“Khi nào thì bạn cảm thấy nhớ nhà?”
Câu hỏi được đặt trong cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân.
Có người phải đi xa lắm mới thấy những điều thân thuộc đến nhàm chán trong ngôi nhà mình chợt thương. Có người phải dã dời lắm trong ồn ào hoa lệ của thị thành mới nhớ ra lời mắng của mẹ ở nhà hình như ngọt ngào lắm. Cũng có ai đó luôn khao khát thoát khỏi cái làng quê nghèo của mình nhưng một ngày ngoảnh đầu nhìn lại muốn òa khóc.
Và cũng có người “vừa bước chân ra khỏi cửa đã nhận ra nỗi nhớ nhà”
Trong bộ phim Reply 1988 có phân cảnh Jungwan về nhà được mẹ chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn. Tới khi chuẩn bị đi, cả bố và mẹ đều ra cửa tiễn con, mẹ nói:”Con cái trưởng thành đều là khách”. Gật đầu với điều đó, nhiều người đã nói rằng, sau này khi trưởng thành rồi thay vì nói “về nhà” chúng ta sẽ nói “về thăm nhà”.
Trong kế hoạch cuộc đời của chúng ta là con đường đầy hoa, là vùng đất mới xinh đẹp mà xa xôi lắm, có cả ai đó mang tên định mệnh… Ai cũng tràn đầy nhiệt huyết sống hết mình với ước mơ và cuộc đời của riêng mình. Nhưng kế hoạch của chúng ta vốn đẹp tới mức không tưởng mà cuộc sống thực tại vốn nghiệt ngã. Chúng ta tổn thương, chúng ta vấp ngã, chúng ta đau một niềm đau không thể chịu đựng…
Những lúc như vậy còn gì hơn được cha mẹ vỗ về như cái cách chạy nhảy ngã mà được dỗ cho kẹo hồi nhỏ. Nghe cái câu:”Về nhà đi, mẹ thịt gà cho mà ăn bố mày nuôi mãi đấy”, bỗng chốc nước mắt chúng ta trực trào. Ừ! Gà ngon nhỉ, nhưng sao ngon thế mà bố mẹ vẫn để dành cho đứa chưa từng để bố mẹ trong kế hoạch của đời mình. Có đáng không!
Cứ mỗi lần chuẩn bị lên thành phố, mẹ lại tất tả chạy mua đủ mọi thứ rồi đùm bọc thật to. Có hôm mưa lạnh vẫn chưa bao giờ ngại chạy ra đồng cắt cho con mấy mớ rau nhà trồng. Một ngày dặn ăn uống, uống thuốc hàng tỷ lần. Bố lại đi chuẩn bị áo mưa cho, xem xe cộ có hỏng chỗ nào không, bẩn thì lại cọ, hết xăng lại đổ. Thấy con mặc áo mưa chưa đúng lại cúi xuống chân xắn cho tươm tất. Con về là kêu lên:”Cô sinh viên bé tí tẹo” trong khi đứng với chúng bạn cũng cao chứ bộ.
Còn những đứa lập gia đình rồi, nấu từng nồi canh cũng phải múc riêng ra chờ chúng nó về. Có gì ngon để dành đến đông đủ mới dám mang ra. Gọi điện hỏi:”Sao sáng giờ chẳng thấy tới chơi với mẹ” hay bố nhắn tin:”Cho cháu về chơi với bố con”.
Chạy ra khỏi cổng, nước mắt đã lưng tròng chẳng muốn rời đi, lúc này con nhận ra nỗi nhớ nhà rồi. “Thế giới của con rộng lớn trong khi thế giới của cha mẹ chính là con”. Dạ không, thế giới của con là của cha mẹ tạo ra, nếu chẳng có người, thế giới của con vốn chẳng có.
Đừng là một người “khách” ngoảnh đầu lững thững bước đi để bốn con mắt nhìn mãi chẳng rời. Sẽ có 2 người ngồi đấy chậm chạp đếm từng ngày vị “khách” đặc biệt của mình về thăm. Trong cái tiếng nô nức bên nhà hàng xóm cùng con cùng cháu bày tiệc cỗ bàn, vẫn 2 người đó ngồi bên mâm cơm chiều nhạt im lặng nhìn nhau nén tiếng buồn. “Nhà” chính là “nhà”, là nơi để về, để ấp ủ thương yêu!
Góc nhà – Nơi đây vốn cũ kĩ giản đơn nhưng vẫn luôn ở đứng đó chờ bạn về!
Tranh: Trần Nguyên