THE GODFATHER 1: VUA CỦA DÒNG PHIM MAFIA VÀ CƠN LỐC CÀN QUÉT OSCAR 1973 (CÓ SPOIL)

by admin

Vào lễ trao giải Oscar 1973, ba trong số những tượng vàng Oscar quan trọng nhất bao gồm Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Phim xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất cùng thuộc về một bộ phim. Nửa thế kỷ qua đi, tác phẩm ấy vẫn là tượng đài vĩ đại nhất của dòng phim mafia và là một trong số những tác phẩm kinh điển của lịch sử điện ảnh nhân loại. “The Godfather 1” luôn là một tác phẩm đáng xem và không bao giờ lỗi thời. Vậy lí do là gì ?

I. BIỂU TƯỢNG TRƯỜNG TỒN, MỘT TRONG NHỮNG ĐỈNH CAO CỦA NGHỆ THUẬT THỨ BẢY

Bố già phần 1 thuộc dòng phim mafia và tất nhiên một bộ phim được quay 50 năm về trước thì đến nay chẳng thể làm chúng ta trầm trồ vì phân cảnh hành động hay kỹ xảo khi mà giờ đây chúng ta đã ăn no nê phim Tom Cruise, Jackie Chan, Marvel… Nhưng mỗi cảnh quay trong bộ phim này đều vô cùng đắt giá và khiến bạn sững sờ kể cả khi xem vào năm 2022. Có thể nói đây là một đỉnh cao về kỹ thuật dàn cảnh và sử dụng ánh sáng trong lịch sử của bộ môn nghệ thuật thứ 7

⁃ Phân cảnh lễ cưới của cô con gái- sử dụng ánh sáng để kể chuyện: Một ngày trọng đại mà mọi thành viên trong gia đình Corleone đều có mặt nên đây là phân cảnh thích hợp để khái quát về gia đình mafia này. Mở đầu với khung cảnh trong phòng làm việc của ông trùm, bóng tối bao trùm tất cả, những người đàn ông trong căn phòng đều mặc suit đen và giao tiếp bằng ngữ điệu chậm rãi nhưng nặng nề, ánh sáng hắt ra từ ánh đèn le lói làm hốc mắt của mỗi người tối sầm lại, sâu hun hút. Ngay sau một phân cảnh trong phòng làm việc tối tăm là cảnh quay buổi tiệc ngoài sân, ánh nắng ngập tràn, không khí nhộn nhịp ồn ào, những bộ lễ phục sặc sỡ đối ngược hoàn toàn với khung cảnh trong phòng. Và suốt buổi lễ những cảnh quay liên tục thay đổi giữa cảnh ngoài sân và trong phòng. Những cảnh ngoài “sáng”, trong “tối” ấy tượng trưng cho cách hoạt động của gia đình Corleone. Ngoài mặt, họ vẫn là một gia đình được trọng vọng, ngoài sân, lễ cưới của con gái với quan khách là những người quyền thế trong xã hội. Nhưng bên trong họ lại là một tập hợp làm những điều phạm pháp đen tối, trong phòng làm việc, những người khác tới xin “ông trùm” giúp họ làm những việc phi pháp…

⁃ Phân cảnh người con trai út- Michael Corleone đến thăm bố mình ở bệnh viện: Khi phát hiện ra âm mưu ám sát, Michael đã đẩy giường bệnh của bố mình sang phòng khác và sau đó anh giấu một nửa gương mặt sau bức tường bệnh viện cùng con mắt căng thẳng quan sát phía hành lang. Từ trước tới nay Michael luôn được cha che chở, không nhúng tay vào bất cứ công việc nào và đó là lần đầu tiên anh đối mặt trực tiếp với kẻ thù của gia đình. Trong xuyên suốt bộ phim, rất nhiều phân cảnh gương mặt Michael chỉ hiện rõ ràng một nửa và đó là cảnh đầu tiên báo hiệu cho sự biến chuyển tâm lí bên trong nhân vật, người con trai út đã không còn né tránh công việc của gia đình.

