Khi còn trẻ, ai cũng mang tâm trạng vừa hào hứng vừa hồi hộp xông pha vào cuộc sống với mong muốn hoàn thành ước mơ của mình.
Nhưng đến khi lớn rồi, chúng ta mới phát hiện ra, thế giới thực sự của người trưởng thành có rất nhiều mảng tối: tham lam, đố kị, ganh ghét, nói xấu, tranh đua… Muốn vượt qua được những vũng bùn này, có nhiều người đã đánh đổi “chính mình” của quá khứ, trở thành “chính mình” của hiện tại, trở thành người mà chính bản thân họ trước đây từng rất ghét.
1. Có bao nhiêu người dùng “Phép thắng lợi tinh thần” như AQ để biện minh cho sự thất bại của mình?
Lãnh đạo của bạn là người cố chấp, ông ấy đưa ra một ý kiến không thực tế, muốn nhân viên hoàn thành. Kết quả nhận được tất nhiên là không tốt, ông ấy không tự nhận mình sai, trái lại còn phê bình đồng nghiệp của bạn một trận.
Đồng nghiệp kia tuy tức giận nhưng không dám phản bác, chỉ biết trút giận lên người thực tập sinh. Sau khi tan làm, anh ta lại giải thích rằng: “Không phải chỉ có mình tôi nghe chửi, có tất cả mọi người còn gì.”
Mọi người thấy có phải anh ta rất giống nhân vật AQ hay không?
AQ luôn bị bắt nạt, nhưng lại thích bắt nạt những người kém may mắn hơn mình.
Tính cách của AQ chính là tính cách điển hình của những kẻ thất bại, luôn tự an ủi mình bằng những lý do không thực tế và đáng buồn cười.
Lớp đại học của tôi cũng có một người như vậy, ra trường 2 năm vẫn chưa có việc làm, khi bị hàng xóm và họ hàng hỏi, cô ấy đều nói: “Do mấy công việc kia lương quá thấp, không xứng với trình độ cô ấy.”
Nhưng thực tế, cô ấy chỉ đi phỏng vấn được hai lần rồi thôi, mà cả hai lần đó đều phỏng vấn thất bại.
Kết quả, mỗi khi cô ta gặp chúng tôi đều nói rằng những người bạn kia có việc là do may mắn, nhà có tiền, ba mẹ có mối quan hệ sẵn… Nhưng cô ta lại chưa bao giờ nghĩ nguyên nhân là ở chính mình.
Tự an ủi mình để bản thân không trở nên tự ti là tốt, nhưng nếu bạn không cố gắng làm việc, học hỏi, mà cứ dùng “Phép thắng lợi tinh thần” như AQ để biện hộ cho sự vô dụng và thất bại của mình thì thật không nên chút nào. Nó chỉ khiến bạn lún sâu vào thế giới ảo tưởng của mình, ngày càng khó chạm vào thành công trong đời thực.
2. Có bao nhiêu người bị cuộc sống đánh bại, trở thành Nhuận Thổ trong truyện ngắn Cố hương?
Có một người bạn từng kể với tôi, cô ấy từng có một người bạn khác giới rất thân, họ từng hứa với nhau sẽ làm best friend của nhau đến già, không bao giờ đổi số điện thoại. Nhưng hóa ra lời hứa đó chỉ vỏn vẹn được 4 năm.
Sau khi tốt nghiệp, cô ấy vô tình xin vào làm nhân viên ngay đúng công ty ba người bạn kia mở. Mỗi lần gặp anh ta, cô ấy đều phải cúi đầu, cẩn thận đưa bản báo cáo và gọi “Giám đốc”.
Khoảng cách về gia cảnh, địa vị, môi trường sống, các mối quan hệ khiến hai người họ dần trở nên xa cách. Cuối cùng, cô bạn kia không chịu nổi nữa nên đã xin từ chức, đổi sang nơi khác. Tính cách cũng thay đổi, trở nên sống khép kín hơn nhiều.
Nhuận Thổ cũng từng là một thanh niên sôi nổi, chân thành như vậy. Nhưng hoàn cảnh sống thay đổi khiến anh ta ngày càng trở nên tự ti, yếu đuối, ý chí và lòng dũng cảm trước đây đã bị bào mòn, và anh ta từ từ tự biến mình thành “nô lệ” của cuộc sống.
Trong cuộc sống này, có rất nhiều người bị hai chữ “hoàn cảnh” biến đổi, trở thành người cam chịu số phận, luôn e dè và tự ti với cuộc sống này như Nhuận Thổ. Nhưng muốn thành công và tồn tại trong cuộc sống đầy cạm bẫy và khó khăn này, “chạy trốn” không phải là cách, dám đấu tranh với số phận với là điều chúng ta cần làm.
