Review Truyện Song Khuyết

by admin

SONG KHUYẾT

 

Tác giả: Hải Thanh Nã Thiên Nga
Thể loại: Ngôn tình, xuyên không, cổ đại, dã sử, HE
Tình trạng: Đang edit
Độ dài: 140 chương + 9 phiên ngoại
Song Khuyết – chuyện tình thấm đượm thi ca và đồng thoại.
Quan quan cái con thư cưu,
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai,
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.
(Kinh Thi – Quan Thư, Tản Đà dịch)
Ai mà chẳng biết câu “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”, ấy là cái nhẽ người xưa kết lứa đôi, người nữ dịu dàng chính chuyên, người nam quân tử nên duyên vợ chồng. Lấy bối cảnh Tây Chu xa xăm, nơi tồn tại trong truyền thuyết, trong thi ca (giống như thời vua Hùng của ta vậy), Hải Thanh đã vẽ nên một câu chuyện yêu đương đầy trữ tình giữa chàng trai và cô gái quý tộc, vừa pha sắc màu cổ đại trong bóng hình mỹ nhân hay đàn, trong bóng chàng công tử giương cung xông pha sa trường, lại chấm phá thêm chút mộng mơ thiếu nữ hiện đại về một tình yêu trung trinh, gắng hết mình nắm chặt hạnh phúc.
Câu chuyện mở đầu khi một vị quân chủ ra đời tại nước Kỷ, vị quân chủ ấy sau này được đặt tên Hằng (tên của nàng Hằng Nga để ví sắc đẹp của nàng với Hằng Nga, trong truyện có nói về truyền thuyết Hằng Nga – Hậu Nghệ khá là đau đớn bi thảm), là con gái út của quốc quân nước Kỷ (một nước chư hầu của Chu thiên tử), tức Đông Lâu công và đồng thời cũng mang trong mình linh hồn của một thiếu nữ xuyên từ hiện đại về cổ đại. Nàng không hiểu ngôn ngữ cổ, lại mang theo ký ức người hiện đại cho nên học nói chậm hơn người khác, 5 tuổi mới biết nói, thế nhưng 7 tuổi đã biết đọc.
Quốc gia của nàng tuy nhỏ, mới lập quốc lại chưa lâu nhưng vì là con cháu vua Vũ nhà Hạ cho nên được Chu thiên tử ban cho địa vị cao, cha nàng được phong tước công, mẹ nàng là quân chủ nước Vệ, đồng tông với thiên tử, anh trai nàng đã được phong thái tử. Có thể nói, từ nhỏ nàng được bao bọc trong yêu thương chiều chuộng của cha mẹ, anh chị, kiếp trước dù cha mẹ bất hòa nhưng vì con gái, họ vẫn cố gắng giữ gìn một gia đình đầy đủ. Đây cũng là lý do vì sao Hằng dễ dàng rơi vào mộng thiếu nữ ngay cả khi đã sống ở cổ đại mười mấy năm, nỗi tiếc nuối vuột mất người thương kiếp trước đã khiến nàng mạnh dạn theo đuổi chàng trai có dáng vẻ tương tự kiếp này.
Theo đuổi tự do yêu đương không sai, nàng chỉ sai khi ngây thơ không nghĩ đến hôn nhân, nghĩ đến địa vị quốc quân một nước của người mình yêu mà suốt 3 năm chỉ tận hưởng ngọt ngào. Để nên nỗi giật mình thức tỉnh, tình nay đứt đoạn. Hằng là một cô gái mang tư tưởng hiện đại, nàng sao có thể chia sẻ người mình yêu với đủ loại dắng thiếp chất hầu. Nàng mạnh dạn đưa ra yêu cầu với người ấy và cũng dũng cảm chấp nhận hiện thực để học cách buông bỏ. Nàng không thay đổi được thời đại, nàng chỉ thay đổi được bản thân, nàng sẽ lấy chồng, nhưng không chung người yêu, nàng sẽ làm một vị chính thất đạt tiêu chuẩn, với kẻ – mình – không – yêu. Đây là lựa chọn của nàng!
Cơ Dư gặp Hằng trước, nhưng lại làm người đến sau, là người an ủi trái tim Hằng khi tan mộng với Tiếp. Xuất thân tông thất, là cháu trai của thiên tử, từ nhỏ mồ côi cha mẹ, mười lăm đã nhược quán cầm quân xuất chinh. Dòng dõi cao quý là thế nhưng chàng lại tự mình kiến công lập nghiệp, dùng máu thịt của mình để đổi lấy vinh quang gia tộc, mà cũng vì thế chàng được nhiều tự chủ trong hôn sự của mình và có thể trở thành bến đỗ ấm yên của đời nàng.
