Bạn tin rằng nếu hôm sau có bài kiểm tra, đặc biệt là môn lịch sử, thì tốt nhất là đọc đi đọc lại vào tối hôm trước? Nhầm to!
Tóm tắt
Nhảy moomwalk cùng Einstein đưa chúng ta đến với hành trình giành Giải Vô địch Trí nhớ Mỹ của tác giả. Trên hành trình này, ông giải thích tại sao việc có một trí nhớ siêu việt không phải chỉ dành riêng cho một số người mà là cho tất cả chúng ta. Cuốn sách tìm hiểu cách vận hành trí nhớ, tại sao chúng ta lại nhớ tệ hơn tổ tiên của chúng ta, và giảng giải một vài kỹ thuật cụ thể để cải thiện trí nhớ của chính mình.
Ai nên đọc cuốn sách này?
- Bất kỳ ai không thể nhớ được số điện thoại của chồng/ vợ hoặc người bạn thân nhất của mình
- Bất kỳ ai muốn gây ấn tượng với những người khác về kiến thức uyên bác của mình tại một bữa giao lưu networking
- Bất kỳ ai có vấn đề với việc ghi nhớ tên gọi
Ai viết cuốn sách này?
Joshua Foer tốt nghiệp Đại học Yale và là nhà báo tự do trong lĩnh vực khoa học. Các bài viết của ông xuất hiện ở các trang như New York Times, National Geographic và The Washington Post.
Một: Dung lượng bộ nhớ của chúng ta là không cố định: chúng ta có thể luyện tập để ghi nhớ được nhiều hơn.
Bạn đã bao giờ gặp một người với một biệt tài có thể ghi nhớ các tên gọi hay sự kiện và nghĩ rằng: “Tại sao mình không thể làm thế?” Chà, bất kỳ ai cũng có thể cải thiện trí nhớ của mình. Tất cả những gì bạn cần làm là học cách sử dụng năng lực ghi nhớ một cách đúng đắn – điều này khác xa so với việc bạn có sở hữu một năng lực nào đấy hay không.
Bạn có thể làm điều này bằng cách thực hành phương pháp Vòng lặp tượng thanh, khi đó bạn lặp lại với chính mình những điều bạn cần ghi nhớ. Phương pháp này đã được chứng minh trong một thí nghiệm cổ điển bởi nhà tâm lý học K. A. Ericsson và đồng nghiệp của ông là Bill Chase, người đã giới thiệu sinh viên SF và cho anh những con số mà anh phải lặp lại.
Đầu tiên, SF có thể ghi nhớ khoảng 7 mục trong vòng lặp tượng thanh của mình, đây được coi là một kết quả trung bình. Tuy nhiên sau khi thực hành bài kiểm tra này trong vòng 250 giờ, SF đã có thể tăng kết quả của mình lên tới 10 mục.
Bên cạnh việc sử dụng vòng lặp tượng thanh, bạn cũng có thể cải thiện trí nhớ trong một lĩnh vực cụ thể bằng cách trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Vào những năm 1920, các nhà khoa học đã thử nghiệm trên những kì thủ cờ vua nổi tiếng thế giới về những khả năng nhận thức thông thường của họ, như là việc ghi nhớ. Họ đã nhận ra rằng mặc dù các chuyên gia cờ vua chơi cờ giỏi hơn những người chơi bình thường rất nhiều, nhưng lại không có gì đặc biệt hơn ở những bài kiểm tra thông thường.
Tuy nhiên, vào cuối những năm 1940, một nhà tâm lý học người Hà Lan đã phát hiện ra rằng những chuyên gia cờ vua thực sự có một thứ gọi là “ký ức cờ vua”, giúp họ có khả năng nhìn bàn cờ theo cách khác so với những người chơi ít kinh nghiệm hơn. Đó là việc họ tập trung vào những điểm thích hợp nhất trên bàn cờ hơn là chỉ nhìn nó là bàn cờ với 32 quân cờ, họ nhìn thấy một vài quân chủ chốt trên bàn cờ.
Mặc dù trí nhớ thông thường của họ chỉ ở mức bình thường, bằng việc thành thạo chơi cờ, ký ức về trò chơi của họ phát triển đáng kể.
Hai: Thay đổi cách lưu trữ thông tin trong bộ não có thể giúp bạn ghi nhớ nhiều hơn.
