Làm thế nào để hòa nhập và kết bạn dễ dàng hơn ạ?
Nhiều lúc muốn có một người bạn có thể tâm sự hay chia sẻ, nhưng dường như không có ai cả?
Mình đã cố hòa nhập, nhưng thật sự rất khó, đôi lúc cảm thấy lạc lõng…
Em rất sợ cảm giác bị bạn bè bỏ rơi…
Khi ở cái ngưỡng của tuổi trưởng thành, bước chân ra khám phá cái thế giới rộng lớn bên ngoài. Có lẽ, cái mong muốn đầu tiên đó chính là “được hòa nhập”. Và ta thường cho rằng, yếu tố cốt lõi để được hòa nhập đó chính là phải có bạn. Theo mình thấy, việc kết bạn lại càng khó khăn hơn đối với những bạn có tính cách hướng nội.
Và kết quả là, chúng ta luôn cố gắng làm hài lòng mọi người. Quá phụ thuộc vào các mối quan hệ bạn bè, khiến ta cực kỳ áp lực và chán nản. Dễ dàng đánh mất bản thân, và niềm vui chỉ xuất hiện khi có ai đó bên cạnh.
Lòng người và các mối quan hệ luôn luôn thay đổi. Cho nên khi những người bạn mà ta xem là cả thế giới họ rời đi, đôi khi chỉ cần họ có thái độ lạnh nhạt một chút. Thì cũng khiến tinh thần chúng ta gần như suy sụp.
Cuộc sống là vậy, khi đã trải qua đủ biến cố và đủ tổn thương. Cuối cùng chúng ta sẽ phải chọn cách thay đổi để thích nghi mà thôi.
Mình đã làm gì để vượt qua nỗi sợ “không có bạn”?
1. Thẳng thắn đối diện với sự cô đơn: Chung quy lại, chúng ta tìm kiếm những người bạn chỉ để cố gắng né tránh cảm giác cô đơn và che lấp đi sự lạc lõng giữa đám đông. Trong quá trình trưởng thành, thì khó ai có thể thoát khỏi hai chữ “cô đơn”.
Kỳ lạ thay, ta càng trốn tránh thì ta lại càng cô đơn. Vì sao bạn biết không? Đơn giản vì cô đơn là một người bạn tri kỷ của người trưởng thành đấy. Hãy vui vẻ đón nhận và chào mừng nó vào team của mình nhé, đôi khi thiếu nó lại tẻ nhạt lắm.
2. Làm bạn với chính mình: Chúng ta luôn cố gắng xây dựng nhiều mối quan hệ, nhưng lại thờ ơ mối quan hệ với chính mình. Ta thường cho rằng đi ăn một mình, đi dạo một mình, hay thậm chí đi xem phim một mình thì thật là cô độc và trông như tự kỷ vậy.
Cho đến một lúc nào đó, càng lớn con người ta càng yêu nhất là khoảng thời gian được một mình. Vì chỉ khi ấy ta mới thực sự được tự do là chính mình, làm những điều mình yêu thích. Một mình để trò chuyện, để lắng nghe tiếng nói trong tâm hồn. Vì chẳng ai khác, chính mình mới là người bạn duy nhất đồng hành cùng ta đến cuối cuộc hành trình mà thôi.
3. Tự tạo ra niềm vui cho bản thân: Niềm vui của chúng ta thường chỉ xuất hiện khi có bạn bè bên cạnh. Đi ăn, đi chơi phải có bạn, ở nhà cũng phải nhắn tin gọi điện tán gẫu với vài đứa. Rồi nếu tất cả họ đều bận thì sao? Bạn sẽ rất buồn chán đúng không?
Hãy chủ động tạo ra niềm vui cho chính mình, bằng cách dành thời gian cho những sở thích của bản thân. Thay vì đi chơi với bạn bè thì mình đã đọc được vài trang sách hoặc tập được vài hợp âm guitar. Mình đã dần học cách từ chối những lời nhờ vả “không đáng” để trau dồi kiến thức. Cuối tuần hoặc ngày trống tiết thì mình ra quán nước ngồi nghe nhạc, và viết ra những điều mà mình chẳng thể chia sẻ với ai. Thỉnh thoảng lại phóng xe về thăm ba mẹ,…
4. Tìm kiếm môi trường để học hỏi, phát triển bản thân: Hãy lấp đầy thời gian rảnh bằng việc đăng ký một khóa học Tiếng Anh, hay một khóa học online. Tìm kiếm công việc làm thêm vừa để kiếm thêm thu nhập vừa trải nghiệm. Hoặc tập trung rèn luyện một đam mê nào đó của bản thân. Nếu có thể hãy rèn luyện thói quen đọc sách, nó không chỉ đơn giản mang đến cho ta kiến thức. Mà nó còn là một người bạn tuyệt vời cho những tâm hồn cô đơn đấy, tin mình đi.
5. Tìm nơi để trút bầu tâm sự: Cuộc sống đôi khi có lúc khiến ta thấy mệt mỏi và áp lực, và khi ấy sự cô đơn chính là thứ giết chết tinh thần chúng ta. Những cảm xúc chẳng ai lắng nghe và cứ thế chất chồng lên nhau. Nếu cứ cố đè nén sẽ dễ dẫn dắt ta đi theo hướng tiêu cực và nghiêm trọng hơn là các bệnh về tâm lý rất nguy hiểm.
Hãy tìm cho mình một trạm dừng chân, để có thể giải phóng năng lượng tiêu cực và sạc lại năng lượng tích cực. Nếu không có bạn để lắng nghe thì ta có thể viết, vẽ tranh, hát hò các thứ, hoặc chỉ đơn giản là được tĩnh lặng một mình. Khi ấy tinh thần ta mới có thể thoải mái và tiếp tục đón nhận các thử thách mới của cuộc sống.
Học cách “một mình” không có nghĩa là không cần kết bạn. Hay cố gắng cô lập bản thân với xã hội. Không thể phủ nhận rằng, để hòa nhập thì chúng ta phải xây dựng các mối quan hệ. Nhưng sẽ là sai nếu chúng ta quá phụ thuộc vào nó. Hãy làm chủ và cân bằng được đời sống nội tâm và đời sống xã hội.
Có lẽ, khi trưởng thành ai trong chúng ta cũng phải trải qua cảm giác cô đơn cả. Làm gì thì làm, làm bạn với chính mình trước các bạn nhé.
– Hoàng Yến