Bất đồng văn hóa – xã hội từ lâu đã trở thành chủ đề hấp dẫn, khai mào cho những cuộc đấu khẩu bất tận trên internet, đặc biệt là tại Wikipedia. Dưới góc độ nào đó, Wikipedia là một cộng đồng khách quan khi ghi nhận ý kiến của tất cả mọi người. Nhưng liệu nó có thể tồn tại độc lập trước những đế chế truyền thông khổng lồ, mà đứng sau là các tập đoàn và chính phủ?
Từ một cuộc chiến không khoan nhượng
Gần đây, dư luận bị thu hút bởi vụ tranh cãi nảy lửa trên Wikipedia xoay quanh nhân sự mới nhất của ban biên tập báo The New York Times, Sarah Jeong. Khi The New York Times công bố lựa chọn của mình, cư dân mạng đã nhanh chóng đào bới những dòng tweet dễ gây tranh cãi trong quá khứ mà cô từng viết. Trong những năm qua, Jeong đã nhiều lần thể hiện sự khó chịu của cô đối với những người khác màu da như: “Có phải người da trắng rất dễ bị cháy nắng không nhỉ, có nghĩa là họ chỉ phù hợp sống dưới lòng đất như mấy con yêu tinh” hay “Cảm giác sung sướng tôi có được khi tỏ ra độc ác với mấy ông già da trắng thật bệnh làm sao” (tạm dịch).
Ngay lập tức, truyền thông cánh hữu lên tiếng chỉ trích Jeong và cáo buộc cô là kẻ phân biệt chủng tộc. Vấn đề càng rắc rối khi những dòng tweet trên cũng bị đưa vào tiểu sử của cô trên Wikipedia và nó đã khơi mào cho một cuộc chiến “đẫm máu” của những người tham gia biên tập. Xì-căng-đan Sarah Jeong được nhìn nhận như một phiên bản mới, tàn ác và đậm mùi chính trị hơn nếu so với những cuộc chiến khôi hài trước kia trên Wiki về trò lật cừu, nguồn gốc của bánh Hummus hay Nikola Tesla.
Cho đến tranh cãi về các tôn chỉ hoạt động
Các quy tắc nội bộ trên Wikipedia được xây dựng tương đối chặt chẽ và cụ thể, nhằm hướng dẫn người dùng nhìn nhận nội dung nào phù hợp để đưa vào bài viết, hoặc diễn biến các sự kiện nên được mô tả ra sao. Một điển hình trong số đó là Wikipedia luôn duy trì NPOV (Neutral Point of View – Quan điểm trung lập). Họ coi trọng một số nguồn thông tin nhất định và cố tránh khỏi “Chủ nghĩa hiện tại” – tức sử dụng lăng kính hiện đại để nhìn nhận những sự việc diễn ra trong quá khứ. Họ cũng hình thành một hệ thống các tiêu chuẩn khách quan khi kiểm duyệt những thông tin về một cá nhân nào đó trên Wiki.
Với một cuộc tranh luận chuẩn mực, các quy định trên sẽ được vận dụng để đi đến kết luận liệu một nội dung này có nên xuất hiện trên trang thông tin về Thụy Điển, về bánh rán vòng hay tại tiểu sử của một ai đó. Trong trường hợp này, tranh cãi về Sarah Jeong đã trở thành cuộc chiến của những kẻ giấu mặt về việc có hay không ghi nhận sự tồn tại của các dòng tweet trên.
Một vài biên tập viên cho rằng Wikipedia không nên hoạt động như một trang báo điện tử, cố gắng cập nhật các diễn biến đến từng giây từng phút. Những người khác lại chỉ ra thực tế có rất nhiều nguồn chính thống – trong đó có tiêu chuẩn vàng của cộng đồng Wiki là BBC – vẫn đưa tin về các dòng tweet của Jeong. Cuộc tranh biện về đề tài nóng hổi này đã kéo dài nhiều ngày liên tục trên trang thảo luận. Người dùng cũng tranh cãi về việc có nên gọi thẳng những dòng tweet đó là phân biệt chủng tộc hay dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn (“mang tính kích động” chẳng hạn). Cuối cùng, sau hàng trăm tin nhắn và đề xuất, một kết luận tạm thời cũng được rút ra và đăng tải như dưới đây:
Tháng 8/2018, Jeong được nhận vào ban biên tập của The New York Times và sẽ bắt đầu công việc từ đầu tháng 9 với tư cách một cây viết hàng đầu về công nghệ. Quyết định tuyển dụng này đã châm ngòi cho những phản ứng dữ dội trên truyền thông đại chúng và cả mạng xã hội, xoay quanh các dòng tweet của Jeong về bôi nhọ người da trắng (chủ yếu vào 2013 và 2014). Những người chỉ trích cho rằng các phát ngôn này là phân biệt chủng tộc, trong khi Jeong phát biểu đó chỉ là sự “phản công” mang tính hài hước sau những trải nghiệm của chính cô về việc bị kỳ thị. Jeong cũng chia sẻ cô cảm thấy hối hận khi đã làm điều đó. The Times lên tiếng rằng họ đã xem xét lịch sử hoạt động mạng xã hội của Sarah Jeong trước khi đưa ra quyết định tuyển dụng, và họ không chấp nhận những phát ngôn này.
