Review Truyện Tân Hôn

by admin

TÂN HÔN

Tác giả: Bán Tiệt Bạch Thái
Thể loại: Hiện đại, hào môn thế gia, motif: liên hôn gia tộc, gương vỡ lại lành, cô gái nhỏ hiểu chuyện mạnh mẽ vs nhị thiếu gia đẹp trai giàu có tài giỏi – biết ăn chơi – kiêu ngạo bị “vả” mặt, truy thê, #SẠCH, có ĐẮNG có NGỌT, có SỦNG có NGƯỢC, trước ngược nữ sau ngược nam, HE.
Độ dài: 69 chương + 32 NT
Tình trạng: Hoàn edit.
[Văn Án]
Trần Y là đối tượng liên hôn do đích thân Văn Trạch Tân lựa chọn, anh chọn trúng cô từ trong rất nhiều gia tộc là do hai nguyên nhân.
Thứ nhất: Dòng họ của cô không giỏi giang gì, còn đang lụi bại.
Thứ hai: Cô hiền lành.
Không có uy hiếp, không ràng buộc anh, anh vẫn có thể tiếp tục tung phốt đầy trời.
Ăn chơi trác táng, vô phép vô tắc.
Trần Y gả cho Văn Trạch Tân, là trèo cao, là một cú bay cao trở thành phượng hoàng.
Cô chưa bao giờ đòi hỏi Văn Trạch Tân phải yêu mình.
Cô an phận thủ thường, sống thành thành thật thật, lặng lẽ nhìn anh đứng trước mặt mình cúi đầu mà nhắn tin với người con gái khác.
Chỉ có điều, cô với anh từng là bạn cùng bàn ba năm.
Cô cũng vô tình mà yêu phải người đàn ông này.
Vì thế, tình yêu cũng dần dần tan biến, sự nhẫn nại cũng ngày một ít đi, đến khi đã đủ thất vọng, cô muốn rời đi.
Văn Trạch Tân nói: Được.
Một tháng sau, Văn Trạch Tân lại chặn cô lại: Em mà đi, anh đánh gãy chân em.
Hai phút sau, Văn Trạch Tân lại gào khóc: Anh đánh gãy chân của anh được không?
Em đừng đi mà.
***
Một cuộc hôn nhân mới sẽ mở ra hành trình mới cho một cặp đôi, dù trước đó họ không có tình cảm với nhau hay đang yêu nhau tha thiết.
Hành trình đó của Trần Y hiện lên rõ ràng trước mắt cô khi ngày thứ năm sau khi kết hôn với Văn Trạch Tân, cô chứng kiến chồng mình ngồi bên cạnh những người phụ nữ xinh đẹp khác. Đáng buồn hơn là Trần Y biết cô chỉ có thể đóng vai một người vợ hiểu chuyện, cảm thông cho chồng. Cô không thể ghen ra mặt, không thể quản, không thể xen vào các mối quan hệ của anh. Vì giữa họ tồn tại một thoả thuận kết hôn do chính Văn Trạch Tân đặt ra.
Hôn sự này từ ban đầu không phải do Trần Y quyết định, nhưng người đàn ông cô lấy làm chồng có lẽ đã được trái tim cô lựa chọn từ lâu lắm rồi. 
Từ khi họ là bạn cùng bàn ba năm cấp 3, Trần Y đã yêu thầm Văn Trạch Tân nhưng chưa từng mơ mộng xa hơn, những tưởng tình cảm niên thiếu này sẽ phai nhạt dần khi cô không gặp anh trong suốt thời gian học đại học. Cuối cùng khi gia đình họ Văn đến hỏi cưới đích danh cô cho anh, Trần Y đã đồng ý trong niềm hạnh phúc vô bờ. 
Bỏ qua ý nghĩa liên hôn vì kinh tế, chính trị giữa các gia tộc, bỏ qua những lợi ích mà anh mang đến cho nhà họ Trần cô, ít nhất Trần Y biết tình yêu cô dành cho Văn Trạch Tân là thật, nó vẫn còn đó và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cô đặt niềm hy vọng vào cuộc hôn nhân này, vào người chồng này. Nhưng món quà đầu tiên cô nhận được từ anh lại là những lời nói qua loa lạnh lùng.
“- Sau khi kết hôn, em phải tuân thủ một chuyện.
Có rất nhiều suy đoán vào thời điểm đó, nhưng cô hoàn toàn không đoán được chuyện này.
Anh nói: 
– Không được quản anh, cho dù là ở nhà hay ở bên ngoài.
