Sốc phản vệ vì uống thuốc có thành phần bị dị ứng, nhưng người bán thuốc lại khuyên dùng

by admin
soc-phan-ve-vi-uong-thuoc-co-thanh-phan-bi-di-ung,-nhung-nguoi-ban-thuoc-lai-khuyen-dung

Tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một nữ bệnh nhân nguy kịch, phản vệ độ II khi tự mua thuốc hạ sốt về uống. Đáng nói loại thuốc hạ sốt có thành phần mà bệnh nhân dị ứng, tuy nhiên, theo lời khuyên của người bán thuốc, cô vẫn sử dụng và bị sốc phản vệ. 

Bệnh nhân là chị B.K.D (29 tuổi, trú tại phường Cẩm Phú, TP. Cẩm Phả) được người thân đưa đến nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, tức ngực, sẩn ngứa toàn thân.

Khai thác nhanh từ người thân bệnh nhân được biết, trước khi nhập viện 1 ngày, chị D. bị sốt nên có ra hiệu thuốc mua thuốc giảm sốt về uống. Trong quá trình mua, chị D. có nói với nhà thuốc bản thân có tiền sử dị ứng với Paracetamol, Ibuprofen nhưng nhân viên bán thuốc nói Ibuprofen là thuốc chống viêm, hạ sốt, ít gây dị ứng nên vẫn bán cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, sau khi uống 1 viên Ibuprofen 400mg được khoảng 1 giờ, chị D. xuất hiện tức ngực, khó thở, nổi ban ngứa toàn thân.

Sốc phản vệ vì uống thuốc có thành phần bị dị ứng nhưng người bán thuốc lại khuyên dùng - Ảnh 1.Sốc phản vệ vì uống thuốc có thành phần bị dị ứng nhưng người bán thuốc lại khuyên dùng - Ảnh 1.

Nữ bệnh nhân đang được bác sĩ điều trị phản vệ độ II theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Trước tình thế khẩn cấp, chị D. đến phòng khám tư gần nhà và được xử trí tại đó. Sau khi được xử trí, chị D. hết khó thở, hết nổi ban ngứa và được bác sĩ tư vấn nên vào viện ngay để theo dõi, điều trị tiếp. Tuy nhiên, thấy cơ thể đã đỡ nên chị D. không vào viện mà quay về nhà. 

Vài tiếng sau, bệnh nhân xuất hiện nổi ban ngứa toàn thân, kèm theo khó thở…, gia đình đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Cẩm Phả. 

Quá trình thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị D. bị sốc phản vệ độ II với thuốc Ibuprofen nên kíp cấp cứu xử trí phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau xử trí, bệnh nhân đỡ khó thở, còn tức ngực nhẹ, các chỉ số sinh tồn ổn định và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiếp tục theo dõi, điều trị.

Qua 2 giờ tiếp theo, chị D. hết khó thở, hết tức ngực, đỡ ban sẩn ngứa ngoài da, các chỉ số sinh tồn ổn định và hiện tại bệnh nhân đã được ra viện.

Cũng theo đại diện bệnh viện, phản vệ là một bệnh lý nguy hiểm, diễn biến nhanh, có nguy cơ tiến triển nặng, đặc biệt trên các đối tượng có tiền sử dị ứng. 

Các dấu hiệu nhận biết người bị phản vệ như: Nổi ban ngứa ngoài da, khàn tiếng, khó thở, thở rít, tức ngực, đau bụng, nôn. Sau khi dùng thuốc mà gặp các triệu chứng trên thì người dân cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi dùng thuốc, người dân cần được bác sĩ tư vấn dùng thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà khi chưa được thăm khám. 

Trường hợp người có tiền sử dị ứng phải thận trọng khi dùng thuốc, cần nói rõ với bác sĩ về tiền sử bệnh, dị ứng thuốc của bản thân để được kê đơn đúng thuốc, điều trị đúng phác đồ và hiệu quả.  

You may also like

Leave a Comment