Review Truyện Tướng Quân Ở Trên Ta Ở Dưới

by admin

TƯỚNG QUÂN Ở TRÊN TA Ở DƯỚI

Tác giả: Quất Hoa Tán Lý.
Thể loại: cổ đại, nữ giả nam trang, HE
Tình trạng: Hoàn, đã xuất bản.
Review bởi: Kam Linh
——
Giới thiệu
Sau tám năm chinh chiến khải hoàn trở về, tất cả mọi người mới biết thì ra đại tướng quân binh mã thiên hạ lại là con gái.
Hoàng thượng và Hoàng Thái hậu không những không nổi giận mà còn phong ý chỉ, phong thứ tử Hạ Ngọc Cẩn làm Nam Bình Quận Vương, ban hôn lấy đại tướng quân làm chính phi.
Hôn nhân này thực ra là phúc hay là họa đây?
Một tướng quân anh dũng thiện chiến nơi sa trường có thể trở thành người vợ đảm, dâu hiền chăng?
Đối diện với một người vợ, người con dâu giết người như điên, mặt sắt vô tình thế nào đây?
Đại tướng quân mưu kế nơi sa trường, không thành nào là không hạ gục, liệu có hạ gục được thư sinh trói gà không chặt?
Với những tình tiết hấp dẫn và vô cùng hài hước, “Tướng quân ở trên, ta ở dưới” sẽ khiến bạn không thể không cười.
Một anh chồng Hạ Ngọc Cẩn “yếu ớt, ẽo ợt” “xinh đẹp”.
Một cô vợ tướng quân nam tính si mê vũ khí.
Một đội ngũ thê thiếp trong nhà “phải lòng” chính phòng.
Một bà mẹ chồng mau nước mắt vừa ghét vừa sợ con dâu?
Cuộc sống của họ sẽ “đi đâu về đâu?”
—–
Mượn hai câu thoại kinh điển trong Fury – siêu phẩm về thế chiến thứ 2 của Brat Pitt để mở đầu cho bài cảm nhận này.
“Lý tưởng là hòa bình, lịch sử là bạo lực.”
“Hy sinh không còn là lựa chọn”.
 Ít ai biết rắng nữ chính Diệp Chiêu – một tướng quân anh dũng vô địch, khí thế bức người khiến trăm vạn kẻ địch sợ hãi bách chiến bách thắng là một người phụ nữ. Càng ít người biết rằng hay còn nhớ rằng nàng đã từng là một tên lêu lổng, phá phách, chuyên làm chuyện ngỗ nghịch. Và chỉ có nàng mới hiều đằng sau sự nổi loạn ấy là một khát vọng khẳng định mình, khát vọng vươn lên khỏi giới tính để thực hiện ước mơ hoài bão.
 Nàng sinh ra trong một gia đình võ tướng lâu đời kiên trung, cha ông nàng, tổ tiên nàng bao đời nay anh dũng chiến đấu vì đất nước nên nàng kế thừa tinh thần ấy cùng với thiên phú võ học quân sự vượt trội của mình. Một tinh thần võ tướng cuồn cuộn trong cơ thể một bé gái thôi thúc nàng muốn bứt lên chứng minh bản thân, khiến nàng không ngần ngại tự mình trà trộn vào đám con trai, coi mình như 1 đứa con trai mà hành xử vì chỉ có con trai mới có thể ra mặt thể hiện bản lĩnh. Cha mẹ quở trách, thậm chí đánh đòn vì chỉ muốn con gái mình là 1 người phụ nữ bình thường, chiến đấu không phải là cuộc sống của nữ nhân. Nàng còn nhỏ, nàng chưa hiểu được tấm lòng cha mẹ, nàng dùng cách thức tiêu cực nhất để phản kháng. Nổi loạn. Đánh nhau. Lêu lổng. Vô Lễ. Hỗn Hào… Thẳng cho đến khi nàng trộm được binh phù của cha lập nên công trạng thứ nhất rồi thứ hai… Thẳng cho đến khi thành Mặc Bắc thất thủ, nhà tan cửa nát, cha mẹ anh em gia quyến bị giặc sát hại tàn bạo… Nàng mới hiểu….