3. Có biết bao người luôn tự biến mình thành trò cười cho người khác như Khổng Ất Kỷ?
Khổng Ất Kỷ là nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên của Lỗ Tấn. Ông là một người rất thích đọc sách, lương thiện, thanh cao, nhưng lại mang bản tính cổ hủ, cố chấp và lười biếng.
Ông thường bị người ta đánh vì tội ăn cắp sách, nhưng bản thân ông lại chưa bao giờ thừa nhận điều đó.
Mỗi lần Khổng Ất Kỷ đến quán rượu, ông đều đứng bên ngoài uống rượu, bộ dáng nghiêm nghị của ông luôn trở thành trò cười cho bọn bình dân ngồi ngoài.
Khổng Ất Kỷ chính là điển hình cho kiểu người “lập dị”, luôn làm ra những chuyện “điên rồ”, khiến người ta vui vẻ, nhưng không có anh ta, người khác vẫn sống rất tốt.
4. Có bao nhiêu người bị “miệng đời” đánh bại như thím Tường Lâm?
Chúng ta sẽ làm gì nếu nhìn thấy người khác chia tay, thất nghiệp, phá sản, ly dị, mất người thân, mắc bệnh nan y…?
Người có lương tâm thì đồng cảm, an ủi, giúp đỡ, cảm thán; kẻ lạnh nhạt chỉ xem như trò cười rồi dùng nó làm câu chuyện tám nhảm trong group chat.
Hiện thực xã hội tàn khốc như vậy đấy!
Vậy mà khi xui xẻo đổ ập lên đầu họ, họ lại than trời oán đất đủ kiểu.
Trong tác phẩm “Chúc Phúc”, thím Tường Lâm là người lương thiện, chỉ sống với ước nguyện nhỏ nhoi: là có thể đổi lấy chút quyền sống bằng lao động vất vả.
Thế nhưng xã hội lại đối xử với thím thế nào?
Khi chồng chết, thím từng bị mẹ chồng gả bán vào vùng sâu vùng xa. Sau đó chồng mới cũng chết, con cũng chết, thím lại tiếp tục bị ông anh chồng đòi nhà đuổi đi.
Thím phải đi ăn xin, khi chết, mái tóc bạc trắng, dáng vẻ xơ xác, mà chú tư vẫn lạnh nhạt, thờ ơ… Đến những lời than thở của thím, đối với họ chỉ như lời thừa thãi.
Cuộc sống vốn dĩ đã không công bằng, không phải ai ở hiền cũng gặp lành, có nhiều lúc “miệng đời” thật sự rất đáng sợ.
Còn nhớ lần đầu tiên xem bộ phim “Hope”, tôi đã khóc rất lâu mới ngừng lại được.
Ở Việt Nam cũng có rất nhiều cô bé bất hạnh như Nayoung trong “Hope”, nhưng thay vì chửi mắng hung thủ, bọn họ chỉ biết truyền miệng và chê trách những đứa nhỏ vì không còn trong trắng.
Trong xã hội hiện nay, có nhiều người thất bại trong cuộc sống, không biết tìm cách đi lên mà trái lại họ tìm niềm vui bằng cách châm biếm, hả hê trước nỗi đau của người khác: Họ châm biếm những người xuất khẩu lao động đã chết trên đất khách quê người là “đáng đời”, họ chế giễu những người yếu thế hơn…
Nhưng những người đã chịu bất hạnh vốn cần được bảo vệ, chứ không phải lại bị tiếp tục sát muối vào vết thương.
Mong rằng trong cuộc sống này, sẽ không còn ai bị miệng đời làm hại như Goo Hara, Sulli, cũng không còn ai bị mặt tối của xã hội này đẩy vào con đường cùng như thím Tường Lâm nữa.
5. Có bao nhiêu người đã trở thành “hung thủ gián tiếp” như người mua bánh bao máu trong truyện ngắn “Thuốc” của Lỗ Tấn?
Trong “Thuốc” có bánh bao máu, ngoài đời thực có sừng tê giác, óc khỉ,… Bọn họ lên án người bán tàn nhẫn, nhưng vẫn bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua ăn vì tin rằng có thể trị được bệnh.
“Căn bệnh” cổ hủ và mê tín thì thời nào cũng có, nhưng chúng ta đang sống trong thời hiện đại, làm việc gì cũng nên tư duy rõ ràng, biết việc nào nên làm việc nào không.
Trên bước đường trưởng thành, chúng ta có thể thay đổi, có thể “thêm gai” vào mình để bảo vệ bản thân. Nhưng cái chúng ta cần làm là biến mình thành một “phiên bản tôi hoàn hảo nhất”, chứ không phải trở thành người không biết phân biệt phải trái, chỉ biết hùa theo đám đông, luôn cư xử một cách nông cạn.
(Thiên Tuyết – Trí Thức Trẻ)
Cre: Nhà đầu tư
Ảnh: In the mood for film