Linh hoạt để gắn kết, cởi mở hết cô đơn
Cuộc sống luôn vận động, con người càng trở nên tinh anh. Càng giữ sự e dè, thu mình trước thế giới xung quanh, bạn sẽ càng cảm thấy cô đơn. Người trẻ dễ dàng nảy sinh cảm giác này. Đây là giai đoạn phát triển đặc thù, bạn đang trong quá trình định hình cái tôi, tìm kiếm giá trị bản thân và định hướng con người trong tương lai. Cho nên hãy thật cẩn thận!
Ở vào thời thanh xuân, nếu bạn không thể thành công kết nối cái tôi với thế giới, bạn sẽ ngày càng chìm sâu vào bức tường thành do chính mình tạo nên. Xét cho cùng, ai cũng muốn được mọi người quý mến, tán thưởng. Muốn vậy, bạn phải biết cách kết nối, biết linh hoạt, mềm dẻo. Nếu không chắc chắn bạn sẽ luôn có cảm giác lạc lõng, tâm hồn trở nên sầu héo, trí tuệ cũng vì thế thiếu phần sắc bén, trong khi trái tim ngày càng trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương.
Cuộc sống tất nhiên không cần lúc nào cũng náo nhiệt, bạn không nhất định phải cười cười nói nói suốt cả ngày. Song bạn hoàn toàn có thể học cách linh hoạt để kết nối với mọi mối quan hệ, từ thân quen lẫn xa lạ. Đó là cách giúp bạn gắn kết với thế giới quanh, dựng xây một tương lai tươi sáng hơn và kiến tạo chính mình.
Linh hoạt và cởi mở: Kết nối nhanh vô đối
Bạn đừng nhầm lẫn giữa sự linh hoạt với sự tùy tiện và lắt léo. Sự linh hoạt trước hết đòi hỏi bạn phải thực sự chân thành và cởi mở.
Người linh hoạt thường có khả năng điều chỉnh cảm xúc, thể chất và tinh thần để thích nghi với bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào, mà vẫn giữ được sự tự chủ, sự bình tĩnh ở mình. Đó là người có khả năng quan sát, tìm hiểu, đánh giá nhanh chóng một tình huống xảy ra và đưa ra phản ứng một cách hợp lí.
Để bồi đắp sự linh hoạt, đầu tiên bạn sẽ phải tránh tâm lí: NGẠI VA CHẠM. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cởi mở, can đảm đón nhận những thay đổi trong cuộc sống. Nó giúp bạn có thêm kinh nghiệm hơn để giải quyết nhiều tình huống khác nhau.
Thứ hai, bạn cần rèn luyện khả năng quan sát và tư duy đúc kết sự việc. Rèn luyện được khả năng này, bạn sẽ xây dựng cho mình một nền tảng lí luận vững chắc, dễ dàng ứng phó trong mọi tình huống trong cuộc sống
Yếu tố thứ ba để rèn sự linh hoạt là bớt cầu toàn. Vì khi bạn cầu toàn, bạn sẽ đóng khung, bó buộc trong những quy tắc cứng nhắc của bản thân. Cầu toàn nghĩa là bạn đang gây áp lực quá mức lên chính bản thân mình, và cũng dồn áp lực đấy lên khác.
Đó là những yếu tố bạn cần rèn luyện để trở thành một con người linh hoạt, nhạy bén và luôn sáng suốt trong mọi chuyện.
Người linh hoạt không bao giờ là người tùy tiện, thiếu suy nghĩ thấu đáo, xử sự theo bản năng, thiếu sáng suốt. Họ cũng không làm cho mọi chuyện lắt léo, khó hiểu hay phức tạp hóa vấn đề. Họ cũng không dùng sự phán đoán của mình để thêm bớt ý này ý kia, làm sai lệch mọi chuyện. Bởi linh hoạt dựa trên nguyên tắc quan trọng nhất là cởi mở. Người cởi mở được, ắt trong nội tâm phải chân thành với chính mình.
Khi ấy, bằng sự tinh anh linh hoạt, bạn có thể thông suốt mọi nhẽ, bạn không để cho mình bị cuốn vào những gì giả tạo của cuộc đời này.
