Trước khi đi vào chia sẻ với các bạn về những gì mà mình đã nêu ra ở tiêu đề bài viết, mình muốn dành chút thời gian để gợi nhắc cho các bạn nhớ về một phần kiến thức nho nhỏ mà các bạn có thể đã được học ở môn Vật lý cấp trung học cơ sở.
Đó là kiến thức về động cơ vĩnh cửu.
Có lẽ bạn sẽ chỉ cần phải nhớ 2 điều quan trọng nhất về động cơ vĩnh cửu thôi.
- Thứ nhất, động cơ vĩnh cửu là những thiết bị mà một khi đã được khởi động, thì nó sẽ hoạt động mãi mãi, cho đến vĩnh cửu, mà không cần năng lượng bổ sung. Tự nó tạo ra năng lượng cho chính nó hoạt động.
- Và thứ hai, cho đến hiện nay, động cơ vĩnh cửu không có thật. Chúng không hề hoạt động trong một vũ trụ được chi phối bởi 4 Định luật Nhiệt động lực học (Laws of Thermodynamics) như của chúng ta.
Dẫu vậy, động cơ vĩnh cửu vẫn luôn là một trong những giấc mơ to lớn nhất của các nhà khoa học, và có lẽ là của cả nhân loại.
Chúng truyền cảm hứng cho chúng ta tạo nên những cỗ máy tiết kiệm năng lượng hơn, có công suất cao hơn và đặc biệt nhất là thân thiện với môi trường hơn. Hành trình chúng ta tìm kiếm động cơ vĩnh cửu vì vậy mà đến nay vẫn chưa hề đi đến hồi kết.
Với những kiến thức ngoài lề như trên, chúng ta sẽ cùng quay lại với nội dung mà mình đã nêu lên ở tiêu đề bài viết ngày hôm nay, đó là về động lực tinh thần.
Trong quá trình vượt qua tình trạng trầm cảm, căng thẳng lo âu và nghiện mạng xã hội thì mình cũng đã học được nhiều bài học về tầm quan trọng của động lực tinh thần trên hành trình mình cải thiện bản thân.
Và bài học đầu tiên mình học được chính là:
Nếu chỉ có động lực tinh thần không thôi thì sẽ chẳng đủ để thay đổi bất cứ điều gì hết, chứ đừng nói đến việc thay đổi được chính mình.
Nghe có vẻ như mình đang giữ thái độ hơi cay nghiệt quá mức đối với động lực tinh thần. Đương nhiên, mình cũng không hề có ý muốn phủ định tầm quan trọng của động lực tinh thần ở đây.
Dù cho mình tin rằng chỉ có động lực không thôi thì sẽ khó lòng cải thiện được bản thân, nhưng mình cũng hiểu rằng trong phần lớn các trường hợp, nếu không có động lực thì cũng sẽ không có sự bắt đầu cho bất cứ sự thay đổi nào hết.
Để bước đầu lý giải nguyên nhân tại sao chỉ có động lực tinh thần không thôi thì sẽ không đủ để thay đổi bản thân, mình muốn trước tiên giới thiệu với các bạn 2 loại động lực tinh thần phổ biến, đó là Ngoại lực và Nội lực.
Hai loại động lực tinh thần
Kiểu động lực tinh thần phổ biến nhất mà con người chúng ta thường xuyên dựa vào có lẽ chính là Ngoại lực (extrinsic motivation).
Ngoại lực là loại động lực tinh thần thúc đẩy chúng ta thực hiện những hành vi hướng tới các phần thưởng tới từ bên ngoài đời sống của chúng ta.
Ví dụ như bạn đang muốn đạt được một mức điểm trung bình abc nào đó trong kỳ tổng kết sắp tới, hay bạn đang có mục tiêu thi vào trường đại học mơ ước, hoặc là bạn đang muốn phấn đấu hướng tới một vị trí công việc cao hơn mức hiện tại ở cơ quan chẳng hạn.
Đây đều là những động lực tinh thần được truyền cho bạn từ những phần thưởng tới từ bên ngoài dưới hình thức Ngoại lực.
Kiểu động lực tinh thần thứ hai, cũng là kiểu động lực thường khó để hình thành hơn một chút, chính là Nội lực (intrinsic motivation).
Nội lực là những động lực tinh thần thúc đẩy những hành vi hướng tới các phần thưởng tới từ bên trong bản thân chính chúng ta. Hay nói cách khác, quá trình thực hiện hành vi tạo nên động lực cho chính hành vi đó được xảy ra.
