cô cực kỳ đơn giản với phương châm nhịn và chiều chồng, nghe lời nhà chồng để an nhàn ăn ngon mặc đẹp và không bị ai ngăn cấm đọc tiểu thuyết.
Mặc kệ chồng cưới cô làm bình phong trong khi bên ngoài có bao nhiêu nhân tình, mặc kệ cô đào hát Lê Uyển xinh đẹp tài giỏi mà cả thiên hạ đồn đoán là người mà cậu Tư yêu nhất, cô cũng chỉ cần cơm nước đúng bữa, tiểu thuyết tập san đúng giờ.
Nhan Trưng Bắc là cậu Tư nhà họ Nhan, từ nhỏ được cha yêu thương sủng ái nên chẳng làm nên tích sự gì, suốt ngày chỉ có ăn chơi trác táng, nhân tình nhiều đến đếm không xuể nhưng nghe bảo chỉ chung tình với cô đào hát Lê Uyển.
Rồi bỗng dưng một ngày nào đó, cậu Tư nằng nặc với cha đòi cưới Cận Tiêu, con gái nhà một quan chức nhỏ ở thành Tín Châu, nhỏ đến mức nhà vợ chả đủ sức xin cho anh một chức quan ra hồn. Cuộc hôn nhân này hẳn là để che giấu tình cảm với cô đào hát ngoài kia.
Tất cả mọi người đều nói như thế. Thế nhưng mọi người không biết họ đều là những khán giả dự khán trong vở kịch mà diễn viên chính không phải là cô nhân tình tin đồn của cậu Tư mà chính là bản thân cậu Tư Nhan Trưng Bắc và cô vợ Cận Tiêu – một vở diễn đặc sắc đến nỗi cả hai đều biết mình đang “DIỄN TRÒ”, nhưng lại không biết đối phương cũng đang diễn như mình.
Cận Tiêu là một cô gái sinh ra trong một gia đình quan chức nhỏ vốn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, đến nỗi cô bất ngờ được cho đi học chữ, theo tây học chỉ vì gia đình đối tượng kết hôn của cô trọng người có học, chỉ vì theo trường nhà thờ thì không phải đóng tiền học.
Thế nên, trước khi bị tống khỏi trường vì cha không hề đóng góp khoản nào, cô lại biết chữ và biết cả tiếng Anh như một cô gái nhà giàu được đi du học. Điểm khác biệt giữa Cận Tiêu và họ có chăng là cô không có nền tảng gia đình chống lưng để có thể bộc lộ bản thân.
Vì vậy, cô che lấp tính cách và trình độ của mình bằng một vỏ bọc bình hoa di động một cách hoàn hảo, mà cái bình hoa như cô lại không đủ đẹp đủ thơm để người ngoài nghĩ được cậu Tư si mê và cưới cô vì nhan sắc. Vậy, hẳn là cưới một cô vợ ngây ngô về để tiện vụng trộm với nhân tình. Và cô cũng nghĩ như thế. Vậy nên, cô càng thấy lạ vì cậu Tư rõ ràng yêu người khác nhưng anh lại đối xử rất tốt với cô và đặc biệt, cực kỳ nhiệt tình trên giường.
Cậu Tư Nhan Trưng Bắc, bị hai anh lấn áp quyền hành nên dù bản thân là người đi du học về và từng được tôi rèn qua môi trường quân đội nhưng lại giả vờ là một thiếu gia vô dụng, chỉ biết sống trong nhung lụa, đến cả việc cơ bản là phải cưới một cô vợ danh giá để giữ vị trí cho bản thân như anh Ba Nhan Trưng Nam cũng không biết làm.
Nhan lão gia vì thương con nên cuối cùng quyết định điều cậu Tư về Thiều Quan. Và đây cũng là bước ngoặc của câu chuyện. Rời xa Tín Châu tai vách mặt rừng, cậu Tư dần bộc lộ tài năng và bản chất “thê nô” của mình, đến nỗi Cận Tiêu cứ phải hoang mang vì sao cậu Tư không yêu mình nhưng lại đối xử tốt với mình như thế.
Những cử chỉ, tình cảm của Nhan Trưng Bắc làm tâm trạng Cận Tiêu cứ lên xuống thất thường, thoáng chốc vui, thoáng chốc buồn. Vì cô nghĩ hoá ra cậu Tư vẫn giữ liên lạc với cô đào hát ngày xưa, hoá ra anh không yêu mình. Và, hoá ra cảm xúc của cô đối với cậu Tư cũng không phải chỉ là sự lợi dụng để có nơi nương tựa, mà chính là tình yêu.
