Đó là khi bạn đau đớn đến ngôn từ cũng bất lực, bạn chọn cách im lặng.
Đó là khi những vết thương đã tồn tại từ rất lâu, nó đóng thành từng lớp bám ở trong lòng, bạn chọn cách mỉm cười.
Đó là khi bạn quyết định giấu nhẹm đi cái nỗi buồn ấy, lặng lẽ ngắm nhìn nó và học cách đối diện với chính mình.
Là vì đã đi qua những miền ký ức nơi có không ít thương tổn, bạn quá quen với cảm xúc tệ hại mà cuộc sống đem lại. Than vãn cũng chẳng có ích gì, mình vẫn nên kết bạn với hiện tại. Buồn cũng được, tắt điện thoại giả vờ mất tích một ngày sau đó đi ngủ vẫn hơn.
Người trưởng thành cười không có nghĩa là vui mà khóc cũng chưa chắc đã buồn. Cảm xúc trộn lẫn như cái cách mà cuộc sống vẫn luôn vận hành, bạn vẫn sẽ cảm nhận được nỗi đau của mình đang rỉ máu trong tim nhưng lại không muốn nó bật ra bên ngoài.
Đứa trẻ trong thân xác của người lớn, chúng ta nghĩ rằng mình dễ dàng quên đi nỗi buồn như cái cách có ai đó đưa kẹo dỗ dành một đứa trẻ con. Thế nhưng đến khi bạn vô tình nghe một bài nhạc, đi đến một nơi quen thuộc, ăn lại món ăn ngày xưa đã từng ăn, mọi thứ từ từ hoà tan vào không khí tất cả gọi là hồi ức. Bạn nhận ra vết thương ấy chỉ đợi có cơ hội để nói với bạn rằng, nó vẫn ở sâu trong tim bạn.
Nỗi buồn tan ra thành những mảnh vỡ vô hình không ai có thể trông thấy. Bên ngoài bạn vẫn vui cười vui vẻ, không than vãn với bất cứ ai, lặng lẽ ngắm nhìn nỗi buồn của mình. Những tổn thương cứ chồng chất thương tổn, bạn bắt đầu loay hoay tìm cho mình một lý do để bật khóc. Hoá ra khóc không được cũng là một loại bi ai, khi chúng ta còn khóc được thì vẫn có thể giải tỏa cảm xúc ra bên ngoài.
Hình như đã thành thói quen, vui buồn đều cười, thật ra hôm nay tôi buồn nhưng bạn quá mệt để kể với ai đó. Liệu sự hoảng loạn trong lòng bạn lúc ấy có khiến mọi người cảm thấy thật vô lý hay không? Mọi thứ diễn ra một cách âm thầm, bình yên nhưng đằng sau những ngày đi làm vất vả, những khoản tiền lương trong mơ ấy là những tủi thân, mệt mỏi không ai có thể biết được.
Mỉm cười, lãng quên, bạn nói rằng mình ổn nhưng sự thật là….
Dương Hạnh