Ví dụ như bạn là một người yêu thích việc học. Bạn được truyền động lực mỗi khi bạn mở sách vở ra và ôn tập mỗi ngày. Vì bạn yêu thích quá trình học tập nên cảm hứng học tập luôn tới với bạn một cách tự nhiên và bạn luôn tự giác chủ động đi tìm kiếm tri thức. Cảm giác hiểu bài hơn được một chút so với hôm qua thường đem lại những cảm xúc tích cực cho bạn và khiến bạn tự hào về bản thân.
Cá nhân mình, cùng với nhiều nhà nghiên cứu hiện nay, tin rằng Nội lực thường là nguồn động lực tinh thần lành mạnh hơn so với Ngoại lực.
Với Nội lực, động lực tới từ bên trong chính bản thân bạn. Khi bạn được Nội lực thúc đẩy, bạn hành động đơn giản vì niềm đam mê, sự thỏa mãn và tình cảm mà bạn dành cho hoạt động đó. Phần thưởng của bạn cũng thường sẽ là những cảm xúc tích cực mà bạn nhận được sau đó.
Trong khi đối với Ngoại lực, động lực tới từ những nguồn bên ngoài. Khi bạn được Ngoại lực thúc đẩy thì nhiều khả năng là bạn đang muốn đạt được một thứ gì đó. Điều này thường khiến bạn hành động vì các hình thức trả công, ví dụ như lương thưởng, hoặc vì bạn muốn né tránh các rắc rối, ví dụ như bị sếp la mắng, sa thải.
Khi đã đọc tới đây rồi, và nếu bạn đang muốn nhanh chóng có được câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao chỉ có động lực tinh thần không thì sẽ không đủ để thay đổi bản thân?”, thì mình sẽ có thể trả lời ngay cho các bạn.
Mình muốn các bạn thử nhớ về những lúc các bạn được truyền cảm hứng để làm một điều gì đó mới mẻ. Những lúc mà các bạn cảm thấy động lực chợt dâng trào khi bạn mới xem xong một video khuyên bạn nên tập thể dục thể thao đều đặn hơn, hay một bài viết trên mạng giúp bạn lên tinh thần học tập chăm chỉ hơn.
Phải chăng cũng giống như mình, các bạn đã nhiều lần kẹt trong vòng lặp của sự bùng nổ động lực, để rồi mọi cố gắng của bạn cũng nhanh chóng lụi tàn trong sự thất vọng và tủi hổ của chính bản thân bạn.
Và đó chính là câu trả lời cho câu hỏi mình nêu lên ở tiêu đề bài viết, cũng là bài học thứ hai mà mình học được về động lực tinh thần: Đó là sự thật rằng động lực tinh thần không hề ổn định.
Mình nhận ra rằng động lực tinh thần giống với một thứ cảm xúc, hơn là một dạng lực đẩy như trong môn vật lý. Và cũng giống như mọi thứ cảm xúc khác, động lực đến rồi đi. Mình thấy điều này đúng với cả hai loại động lực mà mình vừa giới thiệu với các bạn ở trên.
3 yếu tố ảnh hưởng tới động lực tinh thần
Giờ đây, câu hỏi tiếp theo mà các bạn đang tự hỏi có lẽ là: Tại sao động lực tinh thần lại bất ổn định tới vậy?
Mình tin rằng đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời, thậm chí với cả các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học và thần kinh học.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ kiến thức và kinh nghiệm cá nhân hạn hẹp, mình vẫn muốn chia sẻ với các bạn 3 yếu tố mà mình cho rằng đã luôn gây ảnh hưởng nhiều nhất tới sự biến động của động lực tinh thần trong đời sống của mình.
Các bạn có thể xem những điều mình sắp chia sẻ sau đây như là một danh sách tham khảo. Để các bạn thử ngồi lại và tìm hiểu xem những yếu tố nào đang gây ảnh hưởng nhiều nhất lên sự hình thành và tiêu biến của động lực tinh thần bên trong bạn.
1. CÁC MỐI QUAN HỆ
Nếu bây giờ bạn thử nghiêm túc nhìn lại, có thể bạn sẽ nhận ra một sự thật rằng nếu như bạn bè của bạn không thích học, thì nhiều khả năng là bạn cũng sẽ không hề có hứng thú với các hoạt động học tập. Vậy nên bạn cũng sẽ không có động lực để học tập.
Tương tự, nếu như cha mẹ bạn kỳ vọng bạn sẽ trở thành một kỹ sư trong khi đam mê của bạn là được làm một giáo viên, bạn cũng sẽ ít có động lực để theo đuổi đam mê của mình hơn.
Và nếu như đồng nghiệp của bạn hút thuốc, nhiều khả năng là bạn cũng đã được “truyền động lực” để học theo thói quen đó.