Bạn có giỏi trong việc ghi nhớ các con số không? Bạn có thể thuật lại dãy số 1224200001012001 sau khi đọc nó chỉ một lần? Có lẽ là không. Phần lớn trong chúng ta chỉ có thể nhớ từ năm tới chín mẩu thông tin một lúc.
Nhưng nếu bạn chia dãy số trên ra thành ngày như thế này: 12/24/2000 và 01/01/2001 thì sao? Thông tin vẫn như cũ, nhưng thật bất ngờ là chúng lại dễ được ghi nhớ hơn nhiều. Đây được gọi là phương pháp tập hợp. Phương pháp này là sự liên kết thông tin thành những tập hợp thông tin tổng quát hơn thuận lợi cho việc ghi nhớ.
Ví dụ, hãy cố gắng ghi nhớ 22 chữ cái này HEADSHOULDERSKNEESTOES. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn ghi nhớ nó thành HEAD, SHOULDERS, KNEES, TOES, khi mà nó chuyển 22 mẩu thông tin thành bốn tập hợp thông tin. Thậm chí sẽ còn tốt hơn nếu bạn biết bài hát trẻ con này “Heads, Shoulders, Knees and Toes,” bạn có thể nhớ 22 chữ cái đó bằng một tập hợp thông tin.
Một cách khác để cải thiện khả năng ghi nhớ là dùng mã hóa cụ thể, bao gồm việc biến thông tin trở nên sinh động nhất có thể. Cùng với sự phát triển của não bộ qua quá trình tiến hóa, chúng ta không cần phải ghi nhớ những sự kiện mang tính trừu tượng, thay vào đó là ghi nhớ thông tin nhận được từ các giác quan để xử lý. Ghi nhớ những điều như mùi của những loại cây có chất độc hay những dấu vết có thể quan sát được để tìm đường về nhà là một thuộc tính nguyên thủy quan trọng đối với chúng ta.
Vì vậy, chúng ta có thể lợi dụng thuộc tính vốn có này của não bộ bằng cách vẫn sử dụng giác quan đồng thời tưởng tượng ra những thứ chúng ta cần ghi nhớ một cách sống động nhất có thể.
Ví dụ như bạn cần ghi nhớ danh sách những thứ cần mua, bao gồm nước giấm, phô mai tươi và cá hồi. Để sử dụng mã hóa cụ thể cho danh sách này, bạn cần hình dung ra một cốc nước giấm ở trên bàn cạnh giường kế bên một cái bồn tắm làm từ phô mai tươi mà trong đó có một anh chàng hay cô nàng xinh đẹp đang tắm với một chú cá hồi. Bằng cách này, bạn chắc chắn sẽ ghi nhớ được những thứ cần mua!
Ba: Chúng ta ghi nhớ một cách vô thức.
Bạn đã bao giờ thử hình dung xem một cuộc sống không có các ký ức sẽ như thế nào chưa? Hãy xem xét ví dụ nổi tiếng này về một người bị mất một phần trí nhớ tên là EP, anh bị mất một phần trí nhớ sau khi bị virus phá hủy thùy giữa thái dương trong não của anh – phần não có vai trò chủ chốt trong việc ghi nhớ.
Nhưng mặc dù EP không thể học những điều mới để có thể nhắc lại sau đó, nghiên cứu chỉ ra rằng anh ấy có thể làm điều đó một cách vô ý thức. Nhà tâm lý học Larry Squire đã đưa cho EP (cùng với các bệnh nhân khác) một danh sách 24 từ cần ghi nhớ. Trong vòng vài phút, EP không thể nhắc lại bất kỳ từ nào. Thậm chí, anh ấy còn quên ngay việc đã có một bài kiểm tra như thế.
Sau đó EP ngồi trước một máy tính nơi 48 từ được lóe lên trên màn hình với 25 phần nghìn giây cho mỗi từ, vậy là mắt anh chỉ có thể bắt được một vài từ chứ không phải tất cả. Một nửa trong số đó là từ mới, một nửa là những từ trong danh sách mà EP đã nhìn thấy trước đó. Sau đó anh được yêu cầu đọc to các từ lên, sau khi họ chiếu các từ lên màn hình. Thật ngạc nhiên là EP đã có thể nhắc lại tốt hơn các từ mà anh đã nhìn thấy trong danh sách, mặc dù anh đã không ghi nhớ chúng một cách có ý thức. Những từ đó đã ghi dấu trong anh mà anh không hề hay biết.
