Ta nói gì khi nói về tình yêu (phần 4)

by admin

Trong phần 4 của series Ta nói gì khi nói về tình yêu, hãy cùng Cameron Shingleton tìm hiểu về sự ga lăng trong tình yêu. Sự ga lăng của đàn ông có ý nghĩa gì?

Tác giả: Cameron Shingleton

Bạn có thể tìm hiểu thêm về tác giả qua Facebook fanpage.

Series Ta nói gì khi nói về tình yêu trên Trạm Đọc: Phần 1, Phần 2 và Phần 3

 

(c) Tình yêu và sự ga lăng. Sự ga lăng của đàn ông còn ý nghĩa gì?

 

Một sự trớ trêu của ngôn ngữ là mặc dù “ga lăng” là từ mượn của tiếng Pháp, nhưng người Việt có vẻ còn tin vào sự ga lăng hơn người Pháp nhiều. Phần lớn phụ nữ Việt Nam dứt khoát tin tưởng, còn đàn ông Việt thì thỉnh thoảng ráng cho xứng đáng với sự mong đợi của họ.

Theo tiêu chuẩn thông thường ở Việt Nam, con trai theo đuổi con gái một cách ga lăng, lịch sự là người sẵn sàng đưa đi đón về, là kẻ sau buổi hẹn hò hỏi cô bạn gái đã ăn cơm chưa, tặng bó hoa được lựa chọn cẩn thận vào ngày lễ tình nhân hay sinh nhật, và nói chung làm hết mình để khiến cô ấy cảm thấy thoải mái và đặc biệt nhất có thể. 

Ga lăng – nói chung là làm hết mình để khiến cô ấy cảm thấy thoải mái và đặc biệt nhất có thể 

Nhưng vì sự ga lăng theo đúng nghĩa của nó không đơn giản chỉ là mấy cử chỉ hoa mỹ. Chúng ta cũng phải nói ở đây về ĐỘNG CƠ hay CẢM NGHĨ phía sau những hành vi đôi khi có vẻ hơi rập khuôn. Sự ga lăng của một người đàn ông TỪNG TRẢI thì không chỉ nằm ở thái độ lịch sự, ân cần với đối tượng của mình, mà còn là CÁCH SUY NGHĨ chu đáo, một CÁCH NHÌN hiền hoà với cô ấy.

Hơn nữa anh ấy nên biết lý tưởng hóa tình dục. Với tình yêu ga lăng, sự hấp dẫn giới tính mặc dù có phần lãng mạn, nhưng vẫn chỉ là yếu tố phụ như đã nói trong phần 3 của chuỗi bài này.

Vậy thì vấn đề ở đâu? Mâu thuẫn giữa hai khái niệm “tình yêu” và “ga lăng” là gì? Nó nằm chính ở chỗ là sự ga lăng – ít nhất trong phiên bản tinh tế, có chiều sâu của nó – đang trên đà mai một trong thế giới ngày càng thực dụng. Cũng có thể nói, sự ga lăng có xu hướng bị thương mại hoá và dần mất đi ý nghĩa. 

Sự ga lăng có xu hướng bị thương mại hoá và dần mất đi ý nghĩa

Đầu tiên phải nói đến xu hướng tình yêu ngày càng “thân mật”, ngày càng bớt hình thức. Đây là kết quả tất yếu của quá trình bình đẳng giới, đã thu hẹp “khoảng cách” giữa nam và nữ rất nhiều.

Một trong những hệ quả là giới trẻ ngày một tự do trong việc thể hiện sự khát khao. Nhiều người trẻ bắt đầu tự tin tỏ ra khêu gợi trong mắt người khác, hay dũng cảm nói ra những gì mình muốn. Những người can đảm nói ra thì được xem như sống vô tư, tình cảm. Người ngược lại thì bị xem là ngại ngùng, nhút nhát.

Công nhận thái độ này rất thú vị. Và công nhận nó RẤT thực tế nữa. Ai thấy mình có tình cảm với kẻ khác thì không cần phí mấy tháng trời để gây ấn tượng nữa. Không cần dằn vặt bản thân mãi rằng liệu mình có đủ hấp dẫn đối tượng hay không. Con trai không cần cưa đổ cô gái họ thích. Con gái cũng không cần chờ xem chàng trai mình để ý có quan tâm đến mình không hay chảnh choẹ để gây sự chú ý. Thay vào đó, những người này chỉ cần tỏ ra thích thú, thể hiện rõ họ sẵn sàng yêu và xem đối tượng phản ứng như thế nào.

