Tóm tắt sách: Phải trái đúng sai – Đâu mới là việc đúng nên làm?

by admin

Giả sử bạn có thể giết em bé Hitler để cứu sống hàng triệu người? Bạn có làm không và tại sao?

Tóm tắt

Công lý là gì? Làm sao để chúng ta có thể hành động theo một cách công bằng và đúng đạo đức? Bằng cách đưa ra nhiều ví dụ từ cuộc sống hàng ngày, Michael J. Sandel đã thể hiện những quan điểm về công lý có thể được diễn dịch khác biệt ra sao, ví dụ, bởi các triết gia như Aristotle và Kant. Trong suốt khuôn khổ cuốn sách, ông đã thúc giục chúng ta đặt câu hỏi nghiêm túc về niềm tin cá nhân và quy ước xã hội.

Ai nên đọc cuốn sách này?

  • Những ai có hứng thú với đạo đức và triết học
  • Những ai muốn tìm hiểu thêm về khái niệm công lý
  • Những ai tìm kiếm câu trả lời triết học cho những câu hỏi của cuộc sống

Tác giả là ai?

Michael J. Sandel (sinh năm 1953) là một triết gia người Mỹ. Ông học tại Oxford và đã dạy triết học chính trị tại Harvard trong 3 thập kỷ. Bài giảng của ông về công lý đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi vé để được ngồi trong giảng đường của ông phải được phát ra theo kiểu xổ số. Năm 2009, bài giảng của ông đã được ghi lại cho một kênh của Mỹ và giờ có thể xem trực tuyến tại www.justiceharvard.org

 

1. Nhận thức của chúng ta về công lý là chủ quan và thay đổi liên tục

 

Công lý vừa là một trong những chủ đề tranh luận thường xuyên, vừa là một trong những chủ đề khó nắm bắt nhất trong triết học, bởi vì nhận thức của chúng ta về nó là chủ quan, thay đổi thường xuyên theo tiến trình lịch sử.

Có đúng không khi hi sinh tính mạng một người để phòng tránh cái chết cho rất nhiều người? Có công bằng không khi đánh thuế người giàu để giúp người nghèo? Phá thai có phải là một quyền con người không, hay đó là giết người?

Câu trả lời cho những câu hỏi này rất khác nhau phụ thuộc vào từng cá nhân. Mọi người nhìn chúng từ một góc nhìn riêng biệt, tạo nên bởi quy tắc, giá trị, kinh nghiệm, và thật không may – định kiến và sự phẫn nộ khác nhau. Tất cả chúng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự đánh giá của chúng ta.

Hơn thế, lịch sử của triết học cho ta thấy câu trả lời cho những câu hỏi về công lý luôn bị giới hạn bởi thời kì mà các câu hỏi đó được đặt ra.

Trong các lý thuyết cổ xưa như lý thuyết của Aristotle, công lý được liên kết chặt chẽ với đạo đức và “cuộc sống tốt”: một xã hội chỉ công bằng khi nó nuôi dưỡng và tưởng thưởng đạo đức của công dân. Do đó trước khi chúng ta đặt câu hỏi công lý là gì, chúng ta phải biết cái gì tạo nên một cuộc sống tốt.

Theo như một triết lý hiện đại hơn như thuyết công lợi, công lý luôn luôn xoay quanh tổng hạnh phúc: công lý là làm tăng cảm giác hạnh phúc cho số đông.

Các lý thuyết hiện đại khác như triết lý Tự do cá nhân thấy phần quan trọng nhất của một xã hội công bằng là việc đảm bảo sự tự do tới mỗi cá nhân để sống cuộc sống theo nguyên tắc của riêng họ.

 

2. Chúng ta mài giũa cảm nhận về công lý thông qua khám phá các quan điểm triết học khác nhau.

Mặc dù không thể đi đến một định nghĩa phổ quát về công lý, việc xem xét các học thuyết khác nhau về công lý trong suốt lịch sử của triết học, so sánh chúng, và đánh giá điểm mạnh yếu của chúng so với các học thuyết khác là việc hoàn toàn hợp lý.