Trong tâm lý học có một hiện tượng được đặt tên là “The chameleon effect”, hay mình thường tự hiểu là Hiệu ứng tắc kè hoa.
Con người chúng ta luôn vô thức bắt chước hành vi, kiểu cách, cử chỉ, hay thậm chí là cả nét mặt của những đối tượng mà chúng ta được tiếp xúc.
Đây là một cơ chế trong não bộ giúp chúng ta có thể gia nhập và trở nên hòa đồng với một cộng đồng nào đó. Mình nhận ra rằng hiệu ứng này càng mạnh mẽ hơn khi chúng ta tiếp xúc với những người tài giỏi hơn, mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn chúng ta; đây cũng chính là tiền đề tạo nên sự ngưỡng mộ.
Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên khi mà đội nhóm của chúng ta được truyền động lực, thì bản thân động lực của chúng ta cũng tăng lên.
Cũng không phải là ngẫu nhiên mà các cụ dạy rằng:
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Theo quan sát và tìm hiểu của cá nhân mình, có vẻ như động lực tinh thần có tính chất lan truyền và cộng hưởng.
Vậy nên, nếu như bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực tinh thần để cải thiện bản thân, có lẽ cũng đã đến lúc bạn thử cân nhắc lại các mối quan hệ mà bạn đang có.
2. HOÀN CẢNH
Theo quan điểm cá nhân của mình, kẻ thù lớn nhất của động lực tinh thần có lẽ chính là những tình trạng rối loạn sức khỏe tâm lý.
Trong cuốn sách How Psychology Works, các tác giả có chia sẻ rằng:
Một người trầm cảm sẽ không tìm thấy được động lực và không hứng thú làm bất cứ điều gì, họ thấy khó đưa ra quyết định, và không có niềm vui nào trong cuộc sống.
Mình nhận ra rằng, hiện nay vẫn còn nhiều người hiểu nhầm trạng thái không động lực (unmotivated) trong các trường hợp rối loạn tâm lý, với sự lười biếng hoặc thói trì hoãn.
Hậu quả đầu tiên của sự hiểu nhầm này là nó thường khiến cho chúng ta tự đánh giá sai về bản thân, và những người xung quanh – ví dụ như người thân, thầy cô, cấp trên, đồng nghiệp – cũng sẽ đánh giá sai về chúng ta.
Hậu quả thứ hai là nó tiếp tục dẫn đến sự thiếu nhận thức về các chứng bệnh tâm lý. Chúng ta không giải quyết tận gốc rễ của vấn đề là sức khỏe tâm thần; thay vào đó chúng ta tự thúc ép, hoặc bị thúc ép, phải làm nhiều hơn nữa, cố gắng nhiều hơn nữa, và thế là lại căng thẳng nhiều hơn nữa, rồi sức khỏe tâm lý cũng cứ như vậy mà xuống dốc không phanh.
Dần dần tạo nên một vòng lặp luẩn quẩn của sự thiếu động lực.
Làm sao mà một đứa trẻ có thể tìm thấy động lực để học tập cho tốt trong khi ở trường em bị bắt nạt hoặc bị thầy cô trù dập, đối xử thiên vị?
Làm sao mà một nhân viên có thể tìm ra động lực để đạt đủ KPI trong khi người mẹ thân yêu của anh đang ốm nặng và có thể từ giã cõi đời bất cứ lúc nào?
Làm sao một công nhân có thể tìm thấy động lực để tiếp tục cống hiến cho nhà máy trong khi cô có một người chồng hung bạo và chỉ biết ăn bám?
Trên đây chỉ là một vài ví dụ mình từng được nghe tâm sự, và mình tin rằng mỗi người chúng ta đều có những hoàn cảnh riêng dẫn tới trạng thái thiếu động lực tinh thần.
Khi hiểu ra được tầm ảnh hưởng to lớn của tâm lý mỗi người, hay nói rộng hơn chính là hoàn cảnh của mỗi người, trong việc hình thành và tiêu biến của động lực tinh thần, mình nhận ra rằng chúng ta thường hay quá vội vã trong việc đánh giá, cả với chính bản thân cũng như với người khác nữa.
Và khi mình nói “chúng ta”, mình đang muốn nói đến cả chính bản thân mình ở trong đó.
3. CẢM HỨNG
Đối với một người làm sáng tạo như mình, cảm hứng có lẽ chính là sự kết hợp hoàn hảo nhất giữa Ngoại lực và Nội lực.
Cảm hứng thường là một thứ năng lượng tinh thần xuất phát từ bên ngoài, ví dụ như khi mình xem một bức họa đẹp, và từ đó trong mình dâng lên một thứ động lực thôi thúc mình hành động để tạo nên một sản phẩm của riêng mình.