Từ góc nhìn lãng mạn kiểu cũ, tình yêu kiểu mới này chắc nghe có vẻ hấp tấp, nếu không muốn nói là vô vị? Và đó là vì sự lãng mạn (một phần quan trọng trong tình yêu) nằm chính ở chỗ giai đoạn “để ý đến-bắt đầu có tình cảm” được kéo dài bởi những cử chỉ ga lăng từ phía đàn ông. Về một mặt chúng hé lộ tình cảm của con trai dành cho con gái một cách tương đối đẹp (có ưu điểm lớn là giúp bày tỏ tình cảm chân thật vốn có gì khá khó nói). Mặt khác, chúng cũng che giấu tình cảm đó (hành vi mang tính hình thức cũng là cách tránh nói trực tiếp mình muốn gì ở đối tượng).

Có thể nói đối với cả hai người, đó là cách bày tỏ tình cảm mập mờ. Chỉ có một phần có nhược điểm rõ ràng là tạo ra sự hoài nghi. Cô gái được theo đuổi có thể nghi ngờ “phía sau tấm màn” liệu có tình cảm chân thành? Người con trai chủ động theo đuổi có thể nghi ngờ tình cảm của mình, nếu thực sự có, liệu có được đáp lại?

Nhưng đó cũng là ưu điểm ở đây: việc nghi ngờ về tình cảm của đối tượng chính là điều có thể làm tăng cường tình yêu, chưa kể có thể tạo ra những đam mê mạnh mẽ, lâu dài, khi những ý nghi ngờ ban đầu được xua tan một cách rõ ràng.

Ý thức về cách cư xử lịch sự (giữa nam và nữ và giữa người và người nói chung) ngày càng giảm, thì “văn hoá hình thức” có xu hướng được thay thế bằng “văn hoá khả năng” (culture of possibility). Trên sân khấu tình yêu, đó là chuyện ta có thể nhận thấy rõ ràng trên mạng, và nhất là trong cách người ta sử dụng những ứng dụng hẹn hò. Điển hình là việc mở rộng phạm vi lựa chọn, khuyến khích người dùng khám phá nhiều cơ hội hấp dẫn khác nhau thay vì tập trung vào một đối tượng kiểu cũ. 

“Văn hoá hình thức” có xu hướng được thay thế bằng “văn hoá khả năng”

Tôi hoàn toàn không phủ nhận rằng, nhiều người yêu nhau chân thật, dù là qua mạng Internet. Tôi chỉ muốn nói về tâm lý tương đối thiếu ga lăng – hiện tượng phổ biến ở nhiều đàn ông khi trước mặt là một cuộc tuyển chọn đối tượng phong phú, đến độ họ không còn sẵn sàng đầu tư nhiều thời gian, bày tỏ sự tận tâm, như lý tưởng về sự ga lăng cũ từng đòi hỏi.

Cứ nói, ai muốn theo lý tưởng cũ thường gặp khó khăn khá lớn. Nếu để mắt đến một cô gái thì nhiều khi phải chờ, có khi mất khá lâu mới biết cô ấy có đủ tình cảm với mình hay không. Bây giờ có Tinder thì cũng có cách giải quyết quá tiện lợi: mình thấy mình để ý cô này cô kia chưa “có tương lai” lắm thì mình đổi hay tìm đối tượng phụ, mở app ”cập kê” cô khác chơi. Văn hoá khả năng là vậy.

Nói về quá trình thương mại hoá tình yêu lãng mạn thì chỉ cần nghĩ tới mấy ngày trong năm có mục đích chính là tạo ra cơ hội để nam nữ bày tỏ tình cảm. Ở Việt Nam ít ai biết Valentine’s Day vốn dĩ là một phát minh của một công ty bán thiệp mừng Mỹ, tức một sự kiện người ta suy nghĩ ra đơn thuần vì mục đích kinh doanh. Còn Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, mặc dù nó bắt nguồn từ cuộc biểu tình có sự tham gia của hàng ngàn người phụ nữ đòi quyền được bầu cử, có lương cao hơn, nhưng trong những năm gần đây khẩu hiệu của nó đối với nhiều người là “sales”.

Với nhiều phụ nữ Việt Nam, mức độ được chú ý từ cánh mày râu vào ngày 8/3 hình như quyết định giá trị của họ. Còn với nhiều đàn ông, vấn đề lớn nhất là cóp nhặt đủ tiền để mua bó hoa hay gấu bông thật nổi bật. Ngày lễ người ta từng tổ chức để nhắc lại phong trào phụ nữ đòi quyền được tổ chức lại trong tinh thần chủ nghĩa tiêu thụ, theo kiểu “càng bự và càng đắt thì càng tốt đẹp.” 

