Có một từ mới dành cho bạn: Clue. Để tôi giải thích cho bạn.
Cha tôi có lần kể cho tôi một mẩu chuyện tầm phào hồi ông ấy còn trẻ. Câu chuyện có cả cha của ông ấy – nghĩa là ông nội đã mất của tôi – một trong những người đáng yêu và vui vẻ nhất tôi từng biết.
Một ngày cuối tuần, ông nội tôi đến cửa hàng và mang về nhà một trò chơi cho cả nhà có tên là Clue.
Ông nội thích thú hỏi cha tôi và cô tôi (em gái của cha – hồi đó khoảng 7-9 tuổi) có muốn chơi không. Hai người đều đồng ý và họ cùng ngồi trên bàn ăn để xem ông nội tôi mở bộ trò chơi, đọc hướng dẫn và giải thích luật, rồi chia những thẻ bài và sắp xếp mọi thứ sẵn sàng.
Ngay khi trò chơi vừa bắt đầu thì chuông cửa reo. Hóa ra là mấy đứa trẻ hàng xóm đang chuẩn bị đi chơi vài trò ngoài trời mà chúng vẫn thường chơi. Không hề do dự, cha và cô tôi nhảy phốc ra khỏi ghế và nhập hội với bọn trẻ.
Vài tiếng sau họ mới về nhà. Bộ trò chơi đã được cất vào tủ.
Khi ấy cha tôi chỉ nghĩ đó cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác. Nhưng sau này, cha luôn nhớ về cái ngày hôm ấy và cảm thấy hối hận. Cha tôi tưởng tượng ông nội ngồi ở bàn ăn một mình với những thẻ bài và mảnh ghép đã được bày ra. Ông ngồi thần người một chút trước khi chấp nhận sự thực hôm nay sẽ không được chơi trò chơi đó, rồi ông nhặt các mảnh ghép và thẻ bài rồi bỏ vào hộp, cất lại vào tủ.
Hẳn là một câu chuyện khá ngẫu nhiên mà cha tôi kể cho tôi phải không? Lý do ông kể chuyện này là bởi vì tôi đang kể cho ông nghe về việc cảm thấy vô cùng buồn cho một người nhất định trong một tình huống nhất định, khi sự việc không gây ảnh hưởng nhiều tới người đó. Đó là một cảm xúc kỳ quặc: sự cảm thông cực kỳ mãnh liệt trong tận tâm can dành cho những người không thực sự trải qua điều gì đặc biệt tồi tệ.
Khi tôi giải thích điều này, cha tôi nói, “Cha biết cái thứ mà con đang nói tới,” và kể cho tôi câu chuyện về bộ đồ chơi Clue. Tệ thật. Ông nội tôi đã rất phấn khích về trò chơi, và ông đã là một người cha tốt và đầy yêu thương, nhưng cuối cùng ông lại thất vọng. Ông ngồi đó một mình với bộ trò chơi, rồi cuối cùng xếp hết đồ chơi vào hộp bởi không ai chơi nữa và bọn trẻ thích chơi với bạn chúng hơn là với ông.
Ông tôi đã chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ II. Ông hẳn đã mất bạn bè, đã bắn nhiều người, và cũng đã bị bắn, ai biết được. Nhưng cái hình ảnh ông lặng lẽ xếp hết bộ Clue vào trong hộp ư? Chẳng ổn tí nào. Và giờ đây, nhờ câu chuyện của cha tôi, tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh này hàng ngày:
Cha tôi không phải là người duy nhất làm điều này với tôi. Bạn hãy bảo tôi phải làm thế nào trong câu chuyện khốn nạn này: một người ông làm 12 cái bánh hamburger cho 6 đứa cháu nhưng chỉ có 1 đứa đến.
Đây là một tình huống hoàn toàn…Clue. Và đây có lẽ là hình ảnh Clue nhất mà tôi từng thấy
Khi tôi đọc câu chuyện, tôi bắt đầu mường tượng người đàn ông cực tốt này đi mua tất cả các nguyên liệu ở siêu thị với tâm trạng thoải mái cùng các dự định về bữa tối, sau đó về nhà, tự làm 12 miếng thịt – thậm chí còn cẩn thận thêm từng gia vị một từ đầu đến cuối – nướng từng cái bánh mỳ, thậm chí căn thời gian sao cho mọi thứ hoàn thành đúng lúc. Ông thậm chí còn tự làm kem tại nhà luôn. M* kiếp những đứa cháu vô ơn!
Nếu bạn tiếp tục tưởng tượng điều gì sẽ xảy xa vào cuối buổi tối hôm đó, có thể ông ấy sẽ gói từng cái bánh chưa ăn và cất vào tủ lạnh, để chắc chắn bản thân luôn được nhắc nhở về sự từ chối mỗi lần nướng lại một cái bánh để ăn. Tệ hơn, ông sẽ quẳng chúng vào thùng rác.