⁃ Phân cảnh tranh luận giữa Sonny- Tom Hagen – Michael- cảnh quay kinh điển với kỹ thuật dàn cảnh trên cả xuất sắc: Cảnh quay thể hiên cuộc chuyển giao quyền lực bắt đầu mọi người trong nhà Corleone bàn bạc nên xử lí làm sao với Sollozzo- kẻ đã ám sát Vito và đang được bảo kê bởi một đại úy cảnh sát. Mới đầu, Sonny và Tom đứng ở trung tâm điều này chứng tỏ quyền quyết định đang nằm trong tay người anh cả và vị cố vấn. Sau đó cả hai cùng tranh cãi gay gắt, khi Sonny tấn công thì Tom ngồi và anh ấy đứng còn khi Tom tấn công thì ngược lại. Và khi Sonny thoả hiệp, cảnh quay chỉ còn lại mình Tom tức cố vấn đã đạt được quyền thủ lĩnh. Trong những cảnh quay trên, Michael đều ngồi tách biệt ở phía sau chứng anh vẫn chưa can dự vào kế hoạch tuy nhiên, tiếp đó, Michael lại ngồi ở vị trí trung tâm và đưa ra lời khẳng định anh sẽ thực hiện lại kế hoạch trái với ý muốn của Tom. Còn Tom- người vừa đạt được quyền quyết định lại ngồi ở phía sau Michael. Sau đó ông kính zoom dần về phía Michael đang ngồi trên ghế bành và ánh sáng cũng tập trung vào anh, Michael bắt đầu thể hiện khả năng lãnh đạo khi phân tích tình hình, lập ra kế hoạch báo thù và thậm chí là làm sao để thao túng dư luận sau khi bắn một viên cảnh sát. Đây là phân cảnh quan trọng của bộ phim khi thế hệ thứ 2 của gia đình Corleone phân tranh quyền lực. Tuy không có chém giết hay mâu thuẫn cực đỉnh nhưng nghệ thuật dàn cảnh các nhân vật trong phân cảnh này đã đủ để ta thấy sự chuyển giao quyền lực diễn ra như thế nào. Và có thể nói kỹ thuật dàn cảnh trong phân đoạn này quá hoàn hảo kết hợp với ngôn ngữ cơ thể của các diễn viên thì ngay cả khi không một lời thoại nào được thốt ra người xem vẫn nhận ra được ai là người nắm giữ quyền lực.

⁃ Phân cảnh Michael xuất hiện với tư cách cha đỡ đầu trong lễ rửa tội cháu trai mình- khi Satan rửa tội: Al Pacino chính là Al Pacino! Nam minh tinh đã đẩy khả năng diễn xuất của mình lên đỉnh điểm với phân cảnh trong nhà thờ này. Ông trùm mafia với bàn tay nhuốm máu đứng trong nhà thờ và đối đáp với Cha xứ như một con chiên ngoan đạo. Michael Corleone đứng đó với gương mặt lạnh tanh, giọng nói điềm tĩnh nhưng con mắt xa xăm, mưu mô và đầy vẻ suy tính. Mà tại sao lại suy tính ? Vì bên ngoài nhà thờ, tay chân của gia đình Corleone đang thực hiện cuộc thanh trừng trên khắp nước Mỹ. Lời thoại của Michael trong cảnh này chỉ là những lời đáp đơn giản với Cha xứ nhưng chính ánh mắt vẫn chất chứa đầy vẻ lạnh lẽo, không có lấy một tia sáng lương thiện, hạnh phúc đã tố cáo với người xem rằng con quỷ thực sự đang đứng trong Thánh đường và máu vẫn đổ trên khắp nước Mỹ. Bản chất việc Michael đồng ý làm cha đỡ đầu cho con của em gái và em rể Carlo- kẻ đã tiếp tay gây ra cái chết cho Sonny cũng là để Carlo buông lỏng cảnh giác và anh có thể dễ dàng thực hiện việc thủ tiêu Carlo nhằm trả thù

“⁃ Michael Franics Rizzi, con có đi theo Satan không ?

⁃ Con không theo Satan!

