Tại sao có định kiến với công nhân vệ sinh? (câu trả lời từ con gái của một công nhân trồng hoa)

by admin

“Công việc mơ ước của anh là gì?” “Nhân viên dọn rác.” Khi nghe câu trả lời này trong một phỏng vấn của Easy German, cảm xúc của mình đã thay đổi liên tục từ bất ngờ tới hổ thẹn: bất ngờ vì không nghĩ có người lại đem công việc mà ở Việt Nam vẫn gọi là lao công làm ước mơ; hổ thẹn vì hoá ra trong tiềm thức mình lại coi thường một công việc đến vậy, dù mình vẫn luôn tôn trọng và hiểu rằng những công nhân vệ sinh đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội.

Nhưng, suy nghĩ một cách nghiêm túc, mình nhận ra khi một con người có định kiến với công việc dọn rác, đó không đơn giản là vấn đề của riêng người ấy. Đi tìm nguyên nhân tại sao định kiến lại xuất hiện và giải quyết nguyên nhân mới là cách để thay đổi định kiến.

Mình rất thích một câu nói của nhà nghiên cứu Dư Thu Vũ: “Nếu nói về tiềm lực của thành phố, không thể lấy vẻ nhộn nhịp của trung tâm thành phố làm thước đo. Trung tâm thành phố là một vòng xoáy, đẩy hết rơm rác tạp nhạp ra rìa ngoài.” Tiềm lực thực thụ của thành phố, đối với mình, phải là quang cảnh của nó sau khi tàn cuộc vui.

Hồi mình còn ở Hà Nội, có những dịp Bờ Hồ trở nên đông đúc, có thể là một ngày lễ lớn, Quốc Khánh hoặc Trung Thu hoặc Giao Thừa. Pháo hoa tàn, dòng người đông đúc cũng lũ lượt trở về nhà, để lại trên mặt đường cơ man là rác rưởi cùng tiếng thở dài của những cô bác công nhân vệ sinh. Bởi, khi sự đông đúc nhộn nhịp kết thúc cũng là lúc công việc của họ bắt đầu, và họ phải trả lại đường phố dáng vẻ sạch sẽ, tinh tươm trước sáng hôm sau, trước khi dòng người lại tiếp tục nhộn nhịp đông đúc. Tiềm lực thực sự của thành phố nằm ở thái độ của người dân với rác và mức độ hạnh phúc của những người làm công việc chăm sóc (care-giving job).

Khi nghe câu trả lời rằng “Ước mơ của tôi là làm nhân viên dọn rác”, người phỏng vấn tán thưởng: “Ồ, đó là một công việc rất tuyệt đấy chứ. Làm việc theo ca, trở về nhà đúng giờ và có thể đi nhậu sau giờ làm.” Anh chàng cười: “Ồ không, tôi không định nhậu nhẹ gì cả. Chỉ là, một công việc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, cho phép anh tận hưởng không khí trong lành. Và như anh nói, mỗi ngày đi làm về, tôi có thể đi ngủ mà cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến những điều tôi đã làm hôm đó.”

Khi còn đi học, mình đọc được một câu chuyện rất thú vị về triết lý giáo dục của hai người mẹ. Người mẹ A chỉ vào người dọn rác và nói: “Nếu con không học hành tử tế thì sẽ trở thành người như thế đấy.” Người mẹ B chỉ vào người dọn rác và nói: “Nếu con chăm chỉ học hành thì con có thể giúp chú ấy có cuộc sống tốt hơn.” Người mẹ A coi thường công việc dọn rác. Người mẹ B không coi thường mà thực tế, bà tỏ ra thương hại, dù sự thương hại đó có ý tốt.

Câu chuyện này là điển hình cho cách mà giáo dục nói riêng và xã hội nói chung nhìn nhận những công việc chân tay. “Con phải nhớ, không công việc nào ít cao quý hơn công việc nào, nếu không có cô lao công, đường phố sẽ rất bẩn, đúng không?” Nhưng tại sao không người lớn nào nói rằng lao công, dọn rác, cũng có thể là công việc mơ ước?