Khả năng ghi nhớ sự việc một cách có chủ ý hay vô thức thực ra đều tồn tại bên trong mỗi chúng ta. Hãy nghĩ về việc bơi lội hay đạp xe đạp: chúng ta không ghi nhớ một cách có ý thức việc làm những điều đó như thế nào khi chúng ta thực hiện, nhưng chúng vẫn được lưu trữ trong bộ nhớ vô thức của chúng ta. Những ký ức này được gọi là ký ức không lộ diện, hay là những ký ức tồn tại đâu đó trong bộ não của chúng ta mà chúng ta không thể khơi gợi lại được bằng ý chí. Chúng ta cũng có những ký ức lộ diện, hay những ký ức mà chúng ta chủ động nghĩ và gợi lại từ bộ nhớ của mình, như màu sắc của chiếc xe ô tô của mình.
Để có một trí nhớ làm việc tốt, chúng ta cần có khả năng sử dụng cả ký ức lộ diện và ký ức không lộ diện.
Bốn: Ghi nhớ là một kỹ năng quan trọng trong thế giới cổ đại.
Rất nhiều người trong chúng ta không thích kiểu học vẹt ở trường – chúng có vẻ vô nghĩa. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi chúng ta đơn giản có thể tra cứu trực tuyến mọi điều ta cần biết. Tuy nhiên, ngày xưa, việc nhớ lại một lượng lớn thông tin là một kỹ năng quan trọng.
Thực tế là những chuyên gia về ghi nhớ đã từng tồn tại trong lịch sử chính là những người duy trì văn hóa truyền miệng của nhân loại. Khi mà ngôn ngữ viết bị giới hạn, vai trò của họ là ghi nhớ để có thể truyền bá kiến thức và chia sẻ những di sản văn hóa.
Ví dụ, ở Hy Lạp cổ đại, những ca sĩ hát rong và những thi sĩ đã lưu truyền những bí ẩn về Thượng Đế. Những sử thi kinh điển như sử thi Odyssey của Homer đã được lan truyền theo cách này trước khi nó được ghi lại bằng văn bản.
Tổ tiên của chúng ra đã biết rất nhiều cách để tăng cường khả năng ghi nhớ, như là mã hóa cụ thể. Chúng ta biết được điều này là do điều đó đã được ghi lại ở trong một cuốn sách hùng biện tiếng Latin không có tác giả, có tên là Rhetorica ad Herennium, được viết vào khoảng giữa năm 86 và 82 trước Công nguyên. Những kỹ thuật tìm được ở bên trong cuốn sách này đã rất nổi tiếng; đó là trong việc tự mình ghi nhớ, những nhà hùng biện lẫy lừng và thượng nghị sĩ người La Mã Cicero đã nói rằng họ không cần tốn một chút mực để diễn tả lại chúng.
Trong thời gian trước khi sách được in ấn rộng rãi, ghi nhớ chính xác là một điều sống còn. Trên thực tế, có rất nhiều số liệu ghi chép lại những người có trí nhớ tốt. Một tác giả người La Mã Pliny Già đã ghi lại trí nhớ siêu phàm của ông trong cuốn bách khoa toàn thư thế kỷ đầu tiên. Một người nổi tiếng khác về khả năng ghi nhớ là công sứ của vua Pyrrhus, Cineas, người được biết đến với khả năng có thể ghi nhớ được tên của tất cả các thành viên trong thượng nghị viện và tước hầu ở La Mã chỉ 1 ngày sau khi ông tới. Vua Cyrus của vương quốc Persia cũng được biết tới về khả năng ghi nhớ tên của toàn bộ binh lính đã từng tham chiến trong đội quân của ông.
Dựa trên những ví dụ này, rõ ràng là nghệ thuật ghi nhớ là một điều tối quan trọng thời cổ đại. Vậy điều gì đã thay đổi?
Năm: Sự ghi nhớ đã trở nên kém quan trọng khi xuất hiện ngành in ấn xuất bản.
Vậy tại sao ngày nay trí nhớ của con người lại tệ hơn? Chà, việc ghi nhớ giảm tầm quan trọng thực ra lại có liên quan chặt chẽ tới việc đọc và những cuốn sách.
Trước khi có những cuốn sách hiện đại thì chúng ta có sách kinh. Tuy nhiên, những sách kinh này chỉ là sự nhắc lại những gì mà người đọc đã biết. Nhìn chúng cũng không có vẻ gì dễ đọc lắm: trước năm 200 trước Công nguyên, sách kinh còn không có bất cứ một dấu chấm câu nào và các chữ cứ nối đuôi nhau, lại được viết in hoa và chẳng hề có khoảng cách. Nếu bạn không thực sự hiểu nội dung với cả trái tim mình, kiểu định dạng như vậy sẽ gần như là không thể đọc được.