Cứ như thế, không quá nhiều lời để tỏ tường, nhưng họ lại tỏ lòng nhau và yêu nhau giữa thời loạn lạc vật đổi sao dời, cách mạng ngày càng thắng thế và hứa hẹn sẽ tiêu diệt xã hội dân quốc.
Và rồi chuyện gì đến rồi cũng phải đến, quân cách mạng tấn công thành Tín Châu, Nhan lão gia bị thương, cậu Tư để Cận Tiêu ở lại Thiều Quan,
trở về Tín Châu cố thủ. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời, anh đảm nhận vai trò cố thủ để các anh đưa cha già trốn thoát, chỉ với một lý do đơn giản: Nếu là cậu Tư, khi không giữ được thì ra hàng cũng dễ hiểu. Vì cậu Tư bất tài vô dụng… Và rồi anh tử thủ cho đến khi bị quân cách mạng bắt sống và nhốt vào ngục chờ ngày phán xét nêu gương.
Từ Thiều Quan, Cận Tiêu dù được cậu Tư bí mật đưa đi Mỹ du học nhưng cô lại quyết định không nghe theo lời chồng mà trở về Tín Châu để cùng sống chết với anh. Bằng trí thông minh và năng lực của mình, Cận Tiêu đã từng bước lật ngược thế cờ để đưa anh từ chỗ chắc chắn sẽ bị phán quyết nêu gương về chỗ có công với cách mạng, tạm thời hoãn phán quyết để xem xét.
Và rồi đêm ấy, trên chiếc tàu xa xa mà cô được mật báo bỏ trốn, bóng dáng quen thuộc của cậu Tư trên thuyền làm cô càng thêm kiên định: ngày tháng sau này, có anh đều tốt…
“Diễn trò” là một bộ truyện được gắn nhãn H+, nhưng thật sự là một câu chuyện về thời dân quốc có nội dung, thể hiện rõ ràng tư tưởng của các nhân vật.
Một Cận Tiêu nữ quyền nhưng vì thời thế mà núp bóng dưới hình ảnh một cô gái nhu nhược, thờ chồng. Cô gái đó dù chỉ thích đọc tiểu thuyết nhưng lại lén lút đọc ngấu nghiến văn hoá phẩm cách mạng được chồng giấu kín. Cô không như những người khác sẵn sàng thoát ly theo mách mạng mà lại đặt hạnh phúc gia đình mình lên trên. Đọc sách báo chỉ để cho biết chứ không bỏ chồng mà đi theo.
Một cậu Tư bề ngoài vô dụng nhưng lại văn thao võ lược, sinh ra và lớn lên là quân nhân nhưng tư tưởng lại cấp tiến, có xu hướng ủng hộ cách mạng, ủng hộ bình quyền nam nữ, nhưng cũng vì là quân nhân nên anh không thể theo cách mạng mà bán đứng chế độ, bán đứng gia đình.
Câu chuyện không có nhân vật đặc biệt xấu. Có chăng là những thủ đoạn tranh quyền đoạt lợi trong gia đình do thời thế, có chăng là những trò vặt của tiểu thư nhà họ Cận, vì bảo vệ tình yêu bách hợp của mình với Chu Thanh mà muốn chen chân vào giữa Cận Tiêu và Nhan Trưng Bắc, được gả cho cậu Tư để làm bình phong.
Còn xét về mảng H, đây là một câu chuyện H với đầy đủ thịt thà, dư sức làm hài lòng những người thích đọc H, đồng thời cũng đảm bảo chất lượng và sự liền mạch mà hiếm câu chuyện H nào làm được.
Nếu bạn tìm một câu truyện dân quốc có chiều sâu nhưng không nhạt nhẽo, “Diễn trò” dư sức làm bạn hài lòng. Nhưng nếu bạn muốn tìm một câu chuyện thiên về giải trí, “Diễn trò” chưa hẳn là một lựa chọn tốt vì nội dung nhiều đoạn nặng và thiên về màu sắc triết lý cách mạng, đòi hỏi một sự đầu tư và chuẩn bị tâm lý của người đọc.
Ngoài ra, truyện có set pass khá nhiều, một số câu hỏi không dễ, phần ngoại truyện chưa edit.