Giao tiếp linh hoạt: Rành rẽ hết mọi điều
Để có thể linh hoạt, bạn cần một điều thứ hai, đấy là luôn có nguyên tắc trong mọi chuyện. Nghe có vẻ nghịch lí, nhưng đấy là điều thật sự cần thiết.
Trong mỗi cuộc giao tiếp, bạn cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản là tôn trọng và lắng nghe. Khi bạn lắng nghe người khác, là bạn vừa đang tôn trọng người đối diện, vừa thấu hiểu họ, biết họ đang gặp phải điều gì, đang tâm trạng ra sao, cần phải giúp họ thế nào.
Khi bạn lắng nghe mọi người xung quanh, bạn sẽ có những cách ứng xử khôn ngoan, linh hoạt trong mọi chuyện. Khi bạn thấu hiểu, ứng xử có nguyên tắc, bạn đang tạo dựng và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp và lâu bền với mọi người xung quanh. Thêm kết nối, thêm cơ hội cho mình trong tương lai.
Hãy tự nhủ lòng: Tôi ơi đừng tự si, đừng tự mãn trước cuộc đời này. Biết ứng xử thông minh, hạ cái tôi xuống để lắng nghe, bạn sẽ thấu suốt cuộc đời.
Ứng xử linh hoạt: Mềm dẻo mà cứng rắn
Để có thể linh hoạt thực sự, điều thứ ba bạn cần đấy chính là xác lập ranh giới giữa mình và xung quanh. Bên trong này là bạn, bên ngoài kia là cuộc đời. Bạn phải rất rõ ràng điều đó.
Bạn chỉ có thể thiết lập các mối quan hệ thực sự lành mạnh dựa trên việc xác lập ranh giới rõ ràng cùng các tiêu chí của bản thân. Hãy phân rõ các vòng quan hệ: đâu là gia đình, người thân – vòng nóng, đâu là bạn bè, người yêu, người quen – vòng ấm, đâu là người xa lạ – vòng lạnh.
Khi giao tiếp với một người, bạn cần biết rõ họ là ai, họ ở vòng nào trong mối quan hệ của mình, họ có ý nghĩa gì với mình? Khi có thể rõ ràng về việc đó, bạn mới có cách đối xử linh hoạt, phù hợp với từng mối quan hệ, mà không bị lẫn lộn. Đó là cách bạn linh hoạt trong mọi mối quan hệ ở đời.
Nội tâm linh hoạt: Quyết đoán và khôn ngoan
Bạn biết không, khi một người có nội tâm vững mạnh, đấy là tận cùng của biến hóa, của linh hoạt. Nội tâm linh hoạt là thế nào? Đấy là khi bạn biết cái gì nên “bảo trì”, cái gì nên lan tỏa. Cái gì bạn giữ cho riêng mình, điều gì bạn nên chia sẻ. Cái gì bạn nhất định phải cẩn mật, điều gì bạn nên cởi mở vô tư. Đấy là một nội tâm vững mạnh đích thực. Và khi đó, bạn linh hoạt đích thực.
“Ở đời, quan trọng là biết nghĩ, làm người nhất định phải tư duy”, trong bất kì mối kết nối và giao tiếp nào cũng vậy, trước khi lên tiếng, hãy nghĩ xem cái gì nên nói, cái gì không nên, nói ra thì sẽ tác động ra sao đến người đối diện. Những lời nói an ủi, động viên khi người khác đang mắc sai lầm, đang buồn khổ thật tuyệt vời. Những lời nói truyền động lực, cảm hứng để mọi người vui vẻ, phấn khởi hơn trong cuộc sống thật đẹp đẽ biết bao.
Và cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng:
Linh hoạt là trí tuệ của một trái tim chân thành. Đây là một người biết dẹp bỏ cái tôi vô lối mù quáng của mình để hòa nhịp với vũ điệu bao la của Sự sống. Vì người ấy biết, mình là một với Vũ trụ, là một với Sự sống.
Hãy luôn tỏa rạng giữa cuộc đời này bạn nhé!
Nhóm CORVI