Đấy là còn chưa kể đến chuyện ở thời kỳ này, việc đọc cũng không mấy được khích lệ bởi thậm chí triết gia nổi tiếng Socrates còn sỉ vả việc học viết. Ông đã cho rằng việc đó sẽ nuôi dưỡng tính hay quên và dẫn tới hao mòn cả về trí óc và đạo đức.
Nhưng vào năm 1440 mọi thứ đã thay đổi: Johannes Gutenberg đã phát minh ra ngành in.
Cùng với ngành in ấn, số lượng sách tăng lên khi chi phí và tốc độ viết ra một cuốn sách giảm xuống, càng làm cho những người không giàu có gì cũng có thể có được một thư viện nho nhỏ. Việc đọc đã được nhân rộng, và cùng với đó là sự suy giảm trí nhớ. Nhờ những cuốn sách, giờ đây mọi người không cần phải ghi nhớ sự kiện hay những tranh luận; họ có thể, một cách rất hiệu quả, lưu trữ toàn bộ chúng trong những trang sách. Giờ thì chúng ta càng ngày càng phụ thuộc vào bộ nhớ ngoài như sách, Internet hay điện thoại thông minh.
Nhưng mặc dù chúng ta quá lệ thuộc vào bộ ngớ ngoài, rất nhiều người lại không thỏa mãn với thực tế rằng chúng ta không thể ghi nhớ, tạo nên một cái vòng luẩn quẩn nhớ nhớ quên quên.
Sáu: Trường học không dạy những kỹ thuật ghi nhớ đúng, mặc dù điều đó có thể nâng cao việc học của học sinh.
Tại sao chúng ta lại cần cải thiện khả năng ghi nhớ khi mà chúng ta có những quyển sách và điện thoại thông minh trong tầm tay cơ chứ? Đơn giản thôi: bởi khả năng ghi nhớ của bạn thực sự có thể giúp bạn đạt được nhiều thứ hơn.
Hãy cùng tìm hiểu những học sinh của một giáo viên dạy sử có tên là Raemon Matthews. Matthews dạy ở trường cấp ba South Bronx nơi mà điểm trung bình môn kinh tế xã hội của các học sinh thì thấp mà tỷ lệ học sinh trốn tiết thì lại cao. Mỗi năm, ông chọn một số em vào nhóm “Mười tài năng” và dạy các các em này những kỹ thuật ghi nhớ, sau đó cho họ tham gia cuộc thi Vô địch trí nhớ Mỹ.
Kết quả là những học sinh này không chỉ cải thiện khả năng ghi nhớ mà còn học tốt hơn ở trường. Sự thật là, trong vòng bốn năm qua, mọi học sinh thuộc nhóm Mười Tài năng đều vượt qua kỳ thi cuối cấp và 85% trong số đó đạt điểm 90 (trên 100) hoặc cao hơn.
Nhưng nhóm Mười Tài năng là một trường hợp ngoại lệ. Khi mà hầu hết trẻ em học trong trường được dạy cách học vẹt, cách này thực ra lại làm cho chúng mất dần khả năng ghi nhớ các dữ kiện.
Trong một nghiên cứu, nhà tâm lý học William James đã dành hơn hai tiếng mỗi ngày trong vòng tám ngày để ghi nhớ 158 dòng đầu của bài thơ Satyr của Victor Hugo. Trung bình, James đã ghi nhớ 1 dòng trong vòng 50 giây. Sau đó, ngay khi ông áp dụng mức độ ghi nhớ này, ông tiếp tục ghi nhớ bài Paradise Lost của John Milton. Tuy nhiên, lần này ông mất trung bình 57 giây để ghi nhớ một dòng.
Điều đó cho thấy rằng việc học vẹt bài thơ đầu tiên đã làm cho khả năng ghi nhớ bài thơ thứ hai của ông giảm xuống. Học vẹt đơn giản là không đủ.
Để phát triển trí nhớ và cải thiện mức độ tiếp thu trong giáo dục, chúng ta cần học đúng kỹ thuật. Trong những phần sau, chúng ta sẽ cùng xem xét một vài kỹ thuật này.