⁃ Con có từ bỏ mọi việc làm của Satan không?

⁃ Con từ bỏ chúng!

⁃ Và mọi phù hoa của ma quỷ?

⁃ Con từ bỏ chúng!”

Michael không theo Satan vì anh chính là Satan!Kẻ máu lạnh thờ ơ đối đáp với Chúa và những tội lỗi vẫn được gieo rắc. Một sự đối nghịch đầy mỉa mai của bộ phim, sự thật phũ phàng là thế Chúa chỉ hiện diện bên trong Thánh đường còn ngoài xã hội kia, mọi việc làm tàn ác vẫn được tiếp diễn, vòng xoay thù-hận, ân- oán vẫn cứ tiếp tục quay.

⁃ Phân cảnh Michael chất vấn Carlo về cái chết của Sonny- sử dụng ánh sáng để lột tả tâm lí nhân vật: Tại sao gia đình Corleone không giết Carlo- kẻ đã bán đứng người con cả của họ cho kẻ thù ? Tại vì không muốn đánh động Ngũ gia ? Vì Carlo là chồng của con gái út, là cha của những đứa cháu và Vito không nỡ làm tổn thương con mình? Vì Vito lẫn Michael đều muốn thị uy, khi để Carlo nghĩ rằng mình đã được tha thì hắn sẽ trở nên tận trung với gia đình Corleone và việc chỉ giết Carlo và phút cuối sẽ khiến người khác nhận ra rằng chỉ cần phản bội gia đình Corleone một lần thì có bù đắp bao nhiêu cũng không đủ ? Dù là lí do gì thì Michael đã làm một việc mà ngay cả Vito cũng chưa từng chính là kết liễu người thân trong gia đình. Ngay khi anh cúi xuống chất vấn Carlo, khuôn mặt một nửa trong sáng một nửa ngoài tối và một tội ác tày đình sắp được thực hiện báo hiệu cho khởi đầu của Bố già thế hệ hai

⁃ Chủ nghĩa tượng trưng với biểu tượng trái cam: Trái cam xuất hiện rất nhiều trong xuyên suốt bộ phim như một điềm báo về sự chết chóc, nguy hiểm: Khi Vito Corleone bị bắn, khi Vito chết, khi Michael chết (phần 3)….

II. TẠO NÊN “BỐ GIÀ” KINH ĐIỂN NHẤT: VITO CORLEONE CỦA MARLON BRANDO

The Godfather 1 để lại cho nền điện ảnh thế giới hai di sản một là đưa huyền thoại Al Pacino ra ánh sáng, hai là dệt nên hình tượng kinh điển “bố già” Vito Corleone. Cũng không quá khó hiểu nếu vai diễn này thành công bởi vì người diễn là tượng đài của tượng đài “huyền thoại màn bạc” Marlon Brando. Nhưng trên cả mức thành công, vai diễn này còn là một đỉnh cao chói lọi trong suốt sự nghiệp toàn những vai diễn để đời của Marlon. Nhân vật này của Marlon Brando làm người ta liên tưởng tới Joker của Heath Ledger (cả hai diễn viên Marlon và Heath đều sử dụng một cách thành công phương pháp method acting với vai diễn của mình) và Tào Tháo trong “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Điểm chung của cả hai nhân vật Don Vito và Joker là tuy không phải kiểu mẫu nhân vật mang tới những yếu tố kinh dị nhưng lại làm người xem lạnh sống lưng vì tạo hình và tâm lý nhân vật. Như Joker của Heath Ledger, trước giờ không mấy ai sợ hãi khi coi phim siêu anh hùng bởi loại phim này chỉ dừng ở những yếu tố giật gân chứ không tiến đến mức kinh dị, nhưng Joker với diễn xuất xuất thần của Heath Ledger đã khiến người xem nổi da gà trong từng phân cảnh. Tương tự thế ông trùm Vito Corleone của Marlon Brando tuy là “Bố già” mafia nhưng nhân vật này không hề có lấy một phân cảnh bắn giết nào, nói về độ máu lạnh cũng không thể bằng người con trai Michael nhưng lại là “ông trùm” hoàn hảo nhất. Vito Corleone trong nguyên tác là một con người bí ẩn, một cái tên mà khi nhắc đến sẽ khiến người nghe vừa kinh sợ vừa kiêng nể. Và khi lên phim thì ngoại hình Vito xuất hiện ngay đầu phim đã mang lại cho người xem cảm giác còn hơn thế, một người đàn ông già với cái cằm chĩa ra, hốc mắt tối sâu hút, cặp lông mày luôn nhíu lại cùng giọng nói khàn đặc, nặng nề… tất cả đều mang đến cho nhân vật này một vẻ bề thế, u ám, sõi đời, khó đoán và nguy hiểm.

