Nhếch nhác sau cưỡng chế
Ghi nhận của PV Dân Việt, đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà thuộc địa phận phường Thọ Quang xuất hiện khung cảnh nhếch nhác. Mùi hôi thối, vật liệu, dây điện, sắt thép… vứt chỏng chơ tại vị trí các công trình trái phép bị UBND quận Sơn Trà ra quân cưỡng chế, tháo dỡ vào ngày 17/4.
Thay vì mặt bằng được ngành chức năng giao cho tổ chức hoặc cá nhân quản lý, hằng ngày thu gom, dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo văn minh đô thị, thì một số điểm sau cưỡng chế lại trở thành nơi phóng uế, xả rác thải, không ai dọn dẹp vệ sinh, gây mất thiện cảm trong mắt người dân và du khách khi đến tham quan tại bán đảo Sơn Trà.
Chị Thảo Giang, một du khách đến từ tỉnh Kon Tum cho biết, chị rất bất ngờ khi đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà lại trở nên nhếch nhác như hiện tại.
“Sơn Trà là điểm tham quan nổi tiếng mà mỗi lần đến Đà Nẵng mình nhất định phải ghé thăm. Lần này trên đường lên bán đảo thì cảm thấy hơi bất ngờ vì xuất hiện một điểm tập kết rác mà trước đây là các hàng quán buôn bán. Nếu không kinh doanh nữa thì nên dọn dẹp sạch mặt bằng để trả lại cảnh quang cho Sơn Trà”, chị Giang nói.
Chặn lối xuống biển
Cùng nhóm bạn rủ nhau lên bán đảo Sơn Trà cắm trại, Huy Vinh (trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bất ngờ nhận thông báo từ một người phụ nữ: “Hiện tại không thể xuống biển được vì đang bị cơ quan chức năng kiểm tra rất nghiêm”.
“Mọi lần mình và bạn xuống chơi bình thường nhưng giờ thì chắc họ sợ nên không cho người dân và du khách xuống nữa, cũng có nhiều người thắc mắc vì sao chặn lối xuống biển thì họ không nói gì”, Huy Vinh nói.
Theo ghi nhận, nhiều điểm du lịch xây dựng trái phép đã được tháo dỡ, thế nhưng các lối xuống biển đã bị chủ hộ kinh doanh tại đây bịt kín, đồng thời có người ngăn không cho người dân và du khách xuống biển tham quan với lý do “đang bị kiểm tra”.
“Bây giờ tình hình rất căng chưa thể xuống được, sau khi ổn định rồi xuống sau”, người phụ nữ nói.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Công Thanh – Phó Chủ tịch quận Sơn Trà cho biết, sau khi cưỡng chế, địa phương đã thông báo cho chủ các công trình trái phép đến thu dọn đồ đạt, vật dụng sau đó mới thực hiện tổng dọn vệ sinh.
“Hiện địa phương đang lên phương án để tổng dọn vệ sinh tại các công trình vi phạm đã bị tháo dỡ”, ông Thanh thông tin.
Liên quan đến việc các chủ công trình trái phép bịt lối xuống biển, lãnh đạo quận Sơn Trà cho biết sẽ cho lực lượng chức năng đi kiểm tra và có thông tin sau.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, ngày 17/4, các lực lượng chức năng của UBND quận Sơn Trà tiến hành ra quân cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà theo kết luận của Thanh tra TP.Đà Nẵng. Đồng thời, UBND quận Sơn Trà đã có loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên bán đảo Sơn Trà.
Theo báo cáo của UBND quận Sơn Trà, đến nay đã vận động và tháo dỡ được 10/68 trường hợp xây dựng trái phép theo kết luận thanh tra. Để thực hiện dứt điểm nhiệm vụ được giao, tháng 10/2022, quận đã lập tổ công tác xử lý các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý xây dựng công trình, kinh doanh trái phép trên bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xử lý tháo dỡ 58 trường hợp còn lại. Tuy nhiên, việc tháo dỡ gặp khó khăn về thủ tục pháp lý.
UBND quận Sơn Trà đã đề ra lộ trình đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ 58 công trình còn lại.