Tuy nhiên, cảm hứng tạo ra được động lực thì nó cũng có thể phá hủy được động lực.
Nhớ lại những ngày còn học cấp 2, mình của ngày đó không hề thích môn Toán.
Mình từng nghĩ rằng đây là một môn quá khó hiểu, quá nhạt nhẽo và hoàn toàn không có tính áp dụng vào thực tế. “Có bao giờ mình cần phải tìm ra lượng giác của một tam giác trong thực tế đâu” hay “Mình cũng đâu có cần tới hằng đẳng thức để tính toán khi đi mua sắm đâu”, mình đã từng ngây thơ nghĩ như vậy đấy, haha.
Hiện giờ khi nhìn lại, mình hiểu ra là mình đã từng bị ám ảnh bởi nỗi sợ “tôi không hiểu gì hết” đối với môn Toán.
Phiên bản cấp 2 của mình đã quyết định rằng “Mình không hiểu Toán, nên mình không thích Toán”. Cũng vì vậy mà mỗi khi mình mở sách vở Toán ra học, mình cũng mở luôn ra cả những suy nghĩ tiêu cực “Tôi không hiểu” và “Tôi không thích”, từ đó mà nó tạo nên một cái hộp thiếu động lực mà mình tự nhốt mình ở trong đó cùng với môn Toán.
Câu chuyện của mình với môn Toán rất may mắn là đã có một kết thúc có hậu.
Hay có thể nói chính xác hơn, vào năm lớp 9, mình đã may mắn khi gặp được một cô giáo dạy Toán đã không từ bỏ hy vọng ở mình như những giáo viên khác. Cô tin tưởng mình và luôn sẵn sàng đồng hành cùng mình trên con đường khắc phục tình trạng mất gốc môn Toán.
Hằng năm, mỗi khi về thăm cô giáo, mình đều không thể tưởng tượng nổi mình của hiện tại sẽ ra sao nếu không có được những phần động lực tinh thần và cảm hứng mà người phụ nữ này đã truyền cho mình trong suốt cả năm học lớp 9 ấy.
Vậy nên, phải chăng động lực tinh thần cũng mang tính định mệnh hoặc may rủi?
Làm thế nào để thực sự thay đổi bản thân?
Với 3 yếu tố như mình vừa trình bày ở trên, mình hy vọng rằng các bạn cũng đã có thể nhìn lại và nhận ra rằng động lực tinh thần thực ra là một thứ rất thất thường và không ổn định.
Chúng ta bị phụ thuộc vào người khác, vào hoàn cảnh, vào cảm hứng, và đôi khi là cả may rủi để có được động lực tinh thần.
Vậy nên, cá nhân mình tin rằng động lực tinh thần không phải là một nguồn năng lượng đáng tin cậy nếu bạn muốn được thực sự thay đổi và cải thiện bản thân.
Vậy thì chúng ta cần phải làm gì đây?
Những chuyên gia, hay những người thân xung quanh có thể khuyên các bạn nhiều điều.
Cá nhân mình sẽ khuyên các bạn nên chủ động xây dựng một hệ thống. Một hệ thống mà khi đã được khởi động, nó sẽ hoạt động cùng bạn đến vĩnh cửu, mà không cần phải bổ sung thêm năng lượng. Tự nó tạo ra năng lượng cho chính nó hoạt động.
Nghe quen thuộc quá đúng không các bạn?
Đúng rồi đấy, mình khuyên các bạn hãy xây dựng nên động cơ vĩnh cửu của riêng bạn. Động cơ vĩnh cửu này, mình gọi tên nó là tính tự kỷ luật (self-discipline).
Sau khi đã quen với tính tự kỷ luật ở đời sống cá nhân, mình nhận ra rằng chính chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt, có khả năng trở thành thứ công nghệ đỉnh cao nằm trong giấc mơ của mọi bộ óc vĩ đại nhất trên quả đất này.
Người Slav ở Đông Âu có câu ngạn ngữ rằng:
Con đường mà dùng chân không thể đi qua thì hãy dùng đầu.
Nếu không thể tạo ra được động cơ vĩnh cửu ở thế giới vật chất (material), vậy thì tại sao chúng ta không thử thiết kế ra nó trong một thế giới phi vật chất (non-material), cũng chính là tâm trí của chúng ta.
Không phải tìm đâu xa nữa, tự chúng ta đã có đủ những gì cần thiết để tạo nên những động cơ vĩnh cửu có một không hai trên hành tinh này rồi.
Với tính tự kỷ luật, chúng ta sẽ không ngừng phát triển, không ngừng học tập, không ngừng tiến bước trên con đường trở thành người mà chúng ta xứng đáng phải trở thành.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.