“Tướng quân nói, nếu ông trời cho nàng sống tiếp, nàng sẽ dành cả đời để chuộc lại những lỗi lầm.”
 Diệp Chiêu không phải kiểu nữ chính vạn năng. Nàng đầy rẫy những khuyết điểm. Nàng không phải nữ nhân xinh đẹp, nàng không hiểu yểu điệu thục nữ, không biết tâm kế của nữ nhân… Bất kể lúc nào nàng cũng hành xử như đàn ông, nói tục chửi bậy, uống rượu ngắm mỹ nhân, giết người không gớm tay … Nàng cũng không phải kiểu nữ chính vạn người mê, nhà nhà phục. Nàng là tướng quân anh dũng tài giỏi nhưng sau lưng nàng đám hủ nho phong kiến, đám đàn ông quý tộc ăn chơi mục ruỗng khinh bỉ nàng, đàm tiếu nàng, dèm pha nàng, gọi nàng là “gà mái gáy sang”. Kẻ lêu lổng thì cho nàng là loại mọi rợ, nam không ra nam nữ không ra nữ, thủ đoạn tàn bạo. Kẻ ngụy quân tử thì cho nàng là mối họa quốc gia, làm bại hoại truyền thống, giả nam ra trận là khi quân phạm thượng. Hoàng thượng cũng không thể không tính kế nàng. Gả nàng cho Nam Bình quận vương tưởng như là nguyện vọng đơn giản của nàng lại ẩn chứa trong đó bao nhiêu ý đồ chính trị mà cả nàng và hoàng thượng đều biết.
 Cũng ít ai biết rằng đằng sau vẻ đẹp yêu mị và cái danh hoàn khố của nam chính Hạ Ngọc Cẩn cũng là một ước mơ nam nhi đầu đội trời chân đạp đất, kiến danh lập nghiệp uy vũ trong thiên hạ. Vì bản thân ốm yếu nhiều năm, chàng bị nuôi như khuê nữ trong phòng, ngây ngây ngốc ngốc trong bốn bức tường cho đến lúc có thể ra ngoài thì lại bị phồn hoa lôi kéo. Nhưng thực ra ẩn chứa trong đó cũng là sự nổi loạn như Diệp Chiêu. Chàng bước ra thế giới chậm hơn mọi người, thua kém quá nhiều, không ai nguyện tin tưởng chàng, kể cả anh em mẫu thân ruột thịt. Chàng lêu lổng khắp ngõ ngách kinh thành, không trò vui gì là không biết qua, ăn ngon, mặc đẹp, thanh lâu tửu quán hay sòng bạc đều nhẵn mặt. Nhưng chàng chỉ chơi để có cảm giác tồn tại, chàng chơi có chừng mực vì bản chất chàng không phải đồ bỏ đi. Chàng thông minh, nhạy cảm, chàng thiện lương, tinh quái nhưng ai biết? Chỉ có nữ chính của chúng ta biết, cũng nguyện ý tin tưởng chàng vô điều kiện.