Chàng người uy vũ anh hùng, 
Tài năng trội nhất ở trong nước này, 
Cây thù cầm chắc trong tay. 
Tiền khu đột trận ra tài giúp vua.
(Kinh Thi, Bá Hề – Tạ Quang Phát dịch)
Trai anh hùng, gái thuyền quyên, có lẽ là xao xuyến trước sắc đẹp của nàng, hoặc có lẽ muộn hơn chút, khi chứng kiến nàng nhân ái mà bộc trực, bướng bỉnh mà duyên dáng, hoặc chỉ đơn giản vì nàng là em gái người bằng hữu chàng vô cùng tâm đắc.
Chỉ biết là chàng lặng lẽ dõi theo nàng, bề ngoài lạnh lùng như chú chim công kiêu ngạo, bên trong thực ra lại là tâm hồn vụng về ấm áp, dịu dàng hết mực, lời hay ý đẹp chàng nào biết tỏ, thế nhưng cử chỉ tinh tế lại ngỏ cho tấm lòng son sắt chàng. Chú nai nàng cứu chàng nhận chăm, khăn tay nàng quên chàng ủ trong ngực áo. Đón nàng trong cơn lũ, đưa nàng đến chỗ hẹn người thương, rồi lại lặng lẽ bên nàng lúc thất tình, liều lĩnh cầu hôn trước bách tính rồi lại dùng trái tim lửa nóng cảm hóa tâm hồn người con gái bị tổn thương. Than ôi, chàng thật ngọt ngào biết bao!
Ngoài đồng nội ngó tranh nàng tặng.
Thì tin ngay chắc hẳn lạ xinh.
Ngươi nào lạ đẹp cho đành,
Vì nàng trao tặng mà thành đẹp lây.
(Kinh Thi, Tĩnh Nữ – Tạ Quang Phát dịch)
Tình yêu thật kỳ lạ! Phút chốc khiến người ta nhức nhối, đau đớn không thở nổi như khi Hằng chia tay Tiếp, có khi lại dai dẳng âm ỉ chảy máu suốt mấy chục năm đằng đẵng như cha mẹ của Hằng, mà có khi lại như mật ngọt thấm tâm, gắn kết bền vững như tình yêu của Dư dành cho Hằng. Gặp được Dư, là may mắn của Hằng, là mơ ước của biết bao thiếu nữ ngoài kia, là phút mơ mộng của những cô những chị đã là vợ. Làm sao có thể không yêu người như Dư được…
Cho nên, Hằng yêu Dư, vượt qua được nỗi đau của mối tình đầu, vượt qua được miệng lưỡi thế nhân, dù có bị chê trách là kẻ cậy sủng mà độc chiếm phu quân nàng cũng mặc kệ, dùng sự thẳng thắn của mình mà ghen tuông mà tỏ bày “không cho chàng có người phụ nữ khác, không cho chàng ngắm nhìn cô gái khác”. Nàng yêu chàng, chẳng màng an nguy bản thân, chỉ cần là được kề vai bên chàng lúc hiểm nguy, tuy có phần bồng bột nông nổi nhưng sao không phải niềm ngọt ngào của bực anh hùng có mỹ nhân làm bạn?
Bờ đê sông Nhữ lần đi, 
Cây, nhành em đẵn, quản gì nhọc công. 
Khi em chưa gặp được chàng, 
Như cơn đói nặng, tấm lòng xót xa.
Bao giờ cho thấy mặt chàng,
Cho em vui vẻ nở nang tấm lòng.
(Kinh Thi, Nhữ Phần, Tạ Quang Phát dịch
Kinh Thi, Hán Quảng, Tản Đà dịch)
Và thế là sau bao biến cố, họ thẩu tỏ tâm ý của nhau, xác định bên nhau trọn đời, tận hưởng niềm hạnh phúc lứa đôi, công chúa và hoàng tử kết hôn, sống hạnh phúc mãi mãi về sau, có những đứa con xinh đẹp và một vương quốc nhỏ yên ấm, giống như cái cách mà biết bao câu chuyện cổ tích đã kết thúc.
Muốn ăn rau hạnh hái về,
Muốn cô thục nữ nay về cùng ta.
Tiếng chuông tiếng trống vui hòa,
Tiếng cầm tiếng sắt mặn mà yêu đương.
Cành đào khoe dáng xinh tươi
Hoa kia đương nở, nụ kia đuơng chờm
Trọng xuân em đi lấy chồng
Đặng cảnh gia thất ấm nồng êm vui.
(Kinh Thi, Quan Thư – Tản Đà dịch, Đào Yêu – Hồng Anh dịch)