Bảy: Nếu bạn muốn nhớ tên người khác dễ hơn, hãy chuyển tên của họ thành những hình ảnh sống động.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang ở một bữa tiệc cocktail nơi mà bạn không biết một ai cả. Bạn đã hoàn toàn trở nên lo lắng với ý nghĩ phải ghi nhớ những cái tên mới chưa? Nếu đúng là như vậy, có thể bạn chỉ cần tạo những cái tên trừu tượng dễ nhớ hơn với bộ não của mình.
Tại sao điều này lại có tác dụng? Hãy cùng tìm hiểu về nghịch lý baker/ Baker để xem bộ não của chúng ta hứng thú hơn như thế nào với những sự kiến ấn tượng trong quá trình ghi nhớ.
Các nhà nghiên cứu đã đưa cho hai người cùng một bức ảnh về một người đàn ông. Một người được nói rằng họ của người đàn ông là Baker và người còn lại được biết người đàn ông đó là người làm bánh mì (baker). Một tuần sau, hai người được cho xem lại bức ảnh và được yêu cầu cung cấp lại thông tin được cho trước đó về người đàn ông.
Người được cung cấp thông tin rằng người đàn ông đó là người làm bánh mì đã nhớ đúng, trong khi người còn lại chỉ biết tên của người đàn ông thì đã không thực sự nhớ lại được.
Lý do ư? Chúng ta ghi nhớ thông tin trong ngữ cảnh. Trong ví dụ trên, khi chúng ta được biết rằng nghề nghiệp của một người là làm bánh mì, toàn bộ những thông tin liên quan được kích hoạt: người đó sẽ đội một cái mũ trắng to, sẽ nhào bột, và có khi còn có mùi thơm nữa; bạn thậm chí còn có thể cảm nhận được hơi nóng hắt ra từ cái lò làm bánh khi người đó làm việc.
Tất cả những thông tin sinh động này giúp cho việc gợi nhớ lại dễ dàng hơn.
Vậy nên lần tới, khi bạn cần nhớ một cái tên mới, hãy xây dựng mối liên kết giữa âm thanh của tên gọi đó với một hình ảnh sống động nào đó. Ví dụ như, Ronald Raegan có thể trở thành Ronald Duck (Donald phát âm gần giống Ronald) đang cầm một khẩu súng bắn sáng Ray Gun (Raegan). Những hình ảnh này sẽ kích hoạt mạng lưới các liên kết trong bộ nhớ của bạn, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ những cái tên.
Tám: Sử dụng hình ảnh hay cảm xúc để ghi nhớ những văn bản dài.
Bạn đã bao giờ có một buổi cắm trại dưới bầu trời sao với một người bạn đang hẹn hò và thứ duy nhất còn thiếu là một vài câu thơ của Shakespeare chưa? Kể cả thơ ca có không liên quan gì đến bạn thì việc thuộc một vài bài thơ hay những câu trích dẫn nổi tiếng có thể tạo điểm nhấn cho một sự lãng mạn nào đấy.
Nhưng làm cách nào bạn ghi nhớ được những văn bản phức tạp đó?
Để ghi nhớ cả một đoạn văn, bạn có thể sáng tạo ra bảng chữ cái bằng hình ảnh riêng của mình giống như Gunther Karsten – một bậc thầy người Đức nổi tiếng về trí nhớ đã làm. Thách thức trong việc ghi nhớ một bài thơ nằm ở chính tính trừu tượng của nó, vì vậy mà Karsten đã thường hình dung ra những từ hoặc sự chơi chữ dựa trên sự phát âm tương tự. Cho từ “và”, Karsten dùng hình ảnh một vòng tròn (vì từ “und” (và) nghe tương tự như từ “rund” (vòng tròn) trong tiếng Đức) và khi đoạn văn có dấu chấm, ông hình dung đang đóng một cái đinh vào chỗ đó.
Kỹ thuật của Karsten rất hiệu quả đặc biệt là với hình ảnh hoặc sự chơi chữ liên quan tới giới tính hay gây cười, bởi đấy là những loại hình ảnh mà não bộ có khả năng ghi nhớ tốt nhất. Ví dụ như, nếu bạn muốn ghi nhớ từ “nhất” bạn có thể hình dung ra bộ ngực lớn nhất mà bạn từng nhìn thấy.