 Nam chính không phải tuýp hoàng tử bạch mã thường thấy. Chàng rất đẹp nhưng đấy lại là nhược điểm chí mạng. Bất cứ lúc nào chàng cũng bị chế giễu vì nhan sắc của mình. Chàng không giỏi văn chương, không học thức uyên bác, không mưu tranh chức vị quyền uy, không lãng khốc hay ôn nhu. Thậm chí còn ngược lại, chàng chưa bao giờ tự nhận mình là quân tử, thủ đoạn tiểu lưu manh chơi xấu thì thượng thừa, nói tục chửi bậy không kém gì nương tử mình, kết giao với đủ mọi tầng lớp bình dân. Thế nhưng tính chàng thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng, không bao giờ bị trói buộc bởi cái gọi là sĩ diện hay luân lí thông thường. Chính vì vậy mà chàng mới nhận ra được tấm chân tình của Diệp Chiêu và yêu thương nàng như nàng vốn có. Chàng có thể ở giữa phố vung roi vào đám người chế giễu vợ mình mà hét lên “ nàng là người con gái của ta”. Chính vì vậy mà chàng có thể giữa văn võ bá quan, không sợ điều tiếng mà dâng tấu cho Diệp Chiêu xuất chinh đánh giặc. Cũng chính vì vậy mà khi biết tin Diệp Chiêu mang bầu, chàng không quản đường xa nặng nhọc mà ra biên cương chăm sóc vợ.
 Cả nam lẫn nữ chính đều là đứa con đẻ bị ruồng bỏ của xã hội phong kiến Đại Tần. Nói con đẻ vì ở đây không ai xuyên không cả, cũng không có ai trọng sinh hay được người xuyên không nuôi dưỡng cả. Hoàn toàn là những con người được sinh ra, được tiếp thu được giáo dưỡng đầy đủ những lề thói xã hội. Nhưng tại sao lại bị ruồng bỏ? Bởi vì nàng thân là nữ nhi lại dám cầm binh đi đánh giặc, dám tát vào mặt những đấng nam nhi trong thiên hạ, dám tuyên chiến chế độ trọng nam khinh nữ này. Bởi chàng là nam nhi nhưng ngoài sắc đẹp thì bị cho là vô tích sự, là phiền toái, là rắc rối, là nỗi xấu hổ của hoàng tộc, là đồ bất tài vô dụng.
 Thế nhưng ở bên nhau họ là tuyệt phối. Nàng dù mạnh mẽ, hoang dã và thô kệch đến đâu chàng cũng yêu thương, dùng cách của mình bảo vệ nàng. Vẫn nhìn thấy được vẻ mềm mại của nàng và không phán xét con người nàng. Ở bên nàng, chàng được trân trọng, được tôn trọng và tin tưởng. Chàng tìm được bản thân mình, từ từ tỏa sáng, thậm chí còn biến được ước mơ vung đao nơi chiến trường bảo vệ giang sơn vợ con thành hiện thực chỉ bằng niềm tin kiên định mà nàng dành cho chàng.
 Tình yêu của họ thô ráp như chính con người họ. Không có yêu đương thắm thiết, lời lẽ mặn nồng (toàn chửi bậy thì có). Không có hoa mỹ hay hi sinh kinh thiên động địa. Cả nam lẫn nữ đều không tài hoa nho nhã để mà yêu nhau bằng hoa ngôn mỹ ngữ. Họ là lưu manh, yêu nhau đúng bằng thứ tình yêu cũng rất phong cách lưu manh. Ai bảo tình yêu của lưu manh không đẹp mà thô tục? Rất đẹp là đằng khác, giống viên ngọc thô, không tinh xảo nhưng tinh thuần và tràn đầy bản năng.
 Câu chuyện ngoài tình yêu ra còn là quá trình nam nữ chính cùng các bằng hữu song vai nhau đối phó với thiên tai, với chiến tranh loạn lạc.
 Chiến tranh thật tàn nhẫn. Giặc đến, từ bà cụ 80 đến đứa trẻ 8 tuổi cũng không tha. Hàng lượt tướng lĩnh bỏ mạng cũng chỉ như lá rụng mùa thu. Chiến hữu Mạc Bắc xưa kia của Diệp Chiêu mấy nghìn nay chỉ còn lại 500. Diệp gia diệt môn, Liễu gia bại tướng. Sinh linh đồ than.
“Mười vạn đại quân bị vây bỏ mình, hơn phân nửa táng thân trong biển lửa, thi thể khó phân biệt.
