Chúng ta có lẽ ai cũng từng một lần nghi ngờ chính bản thân. Trải nghiệm cảm giác thiếu an toàn của mỗi người có thể khác hoàn cảnh, có thể liên tục hay trong một vài giai đoạn thì chúng ta đều không thể ngừng chì chiết bản thân và chăm chăm vào thiếu sót của mình.
Vậy thì những tiếng lòng tiêu cực xuất phát từ đâu?
Sang chấn tâm lý tuổi thơ
Nỗi tự ti của bạn có thể là kết quả của những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu. Cụ thể hơn là những ảnh hưởng từ phong cách nuôi dạy con của gia đình, và vết sẹo tâm lý vì không được quan tâm đến cảm xúc từ nhỏ.
Không ngừng so sánh bản thân với người khác
Chúng ta đều không được giáo dục về sức đề kháng với tác động bên ngoài từ khi còn trẻ. Xu hướng so sánh cả hành trình của mình với đỉnh cao của người khác khiến chúng ta tự ti, mặc cảm với thành tựu của họ. Tuy nhiên, ít ai đủ tỉnh táo để nhận ra đường đua tự tưởng tượng này chỉ toàn là khập khiễng.
Ám ảnh bởi sự cầu toàn
Nhà tâm lý học Monica Ramirez Basco cho rằng: “Theo đuổi sự hoàn hảo là một nỗi đau bởi mâu thuẫn giữa khát vọng trở nên xuất sắc và nỗi sợ thất bại.” Không thể phủ nhận lợi ích tích cực của sự cầu toàn. Nhưng đôi khi, những kỳ vọng cao và tiêu chuẩn khắt khe khiến áp lực trên vai bạn nặng dần.
Không thể đối diện với nỗi sợ bị từ chối và nỗi sợ thất bại
Từ thời xa xưa khi con người sống thành bầy đàn, việc bị cộng đồng từ chối đồng nghĩa với ‘án tử’, vì thế mà việc quan tâm đến suy nghĩ của người khác và tìm kiếm sự công nhận đã là một bản năng sinh tồn của mỗi người. Nỗi sợ bị từ chối cũng là nguyên nhân của nỗi sợ thất bại. Càng thất bại, chúng ta lại càng nghi ngờ chính mình. (Theo Vietcetera)
Nếu đã từng có những cảm giác này, bạn đã làm gì để vượt qua chúng? Cùng chia sẻ với chúng mình nhé.