Phân công cho cảm xúc việc ghi nhớ thơ hay văn xuôi là một phương pháp khác được sử dụng bởi những vận động viên thi đấu mảng trí tuệ, những người cạnh tranh bằng trí nhớ trong những cuộc thi như Vô địch trí nhớ Mỹ.
Vận động viên người Úc Corinna Draschl là một ví dụ, cô chia những bài thơ ra thành những đoạn ngắn và chia mỗi phần đó cho một loại cảm xúc. Thay vì hình dung, cô dùng cảm giác để làm cho từ ngữ bớt tính trừu tượng và liên kết từng phần của bài thơ với nhau thành một chuỗi liên tục của các cảm xúc, khiến cho việc ghi nhớ dễ dàng hơn nhiều so với ghi nhớ những câu từ trừu tượng. Một đoạn văn về mùa xuân có thể được cô liên kết với các cảm xúc yêu thương, trong khi cô cũng có thể đơn giản đặt những bài thơ với cảm xúc căng thẳng giận dữ thành mùa đông.
Chín: Để ghi nhớ các thứ, hãy đặt chúng vào một căn phòng trong cung điện bộ nhớ của bạn.
Bây giờ, khi bạn đã biết cách chuyển những ý tưởng trừu tượng thành những dạng dễ ghi nhớ, bạn cần biết cách lưu trữ chúng một cách đúng đắn và có thể lấy ra được bất cứ lúc nào. Đây là nơi mà cung điện bộ nhớ (memory palace) của bạn được tham gia vào quá trình.
Cung điện bộ nhớ, hay phương pháp nơi chốn theo cách gọi của người La Mã sẽ chỉ định mỗi hình ảnh với một vị trí dọc theo một tuyến đường hay địa điểm nào nào đó nổi bật trong tâm trí của bạn. Bởi vì não bộ của chúng ta đặc biệt giỏi trong việc ghi nhớ nơi chốn nên đây là một kỹ thuật rất hiệu quả.
Để sử dụng phương pháp nơi chốn, bạn có thể chọn bất kỳ tòa nhà hay tuyến đường nào quen thuộc với bạn. Ví dụ như ngôi nhà thời thơ ấu của bạn. Bạn có thể tưởng tượng mình đang đứng trước căn nhà đó, và mở cách cửa chính. Có thể bạn sẽ bước vào bếp, rồi rẽ trái, và cứ tiếp tục như vậy.
Mấu chốt của phương pháp này là mường tượng trong đầu vị trí của những vật bạn cần ghi nhớ tại những điểm cụ thể trên tuyến đường bạn đã chọn hay trong một căn phòng đặc biệt nào đó. Bạn có thể mường tượng đặt một ổ bánh mì và một túi cà chua từ danh sách những thứ cần mua ở trên cái bàn trong nhà bếp. Như vậy, khi bạn cần nhớ lại danh sách, bạn đơn giản chỉ cần đi theo hành trình này và tái hiện lại những hình ảnh bạn đã đặt ở đó.
Bạn cũng có thể dùng những chỗ cụ thể trong phòng để lưu trữ những thông tin liên quan tới nhau hay thuộc một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Nếu bạn đang tham gia nhiều khóa học, bạn có thể dùng một phòng cho môn sinh học, một phòng cho môn lịch sử, và cứ như vậy.
Dĩ nhiên là bạn có thể dùng nhiều cung điện bộ nhớ khác nhau, như là quãng đường đi làm hay đoạn đường đi dạo ưa thích quanh hồ của bạn. Miễn là bạn biết rõ con đường hay địa điểm đó một cách chi tiết thì cách này sẽ rất hiệu quả.
Lời kết
Thông điệp chính của cuốn sách Nhảy moomwalk cùng Einstein:
Nghệ thuật ghi nhớ đã giảm dần kể từ thời cổ đại, thời đó việc thuật lại văn bản hay những câu chuyện vẫn được trân trọng. Ngày nay chúng ta phụ thuộc hơn vào sách và các kỹ thuật lưu trữ thông tin, một trí nhớ đặc biệt được xem như là chỉ có ở thiên tài. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng những kỹ thuật đúng đắn và đưa chúng vào thực hành, bất kỳ ai cũng có thể có được kỹ năng ghi nhớ siêu phàm.
Bài học rút ra: Sử dụng tình dục, sự hài hước và cảm xúc.
Khi ghi nhớ một đoạn văn bản quan trọng, hãy sử dụng những chủ đề này để chúng có thể neo lại trong bộ nhớ của bạn.
Cre: Trạm Đọc (Read Station)