Do đó chúng ta không nên nghĩ về các triết gia lớn là các nhà tư tưởng lỗi thời, mà nên dưới vai trò là người giới thiệu và người cố vấn cho những câu hỏi thực tế của xã hội hiện đại của chúng ta: Chúng ta nên đánh giá thế nào về thuế lũy tiến? Tôi có được phép hứa một điều mà tôi biết tôi không thể giữ lời? Làm thế nào để có được một lập luận vững chắc về hôn nhân đồng giới? Các triết gia như Kant, Aristotle và John Rawls cho chúng ta những câu trả lời có thể giúp chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho bản thân.

Việc nắm được nhiều lý thuyết có thể giúp chúng ta mài giũa cảm nhận về công lý, lèo lái chúng ta tới chỗ đặt câu hỏi về những quan niệm cứng nhắc của mình, khám phá những cách tiếp cận mới với các vấn đề phức tạp, và nhìn chúng dưới một góc độ mới.

Bằng cách hỏi đúng câu hỏi, so sánh các câu trả lời khả dĩ và đánh giá chúng bằng các chuẩn mực khác nhau được thiết lập từ các trường phái triết học khác nhau, chúng ta có thể phát triển một ý niệm về công bằng.

 

3. Các nhà công lợi: hành động là công bằng khi chúng đẩy mạnh lợi ích chung.

 

Cha đẻ và cũng là người tiêu biểu nhất của thuyết Công lợi là Jeremy Bentham (1748 – 1832), một nhà triết học đạo đức và tái thiết xã hội. Triết học công lợi của ông giả định rằng tất cả mọi người mong muốn theo đuổi ý thích và phúc lợi, và tránh nỗi đau và bất hạnh. Giả định này là nền tảng của chuẩn mực đạo đức Công lợi.

Theo như triết lý này, những hành vi tạo nên hạnh phúc hay phúc lợi là đạo đức, trong khi các hành vi gây ra bất hạnh hay đau khổ là sai. Một tái bút quan trọng: không phải là hạnh phúc của một cá nhân quan trọng, mà là hạnh phúc của những người khác. Một hành động thực sự công bằng khi nó thúc đẩy hạnh phúc của nhiều người, không chỉ của một cá nhân cụ thể nào.

Lấy ví dụ việc giết người, mặc dù có thể tạo nên hạnh phúc của một kẻ sát nhân – đó sẽ là kết thúc của tất cả hạnh phúc của nạn nhân và gây nên nỗi đau và sự đau khổ khôn tả cho gia đình và bạn bè nạn nhân. Theo logic của thuyết Công lợi, việc giết người sẽ là sai đạo đức vì nó không thúc đẩy khả năng lớn nhất của hạnh phúc.

Nhưng mọi chuyện sẽ khác khi ta nói về việc một tên độc tài tồi tệ bị sát hại: theo nguyên tắc của thuyết Công lợi, nếu vụ ám sát Hitler vào ngày 20 tháng Bảy, 1944 thành công, đó sẽ là việc làm hợp đạo đức bởi cái chết của Hitler sẽ có thể làm cho rất nhiều sinh mạng được cứu thoát.

Một trong những chỉ trích lớn nhất đối với thuyết Công lợi quan tâm về khả năng ứng dụng của nó. Càng nhiều người chịu ảnh hưởng bởi hành động của tôi, càng khó khăn hơn cho tôi trong việc đánh giá cảm quan tương lai về nỗi đau và hạnh phúc. Những quyết định chỉ ảnh hưởng một nhóm nhỏ (“Tôi có nên giúp đỡ một ông già qua đường hay không?”) là khá đơn giản để đánh giá với thuyết Công lợi. Tuy vậy, những quyết định ảnh hưởng tới hàng triệu người (“Chính sách giáo dục nào sẽ thúc đẩy khả năng hạnh phúc lớn nhất?”) có hậu quả phức tạp hơn nhiều. Bởi vì sẽ gần như bất khả thi để có thể đưa ra một tiên đoán đáng tin cậy về việc một quyết định sẽ ảnh hưởng thế nào tới cân bằng cuối cùng giữa hạnh phúc và nỗi đau.

 

4. Các nhà tự do cá nhân: công lý nghĩa là khả năng sống và hành động theo những gì bạn thấy phù hợp.

 

Triết lý của các nhà tự do cá nhân dựa trên nguyên tắc rằng tự do là điều tốt nhất chúng ta có. Tất cả các quyền và nghĩa vụ đều lệ thuộc hoặc bắt nguồn từ nguyên tắc đó. Tự do của chúng ta chỉ bị giới hạn nếu nó cướp đi tự do của người khác.