Ngày lễ người ta từng tổ chức để nhắc lại phong trào phụ nữ đòi quyền được tổ chức lại trong tinh thần chủ nghĩa tiêu thụ

Và rõ ràng, không chỉ là ngành hoa hay ngành sản xuất đồ chơi đang góp phần đến xu hướng coi tình yêu là điều đàn ông bày tỏ bằng cách xài tiền triệu. Khi đi du lịch, khi mặc đồ đi chơi, khi chụp hình chung, và nhất định khi chụp hình cưới và trang bị nhà cửa sau khi cưới xong, người ta được khuyến khích, từ cả tứ phía, việc đánh đồng tình yêu với khả năng tiêu tiền.

Vì ở Việt Nam đàn ông vừa phải chứng minh tình yêu của họ một cách cụ thể, vừa phải đóng vai trò là người trụ cột cho gia đình về sau, những vấn đề liên quan đến một sự ga lăng không quá vật chất có vẻ nghiêm trọng hơn ở một số các đất nước khác.

***

Tình trạng càng bát nháo, hình ảnh một người đàn ông thật sự có cái hào hoa phong nhã kiểu cũ càng thật giả lẫn lộn, thì phụ nữ càng phải tự hỏi – họ vẫn còn đợi một người đàn ông theo đuổi họ kiểu ga lăng ngày xưa hay không? Đàn ông phải tự hỏi tương tự, họ có muốn cố gắng theo lý tưởng lãng mạn cũ? Có muốn tiếp tục theo đuổi kiên trì, hy sinh như xưa, bày tỏ tình cảm một cách gián tiếp, hay chủ động như xưa không? Hay họ không nên bỏ ra công sức nữa? Nên ưu tiên cho các cô có thái độ thực tế hơn trong tình yêu?

Phương án “ít ga lăng hơn” đã là sự lựa chọn của khá nhiều người ở các nước phương Tây. Dĩ nhiên bên Tây có những chàng trai, cô gái thích hẹn hò, đi cà phê, ăn tối với nhau và coi trọng những hành động lãng mạn như: các chàng trai thích tặng hoa, mở cửa mời bạn gái đi trước, các cô gái đánh giá cao nghệ thuật nói chuyện. Nhưng những người này chỉ còn là thiểu số.

Đối với tình cảm lãng mạn kiểu cũ, phần lớn giới trẻ phương Tây có thái độ dè dặt, nếu không muốn nói là hoài nghi. Khá là nhiều người tin rằng tình yêu lãng mạn không còn nữa, thay vào đó là tình dục và các loại khoái cảm khác và thời gian tiến đến chúng ngày càng ngắn. Còn một số không nhỏ dường như coi một mối quan hệ chủ yếu như cách làm thoả mãn nhu cầu đôi bên. Kiểu như là một sản phẩm mình bỏ ra tiền để mua và xử lý rất điềm đạm khi thấy nhu cầu của mình không còn được đáp ứng như xưa. (Khó tưởng tượng rằng những cách nhìn vỡ mộng này có thể trở thành chuẩn mực chung ở Việt Nam trong mấy năm tới, và theo tôi, người Việt Nam có thể rất vui về chuyện đó).

Khá là nhiều người tin rằng sự lãng mạn đã bị thay thế bởi tình dục và các loại khoái cảm khác

Nhưng ở phương Tây cũng có lí do khác có vẻ thuyết phục hơn khiến nhiều người nghi ngờ lý tưởng cũ về tình yêu lãng mạn, và nhất là sự ga lăng ở đàn ông. Đó là cách suy nghĩ theo kiểu tình yêu lãng mạn là tiêu chuẩn hai mặt, không chỉ thể hiện sự tôn trọng, sự tận tâm đối với đối tượng mà còn lộ ra rõ xu hướng coi thường phụ nữ nữa. Kiểu như phụ nữ BẮT BUỘC phải thụ động trong tình yêu, ĐÁNG RA nên tỏ ra bất lực, để đàn ông ga lăng có cơ hội để cưa cẩm.

Trên thực tế, sự ga lăng ở đàn ông phương Tây gặp trục trặc này vì vai trò giới tính đã thay đổi nhiều. Từ hồi Cách Mạng Tình Dục, diễn ra trong những năm 60 trở đi, có nhiều nhà tư tưởng theo thuyết nam nữ bình quyền cứ tin rằng vấn đề chính là cách đàn ông lý tưởng hoá cái “yếu” ở “phái yếu, còn nhiều gái Tây cứ nghĩ lẽ ra đàn ông nên cư xử với phụ nữ dứt khoát như người ngang hàng TRONG TẤT CẢ CÁC TÌNH HUỐNG. Tua tới thời điểm hiện tại, phần lớn phụ nữ Tây một mực rằng họ có khả năng tự đi đến buổi hẹn hò và chia nhau trả tiền khi hẹn hò xong. Và nhiều người trong số họ tỏ ra RẤT ĐÁNG NGỜ ở những người đàn ông ga lăng mà vẫn muốn đến đón hay bao trọn gói.