Khi ấy câu nói đó đối với người thích anh, người đang hạnh phúc vì việc liên hôn này mà nói mới tàn nhẫn làm sao.”
Trần Y lúc này hiểu rõ ý của anh chính là, tôi cứu nhà họ Trần các em, em chỉ cần thành thật làm vợ tôi, còn những chuyện khác của tôi em đừng nhúng tay vào. Mà “những chuyện khác” kia cứ lần lượt bày ra trước mắt Trần Y.
Nổi tiếng là nhị thiếu gia đẹp trai, giàu có, tài giỏi, vừa biết kinh doanh vừa biết cách ăn chơi, Văn Trạch Tân luôn xuất hiện trong những cuộc vui xa hoa và được vây quanh bởi những tiểu thư thế gia xinh đẹp, kể cả sau khi lấy vợ anh cũng chẳng buồn “tém tém” bớt lại chút nào. 
Những người phụ nữ ấy cũng không ngần ngại tấn công anh, tranh đoạt sự chú ý, quan tâm của anh, chẳng để Trần Y vào trong mắt mà còn công khai dằn mặt cô. Văn Trạch Tân dù không đón nhận ai nhưng chẳng từ chối thứ gì. Anh cứ mặc nhiên xem sự săn đón ấy là điều hiển nhiên, cũng giống như sự ngoan ngoãn chấp nhận của Trần Y vậy.
Tâm trạng của Trần Y khá phức tạp và rối rắm. Tình yêu cô dành cho Văn Trạch Tân là thứ duy nhất giúp cô chịu đựng những ong bướm kia xung quanh anh, vì yêu nên cô vẫn hy vọng chỉ cần cô cố gắng đáp ứng những yêu cầu của anh, anh sẽ nhận ra mà toàn tâm toàn ý ở bên cô. Nhưng cũng chính bởi vì yêu quá nhiều, yêu nhiều chắc chắn sẽ ghen, ghen khiến Trần Y không kiềm chế được sẽ thể hiện ra những sự chống đối nho nhỏ với Văn Trạch Tân mà theo mình là rất tinh tế, không phản cảm chút nào. 
Điều tàn nhẫn nhất của Văn Trạch Tân khi ấy chính là thỉnh thoảng anh sẽ chiều theo ý cô, sẽ dịu dàng ân cần đáp ứng ngược lại cô, cho Trần Y nuôi thêm chút hy vọng, để rồi lại đạp đổ hy vọng ấy, một lần rồi lại một lần, cô vẫn phải vì một mùi nước hoa lạ mà trái lo phải nghĩ, vì một chiếc điện thoại mà lo lắng bất an. 
Tình yêu chân thành Trần Y dành cho Văn Trạch Tân lại khiến cho cô trở nên quá hèn mọn trước mặt anh.
Trần Y có lẽ sẽ mãi lửng lơ như thế nếu như không có một giọt nước làm tràn ly, buổi tiệc sinh nhật của Văn Trạch Tân. Tận mắt chứng kiến những cô gái vây quanh anh, quyến rũ anh, còn anh – chồng cô – mặc nhiên đón nhận những tiếp xúc thân mật ấy, điều đó làm Trần Y thật sự bừng tỉnh. 
À, Văn Trạch Tân anh thật sự thuộc về thế giới lộng lẫy xập xình kia, khuôn mặt tuấn tú, đôi mắt đào hoa vô cùng thích hợp với những mỹ nữ vây quanh kia, anh không thuộc về cô, dù Trần Y cô có cố gắng đến mấy thì anh sẽ chẳng bao giờ thuộc về riêng một mình cô đâu. Vậy thì sao cô phải để anh ảnh hưởng đến tâm trạng của mình nhiều đến thế? Sao cô phải lo được lo mất khi ở bên anh? Sao cô phải thay đổi bản thân mà chiều theo anh như vậy?
Cuối cùng, hành động khiêu khích của một cô gái bên cạnh Văn Trạch Tân trực tiếp ảnh hưởng đến người thân trong gia đình Trần Y cũng như lòng tự trọng của cô đã giúp cô đủ dũng khí ra đi, bỏ lại những đau khổ, bỏ lại cả tình yêu mà Văn Trạch Tân từ chối nhận.
“Người vợ anh muốn là người thành thật có thể mặc kệ anh, để anh ăn chơi đàng điếm, nhưng lúc trước em càng vì yêu anh nên mới kết hôn với anh. Hai người chúng ta từ lúc bắt đầu quan điểm đã không giống nhau, bây giờ xảy ra mâu thuẫn, cho nên em cần một không gian để suy nghĩ lại. Chờ đến một ngày, em