Và do đó các nhà tự do cá nhân coi công lý như là việc tôn trọng và bảo vệ tự do của con người. Học thuyết này có ảnh hưởng sâu rộng tới chính trị và kinh tế: ví dụ, con người không thể bị ngăn cản tự do quản lý tài chính cá nhân. Luật pháp can thiệp vào thị trường tự do là vi phạm tự do cá nhân và do đó không công bằng. Kết quả là, các nhà tự do cá nhân đã lên tiếng phản đối thuế, các khoản đóng góp an ninh xã hội và bảo hiểm công cộng – cái họ coi là sự kìm kẹp hoặc ăn cắp.

Tuy nhiên, họ cũng đại diện cho một vài chủ trương cấp tiến: ví dụ, họ ủng hộ hôn nhân đồng giới, phá thai và sự tách biệt nhà thời khỏi nhà nước, và tất cả những điều đó song hành với sự tự do cá nhân.

Lập trường của các nhà tự do cá nhân thống nhất ở điểm, đó là nếu tôi không làm điều gì gây hại cho người khác, không ai có thể bảo tôi phải tin vào điều gì, yêu ai hay kinh doanh như thế nào. Một xã hội chỉ công bằng khi các cá nhân được đảm bảm sự tự do hoàn toàn để sống và hành động theo quan điểm của họ.

Nhà kinh tế học Friedrich A. von Hayek (1899–1992) và Milton Friedman (1912–2006) là những nhà tư tưởng nổi tiếng nhất của thuyết Tự do cá nhân. Lý thuyết của họ rất nổi tiếng vào những năm 1980, được áp dụng, ví dụ, vào thị trường chuyên nghiệp, chính sách thị trường tự do của Reagan và Thatcher.

 

5. Kant I: chúng ta phải làm điều đúng cho lý do đúng

 

Triết gia người Đức Immanuel Kant (1724 – 1804) tranh luận rằng giá trị đạo đức của một hành động dựa trên động cơ đi trước nó. Ông cân nhắc một hành động là đạo đức khi một người làm việc đúng vì lý do đúng.

Kant sử dụng ví dụ sau để lý giải câu hỏi của hành vi công bằng và đạo đức.

Một đứa trẻ đi vào cửa hàng thực phẩm và muốn mua một ổ bánh mì. Người bán hàng có thể bán đắt cho cậu bé mà cậu bé không hề biết. Nhưng ông ta không làm vậy – vì lý do duy nhất rằng điều đó có thể làm xấu đi việc buôn bán của ông ta nếu mọi người phát hiện ra ông ta đã lừa một đứa trẻ.

Liệu người bán hàng có đang hành động theo cách đúng đạo đức?

Kant sẽ nói không, vì người bán hàng chỉ hành động dựa trên lợi ích cá nhân. Kết quả là, hành động của ông ta thiếu giá trị đạo đức. Một hành vi đạo đức không chỉ là việc cái gì có lợi hay vì cái gì điển hình.

Theo cách này, Kant đã phủ nhận triết lý của thuyết Công lợi vì thuyết đó dựa trên toan tính của con người. Trong thuyết Công lợi, không quan trọng việc hành động có xuất phát từ động cơ đúng không, mà ở kết quả đúng của hành động. Theo Kant, điều này dạy chúng ta cố gắng luôn làm tốt nhất trong khả năng cho bản thân. Tuy vậy, khả năng phân biệt đúng sai chỉ đóng một vai trò nhỏ.

Vậy phản đối của Kant có ý nghĩa thế nào với người bán hàng của chúng ta?

Đại khái là, hành động của anh ta sẽ có đạo đức nếu anh ta quyết định bán ổ bánh mỳ cho cậu bé với giá bình thường, đơn giản vì bán hàng giá đắt là sai.

 

6. Kant II: Hành vi đạo đức có nghĩa là hành động theo mệnh lệnh tuyệt đối

 

Đâu là sự khác biệt giữa một quả bóng bi-a và một con người?