Như tớ đã nói, Song Khuyết là một câu chuyện thật đẹp, đẹp vì cái cách tác giả đưa Kinh Thi vào ý truyện, đưa văn ngôn vào lời thoại, đưa những chữ giáp cốt cổ xưa vào câu chữ khiến người ta buộc phải tìm về một miền văn hóa đã xa xăm để mà chiêm ngưỡng, mà tưởng tượng.
Câu văn gọn ghẽ, súc tích đầy ý vị nhưng lại vô cùng trôi chảy mượt mà bỗng

chốc như đưa người ta đứng trước cánh đồng rộng lớn, có những thôn dân cày cấy canh cửi, có những lễ tế cầu mùa màng bội thu, những mùa săn bắn rộn tiếng nam nhân, tới nơi thành thị nguy nga của một đế chế Tây Chu phồn hoa, những vùng đất chư hầu giàu dân phong tập quán, tới những miền cỏ cây chim muông thuở sơ khai,…Đó chính là vì sao nói Hải Thanh đã “hoàn nguyên” cả một thời đại trong câu chuyện ngôn tình của mình.
Song song với đó, lối kể chuyện pha chút hóm hỉnh, lời văn giản dị không lộ vẻ khoe chữ trộn với lối tư duy thấp thoáng hiện đại phản ánh qua suy nghĩ của nữ chính ở ngôi thứ nhất làm câu chuyện gần gũi hơn, dễ tiếp nhận hơn. Hoặc có lẽ bởi câu chuyện thật đẹp đẽ hạnh phúc, nữ ngoài đẹp ra thì có tâm lý rất giống thiếu nữ bình thường, bất giác khiến người đọc cùng mơ mộng với nàng về những chàng quân tử tài giỏi trong truyện.
Có người nói tác giả xây dựng nữ chính không nổi bật về tính cách, không xuất sắc về hành vi. Quả là vậy, cái này tác giả có nói ngay từ văn án, tuy nhiên cái cách tác giả xoáy sâu vào tâm tư cảm xúc của nàng, cách nàng nhìn nhận với đời, với người lại rất tinh tế và cảm động. Đọc mà thấy rung rinh phập phồng theo từng cảm xúc, thấy đau cùng nối đau của nàng, mừng cùng niềm vui của nàng. Cả cái cách tác giả phát triển tuyến tình cảm cũng rất nhẹ nhàng mà thấm thía, đọc rất nhập tâm.
Truyện còn đề cập rất nhiều đến xã hội Tây Chu với mỗi miền đất phong, mỗi con người, mỗi tập quán lao động sinh hoạt nơi ấy mà đẹp nhất có lẽ là thiên truyện ở đất Phục, khi Dư và Hằng tạm gác lại những trách nhiệm và thân phận ngoài kia. Nàng trở thành cô thôn nữ ngày ngày ra suốt giặt áo, hái dâu nuôi tằm. Chàng trở thành anh nông dân cày bừa gặt lúa, ngày lễ tế lại lên núi săn thú. Họ trao nhau nụ hôn đầu đẹp đẽ trên bãi cỏ nơi bờ suối nguyên sơ.
Và có lẽ, với không khí đồng thoại đậm chất thi ca (dù trong truyện tác giả không viết hay trích bất kỳ bài thơ nào), với giọng văn mềm mại rủ rỉ như tiếng dân ca, tớ bất giác bị cuốn vào câu chuyện tình chẳng lấy gì làm mới mà vẫn cứ khiến mình bồi hồi rộn ràng, khiến tớ cứ muốn tìm hiểu vì một miền đất xa xưa vào một thời đại xa xưa, khiến tớ muốn đọc thêm về quyển sách vỡ lòng của bao thế hệ người Trung Quốc, như Khổng Tử đã nói “Không học Thi, thì không biết nói.”

À, dành cho ai thắc mắc tên truyện, Song Khuyết là cặp cửa khuyết thường xây trước cửa 1 kiến trúc cung điện, nó là hai cột trụ bề thế uy nghi xây cách nhau để trống phần giữa như lối đi, nhằm làm tăng thêm phần hoành tráng cho kiến trúc, phần đỉnh được chạm trổ tinh xảo, đây là lối kiến truc thời Chu rất đặc trưng, về sau này thì không còn được dùng nhiều, di tích hiện giờ sót lại cũng không trọn vẹn.
Tâm sự tí, bộ này tớ đọc lần đầu năm 2016, đọc xong thích quá tự nhủ nhất định phải edit nên không đọc lại mà để dành đến tận bây giờ không có gì đọc vào đầu nên lôi ra đọc lại. Xét về nội dung thì bộ này cũ mèm, phong cách đồng thoại, công chúa hoàng tử yêu nhau hạnh phúc mãi mãi, nhân vật cũng không quá đặc sắc biến thái hay mạnh mẽ gì, tất cả đều nhẹ nhàng mềm mại.
Và điều khiến tớ thích bộ này đến vậy là nam chính và giọng văn. Nếu chấm điểm, tớ cho bộ này 8.5/10 trong đó điểm văn phải đạt 5, nội dung 3.5. Hôm nọ tớ có review Chiêu Hề Cựu Thảo, khoan nói đến kết cấu đặc biệt hay cách kết hợp hài bi đặc sắc thì cùng là viết thể loại văn ngôn kết hợp bạch thoại, tớ đánh giá trình độ văn ngôn(cổ văn) của Hải Thanh cao hơn. Câu chữ uyển chuyển và đúng luật hơn, phản ánh được khí khái thời đại và “hoàn nguyên” một xã hội Tây Chu vô cùng sống động trong ngôn tình. Câu chữ tràn ngập âm hưởng thi ca và truyền thuyết, giống như Kinh Thi bước vào ngôn tình, và vì bộ này nên tớ đã mua 1 quyển Kinh Thi về ngâm cứu.
Bản này tớ nhờ Tâm convert, yên tâm là mấy chữ giáp cốt đã được Tâm convert đầy đủ, chị em không phải vừa đọc vừa nhìn chữ tượng hình như bản cũ.

You may also like

Leave a Comment