Hoàng tướng quân bỏ mình, Thu tướng quân bỏ mình, Địch phó tướng bỏ mình, Tào tham tướng bỏ mình, Hồ tham tướng bỏ mình…
Liễu tướng quân chém giết yểm hộ ở sau cùng, thân trúng tám mũi tên, sừng sững không ngã.
Ông chết đứng.”
 Nữ chính là tướng quân, nàng có nợ nước có thù nhà. Nàng vào sinh ra tử, chứng kiến người thân bỏ mình, bằng hữu bỏ mình nhưng vẫn phải kiên cường chiến đấu. Dẫn 3.000 tàn quân liều chết xông lên phá tan giặc Kim công thành Mạc Bắc. “Hi sinh không còn là lựa chọn”. Giữa cơn rối ren của triều đình trước tấn công của Đông Hạ về phía Bắc, nàng nguyện đứng đầu ngọn sóng ra trận. “Hi sinh không còn là lựa chọn”. Giữa tính mạng ngàn quân và hơn nữa là tính mạng trăm vạn bá tánh Gia Hưng Quan, nàng

định nhắm mắt uống bát thuốc bỏ đi đứa con mà vợ chồng nàng hằng ao ước. “Hi sinh không còn là lựa chọn”.
 Nam chính không có kinh nghiệm chiến đấu, không có võ công nhưng vì giang sơn, vì nương tử và đứa con còn chưa ra đời, chàng nguyện cải trang thành nàng dẫn đầu chiến tuyến. “Hi sinh không còn là lựa chọn”
 Nữ phụ Tích Âm nguyện lấy giường chiếu làm chiến trường, lấy thân thể làm vũ khí, chịu cuộc sống vạn kiếp bất phục đổi lấy tình báo và thực hiện kế ly gián. Cho dù là cái chết hay sự nhục nhã cũng không làm nàng do dự. “Hi sinh không còn là lựa chọn”
 Tỳ nữ của Diệp Chiêu nguyện lấy thanh danh trong sạch giả mang thai để che dấu cho nữ chính rồi quân sư Hồ Thanh nguyện gánh tội làm con gái mang bầu cũng để che dấu sự thật ấy. “Hi sinh cũng không còn là lựa chọn”
 Vì sao? Bởi vì đây là chiến tranh, giữa sống và chết, “hi sinh không còn là lựa chọn” bởi nó là định mệnh.
 Trong chiến tranh ai nói được ai đúng ai sai? Hoàng Tử Y Nặc dẫn đại quân công phá Đại Tần, mong muốn đem lại cuộc sống ấm no hơn cho dân tộc mình, mong muốn những đứa trẻ Đông Hạ được ăn ngon mặc ấm như những đứa trẻ người Hán. Đại Tần bảo vệ lãnh thổ, chiến đấu anh dũng, xông pha giết giặc. Đâu mới là đúng?
“Lý tưởng là hòa bình, lịch sử là bạo lực”
“Thắng làm vua, thua làm giặc”
 May mắn, Đại Tần có sói mẹ Diệp Chiêu với sự trợ giúp của hùng ưng Ngọc Cẩn cùng Hồ Ly và đồng bọn vẫn giữ vứng được giang sơn của mình.
 Truyện có nhiều nhân vật phụ, mỗi nhân vật đều có câu chuyện của mình dù ngắn hay dài. Một câu chuyện sinh động đầy đủ và biểu cảm.
 Đó là Thu Hoa, Thu Thủy sinh ra trong đói rách, thiên tai đến hàng xóm nàng còn phải ăn thịt người cầm hơi. Cha nàng có chút võ nghệ đi làm thổ phỉ rồi cơ duyên xảo hiểm quy thuận theo Diệp Chiêu đánh giặc.