Tất nhiên có hàng triệu câu trả lời khác nhau cho câu hỏi trên. Nhưng theo Kant, câu trả lời quan trọng nhất là: quả bóng bi-a tuân thủ duy nhất quy luật vật lý. Khi ta tác động lên nó, nó di chuyển về phía trước, nếu ta để nó rơi, nó sẽ rơi xuống.

Một cách tự nhiên, chúng ta lệ thuộc vào luật tự nhiên: nếu ai đó đẩy mạnh ta, ta sẽ phản ứng lại – ví dụ, ngã xuống sàn. Nhưng không giống như quả bóng bi-a, chúng ta có thể đưa ra quyết định chủ động và chọn cách của chúng ta – không phụ thuộc vào tất cả các ảnh hưởng từ bên ngoài. Quả bóng bi-a chỉ tuân theo quy luật vật lý, nhưng loài người chúng ta có thể tạo nên luật cho bản thân và tuân thủ theo những luật đó.

Giống như mệnh lệnh tuyệt đối nổi tiếng của Kant: “Hãy chỉ hành động khi châm ngôn của bạn có thể trở thành một Luật phổ quát.” Nói theo cách khác: chỉ hành động theo những nguyên tắc mà bạn cho rằng những người khác nên noi theo.

Sau đây là một ví dụ: Tôi có nên hứa một lời mà tôi không thể giữ? Hoặc đi vay tiền kể cả khi tôi biết tôi không thể trả lại?

Theo mệnh lệnh tuyệt đối, câu trả lời là không. Bởi vì nếu tất cả những người cần tiền đều đưa ra những lời hứa suông, sẽ chẳng ai tin rằng người khác có thể giữ lời hứa.

Theo Kant, mệnh lệnh tuyệt đối là một bài kiểm tra giúp chúng ta hành động theo một cách đạo đức, và kết cục là, một cách công bằng. Nếu chúng ta không thể dung hòa hành động của mình với mệnh lệnh tuyệt đối, thì hành động đó sai đạo đức.

 

7. Rawls I: Chỉ khi trạng thái bình đẳng ban đầu nằm đằng sau một bức màn vô minh, chúng ta mới biết được đâu là công bằng.

 

Để hiểu được cột trụ phổ quát của công bằng, triết gia người Mỹ John Rawls (1921–2002) gợi ý rằng chúng ta hãy làm thí nghiệm tư duy sau: Chúng ta nên tự hỏi chúng ta sẽ chọn nguyên tắc xã hội nào nếu chúng ta tồn tại ở một trang thái bình đẳng thuần túy giả tưởng, đằng sau một “bức màn vô minh.”

Nói về bức màn vô minh và trạng thái bình đẳng tự nhiên, ý của Rawls là sẽ không có giai cấp xã hội, giới tính, chủng tộc, quan điểm chính trị hay tín niệm tôn giáo. Tất cả chúng ta sẽ bình đẳng: sẽ không ai biết mình đến từ đâu hay vai trò của họ trong một trật tự xã hội còn chưa được khám phá.

Nguyên tắc xã hội nào chúng ta sẽ chọn trong điều kiện như thế?

Để bắt đầu, chúng ta sẽ loại bỏ thuyết Công lợi vì điều đó có thể dẫn tới sự áp bức. Theo logic của thuyết Công lợi, việc ném một người vào bầy sư tử sẽ được cho phép chừng nào đa số còn cảm thấy khoái cảm từ việc đó.

Để bảo vệ chúng ta khỏi nạn phân biệt đối xử hay sự ngược đãi trong thí nghiệm tư duy của chúng ta, chúng ta sẽ chọn tự do phổ quát cơ bản, chẳng hạn như tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng.

Chúng ta cũng sẽ loại bỏ thuyết Tự do cá nhân. Bởi vì nỗi sợ rơi vào tình cảnh đi ăn mày trên phố, trong một hệ thống với sự tự do bất tận, nơi mà không ai có nghĩa vụ chăm sóc chúng ta, sẽ là chân thật hơn so với việc hi vọng trở nên giàu có như Bill Gates.