Điều duy nhất khiến tôi vẫn chưa tự tử khi đọc câu chuyện đó là đứa cháu gái duy nhất xuất hiện – Chúa phù hộ cô ấy! Bởi vì cứ tưởng tượng mà xem.
Rồi câu chuyện về một người bà 89 tuổi ăn vận đẹp đẽ và trưng bày những bức tranh của bà trong một buổi triển lãm nghệ thuật. Rồi sao, đếch có ai thèm đến. Bà ấy đành gói lại hết nhũng bức tranh, đi về nhà, cảm thấy “thật ngu xuẩn.” Bạn biết đó là gì không, đó là cảm xúc Clue. Tôi thực sự không cần thứ cảm xúc này trong đời.
Mấy bộ phim biết rõ về mấy cái cảm xúc Clue này và tận dụng nó. Bạn nhớ ông hàng xóm già cả đáng thương trong phim “Ở nhà một mình” không, cái người cực kỳ tốt bụng, cô đơn và hay bị hiểu lầm ấy? Tác giả tạo ra nhân vật đó để khán giả có cảm giác Clue, rồi cuối cùng họ có thể cảm thấy nhẹ lòng khi nhìn thấy ông ấy đoàn tụ với gia đình. Một thủ đoạn rẻ tiền.
Cảm giác Clue không chỉ áp dụng cho người già. Một lần năm năm trước, tôi đang rất khó chịu và vội vàng ra khỏi tòa nhà thì thấy một anh chàng đưa thư đứng bên ngoài với cái xe đẩy hàng. Anh ấy muốn vào trong để đặt bưu kiện trên hòm thư chung (có lẽ do người nhận không ở nhà, nên anh ấy không có cơ may vào được). Khi tôi bước ra, anh ấy với lấy cái cửa đang đóng sau lưng tôi nhưng nó đã đóng sầm trước khi anh ấy với tới. Sau khi nhìn cái cửa khóa lại, anh ấy thở dài một cái rồi quay qua tôi nhờ “Anh có thể giúp tôi mở cái cửa để tôi có thể gửi thứ này được không?” Lúc đó tôi đã đi xa 10 bước chân và đang bị trễ giờ nên bảo “Xin lỗi nhé, bây giờ thì không được rồi” và quay đầu đến chỗ hẹn. Trước khi quay đi, tôi thoáng thấy phản ứng của anh ấy trước lời từ chối của tôi. Anh ấy có khuôn mặt của một người tốt bụng đã bị cả thế giới đối xử tệ cả ngày. Cái gương mặt bị từ chối của anh ấy làm tôi áy náy liên tục ngày hôm đó, và đến giờ đã 5 năm rồi và tôi vẫn nghĩ về chuyện đó.
Nếu ai đó hỏi về điều hối tiếc nhất của tôi, tôi sẽ phải nói dối, bởi sẽ kỳ cục thế nào nếu câu trả lời là “Câu chuyện về người đưa thư. Tôi là một con quái vật.”
Clue là một hiện tượng lạ. Ông nội tôi hẳn đã quên về cái chuyện bộ đồ chơi Clue chỉ khoảng một tiếng sau. Người đưa thư chắc hẳn đã quên những gì tôi làm với anh ấy chỉ sau năm phút. Tôi thực sự đã “bị Clue” về một chú chó vào một ngày khác, khi chú chó rất phấn khích muốn chơi với tôi nhưng tôi đang bận và lấy chân thúc nó ra xa. Nó nhìn tôi bối rối và ngạc nhiên rồi quay lại bên kia căn phòng và nằm tiu nghỉu – và những con chó thậm chí không đáng nói tới. Sự đau lòng của tôi lớn hơn tình hình thực tế lúc đó́ với tỉ lệ chắc khoảng là 10000:1.
Nhưng biết nó phi lý không làm ta bớt dằn vặt đi chút nào – cái cảm giác tôi có mỗi đêm khi người-tài-xế-uber-thân-thiện-muốn-nói-chuyện-với-tôi-nhưng-tôi-không-có-hứng-nên-trả-lời-cụt-lủn-cho-đến-khi-anh-ấy-nhận-ra-nên-đành-ngưng-lại.
Tôi chỉ là người sinh ra để cảm thấy Clue về mọi thứ. Nhưng ít nhất tôi có thể cảm thấy được an ủi khi nhìn thấy một tiêu đề gần đây: Ông nội không còn buồn nữa: Có đến hàng ngàn người xếp hàng để mua Burger của ông rồi.
Trạm Đọc
Theo Waitbutwhy