11 truyện ngắn của nhà văn trẻ Phát Dương là những lát cắt chân thực, không màu mè về những phận đời trớ trêu nơi miền Tây sông nước. Ở đó, dù ánh điện đã rực sáng dưới mái tranh thưa, internet tràn về trong từng xóm nhỏ, thì con người vẫn còn nguyên những lỡ làng khổ đau chất chứa.
Rảnh đâu mà hận
Phát Dương kể “Tự nhiên say” bằng ngôn từ dung dị, với những nhân vật đậm chất “nhà quê” nhưng gửi gắm thật nhiều yêu thương. Người nhà quê, chính là cô Xuân bán chè bưởi (“Chè đắng”), cố chấp và bướng bỉnh muốn người ta phải ăn hết phần đắng và phần ngọt trong chén chè cô nấu. Là cô Típ nấu rượu nếp ngon nhất xứ, thứ rượu chỉ vừa đủ say để người ta bộc bạch nỗi lòng (“Tự nhiên say”), là người má tảo tần hôm xóm chắt chiu lo cho đám cưới thằng con trai tươm tất (“Năm tuổi”), là cô Thương dại khờ ngồi đếm từng ngày tuổi của đứa con không cha sắp chào đời (“Đếm”)… Tất cả bọn họ đều hiền lành, cam chịu, tâm tư thì đầy tràn nhưng hiếm khi bộc bạch nỗi lòng.
Bàng bạc trong tác phẩm là những phận người như lá úa. Cuộc đời gieo cho họ những niềm đau, nhưng họ vẫn phải lao theo dòng đời để tiếp tục sống. Một cô gái điếm ăn sương trong “Trên cành có một con nhen”, với vết thương từ tuổi thơ bất hạnh, chấp nhận sống đời nhục nhã, cảm xúc tưởng đã chai sần nhưng xúc động lạ kỳ trước tấm chân tình của người xe ôm già. Một người vợ chịu cảnh ngoại tình của chồng suốt bao nhiêu năm, tới khi cô con gái nhỏ hỏi: “Má không hận ổng hả?” thì chỉ trả lời: “Rảnh đâu mà hận”. Họ bận kiếm sống, bận sinh nhai, bận lo cho đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, bận bương chải với quán bún, gánh chè, bận làm gái điếm kiếm tiền chữa bệnh cho em gái, hay bận gỡ mớ bòng bong rối rắm của cuộc đời… Rảnh đâu mà hận.
Những mối tình xa xót
Tình yêu cũng là chủ đề khắc họa nhiều ám ảnh trong các tác phẩm của Phát Dương. Say rượu dễ giải chứ say tình khó gỡ, cô Típ nấu rượu đủ sức làm người ta say rượu mình nhưng bất lực trước một niềm đắm say khác vượt qua tầm với (“Tự nhiên say”). Anh Thái như chàng Trương Chi tương tư thương nhớ Mị Nương mà Mị Nương giờ chỉ còn là ảo ảnh xa khuất tận chân trời (“Trở về”). Chuyện tình như giậu mồng tơi xanh rờn của cô Xuân, hạnh phúc vì tìm được người thích trọn vẹn món chè bưởi có ngọt có đắng, thất vọng vì “có một ngàn” mà làm vỡ nát tình sui gia, để rồi phải ôm mối tình câm lặng bỏ đi biệt xứ. Những tình yêu dung dị, những nỗi niềm nén chặt, chôn sâu tận đáy lòng, chỉ chờ cơ hội được bùng lên và khiến con người ta có những quyết định nổi loạn.
Cũng vì yêu là má hết đi đánh ghen, ở nhà lo cho con gái, rộng cửa đón người chồng lạc lòng trở lại (“Rảnh đâu mà hận”). Vì yêu mà chú xe ôm cai luôn tật hám đàn bà, đau đáu đi tìm người xưa (“Trên cành có một con nhen”). Đó là những tình yêu rất đời, rất nhân văn.
Miền Tây đau đáu nỗi niềm riêng chung
Phát Dương sinh ra tại Bạc Liêu, một chàng trai miền Tây chính gốc, lại là sinh viên ngành Văn học của trường Đại học Cần Thơ. Dân văn chương nên có những quan sát rất tinh tế và nhạy cảm, phản ánh cuộc sống chi tiết và đầy cảm xúc trong từng trang viết. Trong “Tự nhiên say”, quê nhà hiện lên đau đáu với với những mối trăn trở đậm chất đời: Nỗi lo không có con trai nối dõi, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn đậm đặc trong những vùng quê nghèo, dìm người phụ nữ xuống đáy sâu. Đôi khi hiếm hoi, họ vùng dậy mạnh mẽ với giải pháp làm mẹ đơn thân như một cách trốn chạy tất yếu (“Nhà máy”, “Đếm”).
Miền Tây còn thấp thoáng trong bóng hình những người con gái từ bỏ tình riêng đi lấy chồng Đài Loan, với ước vọng mang lại cho gia đình một tương lai tươi sáng (“Trở về”, “Năm tuổi”); trong niềm tin tâm linh qua tập tục cúng kiếng, đám họ có kiêng có lành (“Cúng”, “Năm tuổi”)… Ẩn đằng sau đó, là sự bế tắc của những phận đời buồn trong vòng xoáy mưu cầu cơm áo, chứ chưa nói chi đến chuyện êm ấm tình riêng.
Miền Tây trong văn của Phát Dương, vẫn còn đó những nỗi buồn mênh mang.