Thay vào đó, chúng ta có xu hướng chuộng sự phân chia đồng đều thu nhập và sự sung túc. Với một giới hạn: nếu sự bất bình đẳng có lợi cho cộng đồng, nó cũng phải được cho phép. Ví dụ, có lý khi nói một bác sỹ kiếm nhiều tiền hơn một anh lái xe buýt. Thậm chí cả tài sản bạc tỷ của Bill Gates cũng trở nên thích hợp trong bối cảnh này – ví dụ bằng cách tích hợp nó vào hệ thống thuế lũy tiến dùng để chi trả cho sức khỏe, giáo dục và phúc lợi của người dân.

 

8. Rawls II: công lý có nghĩa là không giao cơ hội và phúc lợi cho vận may

 

Cốt lõi của triết lý John Rawls về công lý tạo nên một tranh luận rằng sự phân phối thu nhập và cơ hội không nên chỉ dựa vào các yếu tố ngẫu nhiên.

Hãy nghĩ về hình ảnh của một cuộc đua để hình dung ý nghĩ này một cách cụ thể.

Trong xã hội phong kiến quý tộc, chỉ những người quý tộc mới được tham gia vào cuộc đua, khi những người khác đã bị loại ra từ đầu. Năng lực, năng khiếu, khả năng và tham vọng đều không có ý nghĩa: nhân tố quyết định duy nhất là cơ may được sinh ra trong một gia đình quý tộc.

Tuy vậy, một nền kinh tế thị trường tự do, được các nhà Tự do các nhân ủng hộ, có một vài cải thiện: ở đây, mọi người đều được phép tham gia cuộc đua, dù những vận động viên từ gia đình giàu có được giáo dục tốt có lợi thế gần như không phải bàn cãi so với những người không được giáo dục, những người khuyết tật, là những người không có được những lợi thế đó.

Tương phản với đó, một chế độ nhân tài công bằng có thể đem lại các cải thiện khác: nó mở ra, ví dụ, cơ hội giáo dục cho mọi người và cơ hội cho những vận động viên từ các gia đình nghèo hơn, thậm chí kể cả khi họ có ít sự chuẩn bị hơn và những “trang bị” chất lượng kém hơn – để bắt đầu ở cùng một vạch. Dù cho chế độ nhân tài đã mang lại điều kiện công bằng hơn rất nhiều, chúng ta vẫn có thể, ngay cả trong cuộc đua này, tiên đoán một cách tự tin ai sẽ thắng: người chạy nhanh nhất. Những nhân tố giúp cho họ chiến thắng – tài năng, vận may, thời điểm – được quyết định một cách ngẫu nhiên. Do đó, sự công bằng của họ cũng ngẫu nhiên như việc họ được sinh ra trong gia đình quý tộc hay gia đình giàu có.

Vậy chúng ta có nên loại bỏ cuộc đua? Hay chúng ta buộc giày chì cho những vận động viên chạy nhanh nhất?

Không và không: Rawls đề xuất một phương án khác có thể điều chỉnh sự phân phối bất bình đẳng về tài năng và điều kiện mà không phải giới hạn những người tài năng nhất. Ông gọi phương án này là nguyên tắc khác biệt. Điều đó có nghĩa vận động viên chạy nhanh nhất được ủng hộ và bồi dưỡng, nhưng họ phải chia sẻ vinh quang của mình với những người không được bồi dưỡng tốt như họ.

 

9. Aristotle: để biết được đâu là công lý, chúng ta cần biết ý định và mục tiêu của chúng.

 

Triết gia Hy Lạp Aristotle đã viết, công lý là mục tiêu cao nhất chúng ta có thể hướng đến: “Kể cả sao hôm lẫn sao mai cũng không thể sánh bằng.”

 Nhưng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tốt đẹp đó bằng cách nào

Aristotle tin rằng vĩnh viễn không có nguyên tắc bất di bất dịch nào định nghĩa đâu là công lý và đâu là bất công. Thay vào đó ông gợi ý chúng ta tiếp cận những câu hỏi cụ thể về mục đích của công lý. Có nghĩa là trước khi chúng ta đánh giá điều gì là đúng hay sai, trước hết chúng ta phải đặt câu hỏi về mục đích đằng sau chủ thể của một vấn đề đạo đức.

Bạn nghĩ Aristotle sẽ đánh giá “nghịch lý hoạt náo viên” sau đây như thế nào?

Callie, dù phải ngồi xe lăn, vẫn là một hoạt náo viên có tiếng về truyền lửa cho đám đông. Nhưng một ngày cô bị ném ra khỏi đội. Lý do? Tất cả các hoạt náo viên đều được yêu cầu học thể dục – và Callie thì không thể vì cô bị khuyết tật.