Vito nhận được sự nể trọng từ gia đình lẫn xã hội vì với gia đình, ông là một người Sicila chính hiệu và những băng đảng Sicila hoạt động như một công ty gia đình. Vì thế Vito hiểu được tầm quan trọng của gia đình cũng như lòng trung thành, ông luôn chung thuỷ với vợ và rất quan tâm đến các con mình. Trong “Tam quốc diễn nghĩa” tại sao Tào Tháo kìm hãm được Tư Mã Ý suốt nhiều năm liền? Chẳng là phải là vì khả năng nhìn thấu lòng người và thao túng kẻ khác của Tào Tháo sao ? Tương tự Vito cũng vậy, nhân vật trong phim mang lại cho người khác cảm giác kiêng sợ không phải ở bạo lực (dù vốn dĩ bản chất của mafia là thế) mà là ở khả năng nắm bắt tâm lý, phán đoán và khả năng thao túng người khác. Lí do Vito có thể móc nối được với các chính trị gia, quan chức trong khi những “ông trùm” khác trong Ngũ gia thì không là do cách làm việc của ông ấy. Vito xây dựng mạng lưới quan hệ của mình nhờ vào việc không phải lúc nào cũng trao đổi tiền mà trao đổi sự trung thành và lòng biết ơn. Khi ông ấy giúp người mai táng Bonasera hay cậu con trai đỡ đầu Johnny tuy thái độ và lòng nhiệt tình hoàn toàn khác nhau nhưng kết cục là cả hai đều phải sẵn lòng làm giúp ông trùm những chuyện trong tương lai: “Ông còn nợ ông trùm một chuyện. Ngài ấy tin rằng ông sẵn lòng báo đáp”. Chính cách làm việc như vậy đã khiến Vito có thể tạo dựng quan hệ được với những quan chức đứng ngoài sáng và khiến cho những tên sát nhân như Luca Brasi cũng phải kính sợ.

Vito có khả năng quan sát tình hình, sự khiêm nhường và ẩn nhẫn một cách tuyệt vời. Trong truyện có một chi tiết miêu tả phong cách của Vito: “ông chủ trương là trên cõi đời này có nhiều khi bị người ta chửi vào tận mặt cũng vẫn phải nhịn nhục lờ đi với niềm an ủi miễn còn sống được, còn mở mắt ra được thì còn có ngày một thằng hèn yếu nhất có quyền rửa hận một tay thế lực nhất.” Còn trong phim khi nhận ra tình thế nguy hiểm của mình, ông đã chủ động đi giảng hoà với Ngũ gia dù đứa con trai cả vừa bị hàng chục viên đạn ghim trên người. Trong buổi họp giảng hòa, nhờ vào óc quan sát của mình, Vito nhận ra gia đình Barzini là kẻ thao túng tất cả vì trong buổi tiệc Emilio Barzini liên tục chất vấn Vito về việc không chấp nhận kinh doanh ma tuý dù hắn chưa từng thương lượng với Vito về việc này. Sau đó, ông thề sẽ không trả thù bất kì ai và thay vào đó lại dành thời gian quý báu để dọn đường cho người con trai Michael thực hiện cuộc thanh trừng. Trước khi chết, Vito cũng nhận ra rằng với tình hình gia đình Corleone ngày càng suy yếu, sẽ có kẻ liên kết với thế lực bên ngoài để ám sát Michael: “Barzini sẽ chủ động ra tay trước. Bọn chúng sẽ sắp đặt một cuộc hẹn với thủ hạ thân tín nhất của con như một cách để đảm bảo an toàn cho con. Rồi trong cuộc họp đó con sẽ bị trừ khử (…) Con nghe đây, bất cứ ai đề cập với con về cuộc hẹn với Barzini, kẻ đó là tên phản bội”. Sau đó, khi Vito qua đời, mọi chuyện diễn ra đúng với phán đoán của ông. Việc Vito chấp nhận giảng hoà đã khiến ông kịp đưa Michael về nước và trao quyền lại cho anh, việc Vito chấp nhận ẩn nhẫn, chết mà chưa trả nợ máu cho người con cả Sonny đã giúp Michael tạo được tiếng vang ngay khi mới thay cha tiếp quyền lãnh đạo và phục hưng gia đình Corleone.