Quay trở lại với mức độ hạnh phúc của những người làm công việc chăm sóc (care-giving job) mà cụ thể ở đây là công nhân vệ sinh. Mình nhớ đã từng xem một phóng sự, khi được hỏi tại sao lại chọn làm nhân viên thu gom rác, một người Mỹ đã trả lời anh cần một công việc ổn định và anh cho rằng không công việc nào ổn định hơn dọn rác (một thành phố có ngày nào thiếu rác cơ chứ?), mức lương cũng rất ổn thậm chí là cao. Sự chênh lệch về mức độ hạnh phúc giữa lao công Mỹ và Việt nằm ở mức lương.

Ở Đức, rác được phân làm năm loại khác nhau khiến công việc thu dọn trở nên dễ dàng và dễ chịu hơn, cho phép công nhân tận hưởng “không khí trong lành”. Còn ở Việt Nam, “trong lành” và “rác” vốn là hai từ không liên quan, nói vui (hay buồn?) thì đặt chúng cạnh nhau đã trở thành một câu không có nghĩa. Rác ở Việt Nam không được phân loại, lẫn lộn lung tung giữa rác sinh học, rác sinh hoạt, rác dễ cháy và đôi khi là thuỷ tinh sắc nhọn. Việc dọn rác ở Việt Nam ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, thậm chí rất nguy hiểm, trong khi thu nhập của người công nhân lại không hề đáng so với những công sức mà họ phải bỏ ra.

Khi một người định kiến với công việc dọn rác, ban đầu không phải họ cảm thấy người làm công việc đó thấp kém hơn mình, mà thực ra, họ e ngại sự bẩn, vất vả, nguy hiểm và mức lương ba cọc ba đồng không xứng đáng.

Con người ai cũng có xu hướng tránh xa sự vất vả và tìm đến sự thoải mái, nên họ tự nhiên mà cho rằng vất vả luôn chỉ là lựa chọn sau cùng khi không còn lựa chọn nào khác. Từ suy nghĩ này mới phân cực thành hai thái độ: coi thường và thương hại.

Mẹ mình là một công nhân trồng hoa theo biên chế của thành phố, mẹ đi làm từ năm mười tám tuổi vì không đủ điểm học đại học. Không một giây nào trong cuộc đời mình coi thường mẹ, thậm chí mình còn coi đó là một công việc xinh đẹp khi nó cho phép mẹ làm ra những thứ đẹp đẽ.

Nhưng, những năm tháng nhìn mẹ vật lộn với cuộc sống bởi đồng lương ba cọc ba đồng, những ngày phải dậy rất sớm và về nhà rất muộn, những cơn đau lưng vì chiếc máy cắt cỏ đã nặng còn mẹ thì đã già, những bữa say nắng và phát ban khắp người vì Hà Nội mùa hè không dưới bốn mươi độ C, mình sợ sẽ vất vả như thế. Mẹ mình nói, cố gắng học để sau này không vất vả như mẹ.

Con đường đẹp nhất Nguyễn Chí Thanh, vườn hoa ở tượng đài Lý Thái Tổ hay ven Bờ Hồ, những công trình đều có bàn tay mẹ mình ở trong đó. Làm đẹp cho thành phố nhưng chỉ được đứng bên rìa thành phố sau mỗi buổi tàn cuộc vui. Đem lại niềm vui cho cộng đồng nhưng cuộc sống của họ lại chẳng được mấy ngày vui vẻ.

Đây là một ước mơ non nớt của mình từ khi còn rất bé, có thể nó ngây thơ và viển vông, nhưng hy vọng một ngày những người như mẹ mình, những người công nhân môi trường, lao công, dọn rác, có thể được hạnh phúc. Chưa phải bởi thành phố đã ban hành điều luật phân loại rác hay tăng mức lương cho những công việc chăm sóc thì có thể bởi chúng ta đã biết vứt rác đúng nơi đúng chỗ hơn.

Tiềm lực thực sự của một thành phố nằm ở điều bất cứ ai cũng có quyền ước mơ và mọi công việc đem lại ích lợi cho cộng đồng đều xứng đáng được mơ ước. Thay đổi không phải ở nhận thức của một, hai con người mà phải những hành động cụ thể, thậm chí mang tính cách mạng, mới có thể thay đổi được định kiến của cả xã hội.

Để đến một ngày nào đó, khi một đứa trẻ viết vào bài tập làm văn rằng em muốn trở thành công nhân vệ sinh, những người xung quanh sẽ thành thật tán thưởng, đó là một công việc cao quý và đáng mơ ước.

You may also like

Leave a Comment