Hầu hết chúng ta đều không gặp vấn đề để đưa ra quan điểm ở đây: Việc loại bỏ Callie khỏi đội là việc làm bất công. Dù cô ấy không thể học thể dục, cô ấy vẫn có thể làm tốt vai trò của một hoạt náo viên.

Aristotle sẽ không đồng ý hay phản đối chúng ta, nhưng thay vào đó khuyến khích chúng ta cân nhắc một câu hỏi sâu sắc hơn: mục đích của đội hoạt náo là gì? Có phải mục đích của việc hoạt náo là để khuấy động sự sôi nổi của mọi người? Để ghi nhận những đức tính nhất định mà tinh thần đồng đội là một ví dụ? Hay nó xoay quanh các khả năng như sự tổ chức, sự đồng bộ và thể chất?

Chúng ta chỉ có thể đánh giá đâu là công bằng, đâu là bất công trong trường hợp này khi chúng ta đã trả lời những câu hỏi đó rõ ràng, không định kiến.

 

10. Công lý được xây dựng theo những chính sách về lợi ích chung.

 

Có công bằng không khi các cặp đôi đồng tính không được cho phép kết hôn?

Aristotle dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ trả lời câu hỏi đó tốt hơn bằng cách đầu tiên cân nhắc mục đích của hôn nhân với tư cách một thể chế xã hội.

Vậy mục tiêu của hôn nhân là duy trì nòi giống hay đó là một cam kết riêng biệt về tình yêu giữa hai người?

Tuy vậy, vẫn có một vấn đề với phương pháp này: thậm chí cả khi ta có thể giải thích một cách thuyết phục rằng mục đích của hôn nhân là để đảm bảo cam kết giữa hai người, không phụ thuộc vào giới tính của họ, chúng ta đã đưa vào đó quan điểm đạo đức riêng của chúng ta: chúng ta tin rằng mối quan hệ đồng tính cũng đáng giá như mối quan hệ dị tính.

Nhưng còn những người đại diện cho những quan điểm đạo đức khác và không tin rằng mối quan hệ đồng tính cũng đáng giá như thế?

Cuối cùng, câu hỏi về công lý luôn luôn là câu hỏi về đạo đức, các chuẩn mực để đánh giá và ý niệm cá nhân về một “cuộc sống đạo đức.” Do luôn có những niềm tin đối lập về việc sống sao cho đạo đức trong một xã hội đa nguyên, dân chủ, sẽ là bất khả thi để tìm một câu trả lời đơn nhất, phổ quát.

Chúng ta có thể làm thế nào với sự khác biệt trong quan điểm? Và chúng ta có thể làm gì để giảm số người hành động dựa trên định kiến và nỗi sợ?

Câu trả lời là thông qua một chính sách về lợi ích chung mà từ đó có thể thiết lập một cuộc sống giàu có hơn về trí tuệ, đạo đức và tinh thần trong xã hội chúng ta. Nó cần nỗ lực để giúp các công dân hiểu tốt hơn về cam kết với lợi ích chung; nó phải bảo vệ các thực hành xã hội, như việc dạy, học và nhập cư, từ tư duy lấy thị trường làm trọng; nó phải giữ sự bất bình đẳng tài chính trong giới hạn và đánh thuế người giàu ở một mức cao hơn; và cuối cùng, nó phải chuyển sự tập trung của công chúng về phía các câu hỏi đạo đức khó và tranh luận chúng với một phong thái không định kiến và có giáo dục.

 

Tổng kết cuối

 

Thông điệp chính của cuốn sách này là:

Loài người đã suy nghĩ về câu hỏi của công lý hàng ngàn năm nay, và các câu trả lời đa dạng như số các nhà tư tưởng trả lời các câu hỏi đó. Lý do? Công lý có ý nghĩa nhiều hơn việc đánh giá đúng sai. Khi ta nói về công lý, chúng ta phải tranh luận về việc chúng ta muốn sống thế nào, cái giá nào chúng ta phải trả để đổi lấy tự do và có chăng những giá trị đạo đức này giá trị hơn những giá trị đạo đức khác.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Blinkist

You may also like

Leave a Comment