học được cách không yêu anh nữa thì lúc đó em nhất định sẽ trở thành người vợ ưu tú của anh.” 
Từ ban đầu sự dịu dàng, nữ tính, chịu đựng của Trần Y thật sự làm mình không ngờ được rằng, đây lại là nữ chính mạnh mẽ nhất trong tất cả những nhân vật nữ trong truyện cùng motif mà mình từng đọc.
Một khi đã hạ quyết tâm từ bỏ tình yêu với nam chính, Trần Y chưa từng mảy may quay đầu nhìn lại, cô tiếp tục tiến lên theo con đường của riêng mình. Đúng, cô vẫn có lúc phải phụ thuộc, vẫn phải nhờ cậy vào Văn Trạch Tân để cứu cha và công ty của gia tộc mình, cô và anh vẫn cứ day dưa không dứt vì Văn Trạch Tân không chịu ly hôn buông tha cho cô, nhưng suốt cả hành trình truy thê lại của anh, Trần Y không dễ dàng vì bất kì hành động nào mà cảm động bi luỵ. 
Cô trưởng thành hơn từng ngày, từng bước học cách buông bỏ quá khứ, hưởng thụ niềm vui thật sự cùng bạn bè, quyết đoán loại bỏ những thành phần đầu độc cuộc sống của cô, làm cô sống không thoải mái trước giờ. Hiện tại Trần Y càng thông minh, hiểu chuyện và độc lập bao nhiêu, càng khắc hoạ được tình yêu mà trước kia cô từng dành cho Văn Trạch Tân sâu sắc bấy nhiêu. Người thấm thía điều đó nhất không ai khác chính là anh chồng bị “thất sủng”, một hai muốn đòi vợ về mà loay hoay mãi chẳng biết bản thân sai ở đâu.
Tỉ lệ thuận với sự quyết đoán của Trần Y là sự gian nan trên con đường theo đuổi lại cô của Văn Trạch Tân. Thật vậy, anh cũng là nam chính thê thảm nhất trong tất cả những nhân vật nam theo motip bị “vả” mặt mà mình từng đọc. Tác giả đủ nhẫn tâm khi cho anh nếm trải đủ mọi đau khổ, dằn vặt cả thể xác lẫn suy nghĩ. Văn Trạch Tân áp dụng triệt để hầu như mọi cách thức trong “binh pháp truy thê” mà một nam chính có thể nghĩ ra. 
Dùng tiền rút ngắn khoảng cách địa lý, dùng “khổ nhục kế”, không tiếc làm hại bản thân để tranh thủ sự quan tâm của Trần Y, tranh thủ cả lòng tốt cô dành cho những người xung quanh để tạo áp lực cho cô luôn, sử dụng bạo lực với tình địch, đẹp trai không bằng chai mặt, chai mặt không bằng… quỳ gối lên bàn phím,… Đây cũng là hành trình trưởng thành của riêng Văn Trạch Tân, từ một người chỉ biết đòi hỏi, chiếm đoạt với mong muốn sở hữu tuyệt đối, dần dần anh nhận ra được, yêu là hy sinh vô điều kiện vì hạnh phúc của đối phương. 
May mắn thay, đồng hành cùng anh trên con đường gian nan đó còn có cha mẹ anh, những người anh em bạn bè chí cốt của anh, họ sẵn sàng cười vào nỗi đau mỗi lần anh thất bại, chọc ngoáy vào vết thương của anh. Ôi cha mẹ anh chị em bạn bè mới tốt với anh làm sao, họ đứng về phía Trần Y hết!
Mặc dù Văn Trạch Tân có đau khổ đấy, có thử thách đấy, cũng có vài màn dập lại mấy cô ả “trà xanh” chất lượng, tác giả cuối cùng còn thương tình tặng anh một lý do khá là hợp lý giải thích cho các hành động của anh lúc ban đầu, thậm chí biến anh lại thành một người thâm tình sâu nặng khiến cả Trần Y và người đọc chấp nhận tha thứ cho anh, nhưng thật sự mình vẫn không quá “cảm” được nhân vật này. 
Mình thích cách tác giả xây dựng nhân vật Trần Y hơn. Đến cuối cùng Trần Y “quay xe” cho Văn Trạch Tân một cơ hội phần vì chính bản thân cô muốn thế và cô vô thức nhận ra lòng mình, rồi thêm một chút tác động từ bên ngoài chứ chẳng phải qua loa tha thứ nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay đâu.
Motif không mới nhưng vẫn có những nét riêng, dàn nhân vật phụ cực kì dễ thương nhất là mẹ và thư ký của nam chính. Một câu chuyện không dài nhưng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc (chỉ là không có H, không có chút nào cả mọi người ạ…). Chúc bạn đọc có những phút giây thỏa mãn khi chứng kiến màn quỳ bàn phím kinh điển của trai đẹp Văn Trạch Tân.
 

Đọc truyện tại: https://vietwriter.vn/tan-hon-ban-tiet-bach-thai

You may also like

Leave a Comment