Theo bác sĩ Lưu Quỳnh Anh, Phó khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, sụp mi là tình trạng mi mắt trên ở vị trí thấp hơn so với vị trí thông thường. Ở người bình thường, mi trên che qua vùng rìa giác mạc (lòng đen) phía trên khoảng 2mm. Nếu vượt quá giới hạn đó, người ta gọi là sụp mi.
Bác sĩ Quỳnh Anh chia sẻ, sụp mi có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, có thể xảy ra ở một mắt hoặc cả hai mắt. sụp mi bẩm sinh chiếm khoảng 50 – 70% các trường hợp sụp mi, nguyên nhân chủ yếu do bất thường về cơ, bao gồm rối loạn, thay đổi kết cấu của các sợi cơ nâng mi, dẫn đến suy giảm (hoặc gần như không có) chức năng của cơ nâng mi.
Ngoài ra, hiếm gặp hơn, sụp mi bẩm sinh có thể do gián đoạn dẫn truyền thần kinh – cơ. Sụp mi bẩm sinh có thể đi kèm các bất thường khác về vận nhãn (lác, lé), hẹp khe mi bẩm sinh, hoặc dị dạng sọ mặt.
Sụp mi mắt phải có thể gặp trong chấn thương, liệt dây thần kinh số III, hội chứng Horner, bệnh lý nhược cơ…
Biểu hiện lâm sàng của sụp mi
Bác sĩ Quỳnh Anh cho biết, trẻ sụp mi bẩm sinh thường xuất hiện một mắt hoặc cả hai mắt nhỏ hơn bình thường ngay từ khi mới sinh, mức độ sụp mi ổn định, không thay đổi trong ngày.
Nếu sụp mi nhẹ, sụp mi ở một bên mắt trẻ có thể không có triệu chứng chủ quan hoặc có thể có nheo mắt, nháy mắt khi tập trung quan sát.
Nếu sụp mi nặng có thể kèm theo các dấu hiệu như ngửa cổ, rướn trán khi nhìn, nhìn kém
“Sụp mi trong liệt dây thần kinh số III thường đi kèm lác ngoài, hạn chế vận nhãn lên trên – xuống dưới – vào trong, giãn đồng tử. Sụp mi gặp trong bệnh nhược cơ có thể thay đổi mức độ sụp mi trong ngày, kèm theo các dấu hiệu khó thở, khó nuốt…”
Sụp mi không được điều trị sớm có thể gây tổn hại
Theo bác sĩ Quỳnh Anh, trẻ sụp mi nếu không được thăm khám sớm có thể sẽ dẫn đến các tổn thương tại mắt hoặc toàn thân như:
– Tật khúc xạ: sụp mi bẩm sinh thường gây tật khúc xạ cao ngay từ những năm tháng đầu đời ở trẻ (hay gặp nhất là loạn thị) dẫn đến nhược thị. Đây là nguyên nhân hay gặp nhất gây suy giảm thị lực ở trẻ
– Sụp mi nặng che kín bờ đồng gây giảm, mất thị lực, và/ hoặc gây lệch đầu vẹo cổ (do trẻ phải ngửa cổ kéo dài để quan sát) làm ảnh hưởng tới tư thế lâu dài của trẻ.
– Sụp mi mắc phải có thể là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm tới tính mạng như liệt dây thần kinh sọ não số III, bệnh nhược cơ, hội chứng Horner…
Điều trị bệnh sụp mi
Theo bác sĩ Quỳnh Anh, trẻ sụp mi cần phải được thăm khám tỉ mỉ bởi bác sỹ chuyên khoa mắt, thần kinh, nội tiết, tạo hình…để loại trừ các tổn thương tại mắt và toàn thân.
Đồng thời chỉnh kính điều trị tật khúc xạ trong những trường hợp sụp mi nhẹ, sụp mi ở trẻ nhỏ chưa có chỉ định phẫu thuật hoặc trong trường hợp bệnh lý toàn thân chưa cho phép phẫu thuật.
Nếu bệnh sụp mi nặng thì phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng sụp mi.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật chỉnh sụp mi như phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi, phẫu thuật treo cơ trán…
“Bác sỹ sẽ đánh giá tùy theo từng tình trạng bệnh nhân, độ tuổi, chức năng cơ nâng mi, các tổn thương đi kèm để quyết định thời điểm và phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ”, bác sĩ Quỳnh Anh nhấn mạnh.