Trong mắt những người Tây mà chán nản kiểu cuộc tranh luận gay gắt vì chuyện nhỏ trong cuộc hẹn hò, có gì đó đáng mừng ở thái độ của người Việt đối với các cách cư xử ga lăng. Ở Việt Nam, những gì phụ nữ kỳ vọng ở một đàn ông khi hẹn hò thì khá rõ ràng. Những hình thức một anh chàng muốn gây ấn tượng đứng đắn thì đã ổn định.

Nhưng tiếc là cũng có gì đó đáng chán nản trong chủ nghĩa thực dụng mà có thể nhận ra trong sự ga lăng thông thường ở Việt Nam: kiểu trai Việt mà biết đáp ứng tiêu chuẩn lớt phớt về sự ga lăng mà thành ra chỉ nhằm mục đích là khiến bạn gái xiêu lòng. Lý tưởng về con trai ga lăng ở Việt Nam phiến diện đến độ một anh chàng mà tặng hoa cho một cô gái bằng cách đủ thuyết phục khả năng cao sẽ khiến cho tim của cô ấy đập từng hồi. Trong khi đó, có thể những cử chỉ hào hiệp này chỉ có nghĩa là anh ta có khả năng diễn khá sâu trên sân khấu tình yêu.

Cứ cho rằng sự ga lăng của đàn ông không đáng để bị loại bỏ như ở bên Tây thì phải làm sao? Theo tôi, cô gái Việt Nam nên dè dặt một chút cho con trai có “đất” để chủ động thể hiện sự gă lăng là điều tích cực, miễn là các cô không hành động như tiểu thư hay con nít, cũng như đủ tự tin để chủ động theo đuổi nếu có hứng thú. Tương tự, con trai mà vẫn biết tỏ ra lịch sự, ân cần, ngay cả “thần thoại hoá” đối tượng và hy sinh trong tình yêu, là kiểu đàn ông Việt tôi đã gặp và hy vọng sẽ tiếp tục gặp trong trương lai. 

Theo tôi, cô gái Việt Nam nên dè dặt một chút cho con trai có ”đất” để chủ động thể hiện sự ga lăng

Nhờ có Shakespeare, tiếng Anh có thêm một câu nói độc nhất vô nhị: “By indirections find directions out”, có thể dịch sang tiếng Việt là “đi vòng vèo thì biết phương hướng chắc hơn”. Theo tôi, tính ga lăng chính là cách đi vòng vèo trong tinh thần của Shakespeare, một loại hình thức mà giúp đàn ông thể hiện tình cảm, đồng lúc bắt họ hồi hộp chờ đợi, giúp họ, và cả các cô bạn gái của họ, biết phương hướng trong tình cảm mình nữa.

Một châm ngôn khác của Shakespeare nói rõ hơn nữa đến vấn đề của chúng ta: The course of true love never ran straight (con đường của tình yêu chân thực chẳng bao giờ bằng phẳng cả).

Cái điểm chính ở đây là: người nào còn đánh giá cao tình yêu lãng mạn, thì không nên hy vọng con đường bằng phẳng. Và chính tính ga lăng ở đàn ông là điều giúp cho con đường còn khó mà chạy thẳng được: những hình thức và nhiệm vụ nhỏ trong tình yêu, những kỳ vọng thông thường liên quan đến việc tìm hiểu không chỉ giúp cho tình yêu phức tạp mà còn có thể khiến cho nó sâu sắc hơn.

Thẳng thắn mà nói, nếu đàn ông nói quách ra họ muốn cái gì ở phụ nữ. Và nếu phụ nữ có thể một mạch tán thành hoặc huỵch toẹt từ chối thì văn hoá tình yêu của ta tiện lợi hơn, thực tế hơn là điều chắc chắn. Nhưng khả năng cao nó sẽ là một văn hoá tình yêu cực kỳ chán. (Tôi cầu nguyện tôi không bao giờ phải nghe câu nào kiểu “tình cảm của anh đã bị từ chối, cảm ơn anh đã quan tâm!”)

Hoặc nói như một nhà triết học, trong cuộc đời của con người hình thức và bản chất thường gắn bó chặt chẽ với nhau. Những kiểu cách lãng mạn mà chúng ta đang trên đà bác bỏ vì tưởng chỉ mang tính hình thức, cũng có thể là điều cốt lõi trong tình yêu.

Còn tiếp…

Cameron Shingleton

You may also like

Leave a Comment