III. SỰ THA HOÁ- CHẤT “ĐỜI” CỦA TÁC PHẨM: TỪ ANH HÙNG CHIẾN TRANH ĐẾN KẺ MÁU LẠNH, VÔ TÌNH

Mở đầu, Michael- một anh hùng chiến tranh ngồi với người yêu mình- Kay dưới khoảng sân nhộn nhịp, đầy nắng. Sau khi kể về gia đình mình, anh thể hiện sự bàng quan của mình trước công việc của gia đình và trấn an Kay:

“Đó là gia đình anh, Kay. Không phải anh”

Kết thúc, Kay lúc này đã là vợ Michael nhìn cánh cửa phòng làm việc mà trước đó là của Vito từ từ khép lại. Bên trong, các đàn em cũ lẫn mới của gia đình Corleone đang cúi xuống hôn tay Michael báo hiệu sự ra đời của Bố già thứ 2.

Trong xã hội ngầm, không phải tên xã hội đen nào cũng dấn thân vào đấy vì mong muốn của bản thân cũng như con người ta không thể chống lại sự an bài của số phận.

“Mỗi người mỗi số phận. Số phận của tao là làm nghệ sĩ. Nghĩa là tao không thể làm gangster được.”- Johnny trong nguyên tác

Một trong những ngôi sao điện ảnh của thời đại- Al Pacino đã cho chúng ta thấy sự chuyển biến của nhân vật này một cách rõ ràng nhất. Vai diễn này vốn sinh ra dành cho anh bởi lẽ không thể tìm đâu ra một gương mặt như tạc cả nước Ý và một thần thái lạnh tanh như Al Pacino. Từ đầu, nhân vật Michael luôn xuất hiện phải ánh mắt hiền lành nhưng không kém phần tinh anh, cậu luôn nép mình và nghe theo sắp xếp của anh cả hoặc bố. Nhưng ánh mắt ấy bắt đầu thay đổi, nhuốm màu suy tính hơn kể từ khi cậu thấy bố suýt bị ám sát trong bệnh việc. Cột mốc lớn nhất của cuộc đời anh chính là giây phút anh bình tĩnh ngồi trong chiếc xe của kẻ thù mặc họ quay xe đi đến chỗ khác thay vì quán rượu nơi mà thuộc hạ nhà Corleone đã giấu sẵn súng để anh ám sát Sollozzo và đại uý cảnh sát. Quá trình Michael giết hai mạng người diễn ra quá trơn tru và anh chỉ thể hiện sự bối rối của kẻ lần đầu phạm pháp ở hành động ôm đầu trong nhà vệ sinh. Sau khi phải trốn chạy, chứng kiến người vợ đầu bị ám sát ngay trước mặt, trở về Mỹ, Michael hoàn toàn thay đổi không còn một chút gì dáng vẻ của một đại uý, một anh hùng chiến tranh mà thay vào đó là vẻ máu lạnh từ ngoại hình đến thần thái. Đỉnh điểm là cảnh Michael đứng trong Thánh đường cùng ánh mắt thờ ơ, lạnh lẽo ẩn chứa vô vàn âm mưu và cảnh Michael dùng ánh mắt căm phẫn chất vấn Carlo về cái chết của Sonny. Chàng thanh niên Michael từ một người luôn cố giữ mình trước những góc khuất của gia đình thì giờ đây lại chìm sâu vào bóng tối hơn bao giờ hết, thậm chí còn lún sâu hơn người cha của mình khi máu nhuốm trên bàn tay anh có cả máu của người thân.