 Đó là cô kỹ nữ vùng thiên tai vốn xuất thuân là con nhà phú hộ tài sắc vẹn toàn, chờ ngày gả cho công tử nhà phú hộ môn đăng hộ đối nơi làng quê. Ai biết được một trận lụt cuốn đi gia đình nàng và gia đình phu quân. Nàng cùng một bà nội già và đứa em côi cút 2 tuổi lưu lạc đành bán mình vào thanh lâu kiếm cái ăn. Ngỡ ngàng làm sao. Đó là tên ăn mày câm trốn ra từ phủ Kì Vương, không quản mưa nắng cực nhọc tìm đến Nam Bình vương phủ đưa tin. Dù đói rách, dù không thể nói, dù bị đánh gãy chân gần chết vẫn son sắt quyết đưa tin cho tướng quân.
 Đó là 1 Kì Vương mang nặng oán hận với vương triều khi mẫu thân và hắn bị hãm hại do ân oán đời trước.
 Đó là mối tình tay ba Thái hậu, Du phi và thái hoàng mà không biết ai đúng ai sai?
 Đó là Hồ Ly quân sư thanh mai trúc mã của Diệp Chiêu, vô tình hay hữu tình với tướng quân? Chỉ hắn mới biết.
 Đó là đệ nhất mỹ nhân Liễu Tích Âm, vì 1 câu nói đùa của 1 ai đó mà lỡ dở 1 đời, đến chết vẫn là một nữ trung hào kiệt không được lưu danh sử sách.
 Để đọc được một câu chuyện xuất sắc đến vậy, chúng ta phải cảm ơn tác giả Quất Hoa Tán Ly đã viết nên một cốt truyện đặc biệt với bút pháp tuyệt vời.
 Cách hành văn của tác giả trong truyện rất súc tích và đạt tính biểu cảm rất cao. Không dẫn truyện dài dòng, câu văn ngắn nhưng từ ngữ chọn lọc, gây ấn tượng mạnh. Mình đã rất shock ở trường đoạn các tướng quân vong mạng. Không kể lể, không miêu tả, chỉ đơn giản là 1 dòng liệt kê. Cực kì tàn nhẫn, cực kì hiển nhiên, làm chúng ta cảm nhận sâu sắc được thế nào chiến tranh.
 Một thành công nữa của tác giả là giọng văn rất hài hước, hài hước từ trong cá tính nhân vật chứ không chỉ là ở các chi tiết vụn vặt bị lố hóa như nhiều truyện khác. Tất cả các tình huống gây cười đều bắt nguồn từ tính cách nhân vật . Nam nữ chính của chúng ta là lưu manh mà, anh chị làm người khác dở khóc dở cười mà vẫn tỉnh bơ. Đoạn Ngọc Cẩn lừa mấy phú hào vùng thiên tai vào phủ nhịn đói bàn chính sự, giữa hiệp 2 vợ chồng thay nhau uống nước y phục mà mồm bong nhẫy làm mình cứ buồn cười mãi. Hay như cảnh H của 2 người. Chưa bao giờ đọc cảnh H thú vị mà hài đến vậy, ngồi mà vỗ đùi đen đét.
 Truyện còn gây ấn tượng nữa ở ngôn ngữ nói tục của các nhân vật chính mà chủ yếu là nhờ công chuyển ngữ của các bạn nhà Phụng Vũ. Mấy cái từ CMN, TSB hay là Đệt làm mình vừa đọc truyện vừa phun cơm đấy. Tỷ dụ như đang đến đoạn cao trào, đọc câu của Ngọc Cẩn “Đệt, ngươi lại lên trên rồi, phải cho ta chút mặt mũi chứ”, mình cười rụng răng luôn. Đọc mấy câu nói tục này không thấy phản cảm tí nào mà thấy rất đáng yêu và vô cùng phù hợp tính cách nhân vật.
 Một lần nữa xin cảm ơn tác giả đã đem đến cho độc giả 1 câu chuyện hài hước và sâu lắng đến vậy ????
 P/S: review hơi dài, trong lúc cảm xúc dâng trào mà viết :))

 

Link đọc truyện https://truyen5z.net/tuong-quan-o-tren-ta-o-duoi

You may also like

Leave a Comment