Và một vị thế mới của cuốn bách khoa thư trực tuyến
Trong khi cộng đồng Wiki có thể dễ dàng tạo nên những cuộc chiến văn hóa dưới dạng các câu lệnh và văn bản, Wikipedia giờ đây đang chiếm một vị thế lạ lùng trong nền công nghiệp truyền thông. Được thành lập trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên .com, Wikipedia là miền đất hứa, cứu rỗi cho sự lạc lối giữa luồng thông tin khổng lồ của xã hội Hoa Kỳ hiện đại.
Wikipedia ra đời vào thời điểm website vẫn là thứ gì đó lạ lẫm và chịu nhiều hoài nghi của xã hội. Cái ý tưởng một đám người lạ mặt không rõ danh tính lại có thể tập hợp một cuốn bách khoa toàn thư tốt hơn cả đội ngũ các chuyên gia nghe có vẻ điên rồ và lố bịch. Bất chấp các phản ứng trái chiều, dự án vẫn tiếp tục với niềm tin mãnh liệt vào “trí tuệ của đám đông” – cụm từ mà khi ấy chẳng ai dám tin khi nhắc đến internet.
Và rồi bất ngờ thay, nó đã đạt thành công rực rỡ! Hơn 10,000 người đã cùng nhau tham gia biên tập. Độ tin cậy của các bài đăng cũng tăng dần đều. Google và cộng đồng người dùng bắt đầu ưa chuộng các liên kết từ Wikipedia hơn các nguồn thông tin khác. Nó là bằng chứng sống cho việc một dự án trí tuệ có thể phát triển ra sao chỉ bằng niềm tin và nỗ lực của từng cá nhân, bất chấp việc chỉ được tổ chức một cách phi tập trung. Giờ đây, Wikipedia đã và đang trở thành thánh đường của internet.
Nói cách khác, nó được xây dựng trên một nền tảng đã không ít lần phải quy hàng trước một internet đầy phù du, tập trung những thành phần ưa phá hoại. Nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại, không bị hủy hoại, mà trái lại ngày càng trở thành nơi tập trung hầu hết hiểu biết của nhân loại về mọi diễn biến trên thế giới.
Khi nhìn qua vị trí của Wikipedia trong gần như mọi kết quả tìm kiếm trên internet, có thể thấy cuốn bách khoa toàn thư mở này đã trở thành địa điểm mặc định mỗi khi người ta cần tìm hiểu thông tin về cá nhân hay sự kiện nào đó. Khi giành chiến thắng trong cuộc chiến biên tập tại Wiki hôm nay, bạn đã góp phần định hình nên thế giới của ngày mai. Nếu những dòng tweet của Jeong được đăng tải và Wikipedia gọi cô ấy là “kẻ phân biệt chủng tộc”, biệt danh đó sẽ xuất hiện trong cuốn tiểu sử trực tuyến nổi tiếng nhất của cô, suốt chặng đường sự nghiệp còn lại.
Những cuộc chiến biên tập trên diễn đàn thảo luận của Wiki vốn đã xuất hiện kể từ khi trang này còn ở thuở sơ khai. Thời ấy, hậu quả của chúng có lẽ không phải là gì quá to tát. Nhưng khi phần còn lại của giới truyền thông dần đánh mất đi vị thế trung lập, tôn chỉ coi trọng tính khách quan của Wikipedia đã trở thành mấu chốt dẫn đến một thành công rực rỡ. Wikipedia giờ đây đóng vai trò như một trọng tài của sự thật, là chốn địa đàng của thời kỳ công nghệ số, mặc cho sự đe dọa của những thế lực ngầm trong giới truyền thông.
Tạm kết: Nhiều người sẽ nghĩ rằng thứ công cụ trực tuyến được xây dựng để giải quyết những bất đồng nhảm nhí về Star Wars thì chẳng thể bảo đảm phúc lợi thông tin cho cả cộng đồng nhân loại. Nhưng thử nghĩ mà xem: Chính trị ngày nay cũng có khác gì một cuộc chiến trong chính cái cộng đồng mục nát của nó? Có lẽ chỉ một hệ thống ghi nhận tất cả những mâu thuẫn trên – như Wikipedia – mới có thể gánh vác trọng trách duy trì thứ thể chế dân chủ mong manh mà chúng ta đang sở hữu bây giờ.
Theo The Atlantic
Vân Anh (biên dịch)