IV. KIỆT TÁC ĐIỆN ẢNH DÀI 3 TIẾNG VỚI NHỮNG LỜI THOẠI KINH ĐIỂN

Những lời thoại mang tính thuyết giáo vốn là con dao hai lưỡi bởi nếu không làm tốt người xem sẽ thấy sáo rỗng và mệt mỏi. Nhưng với “Godfather 1” những lời thoại ấy lại xuất phát từ những cuộc đối thoại của cha với con cái, của sếp với cấp dưới khiến người xem cảm thấy chúng vốn xuất phát từ những tình huống trong cuộc sống của mình.

*Ngay khi thấy người con cả Sonny bước vào phòng, Vito đã đặt câu hỏi cho người con đỡ đầu Johnny như một cách dằn mặt con cả vì Sonny là một anh chàng trăng hoa, phản bội vợ mình.

“Anh có dành thời gian cho gia đình không?

Tốt. Vì thằng đàn ông không dành thời gian cho gia đình không phải là một thằng đàn ông.”

*”Đừng bao giờ nêu suy nghĩ của con cho người ngoài biết nữa”

-> Vito đã rất tức giận với Sonny khi anh để lộ sự thích thú của mình với ma túy trước mặt Sollozzo. Và khi Sollozzo nhận thấy điều đó nên đã tìm cách trừ khử Vito và dẫn dụ Sonny vào con đường kinh doanh ma tuý.

*”Cha không cảm thấy hối tiếc vì đã lo cho gia đình (trở thành “ông trùm”) và ta nhất quyết không trở thành con rối bị những kẻ nắm quyền thao túng, nhảy múa trên dây. Cha không hối tiếc vì đó là cuộc đời của cha. Nhưng cha từng nghĩ khi đến thời của con (Michael), con sẽ trở thành người nắm giữ sợi dây đó. Con có thể trở thành Thượng nghĩ sĩ Corleone, Thống đốc Corleone… hay một ai đó tương tự vậy” (và trong nguyên tác: “Luật sư với chiếc cặp táp có thể đánh cắp nhiều tiền hơn kẻ mang súng”)

-> Ông trùm nhưng chưa bao giờ là ông trùm! Vito lẫn Michael đều hiểu rõ điều này, họ hiểu rằng dù quyền lực đến đâu nhưng chỉ cần họ vẫn còn gắn cái mác nằm trong góc tối của xã hội thì quyền lực thật sự vẫn không thuộc về họ. Bản thân chế độ mafia sau này cũng suy yếu và điều đó cho thấy dù ở xã hội nào tri thức vẫn là sức mạnh lớn nhất, bạo lực chỉ là phương án tạm thời. Xã hội này vẫn được vận hành bởi những con người đứng ngoài sáng còn những kẻ nấp trong tối đôi khi chỉ là công cụ để duy trì quyền lực của họ.

“Nước Mỹ đã làm giàu cho tôi”- người làm nghề mai táng Bonasera

-> Trong một xã hội, nếu mà cảnh sát có quá nhiều việc để làm, quân đội luôn trong tình trạng báo động và những người hành nghề mai táng lại giàu lên nhanh chóng thì xã hội đấy bất ổn. Bối cảnh của “Godfather 1” là vào năm 1945 khi WW II vừa mới kết thúc nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn mà cụ thể ở đây là chiến tranh Việt Nam. Cảnh kẻ chôn người chết từng không muốn kết thân với mafia như Bonasera phải mất niềm tin ở cảnh sát và chạy tới nhờ cậy gia đình Corleone đã nói về sự bất ổn của xã hội.

*”Máu là một khoản chi phí lớn”.

*”Ta sẽ đưa cho hắn lời đề nghị mà hắn không thể chối từ”.

You may also like

Leave a Comment